Giao dịch chứng khoán phiên chiều 30/11: Dòng tiền tham lam giúp VN-Index tiếp tục bay cao

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 30/11: Dòng tiền tham lam giúp VN-Index tiếp tục bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK)  Dù chịu nhiều sức ép trước áp lực chốt lời ngắn hạn, nhưng bên nắm giữ tiền mặt không còn tâm lý chờ đợi như trước, mà tự tin xuống tiền, giúp VN-Index vượt qua thử thách, chinh phục các đỉnh cao mới. Đúng là khi niềm tin trở lại, mọi việc đều được giải quyết một cách dễ dàng.

Trong phiên sáng, thị trường gặp rung lắc khi nhiều nhà đầu tư bắt đáy tuần trước hiện thực hóa sớm lợi nhuận. Đây là điều dễ hiểu khi nhiều cổ phiếu đã có mức hồi phục 30 - 40%, thậm chí 60% từ đáy xác lập trong phiên 16/11. Trong bối cảnh thị trường nhiều yếu tố bất định như vừa qua, thì đây là mức lợi nhuận không tưởng, thậm chí chỉ còn 10 - 20% cũng là lớn nhiều nhà đầu tư, giúp bù đắp đi phần nào thiệt hại trước đó.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu giờ đây đã thay đổi 180 độ so với trước đó 2 tuần. Không còn tâm lý thận trọng chờ đợi, hoặc hoảng hốt bán theo kéo thị trường đảo chiều, thay vào đó là sự tự tin, xuống tiền mua vào với kỳ vọng vào đợt sóng cuối năm. Do vậy, nhiều cổ phiếu điều chỉnh trước áp lực chốt lời đã nhanh chóng xanh trở lại ngay trong phiên, VN-Index cũng chỉ có các phiên điều chỉnh nhẹ rồi nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh, thậm chí lấy lại đà tăng ngay trong phiên như phiên hôm nay.

Thanh khoản thị trường tiếp tục duy trì ở mức cao với khối lượng giao dịch trung bình 3 phiên đầu tuần này khoảng 1 tỷ đơn vị/phiên. Với khối lượng này, nếu so với mức giá đầu năm, tổng giá trị giao dịch phải lên tới khoảng 50.000 tỷ đồng.

Dường như nhà đầu tư đang kỳ vọng nhiều vào việc cơ quan quản lý sẽ có các giải pháp cụ thể để giải cứu thị trường, giải quyết bài toán thanh khoản ở nhiều doanh nghiệp cũng như thị trường sau cuộc họp của Bộ Tài chính với một số công ty chứng khoán, doanh nghiệp phát hành trái phiếu diễn ra trong tuần trước. Trong đó, vấn đề được chờ đợi là Nghị định 65 sẽ được sửa đổi theo hướng dễ thở hơn cho các nhà phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ở bên ngoài, nhiều nhà phân tích dự báo, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ hạ nhiệt đà tăng lãi suất, qua đó giảm bớt áp lực rút tiền của các nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường mới nổi và cận biên, trong đó có thị trường Việt Nam.

Thực tế, trong thời gian qua, trước làn sóng bán giải chấp ồ ạt khiến hàng loạt mã lao dốc, nhà đầu tư nước ngoài đã mạnh tay giải ngân với giá trị mua ròng hàng chục tỷ đồng trong 3 tuần qua.

Các thông tin và động thái của nhà đầu tư nước ngoài, cùng kỳ vọng thị trường thường có các đợt sóng cuối năm khi các quỹ “làm đẹp” NAV, lấy điểm với nhà đầu tư, đối tác, nên các nhà đầu tư tự tin xuống tiền, giúp VN-Index có chuỗi hồi phục ấn tượng, vượt qua nhiều ngưỡng kháng cự mà chỉ 2 tuần trước thị trường khó có thể nghĩ đến. Đúng là khi niềm tin đã trở, thì mọi thứ đều có thể xảy ra.

Trở lại với phiên giao dịch chiều nay, sau ít phút rung lắc đầu phiên do dư âm của lực bán cuối phiên sáng, lực cầu đã chảy mạnh kéo hàng loạt mã quay đầu hoặc nới đà tăng, sắc xanh chiếm thế áp đảo trên bảng điện tử và VN-Index được đẩy thẳng lên mức cao nhất ngày, lên sát mốc 1.050 điểm, vượt qua đường MA50 và ra ngoài phía trên dải bollinger. Đây là mức điểm cao nhất trong tháng 11 của VN-Index.

Chốt phiên, VN-Index tăng 16,26 điểm (+1,58%), lên 1.048,42 điểm với 350 mã tăng (36 mã trần, gấp đôi so với phiên sáng), trong khi số mã giảm chỉ còn 105 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 1.143 triệu đơn vị, giá trị 17.764 tỷ đồng, giảm nhẹ so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 186,9 triệu đơn vị, giá trị 3.418 tỷ đồng. Trong tháng 11, VN-Index tăng 20,48 điểm, tương đương gần 2%, đóng cửa ở mức cao nhất tháng, chấm dứt chuỗi 3 tháng giảm mạnh liên tiếp. Đây cũng là tháng có thanh khoản cao nhất trong 3 tháng.

Về các nhóm ngành, gần như các nhóm ngành đều lấy lại phong độ trong phiên chiều. Trong đó, trong nhóm bất động sản, các mã NVL, PDR, DXG, ITA, KDH không còn gây nhiều chú ý khi lực cung không còn nhiều, nên vẫn an vị ở mức trần như phiên sáng. Trong khi đó, lượng dư bán còn lại của HPX trong phiên sáng đã nhanh chóng được hấp thụ hết trong phiên chiều, giúp thanh khoản tăng lên 165,3 triệu đơn vị, và còn dư mua trần tới hơn 5,2 triệu đơn vị.

Ngoài các mã trên, phiên chiều còn ghi nhận sự trỗi dậy của DIG, HQC, KHG, DRH, LGL, NVL, NHA, HDG…, hay LDG. Trong đó, DIG sau khi đứng vững trước áp lực chốt lời của phiên sáng, phiên chiều đã “bốc đầu” trên trần 15.800 đồng với thanh khoản gần 21,5 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới 5,8 triệu đơn vị. HQC cũng leo trần 2.640 đồng, khớp 11,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần 1,6 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, VIB cũng tăng kịch biên độ lên 20.250 đồng, khớp 11,7 triệu đơn vị. STB cũng đảo chiều tăng 1,3% lên 20.000 đồng, dù phiên sáng là mã giảm mạnh nhất nhóm khi mất hơn 2%. Các mã tăng mạnh khác có EIB tăng 5,8% lên 22.000 đồng, VPB tăng 4% lên 16.800 đồng; TCB, TPB tăng 2,8% lên 25.900 đồng và 2,3% lên 22.000 đồng. Mã đầu ngành là VCB cũng tăng 1,5% lên 81.000 đồng. Nhóm này chỉ còn 3 sắc đỏ nhạt tại ACB, SHB và CTG, cùng LPB đứng giá tham chiếu.

Trong đó, STB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 25,5 triệu đơn vị, tiếp theo là SHB khớp 24,2 triệu đơn vị, VPB khớp 23,3 triệu đơn vị, LPB, MBB, TPB khớp trên dưới 13 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán ngoài APG của phiên sáng, có thêm CTS cũng đóng cửa phiên với sắc tím khi đóng cửa ở mức trần 11.000 đồng. Ngoài ra, VND cũng tăng mạnh 6,3% lên 13.600 đồng, khớp 36,2 triệu đơn vị, cao nhất nhóm. SSI cũng tăng 1,6% lên 19.250 đồng, khớp 29,6 triệu đơn vị. Nhóm này cũng chỉ có 2 sắc đỏ nhạt.

Trong nhóm thép cũng chỉ còn 2 mã giảm nhẹ, còn lại đều tăng, trong đó HPG tăng 5,8% lên 18.400 đồng, mức cao nhất ngày, khớp 57,7 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPX. HSG cũng lấy lại đà tăng 3,2% lên 11.250 đồng, khớp 13,6 triệu đơn vị….

Nhiều nhóm ngành khác cũng có mức tăng tốt như BCG tăng trần lên 7.060 đồng, khớp 9,6 triệu đơn vị.

Trong khi đó, HNX lại giao dịch khá yếu trong phiên chiều khi lình xình sát mốc tham chiếu và đóng cửa với mức tăng nhẹ.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,56 điểm (+0,27%), lên 208,79 điểm với 123 mã tăng (31 mã trần) và 60 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,6 triệu đơn vị, giá trị 1.098,9 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 37,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng không đáng kể.

Trên sàn này, trong top các mã có thanh khoản tốt nhất không có nhiều thay đổi so với phiên sáng, điều khác biệt là các mã nới rộng đà tăng. Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 25,3 triệu đơn vị và đóng cửa ở tham chiếu 8.800 đồng, trong khi phiên sáng giảm 2,3%. Trong đó đó, CEO tăng vọt lên kịch trần 18.200 đồng, khớp 7,66 triệu đơn vị và còn dư mua trần. PVS tăng 0,5% lên 21.200 đồng, khớp 6,7 triệu đơn vị. IDC tăng 2,9% lên 36.000 đồng, khớp 4,36 triệu đơn vị. IDJ khớp 3,15 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 9.400 đồng…

Sàn UPCoM có diễn biến khá giống HOSE khi có nhịp giảm đầu phiên, sau đó bứt lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,49 điểm (+0,70%), lên 70,87 điểm với 206 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,8 triệu đơn vị, giá trị 489,6 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 16,6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 98 tỷ đồng.

Trên thị trường này, BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 7 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 3,5% lên 14.800 đồng, cao nhất ngày.

VHG khớp 5,16 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,2% lên 2.500 đồng. SBS tăng 7,1% lên 6.000 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn có 5 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó chỉ duy nhất DDV giảm giá, còn lại đều tăng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng thấp hơn. Cụ thể, VN30-Index tăng 20,17 điểm (+1,96%) lên 1.049,21 điểm, còn hợp đồng đáo hạn tháng 12 tăng 12,4 điểm (+1,2%), lên 1.027,9 điểm với 403.694 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 47.433 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, trong đó CPDR2204 do KIS phát hành tăng 150% lên 30 đồng, thanh khoản 125.600 đơn vị. Có 6 mã khác tăng 100%, nhưng thanh khoản thấp. Trong khi đó, có 4 mã giảm kịch sàn, mất 50% giá trị, nhưng thanh khoản cũng không cao.

Hôm nay có 10 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó có 2 mã có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị là CHPG2221 do SSI phát hành và CVHM2212 do VND phát hành. Các mã còn lại trong top thanh khoản đều do SSI phát hành, cùng 1 mã do KIS phát hành.

Tin bài liên quan