Sau phiên sáng lao dốc, ngay khi mở cửa trở lại phiên chiều, dòng tiền khá mạnh chảy vào thị trường kéo VN-Index hồi phục hơn 10 điểm so với mức kết phiên sáng.
Tuy nhiên, áp lực bán mạnh đã nhanh chóng trở lại khiến chỉ số lùi lại gần 1.125 điểm sau hơn nửa giờ giao dịch, tại đây, thanh khoản thị trường chậm dần và nghẽn lại, nhưng những lệnh mua nhỏ giọt đến được với HOSE đã kéo dần chỉ số lên gần 1.135 điểm khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 78 mã tăng và 395 mã giảm (25 mã giảm sàn), VN-Index giảm 29,93 điểm (-2,57%), xuống 1.136,12 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 821,38 triệu đơn vị, giá trị 17.518,2 tỷ đồng, tăng 16% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,1 triệu đơn vị, giá trị 1.244 tỷ đồng.
Các bluechip ngoài NVL nhích thêm đôi chút +1,3% lên 81.000 đồng, thì đã có MBB đảo chiều từ mức giảm 4% đã +1,6% lên 25.600 đồng, cùng MWG may mắn leo được tới tham chiếu tại 132.000 đồng.
Còn lại vẫn giảm khá sâu, trong đó nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng vẫn giảm mạnh nhất với STB -6,5% xuống 18.100 đồng, TCH -6,4% xuống 24.300 đồng, CTG -6,3% xuống 34.500 đồng, VPB -5,7% xuống 33.850 đồng, SSI -5% xuống 32.000 đồng, BID -4,6% xuống 42.550 đồng, HDB -4,5% xuống 24.500 đồng, VIB -3,1% xuống 33.100 đồng, TCB -2,2% xuống 35.000 đồng, và VCB giảm nhẹ nhất khi mất 1,6% xuống 100.900 đồng.
Các cổ phiếu khác như SBT -5,4% xuống 21.200 đồng, POW -4,6% xuống 13.500 đồng, HPG -3,2% xuống 42.300 đồng, VIC -3,1% xuống 101.500 đồng.
Các cổ phiếu VJC, KDH, VRE, SAB, PNJ, PLX, GAS mất từ 1,9% đến 2,4%, trong khi VNM, VHM, MSN, FPT giảm từ 1,4% đến 1,7%.
Thanh khoản STB và HPG dẫn đầu với lần lượt 32,3 triệu và 24 triệu đơn vị khớp lệnh. Nhóm ngân hàng là MBB có 19,7 triệu đơn vị, TCB có 18,1 triệu đơn vị, CTG có 8,28 triệu đơn vị, VPB có 6,6 triệu đơn vị. Trong khi đó, TCH, POW và SSI có từ 9,28 triệu đến 10,6 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, dòng tiền đã kéo mạnh cặp đôi ROS và FLC lên mức giá trần tại 4.880 đồng và 6.700 đồng, thanh khoản đứng đầu HOSE với 59,6 triệu và 34,6 triệu đơn vị khớp lệnh.
Đóng cửa tăng điểm có DXG, LDG, HBC, ASM, CKG, DRC, NTL, BCG, AGG…khớp từ 1,5 triệu đến 18,9 triệu đơn vị.
Phần còn lại chìm trong sắc đỏ, cùng nhiều mã giảm sàn như HQC, PVD, DLG, AMD, HHS, DBC, GVR, SJF, JVC, BSI, và gần như tất cả đều trắng bên mua.
Cổ phiếu FIT vẫn nằm sàn -6,9% xuống 17.550 đồng, khớp hơn 0,25 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 6,9 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng cố gắng nhích lên trong phiên chiều, thậm chí đã lên sát tham chiếu, nhưng cũng đã gặp áp lực bán trở lại và đóng cửa trong sắc đỏ.
Chốt phiên, sàn HNX có 60 mã tăng và 152 mã giảm, HNX-Index giảm 4,03 điểm (-1,74%), xuống 227,82 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 190 triệu đơn vị, giá trị 2.683,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,69 triệu đơn vị, giá trị 247,3 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu tích cực nhất là một số mã nhỏ ACM, KVC, LIG, SDT, HHG, SD6 khi tăng kịch trần.
Phần còn lại đều đóng cửa mất điểm, trong đó, SHB thu hẹp đáng kể đà giảm so với phiên sáng mất 7,8% thì kết phiên chỉ còn -1,8% xuống 16.400 đồng, khớp lệnh vượt trội trên HNX với gần 45 triệu đơn vị.
Tương tự một cổ phiếu ngân hàng khác là NVB, chỉ còn -0,7% xuống 13.000 đồng so với mức giảm 3,7% của phiên sáng, khớp hơn 8,6 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác như SHS giảm sàn -9,7% xuống 25.000 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị, PVS -5,6% xuống 18.600 đồng, khớp 11,1 triệu đơn vị, TNG -6,4% xuống 24.900 đồng, khớp 5,56 triệu đơn vị, CEO -3,5% xuống 11.100 đồng, khớp 4,88 triệu đơn vị.
Kết phiên trong sắc đỏ còn nhiều cổ phiếu lớn nhỏ khác như HUT, KLF, IDC, MBG, MBS, VCS, PVI, PLC, BVS…
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index biến động gần như không đáng kể khi gần như chỉ đi ngang so với mức kết phiên sáng, nhưng đã có nhịp nảy nhẹ vào cuối phiên giúp chỉ số thu hẹp đà giảm.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,99 điểm (-1,28%), xuống 76,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 68,3 triệu đơn vị, giá trị 1.003 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 7,31 triệu đơn vị, giá trị 178,6 tỷ đồng.
Nhìn chung sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng ở nhóm cổ phiếu có thanh khoản cao như BSR, KSH, BVB, G36, ABB, MSR, OIL, VGI, và AAS, SBS còn giảm sàn.
Trong đó, BSR khớp hơn 11,1 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM, và đóng cửa giảm 5,2% xuống 11.000 đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó, VN30F2102 mất 40,1 điểm, tương đương -3,41% xuống 1.133 điểm, với khối lượng khớp lệnh hơn 242.000 đơn vị, khối lượng mở gần 31.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế. Tuy vậy, điểm sáng ở hai mã chứng quyền cơ sở của MSN là CMSN2101 và CMSN2102, khi đều tăng kịch trần lên 2.680 đồng/cq và 2.570 đồng/cq, trong đó, CMSN2101 phiên này cũng là mã có khối lượng giao dịch lớn nhất với hơn 814.000 đơn vị, CMSN2102 có hơn 670.000 đơn vị.