Giao dịch chứng khoán phiên chiều 30/9: Thiếu động lực, thị trường giao dịch cầm chừng

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 30/9: Thiếu động lực, thị trường giao dịch cầm chừng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản sụt giảm, giao dịch khá ảm đạm khiến thị trường có một phiên gần như chỉ đi ngang trong biên độ hẹp. Điểm nhấn đến từ đầu phiên sáng là việc nhà đầu tư ồ ạt mua trở lại nhóm cổ phiếu Louis.

Diễn biến giao dịch nhàm chán, lình xình của thị trường từ nửa sau của phiên sáng do sự thận trọng của nhà đầu tư tiếp diễn sang phiên chiều cho đến khi đóng cửa. VN-Index gần như chỉ đi ngang ở mức trên tham chiếu với biên độ tăng thấp.

Đây cũng là phiên giao dịch kết thúc quý III/2021, là ngày cuối cùng để các quỹ đầu tư chốt NAV, tuy nhiên, biến động mạnh đã không xảy ra, kể cả trong phiên ATC.

Trong 3 phiên liên tiếp trở lại đây, thị trường đều tăng điểm nhẹ nhờ lực bán ra tiết giảm, nhưng phía ngược lại là sức mua yếu dần nên biên độ tăng điểm của VN-Index cũng giảm liên tục, nếu phiên 28/9 thị trường tăng trên 14 điểm thì 2 phiên trở lại đây chỉ số gần như có mức đóng cửa chỉ nhỉnh hơn một chút so với mức giá mở cửa.

Nếu nhìn vào diễn biến giao dịch 3 phiên gần, vẫn có nhiều điểm sáng chẳng như phiên hôm nay nhóm cổ phiếu phân bón tiếp tục có mức tăng điểm ấn tượng với DCM chốt phiên ở mức giá trần, nhóm cổ phiếu liên quan tới ngành cơ sở hạ tầng vẫn có mức tăng tốt... Nhìn tổng thể thị trường thì số mã tăng điểm vẫn lớn hơn mã giảm điểm, cơ hội vẫn dành cho nhiều nhóm cổ phiếu khác nhau.

Nhưng bên cạnh đó vẫn có những dấu hiệu cần phải thận trọng.

Đầu tiên và đáng kể nhất vẫn là thanh khoản, cả 3 phiên gần đây thanh khoản sụt giảm đáng ngại, nhất là trong phiên hôm nay giảm có khối lượng giao dịch thấp nhất trong 2 tháng kể từ phiên 28/7. Về lý thuyết, khi thị trường có thanh khoản thấp là chỉ báo thị trường tạo đáy vì lượng bán ra cạn kiệt, tuy nhiên điều này chỉ đúng khi thị trường đang trong xu hướng giảm chẳng hạn như giai đoạn đầu tháng 2/2021 và nửa cuối tháng 7/2021. Còn thời điểm hiện tại, thị trường vẫn trong giai đoạn đi ngang trong biên độ hẹp suốt cả tháng 9/2021, sự co hẹp thanh khoản chưa hẳn đã mang ý nghĩa như trên.

Ngoài ra, kết quả kinh doanh quý III của doanh nghiệp sắp được công bố vẫn là ẩn số, những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh không tốt chắc chắn giá cổ phiếu sẽ chịu tác động bất lợi. Trong đó, nhóm ngân hàng phải kể tới đầu tiên vì rủi ro nợ xấu đã hiện hữu, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ và trích lập dự phòng có thể khiến số liệu quý 3 chưa giảm mạnh nhưng lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã xác nhận khó khăn của các ngân hàng sẽ kéo dài sáng cả năm 2022 bởi độ trễ tác động. Ngoài ra, số liệu mới nhất thì khả năng tháng 9 này dư nợ tín dụng đã giảm so với tháng trước chắc chắn tác động tới thu nhập ngắn hạn của nhiều ngân hàng.

Về mặt kỹ thuật thì chính nhóm ngân hàng là tác nhân chính kéo chậm đà tăng điểm của thị trường 3 phiên gần đây. Trong phiên hôm nay VCB, BID, VIB là 3 mã ngân hàng đóng góp lớn nhất trong việc níu kéo thị trường. Điểm số kết thúc phiên ngày hôm nay chỉ tăng nhẹ tạo thành mẫu hình nến Doji với bóng trên dài là một chỉ báo đảo chiều đà tăng, VN-Index ngày hôm nay cũng không vượt thành công đường MA20, là những chỉ báo kỹ thuật cần quan tâm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 225 mã tăng và 143 mã giảm, VN-Index tăng 2,85 điểm (+0,11%), lên 1.342,06 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 476,9 triệu đơn vị, giá trị 15.185,9 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 38,6 triệu đơn vị, giá trị 1.970,3 tỷ đồng.

Trong tháng 9 này, chỉ số VN-Index tăng 10,59 điểm, tương đương +0,79%, còn trong quý III, VN-Index cũng chỉ tăng 14,01 điểm, tương ứng +1,05%.

Phiên này, nhóm bluechip phân hóa, với rổ VN30 có 13 mã tăng, 11 mã giảm cùng VNM, NVL, MWG, KDH, HDB, CTG đứng tham chiếu.

Nổi bật nhất là PNJ, khi nới rộng đà tăng và là đầu tàu của cả nhóm, kết phiên +5,8% lên 98.700 đồng, khớp hơn 1,78 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó là VRE +2,8% lên 29.100 đồng, trong khi VIC, SSI, MSN nhích hơn 1% và các sắc xanh nhạt khác tại MBB, TPB, TCB, ACB, VHM, BVH…

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu giảm sâu nhất là nhóm ngân hàng VCB -1,3% xuống 97.200 đồng và BID -1,1% xuống 39.450 đồng. Giảm nhẹ còn HPG, PLX, VJC, POW, VPB, SAB, STB…

Giao dịch đáng kể nhất tại HPG khi khớp lệnh vượt trội với 23,1 triệu đơn vị, STB khớp được hơn 10 triệu đơn vị, POW khớp hơn 9,27 triệu đơn vị, VPB khớp 6,8 triệu đơn vị, CTG khớp 6,7 triệu đơn vị…

Ở nhóm vừa và nhỏ, dòng tiền phân hóa và chỉ tập trung vào một số cổ phiếu đầu ngành thuộc các cổ phiếu phân bón như DCM tăng kịch trần +6,9% lên 26.450 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau HPG trên sàn với hơn 10,5 triệu đơn vị, DPM +3,8% lên 36.800 đồng, khớp 9,38 triệu đơn vị, BFC +3,9% lên 34.250 đồng, khớp 0,82 triệu đơn vị.

Ở nhóm vận tải, logistics là TMS tăng kịch trần lên 67.400 đồng, HAH +4,5% lên 63.300 đồng, VSC +3,7% lên 61.000 đồng, VNL +2,4% lên 29.400 đồng, trong khi VOS chỉ nhích nhẹ 1,3%.

Nhóm cổ phiếu bán lẻ kỹ thuật số, ngoài MWG chững lại thì hai mã lớn khác đều tăng tốt với DGW +4,9% lên 118.700 đồng, khớp gần 1 triệu đơn vị, FRT +4,7% lên 47.550 đồng, khớp 3,73 triệu đơn vị.

Nhóm Louis còn TDH, APG giữ vững giá trần tại12.050 đồng và 18.700 đồng, khớp 4,4 triệu và 1,35 triệu đơn vị. Trong khi AGM +2,5% lên 36.500 đồng, còn TGG giảm 2,7% xuống 50.800 đồng.

Phần còn lại phân hóa và đa số chỉ dao động với biên độ giá hẹp như ở nhóm xây dựng, bất động sản là TCH, DLG, SCR, HQC, ROS, LDG, PC1, IJC, DRH, BCG…khớp từ 2,2 triệu đến 9,72 triệu đơn vị và đóng cửa tăng.

Còn ITA, FIT, KBC, HBC, LCG, IDI, FCN, HDG kết phiên giảm, với ITA khớp hơn 6,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương tự, khi HNX-Index gần như ít biến động trong suốt cả phiên chiều, đóng cửa tăng nhẹ.

Giao dịch tại HNX có phần tích cực hơn ở nhóm cổ phiếu lớn, hay những cổ phiếu vừa và nhỏ có thanh khoản tốt.

Trong đó, đầu tàu SHB +2,3% lên 26.600 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 10,39 triệu đơn vị.

PVS đảo chiều thành công, tăng 1,4% lên 28.300 đồng, LAS +2,7% lên 18.700 đồng, DL1 +6% lên 10.600 đồng, CEO +3% lên 10.300 đồng, TNG +2,6% lên 27.200 đồng.

Các mã khác như SHS, KLF, IDJ, HUT, MBG, NDN, NVB cũng đóng cửa trên giá tham chiếu.

Nhóm cổ phiếu anh em nhà Louis là BII, VKC, SMT đều giữ mức giá trần tại 17.800 đồng, 18.300 đồng và 25.800 đồng, với BII khớp được tới hơn 3,4 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HNX có 130 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index tăng 3,03 điểm (+0,86%), lên 357,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 90,7 triệu đơn vị, giá trị 1.913,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 24,5 triệu đơn vị, giá trị 616,5 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index phần lớn thời gian phiên chiều cũng lình xình, nhưng bất ngờ có nhịp nảy ở những phút cuối, đưa chỉ số lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt chỉ số là BSR +1% lên 19.800 đồng, khớp 13,54 triệu đơn vị, VGT +5,3% lên 19.900 đồng, khớp 4,64 triệu đơn vị.

Cổ phiếu DDV tương tự như nhiều cổ phiếu dòng Louis, khi giữ giá trần +15% lên 29.900 đồng, khớp 0,78 triệu đơn vị.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,63 điểm (+0,65%), lên 96,56 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60 triệu đơn vị, giá trị 1.200 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,82 triệu đơn vị, giá trị 80,3 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đã đóng cửa tăng, với VN30F2110 tăng 2,8 điểm (+0,19%), lên 1.452 điểm, khớp hơn 183.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 39.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa cũng khá mạnh, với CPNJ2105 phiên này giao dịch sôi động nhất với hơn 1,9 triệu đơn vị khớp lệnh, tăng mạnh 27% lên 2.260 đồng/cq.

Còn hai mã theo sau với hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh là CFPT2105 và CHPG2111 đều kết phiên giảm.

Tin bài liên quan