Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/6: FLC trần 6 phiên liên tiếp, VN-Index thoát hiểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/6: FLC trần 6 phiên liên tiếp, VN-Index thoát hiểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù chịu áp lực chốt lời sau 6 phiên tăng liên tiếp, trong đó có 5 phiên trần liên tiếp, nhưng lực cầu mạnh tiếp tục giúp FLC lấy lại sắc tím khi đóng cửa và có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp với mức tăng hơn 65%. Trong khi đó, VN-Index thoát hiểm nhờ sự cân bằng của nhóm bluechip.

Trong phiên sáng, sau khi điều chỉnh hơn 10 điểm đầu phiên, VN-Index đã bật trở lại nhờ sự hỗ trợ của nhóm ngân hàng, cùng nhóm chứng khoán. Tuy nhiên, chỉ số này một lần nữa thất bại khi test lại ngưỡng 1.220 điểm và bị đẩy lại khá sâu dưới tham chiếu khi nhóm ngân hàng không duy trì được phong độ.

Điểm đáng chú ý chính là cổ phiếu ITA sau 2 phiên bị bán tháo do thông tin bị cáo buộc phá sản đã nhận lực cầu bắt đáy khủng, hấp thụ hết lượng dư bán sàn, kéo ITA chảy thẳng lên mức trần. Tuy nhiên, lực cung không không hề nhỏ, khiến mã này không duy trì được sắc tím khi chốt phiên.

Bước sang phiên chiều, lực bán chốt lời sớm gia tăng ở nhiều mã sau khi nhiều nhà đầu tư mua vào cuối tuần trước bắt đầu hiện thực hóa lợi nhuận sớm. Lực cung này đẩy VN-Index nới rộng đà giảm xác nhận mức đáy của ngày ở vùng 1.207 điểm, nhưng dù không mạnh, dòng tiền cũng dè dặt tìm kiếm cơ hội mỗi nhịp điều chỉnh với kỳ vọng VN-Index sẽ lấp lại gap đã được tạo ra ngày 13/6 (còn khoảng 65 điểm so với mức điểm hiện tại), nên túc tắc mua vào, kéo VN-Index trở lại và đóng cửa không đổi.

Chốt phiên, VN-Index đứng ở mức 1.218,09 điểm, giảm 0% với 184 mã tăng và 263 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 560,6 triệu đơn vị, giá trị 11.840 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng giảm khá mạnh về giá trị 19,3% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,3 triệu đơn vị, giá trị 1.421,8 triệu đơn vị.

ITA tiếp tục có giao dịch sôi động khi bên mua tích cực bắt đáy, trong khi bên bán cũng tranh thủ ra hàng, tuy nhiên bên chiến thắng là bên mua, giúp ITA nới đà tăng so với phiên sáng.

Ngoài ITA, sự nhập cuộc của nhóm FLC cũng giúp thị trường thêm sôi động. Sau 5 phiên tăng trần liên tiếp, FLC tiếp tục lên trần khi mở cửa phiên chiều nay, giúp nhà đầu tư nào bắt đáy ở mức sàn trong phiên 22/6 đã có mức lãi 60% nếu giữ đến hôm nay. Do đó, lực cung chốt lời đã diễn ra ồ ạt khiến FLC rung lắc lùi về sát tham chiếu. Tuy nhiên, lực cầu vẫn rất lớn khi nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào ông chủ mới vào sẽ tái cơ cấu Tập đoàn, nên FLC đã nhanh chóng trở lại, đóng cửa có phiên tăng trần thứ 6 liên tiếp và là phiên tăng thứ 7 liên tiếp, lên 5.660 đồng với thanh khoản chỉ trong phiên chiều đạt 32,75 triệu đơn vị, chỉ đứng sau ITA với 42,39 triệu đơn vị.

ROS không duy trì được mức trần khi đóng cửa ở mức 3.090 đồng, tăng 3%, khớp 15,13 triệu đơn vị. Trong khi đó, áp lực chốt lời lớn khiến AMD và HAI không chịu được nhiệt nên quay đầu giảm lần lượt 2,8% xuống 3.130 đồng và 3,3% xuống 2.610 đồng. Dù giảm hôm nay, nhưng nhiều nhà đầu tư bán được vẫn có lãi lớn ở 2 mã này.

Trong khi đó, các mã lớn lại có sự phân hóa rõ nét. Chẳng hạn, nhóm ngân hàng, trong khi BID là mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index, thì VCB lại là mã lấy đi của VN-Index nhiều điểm số nhất. Tương tự, CTG và VIB thì có EIB và ACB làm đối trọng.

Nhóm sản xuất thì VNM, SBT tăng, GVR, SAB giảm. Nhóm dầu khí thì GAS tăng, trong khi PLX giảm. Nhóm bất động sản có cặp đôi đối nghịch dù khác phân ngành là BCM tăng, còn VHM giảm.

Trên sàn HNX, sau cú đảo chiều cuối phiên sáng, thị trường khó tìm lại sắc xanh dù kết phiên ở vùng giá cao nhất của phiên chiều.

Đóng cửa, HNX-Index giảm 1,52 điểm (-0,54%) xuống 282,35 điểm với 80 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 50,94 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị đạt hơn 1.005 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,5 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 188,32 tỷ đồng.

Trong nhóm HNX30, cổ phiếu LHC bất ngờ tăng vọt ở đợt khớp ATC và chốt phiên tăng 8,2% lên mức giá cao nhất ngày 140.000 đồng/CP, tuy nhiên, đóng góp lớn nhất vào chỉ số chung của thị trường là NVB tăng 3,2%, đóng cửa ở vùng giá cao 31.900 đồng/CP.

Ngoài ra, một số mã khác trong nhóm này giữ được sắc xanh như LAS tăng 2,4%, NTP tăng 1,6%, BVS tăng 1,1%, IDC tăng 1%, còn TIG, SHS, MBS, TAR, VC3 nhích nhẹ trên dưới 0,5%.

Ở chiều ngược lại, nhóm HNX30 có tới 19 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng biên độ giảm chủ yếu trên dưới 1%. Các mã giảm sâu nhất là TVC giảm 3,6%, NDN giảm 3,5%, L14 giảm 3%.

Hai mã lớn hơn là CEO và HUT cũng đều kết phiên mất điểm. Trong đó, CEO giảm 2,7% xuống 29.100 đồng/CP, còn HUT giảm 2,5% về vùng giá thấp trong ngày 27.000 đồng/CP.

Ở nhóm vừa và nhỏ, KLF dừng chân ở mốc tham chiếu, trong khi BII xác lập phiên tăng thứ 8 liên tiếp, trong đó có tới 7 phiên tăng trần. Kết phiên, BII tăng 8,89% lên mức giá trần 4.900 đồng/CP và khớp 2,33 triệu đơn vị.

Về thanh khoản, các cổ phiếu trong nhóm HNX30 vẫn là những tên tuổi dẫn đầu, với SHS khớp lệnh lớn nhất đạt 6,56 triệu đơn vị và kết phiên chỉ tăng nhẹ 0,7% lên 14.800 đồng/CP. Tiếp theo là PVS khớp hơn 6 triệu đơn vị, CEO khớp 3,18 triệu đơn vị, HUT khớp 2,87 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng thu hẹp đà giảm điểm về cuối phiên.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,14%) xuống 88,88 điểm với 147 mã tăng và 130 mã giảm.

Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,96 triệu đơn vị, tương ứng tổng giá trị hơn 682 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 19,61 triệu đơn vị, giá trị tương ứng đạt 302,1 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là VGT thỏa thuận 10 triệu đơn vị, giá trị 155 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR tiếp tục mất điểm và đóng cửa giảm 3,7% xuống mức 28.700 đồng/CP, với khối lượng giao dịch vượt trội, đạt hơn 12 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 về thanh khoản là cổ phiếu nhỏ VHG khớp hơn 4,2 triệu đơn vị. Dù không giữ được sắc tím nhưng VHG tiếp tục có phiên khởi sắc khi kết phiên tăng 11,1% lên sát mức giá trần 4.000 đồng/CP.

Một số cổ phiếu giao dịch sôi động khác như SBS khớp hơn 3,1 triệu đơn vị, kết phiên tăng 3,5% lên 8.900 đồng/CP; C4G khớp 1,3 triệu đơn vị và kết phiên giảm 2,8% xuống 10.300 đồng/CP; PAS khớp hơn 1,25 triệu đơn vị và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 9.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai giảm và chỉ 1 hợp đồng tăng. Trong đó, hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2207 giảm nhẹ 0,5 điểm xuống 1.260,5 điểm, khớp lệnh hơn 289.580 đơn vị, khối lượng mở xấp xỉ 40.930 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó mã thanh khoản cao nhất là CKDH2203 khớp gần 2,15 triệu đơn vị và kết phiên giảm 44,4% xuống 50 đồng/CQ. Tiếp theo là CVRE2207 khớp hơn 2 triệu đơn vị và kết phiên giảm 3,2% xuống 300 đồng/CQ.

Tin bài liên quan