Giao dịch chứng khoán phiên chiều 28/4: Nhà đầu tư kiềm chế giao dịch, VN-Index đóng cửa dưới tham chiếu

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 28/4: Nhà đầu tư kiềm chế giao dịch, VN-Index đóng cửa dưới tham chiếu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Một phiên giao dịch khá ảm đạm, khi dòng tiền đứng ngoài khiến thanh khoản thị trường tiếp tục xuống thấp, trong khi các bluechip chịu áp lực từ sớm thì việc VN-Index điều chỉnh là điều không bất ngờ.

Giao dịch tiếp tục trầm lắng và thận trọng với thanh khoản suy giảm, thị trường không khác nhiều so với phiên sáng khi trồi sụt liên tục quanh tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Tâm lý thận trọng sau các phiên trồi sụt với biên độ mạnh, cùng với kỳ nghỉ lễ kéo dài sắp đến khiến nhà đầu tư cả bên bán và bên mua đều tỏ ra thận trọng. Với bên nắm giữ cổ phiếu, sau các phiên giảm mạnh vừa qua đã nhỡ điểm bán (ngoại trừ bị force sell), nên quyết nắm giữ lại để chờ đợi thị trường hồi phục. Trong khi đó, những nhà đầu tư nắm giữ tiền mặt cũng chưa dám mạnh dạn xuống tiền giai đoạn này khi đà hồi phục của thị trường chưa chắc chắn.

Chốt phiên, sàn HOSE có 240 mã tăng và 186 mã giảm, VN-Index giảm 2,78 điểm (-0,21%), xuống 1.350,99 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 485,1 triệu đơn vị, giá trị 13.308,7 tỷ đồng, giảm gần 7% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 26,7 triệu đơn vị, giá trị 1.047,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu bluechip đóng cửa trong sắc xanh đáng kể chỉ còn FPT khi +2,4% lên 105.500 đồng, TCB +1,7% lên 42.300 đồng, hai cổ phiếu VPB và HPG nhích 1,5%, còn HDB, NVL, ACB chỉ tăng nhẹ.

Trong khi đó, một số nới đà giảm gây áp lực mạnh đến chỉ số, với TPB -3,4% xuống 33.600 đồng, GAS -3% xuống 107.700 đồng, SSI -2,6% xuống 33.500 đồng, BVH -2,4% xuống 60.000 đồng, SAB -2,4% xuống 165.000 đồng, các cổ phiếu MSN -2,1%, VRE -2,1%, STB -1,8%. Sắc đỏ còn lại VHM, CTG, BID, MWG, PLX…dù phần lớn chỉ giảm nhẹ.

Tương tự phiên sáng, khi HPG và VPB thanh khoản cao và bỏ xa phần còn lại với 13,6 triệu và 11,1 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, áp lực phân hóa thấy rõ, trong đó, họ FLC nổi trội, với FLC vươn lên dẫn đầu thanh khoản HOSE với 18,44 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu có thời điểm chạm giá trần, trước khi đóng cửa +6% lên 8.250 đồng, còn ROS giữ được sắc tím +6,9% lên 4.970 đồng, khớp hơn 17,5 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu khác liên quan là HAI +5,1% lên 4.300 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị, AMD +4,1% lên 4.620 đồng, khớp 3,64 triệu đơn vị.

Hai cổ phiếu khác đáng chú ý là HQC và ITA với khối lượng khớp lệnh hơn 17,5 triệu và gần 14 triệu đơn vị, giá cổ phiếu cũng tăng mạnh với HQC +4% lên 5.500 đồng, ITA +3,2% lên 12.850 đồng.

Một số cổ phiếu khác như AAT, CIG, PXS, DQC, FTM, PTL, REE, SAM, TGG, TSC, PXI có hiệu suất vượt trội khi đóng cửa ở mức giá trần, dù ngoài TSC khớp lệnh hơn 6,8 triệu đơn vị, SAM khớp hơn 2 triệu đơn vị, REE khớp hơn 1 triệu đơn vị, thì còn lại còn vài trăm nghìn đơn vị được khớp.

Không ít mã có mức tăng khá, góp mặt đủ ở các cổ phiếu bất động sản, nguyên vật liệu, dầu khí, logistics như NHH, EVE, PSH, HAR, HAH, TLD, SFC…với mức tăng từ 4% đến 6,7%.

Đáng chú ý khác ở nhóm phân bón khi đều đảo chiều tăng khá mạnh, với SFG +4,2% lên 17.400 đồng, DCM +3,5% lên 38.000 đồng, DPM +2,9% lên 66.400 đồng, BFC nhích 1,6% lên 32.500 đồng.

Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu giảm mạnh đáng kể có ở một số mã bất động sản như NHA -6,3% xuống 41.700 đồng, HDC -5,3% xuống 70.100 đồng, SCR -4,4% xuống 16.300 đồng, DIG -4% xuống 61.800 đồng, PTC -3,6% xuống 19.850 đồng…

Ở nhóm thanh khoản cao, sắc đỏ cũng không ít tại VND, HAG, GEX, DXG, HNG APH, LCG, LDG, TTF, HSG, VCG, TCH, VIX, FCN…khớp từ 2,6 triệu đến 9,7 triệu đơn vị, trong đó, GEX -3%, VND -2,6%, LDG -2,4% nằm trong số giảm mạnh nhất.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index bật mạnh ngay sau khi giao dịch trở lại nhưng cũng đã hạ nhiệt sau đó, nhưng vẫn đóng cửa ở sắc xanh vững chãi.

Nhóm cổ phiếu BII, ART, OCH, LDP là điểm sáng của HNX khi đều tăng kịch trần, trong đó, LDP còn tăng từ mức giá sàn.

Các cổ phiếu khác còn tăng khá như KLF +6,5% lên 4.900 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với 5,74 triệu đơn vị. HUT +4,9% lên 30.000 đồng, khớp 4,7 triệu đơn vị, IDJ +4,4% lên 19.100 đồng, APS +9,2% lên 18.900 đồng, AMV +5,6% lên 9.500 đồng, MST +5,9% lên 18.000 đồng, SRA +6% lên 8.900 đồng.

Ở chiều ngược lại, CEO giảm sâu -5,1% xuống 39.300 đồng, PVS -2,1% xuống 23.500 đồng, các sắc đỏ khác tại SHS, TNG, IDC, TAR, MBG, DL1, nhưng chỉ giảm nhẹ.

Đóng cửa, sàn HNX có 150 mã tăng và 78 mã giảm, HNX-Index tăng 3,11 điểm (+0,78%), lên 360,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,2 triệu đơn vị, giá trị 1.476,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 10 triệu đơn vị, giá trị 301,7 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhích dần lên trong phiên chiều và đóng cửa với mức tăng hơn 1,3%.

Tương tự phiên sáng, khi sắc xanh phủ rộng ở nhóm thanh khoản cao, trong đó, BOT, PPH, HSM còn tăng kịch trần.

Các cổ phiếu khác như VHG +7,4% lên 5.800 đồng và giữ vị trí đầu trong những cổ phiếu thanh khoản cao nhất, khớp hơn 4,28 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng mạnh đáng kể có CDO +11,1% lên 5.000 đồng, CLX +9% lên 25.400 đồng, DDV +7,6% lên 22.600 đồng, VGT +4,2%, OIL +3,9%, G36 +3,8%, còn BSR chỉ +1,4% lên 21.500 đồng, khớp 3,56 triệu đơn vị.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 1,32 điểm (+1,31%), lên 102,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,7 triệu đơn vị, giá trị 627,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,03 triệu đơn vị, giá trị 298,3 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2205 giảm 9 điểm (-0,64%), xuống 1.392 điểm, khớp lệnh hơn 244.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 28.600 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CTCB2105 phiên này khớp lệnh cao nhất với hơn 2,5 triệu đơn vị và giảm hết biên độ -50% xuống 10 đồng/cq.

Hai mã CVRE2105 và CVRE2203 khớp hơn 2,18 triệu và 1,3 triệu đơn vị cũng giảm mạnh 45,5% và 10% xuống 60 đồng/cq và 810 đồng/cq.

Tin bài liên quan