Sau phiên hồi phục tốt hôm qua nhờ nhóm cổ phiếu ngân hàng, thị trường đã quay lại giảm điểm trong phiên hôm nay, nhưng mức giảm không lớn và thanh khoản tiếp tục sụt giảm.
Sự thận trọng của nhà đầu tư khiến diễn biến phiên giao dịch hôm nay khá buồn tẻ, trên một số diễn đàn, nhiều nhà đầu tư cho biết, cảm thấy buồn ngủ và "lạ lẫm" với diễn biến này, bởi đã quen với những phiên giao dịch có thanh khoản trên dưới 30.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đây là điều dễ hiểu, sau mỗi nhịp tăng thiết lập đỉnh lịch sử mới, thị trường cần thời gian nghỉ ngơi tích lũy để lấy động lực để đi lên vững chắc hơn.
Trên đồ thị kỹ thuật của VN-Index, dải bollinger co hẹp và đi ngang, cho thấy thị trường có thể còn thêm những phiên tích lũy nữa.
Trở lại với diễn biến của thị trường, như đã đề cập trong bản tin hôm qua, nhóm ngân hàng vẫn chưa thể đem lại sự an tâm cho nhà đầu tư khi thể hiện phong độ phập phù. Sau phiên khởi sắc chiều qua, kéo VN-Index phục hồi, đa số trong nhóm này đã quay đầu giảm trở lại trong phiên hôm nay là tác nhân chính khiến VN-Index mất điểm vào cuối phiên.
Trong khi đó, nhóm thép, chứng khoán vẫn chưa thoát khỏi xu thế giảm, trong khi dòng bất động sản cũng đã có sự phân hóa, nên thị trường đang thiếu dòng dẫn dắt để xác định hướng đi tiếp theo.
Đóng cửa, sàn HOSE có 212 mã tăng và 260 mã giảm, VN-Index giảm 3,14 điểm (-0,21%), xuống 1.482,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 763,9 triệu đơn vị, giá trị 23.002,2 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng 14% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 18,3 triệu đơn vị, giá trị 947,4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng, ngoài VCB và TPB nhích nhẹ 0,1% và 0,3%, thì còn lại đều chìm trong sắc đỏ và đều nới đà giảm, trong đó, VPB là mã giảm mạnh nhất rổ VN30 và cũng tác động tiêu cực nhất đến VN-Index, khi -2,4% xuống 37.000 đồng.
Các cổ phiếu khác trong nhóm như MSB -3% xuống 26.200 đồng, STB -2% xuống 29.300 đồng, HDB -1,6% xuống 31.500 đồng, MBB -1,4% xuống 29.100 đồng, TCB -1,3% xuống 51.700 đồng, các mã BID, CTG, ACB, LPB, SSB cũng đóng cửa giảm điểm.
Ở chiều ngược lại, một số mã lớn giúp chỉ số không giảm sâu hơn có PLX +2,2% lên 55.500 đồng, PDR +1,9% lên 94.800 đồng, SAB +1,6% lên 159.000 đồng, MSN +1,4% và VIC tuy chỉ +1,1% nhưng là đóng góp lớn nhất cho VN-Index với 0,89 điểm tích cực.
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp diễn phân hóa với những cái tên được dòng tiền mua mạnh, trong đó, chiếm ưu thế vẫn là các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản, xây dựng như CIG, DHG, DLG, FCN, HDC, MCG, TTB, PTC, C47, HCD…khi đều tăng kịch trần. Cùng với đó là một số sắc tím ở các nhóm ngành đơn lẻ khác như FTM, QBS, BMC, KMR, PLP, TDG.
Thanh khoản DLG cao nhất với hơn 8,4 triệu đơn vị, FCN khớp hơn 5,4 triệu đơn vị, TTB khớp hơn 2,96 triệu đơn vị, MCG khớp hơn 2,72 triệu đơn vị, PLP khớp hơn 2,3 triệu đơn vị.
Tăng mạnh khác còn đến với HQC, VRC, TEG, CMX, PXI, NLG, DIG, OGC, CRC, CRE, SHA với mức tăng từ 3% đến 6,1%. Trong đó, HQC khớp hơn 25,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, dù ROS, HAG, HNG, KBC, ASM, LCG, SAM cũng có được sắc xanh, nhưng phần lớn đã từ bỏ mức giá cao và chỉ còn tăng nhẹ, với ROS phiên này khớp lệnh cao nhất HOSE với hơn 26,89 triệu đơn vị, tăng 1,8% lên 7.540 đồng.
Trái lại, lực bán chốt lời gia tăng khiến khá nhiều cổ phiếu đóng cửa giảm điểm như FLC, ITA, DXG, GEX, SCR, LDG, HBC, TCH, CII, FIT, BCG, DCM, DPM, HHS, IJC…khối lượng giao dịch thuộc top cao nhất sàn, từ 3,77 triệu đến 20,7 triệu đơn vị khớp lệnh, trong đó, khá nhiều mã giảm sâu như HBC -4,8%, GEX -4%, DXG -3,2%, FLC -3,2%, cặp đôi ngành phân bón DPM -4,7% và DCM -2,9%...
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán ngoài APG khác biệt, khi vững sắc tím tại 19.050 đồng, VCI may mắn về tham chiếu, thì còn lại đều đảo chiều hoặc nới đà giảm. Trong đó, TVS -3,3% xuống 45.800 đồng, SSI -2,2% xuống 54.000 đồng, AGR -2,2% xuống 27.100 đồng, BSI -1,7%, CTS -1,6%, VIX -1,5%, CTS, FTS, BSI, ORS cũng đóng cửa giảm.
Nhóm dầu khí cũng chỉ còn PLX, PGC giữ được sắc xanh nhạt, còn lại GAS, PVD, PSH, PXS, CNG đều đóng cửa ở giá đỏ.
Trên bảng chính, giảm mạnh nhất vẫn là IDI, SJF, TNI, KHP khi nằm sàn từ sớm, thì phiên chiều này còn góp mặt SPM, SVT và PTL, trong đó, IDI vẫn dư bán sàn hơn 15,5 triệu đơn vị, TNI và SJF còn dư bán sàn trên dưới 11 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index gần như chỉ rung lắc nhẹ quanh ngưỡng điểm của cuối phiên sáng, khi một số mã tăng mạnh đã bù đắp cho sắc đỏ ở một số mã lớn.
Đóng cửa, sàn HNX có 154 mã tăng và 98 mã giảm, HNX-Index tăng 2,42 điểm (+0,53%), lên 458,33 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124 triệu đơn vị, giá trị 3.067,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,84 triệu đơn vị, giá trị 283,4 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu nổi bật vẫn thuộc về những cái tên tăng mạnh CEO, HHG, C69, TTH, VIG, VHE, SVN, CTC, VMC, SD6, khi đều tăng kịch trần, trong đó, CEO khớp hơn 4,92 triệu đơn vị, HHG khớp hơn 3,16 triệu đơn vị, C69 khớp 2,57 triệu đơn vị…
Tăng điểm khác còn có HUT, DL1, AMV, DST, PVL, SRA, VC3, BCC, AAV, ITQ, TIG, NVB…
Trong khi đó, KLF -1,6% xuống 6.300 đồng, SHS -2,3% xuống 52.100 đồng, TVC -5,1% xuống 22.300 đồng. Đây là ba cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn với 8,39 triệu, 8,37 triệu và 7,13 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhích nhẹ ngay sau khi giao dịch trở lại, nhưng đã dần yếu đi và thủng tham chiếu khi đóng cửa.
Mặc dù vậy, tương tự như phiên sáng, khi các cổ phiếu thanh khoản cao nhất đa số tăng điểm, chỉ còn G36, SBS, DVN, DDV, MSR giảm.
Ba cổ phiếu nhỏ vượt trội khi tăng kịch trần là VHG CDO và SDD, trong khi HHV phiên này khớp lệnh cao nhất với 13,55 triệu đơn vị, tăng 2,4% lên 26.100 đồng.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,03 điểm (-0,03%), xuống 114,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 100 triệu đơn vị, giá trị 1.962,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,91 triệu đơn vị, giá trị 74,4 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều giảm, với VN30F2112 mất 13,9 điểm (-0,89%), xuống 1.540 điểm, khớp hơn 130.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 29.300 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng nhuốm màu ở nhóm thanh khoản cao, trừ CVIC2105, CVIC2105, CVJC2103, CVIC2108…
Phiên này, CHPG2111 giao dịch sôi động nhất với 1,39 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 9,3% xuống 980 đồng/cq.