Giao dịch chứng khoán phiên chiều 28/9: VN-Index lại bay cao

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 28/9: VN-Index lại bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Việc nhóm cổ phiếu bluechips hút mạnh dòng tiền giúp VN-Index bật tăng trở lại gần 15 điểm sau phiên giảm sâu trước đó, song thanh khoản lại giảm mạnh gần 16%.

Thị trường chứng khoán chiều nay có phiên phục hồi rất ấn tượng, số điểm mà VN-Index tăng gần bằng số điểm mà chỉ số này mất đi ngày hôm qua. Dòng tiền lan tỏa khá tốt trên thị trường với số mã tăng điểm chiếm áp đảo, đây là "nét đẹp" của chứng khoán Việt Nam, những lo ngại ngày hôm qua dường như đã biến mất.

Có một vài điểm trừ trong phiên phục hồi khá đẹp của thị trường, đầu tiên phải nhắc tới là thanh khoản. Giá trị giao dịch và khối lượng giao dịch sụt giảm khá mạnh, trên HOSE chỉ ghi nhận giá trị khớp lệnh đạt hơn 18.000 tỷ đồng, mức khá thấp so với các phiên gần đây, chứng tỏ phiên phục hồi hôm nay chủ yếu đến từ tiết cung sau phiên giảm điểm mạnh chứ không hoàn toàn do sức mua phục hồi.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index dù tăng điểm khá tốt nhưng đà tăng bị chặn khi chỉ số tiếp cận đường trung bình giá 20 ngày (MA20) ở ngưỡng 1.342 điểm. Khi đến ngưỡng này VN-Index đã thoái lui, và nếu phiên ngày mai điểm số không tăng vượt lên đường MA20 thì phiên hôm nay cũng chỉ là một phiên phục hồi kỹ thuật dù mức tăng điểm khá ấn tượng.

Đóng cửa, với 265 mã tăng và 118 mã giảm, VN-Index tăng 14,6326 điểm (+1,08%) lên 1.339,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 623,51 triệu đơn vị, giá trị 18.367,07 tỷ đồng, giảm 20% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên 27/9. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,65 triệu đơn vị, giá trị 2.029,6 tỷ đồng.

Với sức cầu mạnh mẽ, rổ VN30 có tới 24 mã tăng và chỉ còn 4 mã giảm giá. Trong số các mã tăng, GAS vẫn mã tăng tốt nhất +5,7% lên 95.100 đồng, bên cạnh BVH +5,9% lên 58.700 đồng, HPG +3,5% lên 52.600 đồng, PLX +2% lên 51.100 đồng, PNJ +2,2% lên 93.000 đồng… Một số mã ngân hàng như VCB, BID, TPB cũng tăng ở mức cao nhất ngày để hỗ trợ chỉ số.

Trong khi đó, một trong 2 mã tăng tốt nhất phiên sáng là MSN đã giảm nhiệt, chỉ còn tăng 0,7% lên 136.000 đồng. Bốn mã giảm là VPB, CTG, HDB và SAB đều giảm ở mức gần thấp nhất ngày, dù mức giảm không mạnh.

Về thanh khoản, HPG dẫn đầu rổ cũng như toàn sàn HOSE với 35,6 triệu đơn vị khớp lệnh, cách biệt lớn với các mã sếp sau trong rổ như STB với 9,95 triệu đơn vị (+0,2% lên 26.550 đồng), POW với 7,27 triệu đơn vị (+1,7% lên 11.750 đồng)…

Tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sức cầu tốt và lan tỏa mạnh giúp sắc xanh lan rộng cùng thanh khoản tích cực ở các mã như TCH, ROS, KBC, HQC, SCR, HSG, ITA… với mức khớp từ 9,6-17,6 triệu đơn vị.

Riêng nhóm dầu khí, việc giá dầu thế giới tăng cao giúp nhóm này hút mạnh dòng tiền và là một trong những nhóm cổ phiếu giao dịch ấn tượng nhất thị trường, trong đó PVD, PGD, CNG, PGC, ASP, TDG tăng trần, bên cạnh một số nhóm khác như thép (THL tăng trần), bảo hiểm (BMI, MIG tăng trần)… Trong đó, PVD giao dịch mạnh nhất với hơn 9 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư mua trần gần 2,6 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.

Ngược lại, các mã QBS, CSV, SAM, ABS hay nhóm Louis với TGG, AGM, APG, TDH… cùng giảm sàn, trong đó TDH dư bán sàn tới hơn 8,2 triệu đơn vị, APG còn dư hơn 5,68 triệu đơn vị, TGG còn dư hơn 2,7 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đà tăng tích cực của nhóm cổ phiếu dòng P cũng như nhiều mã bluechips sàn này đã giúp HNX-Index tăng lên mức cao gần nhất ngày khi kết phiên.

Đóng cửa, với 140 mã tăng và 95 mã giảm, HNX-Index tăng 3,02 điểm (+0,86%) lên 353,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 159,06 triệu đơn vị, giá trị 3.221,01 tỷ đồng, tăng hơn 9% về khối lượng và 14% về giá trị so với phiên 27/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 30,45 triệu đơn vị, giá trị 1.338,8 tỷ đồng.

PVS bất ngờ mất sắc tím trong cuối phiên, tăng 8% lên 28.300 đồng, trong khi PVC và PVG vẫn tăng kịch biên độ. PVB +6,7% lên 16.000 đồng.

Tại rổ HNX30, ngoài PVC, các mã NBC và NTP cũng tăng trần, góp phần kéo tăng chỉ số.

Hỗ trợ thêm còn có SHS, CEO, ART, HUT, IDJ, IDC, AMV, MBS, API, trong đó, API tăng trần 10% lên 45.100 đồng.

Về thanh khoản, PVS khớp kệnh cao nhất sàn với hơn 15,96 triệu đơn vị. PVC và PVG cùng khớp hơn 2,2 triệu đơn vị.

Các mã MBG, ACM tăng trần, khớp lệnh lần lượt 6,5 triệu và 4,5 triệu đơn vị, bên bán trắng lệnh.

SHB với 13,64 triệu đơn vị khớp lệnh đứng thứ 2 HNX, nhưng giảm 1,5% về 26.400 đồng.

Nhóm cổ phiếu Louis với BII giảm sàn -9,6% xuống 17.900 đồng và chỉ khớp được hơn 150.000 đơn vị, trong khi còn dư bán giá sàn hơn 7,5 triệu đơn vị.

Tương tự là VKC -9,8% xuống 18.500 đồng, khớp 0,12 triệu đơn vị, dư bán giá sàn gần 1,4 triệu đơn vị, SMT -10% xuống 26.100 đồng, khớp chỉ 700 đơn vị và dư bán giá sàn 0,33 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, đà tích cực dần về cuối phiên cũng giúp chỉ số UPCoM-Index kịp hồi phục và bứt lên mức cao nhất khi kết phiên.

Đóng cửa, với 159 mã tăng và 138 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,26%) lên 96,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 111,61 triệu đơn vị, giá trị 1.992,37 tỷ đồng, tăng hơn 8% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên 27/9. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,1 triệu đơn vị, giá trị 457,5 tỷ đồng.

BSR và OIL vẫn là 2 mã giao dịch tích cực nhất và đóng góp nhiều nhất trong việc kéo tăng chỉ số. Trong đó, BSR +4,7% lên 19.900 đồng khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 29,68 triệu đơn vị, còn OIL +5,8% lên 14.500 đồng, khớp lệnh cao thứ 2 với 5,63 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản cao tiếp theo như VHG, KHB, DDV, HHV, BVB đều đứng giá tham chiếu hoặc giảm điểm.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng. Trong đó, VN30F2110 tăng 20,4 điểm (+1,4%) lên 1.454,4 điểm, khớp lệnh đạt 163.150 đơn vị, khối lượng mở 39.401 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh chiếm ưu thế, với CHPG2111 có khối lượng giao dịch cao nhất đạt 1.590.500 đơn vị và tăng 7,7% len 2.670 đồng/cq. CMSN2105 phiên này khớp lệnh cao thứ 2 với 1.371.000 đơn vị và tăng 8,8% xuống 4.700 đồng/cq.

Tin bài liên quan