Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/8: Gặp rung lắc mạnh, VN-Index vẫn đứng vững

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/8: Gặp rung lắc mạnh, VN-Index vẫn đứng vững

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bị đẩy mạnh trở lại khi cố gắng chinh phục ngưỡng kháng cự 1.280 điểm, nhưng với sự hỗ trợ đắc lực của một số mã ngân hàng, nhất là VCB và VNM, VN-Index đã trở lại kịp thời để có phiên tăng điểm thứ 2 liên tiếp với thanh khoản cũng cải thiện hơn phiến trước.

Trong phiên sáng, tiếp nối đà hồi phục của phiên chiều qua, thị trường tiếp tục tăng điểm với sự dẫn dắt của một số mã lớn trong nhóm ngân hàng. Tuy nhiên, việc thiếu động lực từ dòng tiền lớn khiến VN-Index 2 lần thất bại khi lên test lại ngưỡng kháng cự 1.280 điểm - vốn đã thất bại nhiều lần trong tuần trước đó.

Bước vào phiên giao dịch chiều, VN-Index một lần nữa lên thử sức với ngưỡng 1.280 điểm ngay khi mở đầu phiên. Tuy nhiên, cũng giống như 2 lần của phiên sáng và nhiều lần trong tuần trước, chỉ số này thêm một lần thất bại và bị đẩy lại khá sâu, nhất là từ 14h, lực bán mạnh khiến đồ thị của VN-Index giảm theo phương thẳng đứng. Nhiều người lo ngại về kịch bản thị trường chứng kiến phiên kéo xả điển hình và VN-Index sẽ bị “knock out”, trái ngược với phiên giao dịch chiều qua, nhưng kịch bản đó đã không xảy ra. VN-Index chỉ bị đẩy xuống dưới 1.275 điểm, gần với đáy của phiên sáng thì dừng lại và quay đầu. Với sự vững vàng của một số mã ngân hàng lớn, điển hình là VCB, cùng với VNM, NVL, VN-Index đã đứng vững, thậm chí lấy lại được thêm hơn 3 điểm, đóng cửa sát với phiên đóng cửa sáng.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,35 điểm (+0,50%), lên 1.277,16 điểm với 279 mã tăng và 172 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 601,9 triệu đơn vị, giá trị 15.195,6 tỷ đồng, tăng 6,6% về khối lượng và 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 82 triệu đơn vị, giá trị 2.395 tỷ đồng.

VCB chỉ bị rung lắc nhẹ đầu phiên chiều, sau đó đã lấy lại phong độ, đóng cửa vẫn là mã tăng mạnh nhất nhóm ngân hàng khi tăng 2,2% lên 82.000 đồng, thanh khoản đạt hơn 1 triệu đơn vị. Mã tăng mạnh tiếp theo trong nhóm là STB với mức tăng 1,6% lên 25.400 đồng, khớp 13,3 triệu đơn vị, TCB tăng 1,2% lên 39.250 đồng, khớp gần 4 triệu đơn vị. HDB cũng nới rộng đà tăng so với phiên sáng khi tăng 0,8% lên 25.900 đồng, khớp 1,56 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, nhóm này cũng xuất hiện nhiều sắc đỏ hơn phiên sáng. Nếu phiên sáng chỉ duy nhất BID giảm nhẹ 0,5%, cùng SSB và EIB đứng giá tham chiếu, thì phiên chiều có thêm VIB, EIB, SHB, SSB và LPB gia nhập sắc đỏ cùng BID, nhưng mức giảm không đáng kể với BID vẫn là mã giảm mạnh nhất cũng chỉ mất 0,5% giá trị giống như phiên sáng.

Trong khi đó, nhóm chứng khoán CTS vẫn duy trì sắc tím, APG, FTS, TVB vẫn giữ được sắc xanh, nhưng đà tăng thu hẹp đáng kể, trong khi số còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ, nhưng mức giảm cũng nhẹ nhàng, dưới 1%. Hai mã lớn và có thanh khoản nhất nhóm là SSI và VND giảm trên dưới 0,6%, khớp trên dưới 13 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản, xây dựng, ngoài VRC, có thêm TLD tăng kịch trần, trong khi NVT cũng tăng mạnh 6,6% lên 16.200 đồng. Các mã tăng hơn 2% đến hơn 3% có SZC, QCG, LDG, VPH, HDG, TEG.

Trong chiều giảm, đáng chú ý có TDH giảm 2,2% xuống 5.710 đồng, DXS giảm 1,6% xuống 18.550 đồng.

Trong nhóm thép, 3 mã đáng chú ý nhất đều giảm là HPG giảm 0,6% xuống 23.500 đồng, khớp hơn 12 triệu đơn vị, NKG giảm 0,5% xuống 21.950 đồng, khớp 11,3 triệu đơn vị, HSG giảm 0,7% xuống 21.350 đồng, khớp 9,2 triệu đơn vị.

Nhóm dầu khí cũng đa số giữ được đà tăng, dù không mạnh như phiên hôm qua, trong đó GAS chỉ còn tăng 0,3% lên 117.300 đồng, PVD tăng 3,2% lên 21.300 đồng, trong khi PLX đảo chiều giảm nhẹ 0,5% xuống 43.800 đồng.

Trong các mã cổ phiếu vừa và nhỏ có tính thị trường, theo chân HAG, HNG cũng có giao dịch khá sôi động chiều nay khi vươn lên vị trí thứ 3 về thanh khoản, vượt qua POW với hơn 15,5 triệu đơn vị được khớp, đóng cửa tăng 3,7% lên 7.200 đồng. Trong khi HAG vẫn giữ vị trí số 1 về thanh khoản với gần 26,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2,4% lên 12.650 đồng.

GEX cũng giữ vững phong độ như phiên sáng cả về giá và thanh khoản khi đóng cửa tăng 4,1% lên 25.550 đồng, khớp 22,3 triệu đơn vị, đứng sau HAG. Trong khi POW chỉ còn tăng 1,1% lên 14.050 đồng, khớp 15,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, sau nửa đầu phiên gặp khó khăn, có những lúc bị đẩy về sát tham chiếu, nhưng HNX-Index lại bất ngờ vụt sáng trong nửa cuối phiên, tăng thẳng đứng lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,16 điểm (+0,7%), lên 301,3 điểm với 112 mã tăng và 79 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 74 triệu đơn vị, giá trị 1.731,3 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

Việc HNX-Index vụt sáng chiều nay là nhờ sự khởi sắc của IDC khi từ mức giá dưới tham chiếu phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng 5,1% lên mức cao nhất ngày 67.500 đồng, khớp 5,45 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau PVS và SHS.

Ngoài ra, 2 mã có vốn hóa lớn khác là KSF và THD cũng đều tăng giá, trong đó mã vốn hóa lớn nhất sàn KSF tăng 2,9% lên mức cao nhất ngày 85.000 đồng, còn THD tăng 1,3% lên 56.500 đồng, nhưng thanh khoản của cả 2 không cao.

Các mã đáng chú ý khác, trong khi PVC dù hạ độ cao, nhưng vẫn giữ được đà tăng tốt 5,9% lên 21.500 đồng, khớp 2,57 triệu đơn vị, thì PVS lại chỉ còn mức tăng 0,4% lên 27.900 đồng (bằng với phiên sáng), thanh khoản 7,65 triệu đơn vị.

SHS không thể giữ được tham chiếu khi đóng cửa giảm 1,4% xuống 14.100 đồng, khớp 7,17 triệu đơn vị, đứng sau PVS. Trong khi IDJ giữ được sắc xanh, nhưng hạ nữa độ cao so với phiên sáng khi đóng cửa chỉ còn tăng 1,2% lên 17.400 đồng, khớp 4,28 triệu đơn vị, trong khi TAR nới rộng thêm đà tăng, leo lên mức kịch trần 27.100 đồng, khớp 3,54 triệu đơn vị.

CEO vẫn giữ sắc đỏ, nhưng mức giảm khiêm tốn, chỉ 0,5% xuống 33.300 đồng, còn HUT đứng giá tham chiếu 29.300 đồng.

UPCoM cũng có giao dịch khá tích cực trong phiên chiều. Sau nửa đầu phiên giằng co nhẹ quanh mức giá đóng cửa phiên sáng, chỉ số này đã nới đà tăng trong ít phút cuối phiên, đóng cửa ở mức cao nhất ngày như HNX-Index.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,52 điểm (+0,56%), lên 93,30 điểm với 215 mã tăng và 85 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,3 triệu đơn vị, giá trị 1.000,3 tỷ đồng, giảm về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 19,4 tỷ đồng.

BSR vẫn giữ vững phong độ và đóng cửa tăng 4% như phiên sáng lên 26.000 đồng, thanh khoản gần 16 triệu đơn vị, bỏ xa số còn lại trên thị trường này. Một mã dầu khí khác là OIL cũng giữ được đà tăng 2,3% lên 13.600 đồng, khớp 1,47 triệu đơn vị, trong khi đó, PXL vẫn giảm, dù hẹp hơn phiên sáng khi đóng cửa giảm 2,4% xuống 12.200 đồng, khớp 2,07 triệu đơn vị.

Các mã có thanh khoản tốt khác có SBS tăng 2,8% lên 10.900 đồng, khớp 3,36 triệu đơn vị, VHG tăng 2,4% lên 4.200 đồng, khớp 1,33 triệu đơn vị. LMH tăng 1,6% lên 12.900 đồng, khớp 1,2 triệu đơn vị. Đặc biệt, LTG cũng giống như doanh nghiệp xuất khẩu gạo khác trên HNX là TAR cũng có phiên tăng tốt 6,6% lên 37.300 đồng, khớp 1,1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, tất cả các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, nhưng mức tăng nhẹ, trong đó chỉ hợp đồng đáo hạn tháng 3/2023 tăng mạnh hơn VN30, còn lại đều nhẹ hơn. Cụ thể, VN30-Index tăng 4,41 điểm (+0,34%), lên 1.296,41 điểm với 17 mã tăng, 12 mã giảm và 1 mã đứng giá, còn hợp đồng đáo hạn tháng 9 là VN30F2209 tăng 2,1 điểm (+0,2%), lên 1.285,2 điểm với 188.363 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 48.560 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ và xanh khá cân bằng, trong đó trong 5 mã tăng mạnh nhất có 4 mã do KIS phát hành, mã còn lại do HSC phát hành. Hai mã tăng mạnh nhất là CVHM2201 và CPDR2203 do KIS phát hành tăng lần lượt 100% và 80% lên 20 đồng và 90 đồng, nhưng thanh khoản thấp. Trong khi đó, mã giảm mạnh nhất là CVRE2201 do HSC phát hành giảm 44% xuống 50 đồng, thanh khoản 249.900 đơn vị. Hôm nay chỉ có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị đều là chứng quyền của POW, trong đó CPOW2203 do MBS phát hành đóng cửa giảm 20% xuống 40 đồng, còn CPOW2204 do KIS phát hành tăng nhẹ 4,2% lên 740 đồng.

Tin bài liên quan