Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/9: Xả hàng cuối phiên, VN-Index thủng đáy của năm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/9: Xả hàng cuối phiên, VN-Index thủng đáy của năm

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Nhiều nhà đầu tư mua vào nửa đầu phiên sáng cảm giác bị rơi vào bẫy bulltrap khi thị trường bị "nhấn chìm" trong nửa cuối phiên chiều, đẩy VN-Index phá đáy của năm 2022, về mức thấp nhất 1 năm rưỡi.

Thêm một ngày xấu đối với thị trường, khi áp lực bán chưa có dấu hiệu dừng lại, nhịp tăng của phiên sáng dường như là cái bẫy tăng giá (bulltrap) được giăng ra để nhiều "tay to" có thể thoát hàng.

Với việc VN-Index test thành công ngưỡng hỗ trợ ở mức đáy của năm trong phiên hôm qua, cùng với việc thị trường chứng khoán thế giới hồi phục và đặc biệt là thông tin kinh tế vĩ mô quý III và 9 tháng khởi sắc, dường như đã tạo ra những lý do không thể tốt hơn về kỳ vọng thị trường sẽ hồi phục trở lại.

Điều này tưởng như thành hiện thực khi VN-Index được kéo khá mạnh ngay khi mở cửa phiên sáng nay, lên sát mốc 1.160 điểm. Tuy nhiên, niềm tin vào thị trường rất yếu khi lực cầu không tham gia ngay cả khi thông tin vĩ mô khởi sắc được công bố. Thiếu đi dòng tiền, VN-Index đuối dần và thu hẹp đà tăng, chỉ còn giữ sắc xanh nhạt khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Bước vào phiên giao dịch chiều, lực cung gia tăng trong khi bên nắm giữ tiền mặt không vội vàng khiến VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu. Thị trường sau đó giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong gần 1 tiếng đồng hồ với giao dịch diễn ra chậm. Tuy nhiên, từ thời điểm 14h20, lực cung bất ngờ tung vào ồ ạt ở những nhóm cổ phiếu đầu tư công, nông nghiệp, sau đó lan rộng dần đã đẩy VN-Index xuyên thủng đáy của năm (1.142 điểm), lùi về ngưỡng 1.133 điểm khi kết thúc đợt khớp lệnh liên tục. Đây cũng chính là những cổ phiếu bị bán mạnh và đồng loạt giảm sàn trong phiên hôm qua.

Chưa dừng lại ở đó, trong đợt khớp lệnh xác định giá đóng cửa (ATC), lực cung gia tăng mạnh thêm kéo theo nhiều mã khác giảm kịch sàn, nhiều trụ cột cũng nới rộng đà giảm, đẩy VN-Index tiếp tục lao dốc, để mất hơn 17 điểm về 1.126 điểm khi đóng cửa, mốc điểm thấp nhất ngày và là ngưỡng thấp nhất kể từ những phiên đầu tháng 2/2021. Tính từ mức đỉnh của ngày, VN-Index mất khoảng 34 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 118 mã tăng và 347 mã giảm (22 mã giảm sàn), VN-Index giảm 17,55 điểm (-1,53%), xuống 1.126,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 491,47 triệu đơn vị, giá trị 11.232,8 tỷ đồng, giảm gần 7% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 75,4 triệu đơn vị, giá trị 2.072,8 tỷ đồng.

Các trụ cột phiên sáng đều thu hẹp đáng kể đà tăng, hoặc lùi bước, điển hình như GAS, từ mức tăng 3,6% đã chỉ còn +1% lên 105.000 đồng khi đóng cửa.

Các cổ phiếu FPT, KDH, MSN, VNM nhích trên dưới 2%, thì chỉ còn VNM +1,3%, còn lại đều đảo chiều giảm, trong đó, MSN -2,1% xuống 100.000 đồng, FPT và KDH giảm 1,3% và 1,5%.

Các sắc xanh khác chỉ còn VRE +1,3%, PDR +1%, NVL +0,7% và TPB nhích nhẹ 0,2%.

Trái lại, nhiều cổ phiếu đảo chiều giảm, thậm chí giảm mạnh, như GVR -5,9% xuống 20.900 đồng, VIC -5% xuống 54.600 đồng và là lực cản lớn nhất với chỉ số khi kéo lùi 2,7 điểm với VN-Index.

Giảm điểm khác ở các bluechip còn ở nhóm tài chính với BVH -4,5% xuống 53.500 đồng, CTG -3%, STB -3%, VIB -2,9%, VPB -2,7%, SSI -2,3%, trong khi POW -2,3%.

Các cổ phiếu SAB, HPG, VHM, TCB, MBB, VCB, MWG, PLX may mắn chỉ giảm nhẹ từ 0,1% đến 1,6%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dễ dàng nhận thấy nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất chiếm đa số là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, với hàng loạt những cái tên quen thuộc như DXG, BCM, CTD, DXS, HDC, HHV, TGG, VCG, FCN, FDC, IDJ, TCD, CTI, trong đó, VCG thanh khoản đứng hai trên sàn HOSE với 12,65 triệu đơn vị, các cổ phiếu khác cũng thuộc top khớp lệnh cao nhất sàn, từ 0,87 đến hơn 10,8 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác ở nhóm này còn khá nhiều mã, như LHG -6,5% xuống 26.100 đồng, HBC -6,3% xuống 17.000 đồng, BCG -5,8% xuống 12.100 đồng, DPG -5,7% xuống 36.500 đồng, VPH -5,4% xuống 7.000 đồng, CKG -5,2% xuống 27.500 đồng, SZC -5,2% xuống 40.100 đồng, HHS -5,1% xuống 5.900 đồng…

Cùng nằm sàn khác còn một số cổ phiếu điện, hóa chất, dịch vụ, khai thác, thủy sản, nông nghiệp như NT2, VSH, DGC, DCM, KSB, BMC, PAN, IDI, CMX, ANV…

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng nằm trong số những nhóm ngành giảm sâu, ngoài VIX nằm sàn tại 9.300 đồng thì VCI -6,5% xuống 28.800 đồng, HCM -6,3% xuống 24.550 đồng, CTS -6% xuống 15.600 đồng, AGR -3,9% xuống 9.800 đồng, FTS -3,6% xuống 29.700 đồng, các cổ phiếu APG, VND, giảm 1,5% và 2,2%, VDS may mắn chỉ giảm nhẹ 0,9%, trong khi đó, ORS và BSI là hai cổ phiếu ngược dòng, với mức tăng 2,1% và 1,7%.

Thanh khoản toàn sàn HOSE cao nhất là HAG với 21,69 triệu đơn vị, giá cổ phiếu giảm 1,2% xuống 12.400 đồng, cổ phiếu liên quan là HNG -2,5% xuống 5.450 đồng, khớp 4,63 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, NBB vẫn duy trì được sắc tím khi kết phiên +6,9% lên 19.450 đồng, khớp hơn 2,98 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác còn có EIB, khi ngược dòng nhóm ngân hàng, tăng mạnh 5% lên 36.750 đồng, khớp 2,8 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng bị tác động bởi lực bán mạnh ở nửa sau của phiên chiều, lao dốc về vùng thấp nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, sàn HNX có 67 mã tăng và 110 mã giảm, HNX-Index giảm 2,94 điểm (-1,17%), xuống 249,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,6 triệu đơn vị, giá trị 973,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,1 triệu đơn vị, giá trị 107,8 tỷ đồng.

Sắc đỏ tràn ngập ở nhóm cổ phiếu có khối lượng khớp lệnh cao, ngoại trừ DDG nhích nhẹ, IDC, BII, ART, TVC đứng tham chiếu.

Trong khi đó, KLF đảo chiều từ giá trần về giá sàn -6,3% xuống 1.500 đồng, khớp 2,39 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu PLC và PVB cũng nằm sàn tại 26.300 đồng và 16.200 đồng, khớp lần lượt 1,64 triệu và 0,68 triệu đơn vị.

Giảm mạnh khác còn tại HUT -9,3%, TAR -8,3%, TNG -7,4%, PVC -7,4%, BCC -6,6%.

Các mã SHS, PVS, CEO, MBS, IDJ chỉ giảm nhẹ trên dưới 1%. Trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất HNX với 7,91 triệu đơn vị, PVS khớp 5,5 triệu đơn vị, IDC khớp 3,66 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lùi dần về dưới tham chiếu trong nửa sau của phiên và chỉ có nhịp hồi nhẹ thu hẹp đôi chút đà giảm ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,62 điểm (-0,73%), xuống 85,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 25,9 triệu đơn vị, giá trị 429,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,81 triệu đơn vị, giá trị 144,4 tỷ đồng.

Một vài cổ phiếu còn xanh như LCM +10% lên 4.400 đồng, VGI +2,5% lên 28.900 đồng, SSH và DTE nhích trên dưới 1,5%.

Còn lại đa số đều giảm, với những cổ phiếu giảm sâu như LMH -11,8% xuống 8.200 đồng, C4G -9% xuống 12.200 đồng, CEN -7,6% xuống 7.300 đồng, G36 -6% xuống 7.900 đồng.

Cổ phiếu BSR duy trì thanh khoản cao nhất UpCoM với 5,25 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng nới đà đi xuống, mất 2,9% xuống 20.300 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2210 giảm 17 điểm, tương đương -1,46% xuống 1.148 điểm, khớp lệnh hơn 271.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này hai mã CHPG2215 và CTPB2205 khớp lệnh cao nhất với 1,22 triệu và 1,14 triệu đơn vị.

Trong đó, CHPG2215 giảm 2,2% xuống 450 đồng/cq thì CTPB2205 tăng 6,3% lên 510 đồng/cq.

Tin bài liên quan