Sau phiên sáng giảm mạnh và thanh khoản chạm ngưỡng nghẽn, thị trường bước vào phiên chiều với tâm thế rằng chỉ số đã “chốt sổ”, đặc biệt khi một số công ty chứng khoán có thông báo, kể từ thời điểm 13h11’ thì HOSE đã không còn trả confirm lệnh mới (lệnh mới đặt sẽ không thể khớp) càng khiến cho giao dịch chậm lại.
Quả thật, sau đó chỉ một số lệnh túc tắc được khớp sau giờ nghỉ trưa khiến VN-Index chỉ dao động trong khoảng hẹp 1.180 - 1.183 điểm cho đến khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HOSE có 110 mã tăng và 359 mã giảm, VN-Index giảm 10,98 điểm (-0,92%), xuống 1.183,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 683,72 triệu đơn vị, giá trị 15.415,5 tỷ đồng, giảm nhẹ hơn 2% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 40,1 triệu đơn vị, giá trị 1.376,9 tỷ đồng.
Trong vài phiên gần đây, khi nhóm bluechips chững lại và nhà đầu tư chờ đợi xu hướng thì dòng tiền đã nhanh chóng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ.
Trong đó, đặc biệt hướng đến FLC, và chiều này đã có lượng lớn lệnh ồ ạt tung vào và được khớp, thanh khoản tăng thêm hơn 8 triệu đơn vị so với cuối phiên sáng, lên hơn 45 triệu đơn vị còn dư mua giá trần hơn 31 triệu đơn vị.
Nhiều nhà đầu tư trên các diễn đàn, nhóm chứng khoán trên mạng xã hội cảm thấy vô cùng bất ngờ và bức xúc đối với tình trạng này, do nghẽn giao dịch khiến nhiều lệnh vào các mã khác không trả confirm, bảng điện tử không nhảy số, nhưng không hiểu sao một lượng lệnh lớn đổ vào cổ phiếu FLC lại “mượt mà” đến vậy.
Đóng cửa, FLC +7% lên 9.180 đồng, và với mức giá này, chỉ cần 2 phiên tăng tốt nữa là “giấc mơ về mệnh giá” của nhiều nhà đầu tư cổ phiếu FLC sẽ thành hiện thực.
Cổ phiếu ROS không tăng mạnh như “người anh em” FLC, nhưng cũng vọt 3,5% lên 4.450 đồng, khớp lệnh cũng chỉ đứng sau FLC với hơn 33,6 triệu đơn vị.
Ở các mã vừa và nhỏ khác, giao dịch không có quá nhiều đột biến so với cuối phiên sáng với DAH, HCD, HVH, EVE giữ mức giá trần, còn ITA, DLG, AMC, TTF, HBC, HAP, HT1, BCG, TDH, DPM đóng cửa trong sắc xanh, khớp lệnh ITA cao nhất với hơn 16 triệu đơn vị.
Còn lại hầu hết kết phiên giảm điểm, trong đó một số giảm mạnh như HQC -3,5%, IJC -5,5%, VIX -4,4%, FIT -3,9%, CTI -5,1%...cùng nhóm giảm sàn TGG, NHA, TMS, SGR và RIC.
Ở nhóm bluechips, trong đó tại rổ VN30 đã có tới 25 mã giảm, PNJ đứng tham chiếu. Tăng điểm đáng kể vẫn tại PDR +3% lên 63.200 đồng trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 10%.
Ngoài ra còn có PLX +2,1% lên 57.200 đồng, GAS +1,4% lên 91.800 đồng và FPT tăng nhẹ 0,1%.
Tại các mã giảm, TCH -2,4% xuống 22.650 đồng, BID, STB và TCB đều mất 2,1%, nhóm SSI, CTG, TPB, HDB, REE, POW, MSN, KDH giảm từ 1,5% đến 1,9%...
Thanh khoản 3 mã ngân hàng dẫn đầu là STB khớp 25,3 triệu đơn vị, MBB khớp hơn 15,1 triệu đơn vị, CTG khớp hơn 14,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng gần như đi ngang quanh mức chốt phiên sáng tại 271 điểm, nhưng bất ngờ nhận lực mua bắt đáy về cuối phiên ở SHB đã kéo chỉ số nhích lên, thu hẹp đà giảm.
Theo đó, SHB chỉ còn -2,1% so với mức giảm hơn 3% của phiên sáng, xuống đóng cửa tại 18.800 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 36,7 triệu đơn vị.
Ngoài SHB thì vẫn còn khá nhiều mã giảm, trong đó không ít là các cổ phiếu vốn hóa cao trên sàn như BAB -2,3% xuống 29.800 đồng, THD -0,6% xuống 198.800 đồng, PVS -1,7% xuống 23.400 đồng, NVB -3,3% xuống 14.600 đồng, SHS -2,1% xuống 28.200 đồng, MBS -1,7% xuống 22.800 đồng, TNG -2,5% xuống 23.800 đồng…
Nhích lên có IDC +4,3% lên 39.200 đồng, CEO +1,7% lên 12.300 đồng, HUT +5% lên 6.300 đồng và các mã nhỏ KLF, ART, ACM, ITQ, KVC tăng kịch trần.
Đóng cửa, sàn HNX có 64 mã tăng và 111 mã giảm, HNX-Index giảm 2,5 điểm (-0,91%), xuống 272,34 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 163,9 triệu đơn vị, giá trị 2.589,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 15,9 triệu đơn vị, giá trị 159,4 tỷ đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index trong xu hướng hồi phục ngay sau khi bước vào phiên chiều, tuy nhiên, lực mua còn khiêm tốn khiến chỉ số chỉ gần lên tham chiếu khi đóng cửa.
Giao dịch khởi sắc tại VNB, ORS, VNH khi tăng kịch trần, thanh khoản ở mức khá, khớp từ 1 triệu đến 1,54 triệu đơn vị.
Cổ phiếu DDV tăng mạnh +9,9% lên 14.400 đồng, khớp hơn 3,69 triệu đơn vị.
Trong khi đó, BSR -1,2% xuống 16.700 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 9,93 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,13 điểm (-0,16%), xuống 81,14 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 55,9 triệu đơn vị, giá trị 924,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,5 triệu đơn vị, giá trị 165,4 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm khi đóng cửa, trong đó, VN30F2104 mất 7,9% điểm, tương đương -0,66% xuống 1.184,5 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 138.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 25.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao phủ, lác đác một vài mã còn tăng như CFPT2011, CHPG2102, CMW2101, CMSN2022…
Giao dịch khối lượng tập trung tại CSBT2007, CHPG2018, CNVL2003, CHDB2007, khi khớp từ 0,52 triệu đến 0,61 triệu đơn vị và tất cả đều giảm.