Sau phiên sáng giao dịch phân hóa và giảm nhẹ, thị trường gần như không có diễn biến đáng chú ý nào thêm về điểm số, khi mà VN-Index chỉ gần như đi ngang dưới vùng giá thấp, trước khi có nhịp nảy trở lại về tham chiếu nhờ có thêm một số bluechip đảo chiều tăng nhẹ thành công.
Về mặt kỹ thuật thì phiên hôm nay chỉ số tạo thành một cây nến rút chân với thân ngắn cho thấy áp lực bán đã giảm bớt và vùng hỗ trợ 1.270 (+|- 10 điểm) đang phát huy tác dụng đỡ thị trường. Khả năng thị trường sẽ có nhịp tăng nhẹ vào ngày mai, tuy nhiên, để xác định đáy của nhịp giảm này vẫn cần chờ thêm thời gian.
Điểm đáng chú ý như đã đề cập trong các bản tin trước là thị trường giảm điểm chủ yếu do áp lực từ các mã vốn hoá lớn. Với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu chứng khoán phiên hôm nay thì bộ 3: ngân hàng, thép, chứng khoán đều đã giảm khá mạnh. VN-Index tăng mạnh nửa đầu năm nhờ nhóm này, thì giờ đây đang trả lại số điểm mà 3 dòng cổ phiếu đã tạo ra.
Còn với thị trường, cơ hội vẫn còn rất nhiều khi số mã tăng vẫn duy trì ở mức tốt, bất chấp thị trường biến động mạnh.
Đóng cửa, sàn HOSE có 145 mã tăng và 228 mã giảm, VN-Index giảm 0,12 điểm (-0,01%), xuống 1.298,74 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 714,2 triệu đơn vị, giá trị 23.432,8 tỷ đồng, giảm 10% về khối lượng và 9% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,7 triệu đơn vị, giá trị 2.217,6 tỷ đồng.
Phiên chiều nay ghi nhận nỗ lực bất ngờ đến từ cổ phiếu PDR, khi là mã tăng mạnh nhất trong các bluechip +4,6% lên 86.000 đồng và là cổ phiếu đóng góp tốt nhất cho VN-Index, mặc dù cũng chỉ hơn 0,5 điểm.
Cùng với PDR thì VJC cũng có sức bật tốt khi vọt 2,1% lên 122.800 đồng, SAB +1,7% lên 142.400 đồng, MWG +1,5% lên 160.500 đồng. Nhích hơn 1% còn có BVH +1,2%, MSN +1,2%, FPT +1%.
Các cổ phiếu còn tăng khác có không ít thuộc về nhóm trụ cột ngân hàng với ACB, STB, TPB, VPB, TCB, BID, HDB, CTG và chỉ còn VCB và MBB giảm nhẹ.
Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VIC tuy chỉ giảm 0,8%, nhưng lại khiến VN-Index chịu tác động tiêu cực nhất khi kéo lùi 0,7 điểm.
Bên cạnh đó là SSI, khi nới rộng đà giảm, đóng cửa mạnh 3,5% xuống 61.200 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau STB trên toàn sàn HOSE với 23,2 triệu đơn vị.
Trên bảng chính, nhóm cổ phiếu công ty chứng sau khi đã giảm khá sâu trong phiên sáng đã tiếp tục bị bán không tiếc tay trong phiên chiều và đã khiến HCM, VIX, CTS, VDS đều giảm xuống mức giá sàn và đều trắng bên mua, trong đó, HCM và VIX khớp hơn 10,5 triệu đơn vị.
Còn lại, FTS tuy thoát mức giá sàn, nhưng vẫn giảm mạnh 5,9% xuống 52.800 đồng, VCI lùi về sát mức giá sàn, mất -6,6% xuống 58.100 đồng, APG -4,7% xuống 16.350 đồng, AGR -5,2% xuống 16.300 đồng.
Tương tự, nhóm phân bón, vốn song hành cùng nhóm chứng khoán tăng mạnh trong hai phiên thị trường lao dốc, cũng đã bị bán chốt lời trong phiên hôm nay với DCM -3,7% xuống 23.600 đồng, DPM -4,8% xuống 35.400 đồng, BFC -4,4% xuống 34.900 đồng.
Chịu áp lực bán mạnh khác cũng khiến nhiều mã quen thuộc giảm mạnh xuống mức giá sàn như cặp đôi mẹ con FIT-TSC và JVC, AGM, VOS, TNA, LSS.
Ngoài ra là HAX -6,8% xuống 20.650 đồng, GEX -5,8% xuống 22.600 đồng, SHI -5,3% xuống 19.650 đồng, KSB -4,7% xuống 27.600 đồng, APH -3,9% xuống 48.900 đồng.
Đáng chú ý khác là ở nhóm cổ phiếu bất động sản vừa và nhỏ với hàng loạt những cái tên như TLD, PTL, NHH, QCG, DIG, HCD, GEX, LCG, TDG, LGL, CEE giảm từ 4,8% đến 6,4%.
Trái lại, SCR, LPB, MSB, HSG, NKG, DXG, PVT, PVD, TTF, PET, HAI còn tăng điểm, khớp từ 3,5 triệu đến 10,48 triệu đơn vị.
Cùng với đó là sắc tím tại PHC, BMC BID và VMD, trong đó, PHC khớp được hơn 1,82 triệu đơn vị, còn VMD xác lập phiên 12 phiên liên tiếp gần nhất đều tăng với 11 phiên đều đóng cửa tăng kịch trần.
Một số có mức tăng khá mạnh từ 3,5% đến 6,5% như CMG, NAV, FCM, TDH, PC1, VHC, FRT, TLG, YBM, DAH, TCD…
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp hồi dần, nhưng ngay khi chạm tham chiếu đã bị đẩy ngược trở lại và đóng cửa giảm điểm do áp lực gia tăng ở nhóm công ty chứng khoán.
Đóng cửa, sàn HNX có 86 mã tăng và 124 mã giảm, HNX-Index giảm 3,05 điểm (-0,91%), xuống 331,79 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 161,1 triệu đơn vị, giá trị 4.087,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 13 triệu đơn vị, giá trị gần 403 tỷ đồng.
Theo đó, tương tự trên HOSE, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng đã bị xả mạnh và nới đà giảm so với cuối phiên sáng với VND -6,2% xuống 50.000 đồng, ART -6,8% xuống 9.600 đồng, MBS -8% xuống 33.500 đồng, APS -4,5% xuống 14.700 đồng, BSI -6,1% xuống 27.500 đồng, BVS -8,8% xuống 33.100 đồng, EVS -6,6% xuống 34.100 đồng và PSI giảm sàn -9,6% xuống 11.300 đồng.
Mặc dù vậy, SHS lại đảo chiều tăng 0,5% lên 40.000 đồng, TVB +6,7% lên 24.000 đồng, VIG +6,7% lên 6.400 đồng.
Các mã lớn còn lại như SHB -1,5% xuống 27.000 đồng, IDC -3,6% xuống 34.700 đồng, AMV -2,6% xuống 11.100 đồng…và ở chiều ngược lại là PVS +2,5% lên 24.100 đồng, TNG +3,6% lên 28.600 đồng, NVB +3,3% lên 28.100 đồng.
Thanh khoản phiên này VND cao nhất sàn với hơn 22,2 triệu đơn vị khớp lệnh, SHB khớp hơn 11,9 triệu đơn vị, SHS khớp 11,3 triệu đơn vị, PVS khớp hơn 7,22 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index sau nhịp giảm mạnh cuối phiên sáng, đã tiếp tục nới đà giảm trong những phút đầu của phiên chiều, trước khi thu hẹp dần đà giảm về cuối phiên.
Cổ phiếu BSR, PAS, KSH là số ít các mã còn tăng trong các cổ phiếu có thanh khoản cao còn tăng điểm, còn lại đều giảm.
Trong đó, đáng kể cũng là nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với SBS -9,1% xuống 14.900 đồng, khớp 7,39 triệu đơn vị, ORS -7,3% xuống 26.500 đồng, khớp hơn 2,81 triệu đơn vị AAS -7,6% xuống 14.500 đồng, khớp 2,14 triệu đơn vị…
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,36%), xuống 91,13 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 87,77 triệu đơn vị, giá trị 1.642,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,41 triệu đơn vị, giá trị 174,3 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa trong sắc xanh, với VN30F2109 tăng 3,9 điểm (+0,28%), lên 1.415,1 điểm, khớp lệnh có hơn 320.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sự phân hóa mạnh cũng diễn ra, nhưng tích cực hơn ở nhóm các mã có khối lượng khớp lệnh cao nhất, với CHPG2110, CVRE2105, CPDR2101, CTCB2105, CMWG2105 đều tăng, khớp 0,49 triệu đến 0,77 triệu đơn vị, riêng CHPG2110 khớp được 1,54 triệu đơn vị, tăng 3,3% lên 2.490 đồng/cq.