Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/6: Thanh khoản giảm dần, bluechip kéo VN-Index lên đỉnh mới

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 22/6: Thanh khoản giảm dần, bluechip kéo VN-Index lên đỉnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù không giữ được mức cao nhất ngày, nhưng nhờ sự hỗ trợ của nhóm bluechips, VN-Index vẫn xác lập mức đóng cửa lịch sử mới. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường đang giảm dần.

Mở cửa phiên giao dịch sáng nay 22/6, sức cầu mạnh mẽ đã kéo VN-Index nhanh chóng vượt ngưỡng 1.380 điểm. Tại ngưỡng cản này, VN-Index gặp đôi chút khó khăn, nhưng với tâm lý hưng phấn và sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechip, đáng kể là nhóm ngân hàng, bất động sản, VN-Index đã nhanh chóng lấy lại đà tăng mạnh, đóng cửa trên 1.382 điểm.

Bước vào phiên chiều, lực cầu tốt đầu phiên kéo VN-Index vượt qua ngưỡng 1.385 điểm, xác lập mức đỉnh của ngày. Tuy nhiên, ở vùng điểm này, áp lực chốt lời gia tăng, trong khi lực cầu có phần dè dặt khiến đà tăng bị hãm lại, VN-Index mất mốc 1.380 điểm khi đóng cửa phiên.

Dù không giữ được mốc 1.380 điểm, nhưng VN-Index vẫn xác lập mức điểm đóng cửa cao lịch sử mới trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường giảm dần trong 1 tuần trở lại đây. Ngoại trừ phiên giao dịch 1/6 chỉ giao dịch buổi sáng, đây là phiên có thanh khoản thấp nhất gần 1 tháng của sàn HOSE.

Đóng cửa, với 189 mã tăng và 204 mã giảm, VN-Index tăng 7,34 điểm (+0,53%) lên 1.379,97 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 747 triệu đơn vị, giá trị hơn 22.393 tỷ đồng, giảm 3% về khối lượng và 1% về giá trị so với phiên 21/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 52 triệu đơn vị, giá trị gần 2.03 58 tỷ đồng.

Trước áp lực gia tăng, nhóm bluechip vẫn giữ được sự đồng thuận, với rổ VN30 có 17 mã tăng so với 10 mã giảm và 3 mã đứng tham chiếu là VNM, PLX và BID.

Trong đó, nhiều mã ngân hàng duy trì vững đà như MBB +3,3% lên 42.000 đồng, CTG +3,2% lên 51.900 đồng, các mã HDB, ACB, MSB, LPB tăng trên 2%...

Trong nhóm ngân hàng, cổ phiếu HDB gây chú ý khi không chỉ tăng mạnh 2,1% khớp hơn 4,8 triệu đơn vị, mà còn là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất xét về khối lượng. Cụ thể, trong phiên hôm nay, khối ngoại mua ròng mạnh hơn 1,3 triệu cổ phiếu HDB, giá trị hơn 44,6 tỷ đồng. Đây là cổ phiếu ngân hàng được mua ròng mạnh nhất xét về khối lượng phiên hôm nay và đứng thứ 2 về giá trị, sau VCB với giá trị mua ròng 71,8 tỷ đồng, tương ứng khối lượng mua ròng gần 0,67 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, NVL vẫn tăng hơn +4% lên 113.500 đồng, GAS +2% lên 94.900 đồng, các mã tăng từ 1% có VCB, TPB, TCB, STB, HPG, SSI...

Ở chiều ngược lại, VPB là mã ngân hàng duy nhất còn giảm điểm với mức giảm 0,8% về 66.000 đồng, các mã VRE, VHM, FPT, MSN, REE… giảm không quá 1%

Về thanh khoản, MBB khớp lệnh cao nhất rổ VN30 với 35,45 triệu đơn vị, tiếp đó là STB với 25,18 triệu đơn vị, CTG với 21,91 triệu đơn vị. Các mã HPG, TCB, VPB và POW khớp từ 13-18 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ đã đậm hơn trong phiên chiều với mức giảm khá mạnh ở AAA, DLG, HQC, HNG, ITA, SCR, HAG, FIT, HHS, LDG… Trong đó, các mã AAA, DLG, HQC, HNG khớp từ 14-21 triệu đơn vị, còn ITA, SCR, HAG, FIT, HHS, LDG… khớp từ 5-11 triệu đơn vị.

Trong khi đó, cổ phiếu đáng chú ý nhất là FLC đã quay đầu tăng điểm 1% lên 14.550 đồng nhờ sức cầu mạnh mẽ với 44,35 triệu đơn vị được sang tay, dẫn đầu sàn HOSE. Mã ROS cũng tăng 0,9% lên 6.860 đồng và khớp 16,38 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, đà tăng giảm đáng kể trong phiên chiều trước áp lực bán mạnh, nhưng nhiều cổ phiếu trụ ngân hàng, chứng khoán và dầu khí vẫn ổn định để duy trì sắc xanh.

Đóng cửa, với 101 mã tăng và 113 mã giảm, HNX-Index tăng 0,84 điểm (+0,27%) lên 317,09 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 163,4 triệu đơn vị, giá trị gần 3.671 tỷ đồng, tăng 20% về khối lượng và 23% về giá trị so với phiên 21/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 24,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 735 tỷ đồng.

Áp lực chốt lời khiến rổ HNX30 quay đầu giảm điểm với một số mã giảm mạnh như HUT -5,6% xuống 8.400 đồng, LAS -4,1% xuống 13.900 đồng, TNG -3,2% về 24.200 đồng…

Dù vậy, các mã SHB vẫn tăng 1,1% lên 27.200 đồng, PVS +0,3% lên 30.500 đồng, PVB +4,2% lên 17.500 đồng, PVC +0,8% lên 12.200 đồng, SHS +1% lên 41.200 đồng, CEO +1,9% lên 11.000 đồng…

Thanh khoản SHB dẫn đầu sàn với hơn 21,15 triệu đơn vị khớp lệnh, PVS khớp 13,57 triệu đơn vị, HUT khớp 10,72 triệu đơn vị, CEO khớp 6,9 triệu đơn vị, NVB khớp 5,87 triệu đơn vị…

Trên UPCoM, diễn biến rung lắc mạnh tiếp diễn trong phiên chiều, nhưng sắc xanh vẫn được duy trì đến hết phiên khi các mã lớn vẫn ổn định.

Đóng cửa, với 178 mã tăng và 136 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,38 điểm (+0,43%) lên 90,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 89,61 triệu đơn vị, giá trị 2.147 tỷ đồng, tăng 18% về khối lượng và 42% về giá trị so với phiên 21/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,77 triệu đơn vị, giá trị 612,97 tỷ đồng.

BSR và OIL vẫn là 2 mã dầu khí giao dịch nổi bật nhất, trong đó BSR +2,4% lên 21.500 đồng và khớp lệnh cao nhất sàn với 18,24 triệu đơn vị, OIL tăng 5,3% lên 16.000 đồng và khớp hơn 5,2 triệu đơn vị.

Thanh khoản cổ phiếu NED tăng đột biến lên 1,51 triệu đơn vị, có thởi điểm chạm giá trần, trước khi kết phiên +12,8% lên 12.300 đồng.

Các cổ phiếu quen thuộc như KLB, BVB đã về tham chiếu, trong đó BVB khớp 2,78 triệu đơn vị.

Các mã VGT, LTG, KSH, HHV, C4G, DDV… giảm điểm, trong đó VGT khớp 4,76 triệu đơn vị và giảm 5,8% về 19.500 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng điểm, trong đó VN30F2107 đáo hạn sớm nhất vào ngày 15/7 tăng 16,9 điểm (+1,17%) lên 1.490,4 đơn vị và là mã giao dịch sôi động nhất, đạt 150.529 đơn vị, khối lượng mở 24.432 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, 2 mã CMBB2101 và CNVL2102 có khối lượng khớp lệnh cao nhất, trong đó CMBB2101 tăng 11,18% lên 795 đồng/CQ và khớp 782.300 đơn vị, còn CNVL2102 tăng 12,81% 361 đồng/CQ và khớp 645.100 đơn vị.

Tin bài liên quan