Thực tế, STB đã giao dịch rất tích cực ngay khi mở cửa phiên hôm nay và dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường trong phiên sáng với mức khớp gần 47 triệu đơn vị, tăng gần 4% lên 19.950 đồng.
Song dường như sự tích cực của STB bị lu mờ trước sự ấn tượng của nhóm cổ phiếu penny, khi nhóm cổ phiếu tiếp tục hút rất mạnh dòng tiền, giúp duy trì sự hưng phấn trên thị trường trước các nhịp rung lắc mạnh, trong đó nổi bật nhất chính là “phong độ” ổn định của các cổ phiếu họ FLC.
Tuy nhiên, bước sang phiên chiều, STB bỗng dưng như thỏi nam châm hút tiền, bao nhiêu cổ phiếu được đưa vào thì bấy nhiêu cổ phiếu lập tức được giao dịch, mỗi đợt khớp lên tới hàng triệu đơn vị và điều đáng nói là sự bùng nổ diễn ra chỉ trong 1 tiếng giao dịch từ 13h đến 14h.
Sự bùng nổ đến ngỡ ngàng giúp STB ghi nhận phiên giao dịch kỷ lục kể từ khi niêm yết trên thị trường chứng khoán từ năm 2016 đến nay với 99,978 triệu đơn vị được khớp lệnh cùng mức giá tăng kịch biên độ (+7%) lên 20.500 đồng, bên bán trắng lệnh và còn dư mua trần hơn 6 triệu đơn vị, vượt mặt nhóm cổ phiếu họ FLC trở thành “kép chính” trong phiên hôm nay.
Đóng cửa, với 270 mã tăng và 165 mã giảm, VN-Index tăng 10,68 điểm (+0,91%) lên 1.186,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 780,73 triệu đơn vị, giá trị 16.948,08 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên 29/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 73,1 triệu đơn vị, giá trị gần 2.416 tỷ đồng.
Sự tích cực của STB đã lan tỏa sang các cổ phiếu ngân hàng khác. Trong đó, “tân binh” SSB chính thức có phiên tăng trần thứ năm liên tiếp, lên mức 26.350 đồng và khớp gần 1,9 triệu đơn vị, và còn dư mua giá trần hơn 1,1 triệu đơn vị
Các mã CTG, TCB, HDB, VPB, MBB… cũng đều tăng tốt với đa phần tăng trên 1%, khớp lệnh từ 4-13 triệu đơn vị.
Nhiều mã bluechips cũng đã khởi sắc hơn, hỗ trợ vững chắc đà tăng của VN-Index như BVH +1,4% lên 60.000 đồng, MSN +2,8% lên 88.500 đồng…
Cổ phiếu TCH tuy có phần hạ nhiệt về cuối phiên, nhưng thanh khoản vẫn khá tích cực với hơn 4,3 triệu đơn vị được khớp.
Ở chiều ngược lại, REE và VRE vẫn là 2 mã giảm mạnh nhất, nhưng so với phiên sáng mức giảm cũng đã nhẹ hơn. Diễn biến này cũng diễn ra tại các mã VCB, FPT, PLX…
Tại nhóm cổ phiếu thị trường, các mã họ FLC như FLC, ROS, AMD, HAI vẫn duy trì sắc tím, nhưng giao dịch đã chững hẳn lại khi bên bán gần như không ra hàng.
Kết phiên, FLC khớp hơn 47,85 triệu đơn vị và dư mua giá trần hơn 21,6 triệu đơn vị. ROS khớp hơn 41,39 triệu đơn vị, dư mua giá trần hơn 6,85 triệu đơn vị. AMD và HAI khớp lần lượt 14,4 triệu và 11,5 triệu đơn vị.
DLG cũng tăng hết biên độ +7% lên 2.300 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau FLC và ROS với hơn 19 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 2,5 triệu đơn vị.
Mã HAP đã thu hẹp đáng kể đà giảm từ mức sàn chỉ còn giảm 0,9% khi đóng cửa, về mức 16.500 đồng và khớp hơn 4 triệu đơn vị.
Cổ phiếu TDP đi ngược thị trường khi giảm 5,1% về 27.900 đồng và cũng là phiên giảm thứ 3 liên tiếp, khớp lệnh 194.100 đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index đã không còn rung lắc mạnh như phiên sáng, đà tăng ổn định hơn khi giao dịch tăng cao.
Đóng cửa, với 109 mã tăng và 168 mã giảm, HNX-Index tăng 4,98 điểm (+1,8%) lên 281,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 169,14 triệu đơn vị, giá trị 2.782,93 tỷ đồng, tương đương về khối lượng, nhưng tăng 10% về giá trị so với phiên 29/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,44 triệu đơn vị, giá trị gần 233 tỷ đồng.
SHB vẫn là mã tích cực nhất trên HNX khi tăng trần lên 23.500 đồng (+9,8%), khớp lệnh 44,8 triệu đơn vị.
Các mã PVS, NVB, SHS không tăng mạnh, nhưng đều có thanh khoản tốt từ 5-10 triệu đơn vị.
Một số mã nhỏ như ART, VIG, ACM, ITQ… giữ vững sắc tím, thanh khoản từ 3-10 triệu đơn vị.
KLF phiên này tăng 7,1% lên 4.300 đồng, khớp lệnh thứ 2 sàn HNX với 15,38 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index đã đảo chiều thành công khi giao dịch tích cực hơn trong phiên chiều.
Đóng cửa, với 174 mã tăng và 105 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (+0,14%) lên 80,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 59,44 triệu đơn vị, giá trị 1.123,1 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 43% về giá trị so với phiên 29/3. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 341 tỷ đồng.
BSR là mã dẫn dầu thanh khoản với xấp xi 10 triệu đơn vị được sang tên, nhưng giảm -1,6% xuống 16.500 đồng.
Một số mã trong nhóm thanh khoản cao từ 1 triệu đơn vị trở lên tăng điểm là KSH, ABB, VHG, BVB, PVV, C4G, ATB…, trong đó KSH, PVV và ATB tăng trần. KSH khớp 4,1 triệu đơn vị, đứng sau BSR, đạt mức giá 2.500 đồng.
Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng điểm và 1 hợp đồng giảm điểm. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 là VN30F2104 tăng 0,76% lên 1.191,2 điểm với 130.595 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở đạt 28.590 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, mã chứng quyền CSTB2007 dẫn đầu thanh khoản với 1.399.500 đơn vị được khớp lệnh và kết phiên tăng trần lên 481 đồng/CQ (15,63%). Tiếp theo đó là CVNM2013 khớp 1.308.400 đơn vị và giảm 33,33% về 20 đồng/CQ.