Dư âm từ phiên bán tháo trước đó tiếp tục được duy trì khi mở cửa phiên sáng nay 25/10. Áp lực bán mạnh tiếp tục diễn ra, VN-Index nhanh chóng lao về mốc 960 điểm sau gần 1 giờ giao dịch.
Tuy nhiên, tại ngưỡng này, cầu bắt đáy hoạt động mạnh, tâm lý “cổ phiếu đã rẻ nhưng còn có thể rẻ hơn” đã tạm dừng khi dòng tiền quay lại thị trường và tập trung tại nhóm cổ phiếu lớn đã giảm mạnh từ trước. Nhờ đó, VN-Index “quay xe” ngoạn mục, phục hồi một lèo hơn 35 điểm khi chốt phiên sáng.
Bước vào phiên chiều, thị trường tiếp tục có những pha quay xe liên tục khiến nhiều nhà đầu tư như đang tham gia trò chơi tàu lượn. Những pha lên đỉnh, rồi lao dốc liên tục khiến nhiều nhà đầu tư yếu bóng vía phải chóng mặt.
Ngay khi mở cửa phiên chiều, lực mua quán tính của phiên sáng kéo VN-Index tăng dựng đứng hơn 13 điểm chỉ trong 5 phút đầu phiên, vượt qua ngưỡng 1.010 điểm, sắc tím lan rộng dần trên bảng điện tử, đặc biệt là trong nhóm ngân hàng khi nhiều mã được kéo lên kịch trần, cổ phiếu thép cũng thăng hoa trở lại, HPG có lúc cũng có sắc tím.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng lực cung gia tăng, đẩy VN-Index trở xuống giống như lúc đi lên theo hướng gần như thẳng đứng, xuống dưới mốc 1.000 điểm. Sau khi thủng mốc này, VN-Index lại được kéo trở lại, nhưng lần này mức chạy đà không tốt, nên chỉ hồi lại khoảng 5 điểm, sau đó là cú tụt hơn 24 điểm, đẩy VN-Index trở lại dưới tham chiếu, xuống ngưỡng 980 điểm. Nhiều mã gần về đến tham chiếu lại bị đẩy ngược trở lại mức sàn, sắc tím cũng vơi dần, các mã thép, ngân hàng có lúc không còn sắc tím nào, trong khi số mã giảm nhiều lên.
Tưởng chừng hôm nay thị trường chứng kiến phiên kéo xả và tiếp tục giảm điểm, thì kịch tính lại xảy ra thêm một lần nữa.
Trong những phút cuối cùng của đợt khớp lệnh liên tục, lực cầu lại được bơm vào, kéo VN-Index trở lại tham chiếu và trong đợt ATC, lực mua kéo giá trở lại ở nhóm thép, ngân hàng giúp nhiều mã có lại sắc tím, qua đó cũng kéo theo VN-Index quay đầu hồi hơn 18 điểm so với đáy của phiên chiều, đóng cửa với mức tăng hơn 11,5 điểm so với mức tham chiếu.
Thanh khoản cải thiện khi nhiều mã có khối lượng giao dịch tăng mạnh, đặc biệt là "cuộc chiến" rất sôi động và gay cấn tại VND. Tuy nhiên, kết thúc trận đấu, phần thắng một lần nữa nghiêng hoàn toàn về bên bán khiến VND có phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp với thanh khoản ở mức kỷ lục, dù có lúc mã này đã được kéo lên trên tham chiếu với mức tăng hơn 3%.
Đóng cửa, với 199 mã tăng và 247 mã giảm (47 mã giảm sàn), VN-Index tăng 11,55 điểm (+1,17%) lên 997,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 751,17 triệu đơn vị, giá trị 12.607,56 tỷ đồng, tăng gần 15% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 24/10. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 80,9 triệu đơn vị, giá trị 1.568 tỷ đồng.
Nhiều mã bluechip duy trì được đà tăng đã giúp VN-Index giữ được sắc xanh với động lực chính vẫn tới từ các mã ngân hàng, cho dù không còn giữ được phong độ như phiên sáng.
Rổ VN30 có 20 mã tăng, trong đó CTG đã thay thế BID trở thành cổ phiếu sáng nhất với mức tăng trần +6,9% lên 22.450 đồng, trong khi BID chỉ còn tăng 3,1% lên 31.300 đồng. Một số mã còn tăng tốt như MBB +5,1% lên 16.400 đồng, ACB +4,6% lên 20.400 đồng, VCB +2,8% lên 69.900 đồng, VIB +2,1% lên 19.250 đồng…, còn lại các mã STB, VPB, HDB nhích nhẹ, TCB và TPB lùi về tham chiếu.
Ngoài các cổ phiếu ngân hàng, một số cổ phiếu khác cũng đóng góp lớn cho chỉ số là BVH +4,4% lên 50.000 đồng, HPG +4,3% lên 17.100 đồng, SAB +3,8% lên 187.800 đồng, MSN +3% lên 75.000 đồng, VNM +2,7% lên 76.000 đồng…
Trong khi đó, các mã VHM, KHD và GVR thoát mức giá sàn, trong đó VHM được kéo về tham chiếu 44.600 đồng, nhưng KDH vẫn giảm mạnh -5,4% xuống 21.000 đồng và GVR -5,4% xuống 13.300 đồng. VIC chỉ còn giảm 0,7% về 56.100 đồng.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM vẫn tím lịm ở mức giá trần tại 31.950 đồng và 44.900 đồng, khớp lệnh 6,87 triệu và 3,34 triệu đơn vị.
Cùng với đó, các mã HSG, LPB và SHB cũng tăng hết biên độ lên 12.450 đồng, 10.000 đồng và 10.550 đồng, khớp lệnh HSG có 16,6 triệu đơn vị, LPB và SHB khớp 15 triệu và 14 triệu đơn vị.
Ở nhóm công ty chứng khoán, SSI bất ngờ đảo chiều giảm 0,3% về 15.050 đồng, trong khi HCM +3,8%, VCI +1,3% đều hạ độ cao so với phiên sáng.
Đáng chú ý, VND giao dịch bùng nổ với 65,49 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, nhưng vẫn chưa thể thoát giá sàn 11.450 đồng. HPG khớp lệnh thứ 2 với hơn 31 triệu đơn vị.
Các mã SSI và STB cùng khớp gần 23 triệu đơn vị. VIX, HCM và VCI khớp từ 5-10 triệu đơn vị.
Ngoài VND, một số mã giảm sàn đi kèm thanh khoản cao khác có DIG (về 20.450 đồng), DXG (về 12.950 đồng), KBC (về 18.600 đồng), khớp lệnh từ 11-14 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng lao dốc từ sớm và có một vài thời điểm ghi nhận nhịp hồi phục mạnh, song kết phiên vẫn giảm điểm.
Đóng cửa, với 56 mã tăng và 128 mã giảm (30 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 1,48 điểm (-0,71%) xuống 208,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 78,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.049 tỷ đồng, tăng 22% về khối lượng và 11% về giá trị so với phiên 24/10. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,93 triệu đơn vị, giá trị 412,5 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu lớn đà tăng đã giảm đáng kể so với phiên sáng như SHS chỉ còn tăng 2,9% lên 7.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn HNX với 13,28 triệu đơn vị; PVS +2,4% lên 21.200 đồng và khớp lệnh 71, triệu đơn vị; IDC, TNG và PVC tăng từ 2,2-2,7% và khớp 1,5-3,3 triệu đơn vị.
Trong khi đó, các mã CEO, NDN, L14 đều giảm sàn, trong đó CEO -9,8% về 12.000 và khớp 8,9 triệu đơn vị, đứng sau SHS.
Cùng giữ sắc xanh mắt mèo còn có IDDJ, APS, DL1, PVL, KVC, VKC…
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index diễn biến tương tự như HNX-Index khi chạm đáy vào giữa phiên sáng và được kéo mạnh lên, trước khi giảm trở lại vào cuối phiên.
Đóng cửa, với 110 mã tăng và 172 mã giảm (21 mã giảm sàn), UPCoM-Index giảm 0,2 điểm (-0,26%) xuống 76,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,44 triệu đơn vị, giá trị 441,54 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% về khối lượng, nhưng giảm 1% về giá trị so với phiên 24/10. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể.
Sắc đỏ vẫn chiếm đa số trên thị trường, trong đó VGT giảm sàn 14.700 về 11.600 đồng, khớp lệnh1,71 triệu đơn vị.
Dẫn đầu thanh khoản là BSR với hơn 9 triệu đơn vị, kết phiên giảm 1,7% về 17.700 đồng.
Các mã OIL, VHG, SBS giảm từ 3-10%, khớp lệnh từ 1,2-24, triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, trong đó hợp đồng CV30F2211 đáo hạn gần nhất ngày 17/11/2022 tăng 19 điểm (2%) lên 961 điểm, khớp lệnh hơn 644.954 đơn vị, khối lượng mở 43.991 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, diễn biến khá cân bằng, trong đó CTCB2212 có khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt hơn 2,322 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 7,1% xuống 130 đồng/CQ.
Tiếp theo là CTCB2211 khớp 2,319 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 25% lên 50 đồng/CQ.