Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/1: Sắc tím nở rộ, VN-Index tăng hơn 36 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 3/1: Sắc tím nở rộ, VN-Index tăng hơn 36 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch đầu năm mới 2023 đã diễn ra đúng như kỳ vọng của nhà đầu tư, khi điểm số tăng vọt, thanh khoản được cải thiện đáng kể và dòng tiền lan tỏa mạnh, dù rằng giá trị giao dịch trên HOSE cũng chưa đạt được đến con số 10.000 tỷ đồng.

Sau phiên sáng tăng khá mạnh, thị trường bước vào phiên chiều tiếp tục đà hưng phấn. Dường như các nhà đầu tư đều muốn "đầu xuôi, đuôi lọt", với kỳ vọng sẽ có một năm mới với nhiều niêm vui mới hơn sau một năm 2022 đáng quên, nên bên bán không muốn đẩy giá xuống, bên mua thì tích cực gom hàng, dù giá tăng.

Với tâm lý đó, phiên giao dịch chiều khởi sắc hơn phiên sáng khi có nhiều mà kéo lên mức trần. Sắc tím và xanh tràn ngập bảng điện tử, xen lẫn ít sắc đỏ giúp bảng điện tử như vườn hoa xuân chào đón năm mới 2023.

Về mặt kỹ thuật, dù thanh khoản không vượt qua ngưỡng 10.000 tỷ đồng, nhưng vẫn tăng mạnh so với tuần giao dịch cuối cùng của năm 2023. Trong khi đó, VN-Index bứt tốc, tăng hơn 36 điểm lên gần 1.045 điểm khi đóng cửa và lần đầu tiên sau 9 phiên chỉ số này vượt qua được ngưỡng MA20. Với tín hiệu tích cực này, VN-Index có thể tạo một sóng tăng ngắn hạn trong những phiên tới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 352 mã tăng (68 mã tăng trần) và 74 mã giảm, VN-Index tăng 36,81 điểm (+3,66%), lên 1.043,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 551,3 triệu đơn vị, giá trị 9.249,4 tỷ đồng, tăng 35% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên cuối cùng của năm 2022. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,1 triệu đơn vị, giá trị 885,8 tỷ đồng.

Cũng như phiên sáng, các nhóm cổ phiếu thép, bất động sản, xây dựng, công ty chứng khoán, nông nghiệp là những nhóm vượt trội trong phiên chiều.

Trong đó, ở nhóm cổ phiếu bất động, sản xây dựng, hàng loạt cổ phiếu lớn nhỏ đã đóng cửa ở mức giá trần.

Cụ thể, hai bluechip là VRE và PDR tăng hết biên độ lên 28.100 đồng và 14.550 đồng, tương tự là các cổ phiếu DIG, LDG, DRH, HDC, HTN, ITC, SCR, TDC, HQC, QCG, LHG, TLD, IJC, DXG, CII, TCD, VCG, NHA, ASM, GEX, PC1, TGG…

Tăng mạnh không kém còn có HPX +6,7% lên 4.910 đồng, SZC +6,7% lên 27.950 đồng, ITA +6,4% lên 4.310 đồng, KHG +5,8% lên 4.390 đồng, NBB +5,4% lên 13.500 đồng, VPH +5,3% lên 4.200 đồng, CTR +5,2% lên 53.000 đồng, các cổ phiếu DXS, SAM, HDG, THG, NTL, NVL, HAR tăng từ 3,6% đến hơn 4,5%.

Trong những mã kể trên, PDR là cổ phiếu hút giao dịch nhất với hơn 14,8 triệu đơn vị khớp lệnh, GEX khớp 12,4 triệu đơn vị, DXG khớp 9,62 triệu đơn vị, VCG khớp 7,7 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thép bùng nổ, với HPG, HSG, NKG, SMC đều đóng cửa tăng kịch trần, TLH +6,1% lên 6.810 đồng, với HPG vươn lên là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất thị trường khi có gần 28 triệu đơn vị khớp lệnh, HSG và NKG khớp hơn 8,7 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu công ty chứng khoán nới đà tăng, với HCM, BSI, FTS, VCI, VIX, SSI, CTS, VND đều khoác áo tím, AGR +6,7% lên 8.000 đồng, VDS +6,1% lên 7.780 đồng, ORS +5,9% lên 9.180 đồng, APG +5,3%, TVB +4,1%.

Trong đó, VND là cổ phiếu thanh khoản tốt nhất với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 23,7 triệu đơn vị, SSI khớp 18 triệu đơn vị, VIX khớp 9,67 triệu đơn vị…

Nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng nới đà tăng, trong đó, BID là đầu tàu khi +6,7% lên 41.200 đồng, TCB +6,2% lên 27.450 đồng, MBB +5,3% lên 18.000 đồng, VIB +4,7% lên 19.900 đồng, SHB +4,5%, STB +4,4%, LPB +4,2%, TPB +4%, ACB +3,7%, VPB +3,6%, HDB +3,4%, VCB +3,3%, CTG +2,8%...Trong đó, SHB, STB và VPB là những cổ phiếu khớp lệnh cao nhất trên sàn, với khối lượng từ hơn 14,6 triệu đến hơn 20,2 triệu đơn vị.

Ở các bluechip, cổ phiếu lớn khác, hai cổ phiếu bất động sản là KDH +5,7% lên 28.000 đồng, VIC +5,6% lên 56.800 đồng cũng là những mã tăng tốt nhất, cùng FPT +4% lên 80.000 đồng, PLX +3,9%, GAS +3,4%, MSN +3,2%, VNM +3,2%, VHM +2,9%...

Ở những nơi khác, sắc tím còn hiện diện tại một số cổ phiếu thuộc các nhóm ngành nông nghiệp, logistics, bán lẻ như CMX, FMC, TSC, ANV, IDI, PET, ACL, DBC…và tăng tốt khác còn tại PAN +6,4%, NAF +6,3%, DGW +6%, GIL +6%, BAF +5,4%...

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng dần tịnh tiến và đạt mức cao nhất ngày khi đóng cửa nhờ nhiều cổ phiếu lớn, nhỏ đua nhau tăng mạnh.

Chốt phiên, sàn HNX có 146 mã tăng (36 mã tăng trần) và 42 mã giảm, HNX-Index tăng 7,26 điểm (+3,53%), lên 212,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 66,6 triệu đơn vị, giá trị 840,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,72 triệu đơn vị, giá trị 38,5 tỷ đồng.

Hầu hết các cổ phiếu thanh khoản cao đều đã đóng cửa ở mức giá trần, có thể kể đến như SHS, MBS, APS ở nhóm công ty chứng khoán, các mã CEO, HUT, IDJ, MBG, TIG, L14, LIG ở nhóm bất động sản, xây dựng…

Ngoài ra, các cổ phiếu TAR, PLC, BCC, BII, VGS, PVL, TDT, KVC, API, HHG, DVG cũng đóng cửa trong sắc tím.

Phần còn lại, cũng đều tăng mạnh như PVS +4,7% lên 22.400 đồng, IDC +8,2% lên 34.300 đồng, PVC +6,7% lên 12.800 đồng, NRC +4,7% lên 4.500 đồng…

Phiên này, thanh khoản cao nhất sàn là SHS với 23,72 triệu đơn vị, tiếp theo là CEO với 5,98 triệu đơn vị, PVS khớp 3,59 triệu đơn vị, MBS khớp 3,07 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu mở rộng đà tăng cũng đã giúp UpCoM-Index nhích dần lên và đóng cửa ở ngay gần sát mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,76 điểm (+1,06%), lên 72,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,8 triệu đơn vị, giá trị 376 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,33 triệu đơn vị, giá trị 32,1 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bật hẳn lên có VHG, G36, VFS, PFL, CEN, AAS khi đều tăng kịch trần. Trong khi đó, BSR +6,8% lên 14.100 đồng và vẫn là cổ phiếu hút thanh khoản nhất với 9,92 triệu đơn vị khớp lệnh.

Hai cổ phiếu theo ngay sau là C4G và SBS với 3,5 triệu và 3,03 triệu đơn vị cũng tăng rất mạnh, với C4G +12,8% lên 10.600 đồng, SBS +12,2% lên 5.500 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều đảo chiều tăng, trong đó, VN30F2301 đáo hạn gần nhất đã tăng tới 41 điểm, tương đương +4,08% lên 1.045,5 điểm, khớp lệnh hơn 318.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 48.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này có hai cổ phiếu khớp lệnh cao nhất là CHPG2221 với 2,13 triệu đơn vị và CTCB2213 với 1,61 triệu đơn vị và cả hai đều tăng mạnh.

Trong đó, CHPG2221 tăng 66,7% lên 100 đồng/cq và CTCB2213 tăng 25% lên 50 đồng/cq.

Tin bài liên quan