Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/4: Cổ phiếu VPB giao dịch bùng nổ

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 29/4: Cổ phiếu VPB giao dịch bùng nổ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin từ việc bán 49% vốn FE Credit của VPBank cho đối tác nước ngoài đã giúp cổ phiếu VPB có phiên giao dịch bùng nổ, thanh khoản khớp lệnh đạt mức cao nhất từ trước tới nay. Đà tăng tốt của VPB cũng là động lực chính cho VN-Index phiên này với mức tăng hơn 9 điểm và trở lại gần với mốc 1.240 điểm.

Sau phiên sáng cố gắng nhích lên trong thận trọng, áp lực bán đã dâng cao ngay khi bước vào phiên chiều, và chỉ tới khi VN-Index test mốc 1.230 điểm thành công hai lần, lực cầu có phần tự tin hơn mới nhập cuộc, kéo chỉ số tăng trở lại vùng 1.235 điểm và thêm một nhịp được kéo lên sát 1.240 điểm trong phiên ATC nhờ sự bùng nổ của VPB.

2 phiên ATC kéo chỉ số liên tiếp đã diễn ra, nhưng khác với phiên hôm qua, phiên hôm nay thanh khoản tăng đáng kể cho thấy dòng tiền đang nhập cuộc trở lại. Vẫn là dòng ngân hàng dẫn sóng và đáng chú ý, nếu như trước đây chỉ có Vietcombank nằm ở mức giá cao chót vót thì thị trường đang chứng minh các ngân hàng khác cũng nên có mức giá xứng đáng hơn. Một sóng hồi đã được xác lập, và bước đầu kéo dòng tiền ở lại thị trường.

Đóng cửa, sàn HOSE có 220 mã tăng và 167 mã giảm, VN-Index tăng 9,84 điểm (+0,80%), lên 1.239,39 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 647,1 triệu đơn vị, giá trị 19.300,5 tỷ đồng, tăng hơn 5% về khối lượng và 25% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 32,9 triệu đơn vị, giá trị 1.210 tỷ đồng.

Cái bắt tay từ VPBank với Tập đoàn Tài chính Sumitomo Mitsui (SMFG) được thông báo vào chiều hôm qua, với tổng giá trị thương vụ bán 49% FE Credit cho SMFG rơi vào khoảng 2,8 tỷ USD đã bất ngờ khi không giúp được nhiều cổ phiếu VPB, khi suốt cả phiên sáng giằng co nhẹ quanh tham chiếu.

Mặc dù vậy, mọi chuyện đã đảo ngược hoàn toàn trong phiên chiều, khi VPB bật tăng mạnh mẽ, bất chấp việc khối ngoại bán ròng cổ phiếu này tới hơn 9,65 triệu đơn vị.

Theo đó, VPB đã có thời điểm tăng kịch trần, trước khi đóng cửa +6,4% lên 58.500 đồng, khớp lệnh đạt mức cao nhất từ trước tới nay với hơn 41,53 triệu đơn vị và cũng dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường.

Tăng tốt khác hỗ trợ thêm chỉ số còn có các bluechip REE +5,1% lên 53.600 đồng, HPG +3,8% lên 58.100 đồng, NVL +2,7% lên 131.400 đồng, CTG +2,6% lên 40.800 đồng, TCB +2,6% lên 41.000 đồng, PNJ +2,4% lên 98.000 đồng, GAS +2% lên 83.600 đồng.

Nhóm các cổ phiếu VCB, BID, HDB, VRE, SSI nhích từ 1% đến 1,6%, cùng không ít sắc xanh khác, mặc dù tăng thấp hơn như FPT, MBB, PLX, POW, MWG…

Giảm điểm mạnh nhất là SBT, mất 2,2% xuống 20.000 đồng, PDR -1,8% xuống 70.200 đồng, VHM -1,6% xuống 99.300 đồng, trong khi MSN, VJC, VIC, BVH, VNM, STB giảm nhẹ.

Ngoài VPB có giao dịch sôi động, thì các cổ phiếu khác cũng có khối lượng khớp lệnh cao là STB với hơn 38,8 triệu đơn vị, HPG khớp 27,87 triệu đơn vị, MBB khớp 18,9 triệu đơn vị, CTB khớp gần 18 triệu đơn vị, CTG khớp hơn 14 triệu đơn vị…

Nhóm cổ phiếu thị trường, một vài con sóng tím đáng chú ý như MHC, BCG, DCL, PSH và hai mã ngân hàng LPB +5,1% lên 21.500 đồng và ACB +2,5% lên 34.650 đồng.

Còn lại chỉ nhích nhẹ như với TTF bị chốt lời ồ ạt, khi từ sắc tím đã chỉ còn +1,6% khi đóng cửa lên 7.650 đồng.

Nhóm cổ phiếu thép ngoài HPG tăng tốt thì đã hạ nhiệt khi HSG +1,4% lên 31.750 đồng, NKG +2% lên 26.000 đồng, POM +0,6% lên 18.100 đồng, VIS còn tăng mạnh, nhưng cũng không giữ được mức cao nhất ngày, kết phiên +4,4% lên 20.050 đồng.

Sắc đỏ bao phủ ROS, HQC, AMD, ITA, LDG, AAA, HAI, SCR…trong đó, ROS khớp hơn 18,9 triệu đơn vị, HQC khớp hơn 13,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, không có được sự hỗ trợ từ các mã lớn như trên HOSE, chỉ số HNX-Index không thể bật lên trên tham chiếu, mà chỉ thu hẹp đà giảm về cuối phiên.

Theo đó, hàng loạt mã lớn SHB, PVI, NVB, TNG, SDG chỉ có được mức giá tham chiếu khi đóng cửa, với SHB khớp lệnh cao nhất sàn HNX với hơn 14,6 triệu đơn vị.

Nhích lên đáng kể chỉ còn CEO +6,1% lên 10.400 đồng, còn lại chỉ tăng nhẹ như VND +1,4% lên 36.200 đồng, PVS +1% lên 20.100 đồng, THD +0,1% lên 187.300 đồng, MBS +1,7% lên 23.400 đồng.

Các cổ phiếu khác mất điểm có IDC, TVC, S99, AMV và các mã nhỏ KLF, ART, HUT, TIG…

Cổ phiếu ACM hụt sắc tím, đóng cửa +5,6% lên 3.800 đồng, khớp lệnh hơn 5,8 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HNX có 66 mã tăng và 74 mã giảm, HNX-Index giảm 0,32 điểm (-0,11%), xuống 281,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 85,1 triệu đơn vị, giá trị 1.710,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 36,2 triệu đơn vị, giá trị 686,1 tỷ đồng, trong đó, đóng góp chủ yếu đến từ gần 30 triệu cổ phiếu NVB, trị giá gần 510 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index chịu áp lực bán khá mạnh ngay sau giờ nghỉ trưa và xuống dưới tham chiếu, nhưng đã bật lên và nới đà tăng về cuối phiên.

Nhóm cổ phiếu có giao dịch tập trung nhất đa số tăng điểm như BSR, VHG (tăng trần), KSH, ABB, TVN, KHB, AAS, OIL, BVB, DDV và chỉ còn VGT đứng tham chiếu cùng SBS -1,3% và DRI -3,1%.

Thanh khoản tốt nhất vẫn là BSR với hơn 9,37 triệu đơn vị, tăng 2,8% lên 14.700 đồng/cổ phiếu.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,56 điểm (+0,7%), lên 80,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 40,37 triệu đơn vị, giá trị 541,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,79 triệu đơn vị, giá trị gần 40 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2105 tăng 26 điểm (+2,04%), lên 1.301 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 193.800 đơn vị, khối lượng mở hơn 29.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, đà tăng mạnh của VPB đã thúc đẩy 2 mã chứng quyền liên quan bùng nổ và tăng kịch trần là CVPB2103 lên 11.420 đồng/cq và CVPB2015 lên 32.800 đồng/cq, khớp lệnh lần lượt có 0,37 triệu và 0,26 triệu đơn vị.

Một mã tăng kịch trần khác là CNVL2003 lên 6.950 đồng/cq, khớp hơn 0,36 triệu đơn vị. Trong khi đó, khớp lệnh cao nhất là CHPG2018 với 1,53 triệu đơn vị và mã này tăng 9% lên 7.060 đồng/cq.

Tin bài liên quan