Lực bán mạnh cuối phiên sáng đã tạo lên tâm lý hồ nghi của không ít nhà đầu tư về tính bền vững của đợt tăng điểm lần này, VN-Index thực tế sau khi chạm dải Bollinger Band (ở ngưỡng 1.032 điểm) đã bật rất mạnh trở lại dưới mốc tham chiếu. Kịch bản test lại đường MA20 và lấp GAP tạo ra trong phiên hôm qua là có cơ sở.
Tuy nhiên, việc giảm điểm lại là cơ hội cho các nhà đầu tư chưa kịp tham gia trong con sóng hồi của thị trường nhập cuộc. Ngay khi bước vào phiên chiều và chớm thủng 1.000 điểm, lệnh mua đuổi giá cổ phiếu đổ vào thị trường ồ ạt, giúp bảng điện tử đổi sắc với hơn 300 mã tăng và số cổ phiếu tăng kịch trần trong đó cũng đã xuất hiện dày hơn.
Thêm vào đó là nhóm trụ cột VN30 cũng có thêm nhiều mã nới đà tăng đã giúp chỉ số VN-Index nhích dần và chạm 1.025 điểm ngay trước khi bước vào đợt khớp lệnh ATC và có thêm một nhịp tăng khá mạnh lên trên 1.032 điểm ở những phút cuối.
Thanh khoản cũng có sự cải thiện đáng kể với hơn 1,18 tỷ cổ phiếu được trao tay trên HOSE, mức cao nhất kể từ giữa tháng 1 đầu năm nay. Đây là một tín hiệu tích cực củng cố xu hướng tăng điểm ngắn hạn, trước mắt có thể sẽ có những nhịp rung lắc nhưng việc VN-Index tiếp tục tăng hồi trở lại có xác suất rất lớn thành công.
Đóng cửa, sàn HOSE có 350 mã tăng (52 mã tăng trần) và 102 mã giảm, VN-Index tăng 26,47 điểm (+2,63%), lên 1.032,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.184 triệu cổ phiếu, trị giá 18.252 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 82,4 triệu đơn vị, giá trị 1.746,8 tỷ đồng.
Động lực tăng tới từ khắp các nhóm ngành, với đóng góp điểm số từ nhóm bluechip, như MWG +6,6% lên 42.800 đồng, HPG +6,4% lên 17.400 đồng, VCB +4% lên 79.800 đồng, BID +3,8% lên 41.000 đồng, SSI +3,8% lên 18.900 đồng. Cùng các sắc xanh khác đến từ VNM, MSN, TPB, TCB với mức tăng từ 1,6% đến 2,4%.
Nhóm nhà Vin cùng tăng mạnh, với VIC +6,8% lên 69.400 đồng, VHM +5,8% lên 53.100 đồng, VRE +4,1% lên 30.500 đồng.
Tất nhiên không thể không thể đến những tác động tâm lý từ PDR và NVL, cũng như phiên chiều nay có thêm cổ phiếu cùng ngành là KDH, khi cả ba đều đóng cửa ở mức giá trần. Trong đó, PDR khớp hơn 94 triệu đơn vị, cao kỷ lục và còn dư mua giá trần hơn 15,5 triệu đơn vị, NVL khớp hơn 21,5 triệu đơn vị, KHD khớp hơn 8,5 triệu đơn vị.
Một vài sắc đỏ xuất hiện, nhưng chỉ giảm nhẹ chưa đến 1% có GAS, ACB, VIB và SAB, trong khi FPT, HDB, MBB và POW dừng chân ở tham chiếu.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hiệu ứng giải cứu PDR và NVL trong hai phiên gần đây đã giúp nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng đã tăng trở lại sau phiên sáng có dấu hiệu chốt lời.
Theo đó, những mã BCG, DXS, HDC, KHG, TDC, HQC, SAM, KBC, ITA, VGC, SCR, DRH, IJC, NHA, TTB, DXG, TGG đều đã trở lại mức giá trần khi đóng cửa. Tăng mạnh khác còn có những cái tên HBC +6,6% lên 9.020 đồng, DIG +6,5% lên 14.800 đồng, TCD +6,3% lên 6.550 đồng, HAR +61% lên 4.000 đồng, QCG +5,9% lên 4.670 đồng, các mã CII, LGL, HTN, VPH tăng từ 3,5% đến gần 6%, với DIG khớp 45,77 triệu đơn vị, DXG khớp 41,8 triệu đơn vị...
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng trở lại mạnh mẽ với CTS, APG, TVB và VND tăng kịch trần, BSI +6,6% lên 18.500 đồng, ORS +5,4% lên 9.690 đồng, FTS +5,3% lên 19.000 đồng, VCI +4%, AGR +3,9%, VDS +2,7%, VIX và HCM cũng đảo chiều nhích nhẹ. Trong đó, VND khớp hơn gần 48 triệu đơn vị.
Khoe sắc tím khác còn tại nhiều mã hóa chất, nguyên vật liệu, dịch vụ, bán lẻ, nông nghiệp như DGC, CSV, DGW, PVD, KSB, PET, PTB, DBC... và cổ phiếu ngân hàng top sau là EIB lên 20.800 đồng, khớp hơn 7,7 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu thép với HPG nới đà đi lên thì HSG và NKG cũng tương tự, với mức tăng 3,3% và 2,8%, còn SMC +6,1%, TLH +3,5%, với HPG khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn khi có 64,3 triệu đơn vị khớp lệnh, HSG khớp 19,4 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu HPX và IBC vẫn nằm sàn, với HPX dù khớp được gần 0,7 triệu đơn vị, nhưng vẫn dư bán giá sàn tại 8.510 đồng với hơn 69,5 triệu đơn vị, còn IBC chỉ khớp được 3.300 đơn vị và dư bán sàn hơn 1,73 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng xuống thấp hơn đôi chút so với cuối phiên sáng và cũng bật tăng mạnh mẽ, leo lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 146 mã tăng và 59 mã giảm, HNX-Index tăng 4,16 điểm (+2,04%), lên 208,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 152 triệu đơn vị, giá trị 1.734,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,71 triệu đơn vị, giá trị 26,44 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu đã nới rộng đà đi lên và chạm giá trần khi đóng cửa là CEO, IDJ, APS, PVC, TAR, PVL, BII, API, BCC, L14, LIG, HHG... Cùng với NRC đứng vững ở sắc tím +9,8% lên 4.500 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với gần 26 triệu đơn vị.
Các mã khác cũng tăng tốt là SHS +3,5% lên 8.800 đồng, PVS +5,5% lên 21.100 đồng, còn IDC, MBS, MBG, MST, AMV, TIG tăng từ 1,4% đến hơn 2%. Trong đó, SHS khớp lệnh chỉ đứng sau NRC trên sàn với hơn 25,5 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tìm về được giá xanh ở những phút cuối sau khi nửa đầu phiên chiều giao dịch trong sắc đỏ.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,34 điểm (+0,49%), lên 70,38 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 48,5 triệu đơn vị, giá trị 457,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,8 triệu đơn vị, giá trị 103 tỷ đồng.
Phần lớn các cổ phiếu thanh khoản cao đều tăng điểm, với những cái tên vượt trội là SBS, VHG, FTM, PXL, PXS khi đều đóng cửa ở giá trần, với SBS khớp hơn 7,2 triệu đơn vị, VHG khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR đảo chiều tăng 4,3% lên 14.500 đồng, khớp hơn 10,5 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM.
Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 thêm một phiên tăng mạnh, với VN30F2212 tăng 21,8 điểm, tương đương +2,19% lên 1.015,5 điểm, khớp lệnh hơn 410.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, phiên này có năm mã khớp lệnh cao nhất từ 2 triệu đến 2,58 triệu đơn vị, thì chỉ có CHPG2212 và CHPG2220 đứng tham chiếu.
Còn lại đều tăng, với CTPB2206 tăng 50% lên 30 đồng/cq, CMBB2212 tăng 5,9% lên 180 đồng/cq và CMWG2212 tăng 16,7% lên 70 đồng/cq.