Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/4: Kịch bản bán mạnh cuối phiên tái diễn, VN-Index giảm hơn 14 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 21/4: Kịch bản bán mạnh cuối phiên tái diễn, VN-Index giảm hơn 14 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Động lực từ nhóm cổ phiếu tài chính kéo VN-Index từ vùng 1.360 điểm, vượt qua tham chiếu lên vùng 1.390 điểm đầu phiên chiều, nhưng thêm một phiên nữa kịch bản bán mạnh cuối phiên tái diễn khiến VN-Index quay đầu giảm hơn 14 điểm với 92 mã giảm sàn.

Lực cầu kéo nhóm bluechip nửa cuối phiên sáng, giúp thị trường hồi trở lại, VN-Index vừ vùng 1.360 điểm đã hồi lên sát mốc tham chiếu. Nhiều mã cổ phiếu vừa và nhỏ cũng thoát mức giá sàn.

Bước vào phiên chiều, dư âm của cuối phiên sáng tiếp tục giúp VN-Index hồi phục và lên trên tham chiếu, về lại ngưỡng 1.390 điểm. Tuy nhiên, lực cầu không đủ mạnh khiến VN-Index không đủ sức để bứt lên, mà chỉ lình xình quanh tham chiếu trong nửa phiên chiều để chờ đợi đột biến trong đợt ATC, vì hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh tháng 4.

Nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, việc thị trường có chuỗi giảm mạnh trước đó, trong ngày đáo hạn phái sinh sẽ được kéo hồi, nhưng điều đó đã không xảy ra phiên hôm nay. Một lần nữa kịch bản bán mạnh cuối phiên tái diễn khiến VN-Index giảm mạnh trở lại với hơn 310 mã giảm, trong đó số mã giảm sàn một lần nữa vượt qua con số 90 như 2 phiên trước.

Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 132 mã tăng và 311 mã giảm (92 mã giảm sàn), VN-Index giảm 14,15 điểm (-1,05%), xuống 1.370,21 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 810,6 triệu đơn vị, giá trị 23.787,3 tỷ đồng, tăng gần 18% về khối lượng và 16% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69,3 triệu đơn vị, giá trị 1.805,9 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng với MBB, TCB, VPB, BID, CTG cùng hai cổ phiếu chứng khoán VND, SSI và bảo hiểm BVH nằm trong số những mã đóng góp lớn nhất, giúp VN-Index không rơi sâu hơn.

Theo đó, BVH là mã tăng tốt nhất +3,9% lên 66.500 đồng, dù có thời điểm đã chạm giá trần, cổ phiếu SSI +2,4% lên 36.050 đồng và VND +6,8% lên 32.350 đồng, các mã ngân hàng kể trên nhích từ 1% đến 1,7%.

Thanh khoản cũng gia tăng đáng kể với khối lượng khớp lệnh của các mã ngân hàng, SSI và VND từ hơn 10 triệu đến gần 19 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, vẫn còn khá nhiều mã giảm sâu tạo gánh nặng cho thị trường, như GVR -6,3% xuống 30.500 đồng, VHM -4,2% xuống 64.000 đồng, VJC -3,9% xuống 136.500 đồng, KDH -3,8% xuống 48.000 đồng, HDB -3,3% xuống 23.900 đồng, VIC -2,3% xuống 77.500 đồng, TPB -2% xuống 34.800 đồng, các mã SAB, ACB, GAS, NVL, PLX giảm từ 1,3% đến 1,9%.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu ngược dòng thị trường vẫn là những cái tên đơn lẻ ở nhóm bảo hiểm như MIG, thủy sản ACL, gỗ TTF, DTT khi đều chạm mức giá trần.

Tăng khá mạnh khác đáng kể là nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, ngoài VND và SSI nêu trên thì TVS +3,6% lên 37.900 đồng, BSI +3,5% lên 32.100 đồng, VCI +3,4% lên 45.000 đồng, FTS +3,4% lên 51.700 đồng, VDS +2,9% lên 29.800 đồng, CTS +2,7% lên 26.800 đồng, ORS nhích 1%, còn AGR đứng tham chiếu, VIX -2,5%, còn TVB vẫn giảm sàn do liên quan đến vụ thao túng giá, mất 6,9% xuống 12.200 đồng, khớp hơn 57.000 đơn vị và còn dư bán sàn hơn 4,3 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu liên quan đến nhóm Gelex cũng tăng tốt như VGC +3,1% lên 46.400 đồng, GEX +4,7% lên 29.000 đồng, THI +5,7% lên 29.900 đồng.

Ở nhóm cổ phiếu thanh khoản cao, sắc xanh còn tại DPM +2,3%, NKG +1,1%, KHD +2%, VSC +0,6% và nhóm ngân hàng top sau như VIB +1,6%, SSB +0,5%, OCB +1,3%, LPB +1,6%, khớp từ 2,1 triệu đến 9,6 triệu đơn vị.

Phần còn lại vẫn còn rất ảm đạm, với nhiều cổ phiếu giảm sàn, với các mã ITA, HNG, CII, BCG, DIG, ASM, PVD, LDG, LCG, HBC, HQC, KBC, NLG, FIT, IDI, OGC hay như họ FLC, ROS, AMD, HAI, nhóm Louis là TGG, APP, AGM…

Trong đó, ITA khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn khi có hơn 22 triệu đơn vị, trong khi những cổ phiếu như FLC, ROS vẫn dư bán sàn chất đống với 16,2 triệu và 12 triệu đơn vị, HQC dư bán sàn hơn 13,5 triệu đơn vị, TGG dư bán sàn hơn 3,78 triệu đơn vị, APG dư bán sàn hơn 4,83 triệu đơn vị.

Giảm sâu khác còn có ở nhiều nhóm ngành như bất động sản, logistics, thép, nhựa…. với FDC, HSL, NVT, CSV, VOS, CTI, NT2, TLH, POM, CMX, CCL, SCR, NHH, PC1…khi giảm từ hơn 3% đến 6,6%.

Đáng chú ý, cổ phiếu DXG đã có thời điểm khởi sắc từ giá sàn lên tăng 3,6% ngay đầu giờ chiều đã nhanh chóng quay đầu giảm mạnh, đóng cửa giảm 3,3% xuống 32.400 đồng, khớp hơn 18,1 triệu đơn vị.

Ngoài ra, HAG cũng đã nhích lên trong phiên chiều, tăng 4% nhưng cũng đã hạ nhiệt về tham chiếu 10.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 23,9 triệu đơn vị.

Ở những nơi khác, các cổ phiếu AAA, PVT, DCM, TCH, HHV, IJC, DRC, PAN, HT1 cũng chìm trong sắc đỏ, với một số giảm trên dưới 4%, khớp lệnh từ 2,76 triệu đến 6,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng thu hẹp đà giảm đáng kể ngay khi mở cửa trong phiên chiều, tuy nhiên, lực bán mạnh đã quay trở lại và đẩy chỉ số lui về đóng cửa ở ngay gần vùng đáy trong phiên.

Chốt phiên, sàn HNX có 47 mã tăng và 189 mã giảm, HNX-Index giảm 13,42 điểm (-3,53%), xuống 366,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 99,5 triệu đơn vị, giá trị 2.257 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 12 triệu đơn vị, giá trị gần 350 tỷ đồng.

Các cổ phiếu giao dịch sôi động nhất nằm sàn la liệt như PVS, KLF, CEO, ART, PVC, TAR, PVG, KVC, LIG, ITQ, DVG…

Trong đó, PVS khớp lệnh cao nhất sàn với 16,1 triệu đơn vị, KLF khớp hơn 6 triệu đơn vị, CEO khớp 5,5 triệu đơn vị…

Sắc xanh chỉ còn tại HUT +8,9% lên 27.000 đồng, TNG +1,6% lên 38.600 đồng, MBS +4,7% lên 31.500 đồng, PVI +4% lên 55.200 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhích lên trong phiên chiều, nhưng giao dịch vẫn rất ảm đạm khi sắc đỏ bao phủ bảng điện tử.

Chốt phiên, với chỉ 79 mã tăng và 252 mã giảm (34 mã giảm sàn), UpCoM-Index giảm 1,52 điểm (-1,42%), xuống 104,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 74,5 triệu đơn vị, giá trị 1.260,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,57 triệu đơn vị, giá trị 380,5 tỷ đồng.

Các cổ phiếu giảm sâu nhất phiên này là VHG, DDV, CDO, BOT, PFL, CEN, khi đều giảm sàn, trong đó, VHG thanh khoản cao nhất UpCoM với 11 triệu đơn vị khớp lệnh.

Phần còn lại ở các cổ phiếu có khối lượng giao dịch lớn, ngoài C4G, QTP, MSR về tham chiếu, thì sắc đỏ cũng bao trùm.

Trong đó, BSR -9,4%, VGT -10,6%, SBS -10,3%, OIL -11,6% NED -10,8%, G36 -13,4% DRI -12,9% là các cổ phiếu giảm sâu nhất.

Trên thị trường phái sinh, duy nhất VN30F2204 đáo hạn gần nhất giảm điểm, 3 hợp đồng còn lại đều nhích lên.

Theo đó, VN30F2204 giảm 4,7 điểm (-0,33%), xuống 1.435,3 điểm, khớp lệnh hơn 210.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh, với CVHM2111 phiên này khớp lệnh vượt trội với hơn 2 triệu đơn vị và đứng giá tham chiếu tại 30 đồng/cq. Trong khi đó, CSTB2205 khớp hơn 1,57 triệu đơn vị đã tăng 2,9% lên 360 đồng/cq và CVRE2110 khớp hơn 1,05 triệu đơn vị đã giảm 42% xuống 110 đồng/cq.

Tin bài liên quan