Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/5: VN-Index cùng nhịp đập với VN30

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 24/5: VN-Index cùng nhịp đập với VN30

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Diễn biến của VN-Index thời gian gần đây thường gắn chặt với diễn biến của VN30-Index và phiên hôm nay, đồ thị ngày của 2 chỉ số này gần như giống hệt nhau.

Dư âm từ phiên giảm mạnh trước đó khiến tâm lý nhà đầu tư thận trọng trở lại trong phiên giao dịch sáng nay 24/5. Do đó, VN-Index chủ yếu diễn biến giằng co nhẹ quanh tham chiếu, trước khi tăng nhẹ vào cuối phiên.

Bước vào phiên chiều, áp lực từ nhóm VN30 khiến VN-Index có lúc giảm hơn 15 điểm, xác lập đáy của ngày sau 45 phút giao dịch, cùng thời điểm với việc VN30-Index xác lập đáy của ngày.

Những tưởng thị trường sẽ có thêm một phiên giảm mạnh, thì lực kéo giá ở nhóm VN30 xuất hiện, kéo VN30-Index đi lên, qua đó dắt theo VN-Index bật tăng theo. Đặc biệt, từ 14h, lực cầu gia tăng kéo nhiều cổ phiếu nhóm VN30 tăng mạnh như MSN, CTG, VNM, SSI, đặc biệt là STB được kéo lên mức kịch trần giúp cả 2 chỉ số VN-Index và VN30-Index nhảy vọt lên mức cao nhất ngày khi đóng cửa phiên hôm nay. Nhìn trên chart realtime, diễn biến của VN-Index giống hệt VN30-Index.

Hôm nay chứng khoán phái sinh tiếp tục có phiên sôi động với gần 400.000 hợp đồng được giao dịch, giá trị tính gần bằng thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 6 có chênh lệch giữa mức điểm cao nhất và thấp nhất lên tới hơn 37 điểm, trong khi với VN30-Index và VN-Index chỉ hơn 30 điểm.

Đóng cửa, với 224 mã tăng và 210 mã giảm, VN-Index tăng 14,57 điểm (+1,2%) lên 1.233,38 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 528,47 triệu đơn vị, giá trị 13.415,85 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng nhưng nhích nhẹ 1% về giá trị so với phiên 23/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 49 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.359 tỷ đồng.

Với sức cầu tốt, rổ VN30 có tới 26 mã tăng, trong đó STB tăng kịch biên độ 6,9% lên 21.750 đồng. Các mã ngân hàng khác cũng đều tăng điểm, cho dù không quá mạnh, từ 1-3%, khớp lệnh từ 1-9 triệu đơn vị\.

Đóng góp tích cực vào đà tăng của chỉ số VN-Index còn có các mã MSN (+4,3% lên 109.000 đồng), PNJ (+3,3% lên 107.900 đồng), VNM (+3,9% lên 68.900 đồng), SSI (+6% lên 28.100 đồng), CTG (+4% lên 26.000 đồng)…

Trong số mã giảm, HPG giảm mạnh 5% về 34.900 đồng, KDH -2% về 40.100 đồng, còn lại SAB và PLX chỉ giảm nhẹ.

Về thanh khoản, HPG khớp lệnh 42,2 triệu đơn vị, cao nhất rổ cũng như toàn sàn HOSE, tiếp theo là SSI và STB với lần lượt 21,8 triệu và 17,9 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, diễn biến phân hóa khá rõ nét, sắc xanh hiện diện ở các mã VND, DIG, GEX, VIX, DCM, DXG, BCG… Trong đó, VND gây chú ý với mức tăng tốt 3% lên 24.000 đồng vào cuối phiên, khớp lệnh cao thứ 4 sàn HOSE với 13,59 triệu đơn vị, trong khi trước đó còn nằm sàn. BSI thậm chí còn tăng trần lên 27.250 đồng.

Ngoài ra, nhiều mã chứng khoán khác cũng tăng tích cực cả về điểm số lẫn thanh khoản trong phiên này như VIX, VCI, HCM…, khớp lệnh từ 4-8 triệu đơn vị.

HBC và IDI cũng tăng trần trong phiên lên 21.150 đồng và 22.200 đồng, khớp lệnh 4-5 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, sắc đỏ vẫn bao trùm lên các mã HSG, HAG, HQC, NKG, PVD, ROS, FLC, VCG… Ngoại trừ một số mã giảm mạnh như HSG (-4,5% về 22.200 đồng), NKG (-5,5% về 28.350 đồng)…, thì các mã khác giảm không nhiều. HSG khớp 11,59 triệu đơn vị, NKG khớp 9,37 triệu đơn vị.

HAG -1% về 8.720 đồng và khớp 10,73 triệu đơn vị, HQC -2,5% về 5.450 đồng và khớp 9,9 triệu đơn vị…

OGC quay trở lại mức giá sàn 11.450 đồng và khớp gần 2,6 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, diễn biến tương đồng với sàn HOSE khi chỉ số HNX-Index cũng giằng co mạnh, trước khi kết phiên ở mức cao nhất ngày.

Đóng cửa, với 95 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 5,3 điểm (+1,76%) lên 305,96 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 79,19 triệu đơn vị, giá trị 1.712,39 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 23/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,7 triệu đơn vị, giá trị gần 261 tỷ đồng.

Trong số 2 cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn là PVS và SHS với 17,8 triệu và 12,5 triệu đơn vị, PVS -0,4% xuống 27.800 đồng, còn SHS quay đầu tăng mạnh 5,6% lên 17.000 đồng.

Đáng chú ý, CEO và IDJ tăng kịch biên độ gần 10% lên 40.200 đồng và 19.500 đồng, khớp lệnh 5,18 triệu và 2,71 triệu đơn vị.

Cũng giảm điểm khác còn có PVC -0,4% xuống 22.500 đồng và khớp 2,2 triệu đơn vị, CTB -6,9 xuống 24.300 đồng…

Ngược lại, IDC +5,1% lên 51.500 đồng và khớp 2,37 triệu đơn vị; HUT +1,5% lên 27.500 đồng và khớp 2,8 triêu đơn vị…

Trên UPCoM, sắc xanh đầu phiên không giữ được lâu khi giảm sau khi mở cửa và có thời điểm giảm khá mạnh, trước khi hồi về gần tham chiếu khi vào phiên.

Đóng cửa, với 101 mã tăng và 158 mã giảm, UPCoM-Index giảm 0,51 điểm (-0,55%) xuống 93,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,57 triệu đơn vị, giá trị 1001,63 tỷ đồng, tăng khoảng 55% cả về khối lượng lẫn giá trị so với phiên 23/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm 18,77 triệu đơn vị, giá trị hơn 312,4 tỷ đồng, chủ yếu đến từ 17,8 triệu cổ phiếu VGT ở mức giá sàn, trị giá hơn 281,4 tỷ đồng.

Trong số 8 cổ phiếu khớp lệnh từ 1 triệu đơn vị trở lên, ngoài VGT, ABB và BVB tăng nhẹ khoảng 1%, còn lại đều không tăng.

BSR đảo chiều giảm 0,4% xuống 23.900 đồng, khớp lệnh hơn 14 triệu đơn vị, cao nhất sàn UPCoM. Kế đến là VHG với 2,7 triệu đơn vị và C4G với 2,2 triệu đơn vị, nhưng đều đứng giá tham chiếu.

LMH giảm sàn 14,7% xuống 6.400 đồng, khớp 1,46 triệu đơn vị. OIL -1,4% xuống 13.800 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 3 hợp đồng tương lai tăng điểm và 1 hợp đồng giảm điểm. Trong đó, hợp đồng VN30F2206 tăng 13,9 điểm (+1,1%) lên 1.2679 điểm với khối lượng khớp lệnh lớn nhất, đạt gần 389.658 đơn vị, khối lượng mở gần 29.480 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ có phần nhỉnh hơn sắc xanh, trong đó mã CHPG2203 dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 2,8 triệu đơn vị, kết phiên giảm 28,2% xuống mức 280 đồng/CQ.

Tin bài liên quan