Giao dịch tiếp tục lình xình ngay dưới vùng tham chiếu trong gần như cả phiên chiều, điểm tích cực là độ rộng thị trường đã đảo chiều, khi số mã tăng đã thắng thế.
Tuy vậy, điểm nhấn lại đến từ đột biến xuất hiện trong phiên ATC, khi lực cung ồ ạt nhắm vào một số mã lớn khiến chỉ số cả VN30 và VN-Index đổ đèo, VN-Index đóng cửa mất hơn 9 điểm về dưới 1.385 điểm trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 10.
Phiên hôm nay dù điểm số giảm sâu, tuy nhiên số mã tăng vẫn lớn hơn số mã giảm, VN-Index thuần túy chịu tác động từ một vài mã lớn như VIC, MSN, VCB, GAS... giảm điểm chứ không phản ánh đúng bức tranh thị trường. Biến động xảy ra trong phiên chốt hợp đồng phái sinh kiểu như thế này không phải lần đầu xảy ra.
Về kỹ thuật, thị trường đã chấm dứt chuỗi đi ngang biên độ hẹp 7 phiên liên tiếp, nhưng VN-Index vẫn nằm trong vùng tích lũy 1.380-1.400 điểm, chưa phát ra các tín hiệu quá tiêu cực cho các phiên tới.
Chốt phiên, sàn HOSE có 220 mã tăng và 205 mã giảm, VN-Index giảm 9,03 điểm (-0,65%), xuống 1.384,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 709 triệu đơn vị, giá trị 21.014,22 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 12% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 27,6 triệu đơn vị, giá trị 1.026,7 tỷ đồng.
Chịu sức ép lớn, nhóm VN30 chỉ còn ba mã HPG, PDR và KDH tăng, trong đó, KDH +1,4% lên 44.900 đồng, còn HPG và PDR tăng nhẹ.
Có tới 27 cổ phiếu giảm, với không ít bị bán mạnh ở những phút cuối, với VJC, SAB, GAS, MSN, VHM, VIC, VCB đều nới đà giảm và xuống mức thấp nhất ngày, khiến VN30-Index để mất gần 16 điểm.
Cụ thể, VJC -3% xuống 131.800 đồng, SAB -2,1% xuống 152.000 đồng, GAS -2% xuống 112.200 đồng, MSN -2% xuống 140.200 đồng, VIC -1,4% xuống 91.000 đồng, VHM -1,1% xuống 77.900 đồng, VCB -1,1% xuống 94.000 đồng.
Các bluechip giảm đáng kể còn có POW -2% xuống 12.050 đồng, VPB -2% xuống 37.500 đồng, nhóm SSI, MWG, MWG, ACB, HDB giảm từ 1,5% đến 1,8%.
Trong nhóm, ngoài HPG khớp lệnh vượt trội với hơn 39,1 triệu đơn vị, POW khớp 13 triệu đơn vị, SSI khớp 10,2 triệu đơn vị, thì nhóm ngân hàng hút mạnh giao dịch với TPB, ACB, CTG, STB, VPB, MBB khớp từ 3,5 triệu đến 10,1 triệu đơn vị.
Ở những nơi khác, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có thêm nhiều sắc tím hơn so với phiên sáng và đa số là các cổ phiếu bất động sản như ITC, OGC, LGL, TNI, NTL, QCG, TDG, NBB, NHA, TDH và ở các nhóm ngánh khác có HMC, PSH, FTM, DHM, VAF, PXI.
Trong đó, HQC vẫn là điểm sáng nhất khi khớp lệnh chỉ đứng sau HPG trên sàn với hơn 20,3 triệu đơn vị khớp lệnh và còn dư mua giá trần hơn 11,2 triệu đơn vị. Còn TDH là cổ phiếu biến động mạnh nhất, khi có thời điểm lùi về mức giá sàn đã leo lên kịch trần +6,6% lên 11.300 đồng, khớp 8,9 triệu đơn vị.
Vẫn ở nhóm bất động sản, tuy không có được mức giá trần, nhưng cũng tăng mạnh từ 4% đến hơn 6% có DIG, SAM, TCD, D2D, DRH, TDC, BCG.
Nhóm họ FLC cũng có phiên bứt phá với FLC +3,9% lên 12.000 đồng, ROS +3,3% lên 5.660 đồng, AMD +4,7% lên 5.300 đồng và HAI còn tăng kịch trần +6,8% lên 4.840 đồng, khớp hơn 11,5 triệu đơn vị.
Trái lại, DLG phiên này bị chốt lời mạnh và giảm sàn -7% xuống 7.220 đồng, khớp 10,57 triệu đơn vị và trắng bên mua. Các mã giảm khác còn FIT, KBC, LCG, TTF, AAA, IJC, HBC, nhưng mức giảm cũng phần lớn chỉ trên dưới 1%.
Cặp đôi ngành dầu khí PGD và PGC tiếp tục giảm mạnh, với PGD -4% xuống 36.100 đồng, và PGC -3,8% xuống 26.400 đồng.
Trên sàn HNX, lực cầu hoạt động tích cực hơn đã giúp HNX-Index bật lên trên tham chiếu ngay sau giờ nghỉ trưa, nhưng đà tăng không giữ được lâu khi áp lực bán quay trở lại khiến chỉ số về sát tham chiếu khi đóng cửa.
Chốt phiên, sàn HNX có 106 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,04%), lên 388,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 117,4 triệu đơn vị, giá trị 2.186,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,05 triệu đơn vị, giá trị 119,3 tỷ đồng.
Tương tự phiên sáng, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ duy trì sức hút với HHG, BII, SD9, KSQ, SD6, PSW, NDX, HBC đều đóng cửa ở mức giá trần.
Các cổ phiếu KLF, ACM, TTH có mức tăng cao trên dưới 4%, với KLF phiên này khối lượng khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 11,29 triệu đơn vị.
Ở các mã lớn, PVS, CEO, SHS, LAS, VCS, BVS, NVB dắt tay nhau đi xuống, nhưng mức giảm cũng không sâu.
Tân binh mới nổi gần đây là KSF hạ nhiệt, khi giảm mạnh 4,9% xuống 75.100 đồng.
Trái lại, PLC và IDJ thuộc trong số các mã lớn tích cực nhất, với mức tăng trên dưới 2,5% và L14 +4,1% lên 133.200 đồng.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã bò dần được lên trên tham chiếu và giằng co nhẹ cho đến khi đóng cửa.
Bảng điện tử có thêm nhiều mã tăng hơn ở nhóm thanh khoản cao nhất, như VGT +3,9% lên 21.300 đồng, TVN +4,3% lên 19.600 đồng, SDD +5,8% lên 5.500 đồng.
Trong khi đó, BSR không thể thoát một phiên dưới tham chiếu, dù đã thu hẹp đà giảm so với cuối phiên sáng, đóng cửa -0,4% xuống 23.400 đồng, khớp lệnh cao nhất với hơn 12 triệu đơn vị.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,09 điểm (+0,09%), lên 99,77 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 83,7 triệu đơn vị, giá trị 1.608,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,38 triệu đơn vị, giá trị 112,8 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, với VN30F2110 đáo hạn hôm nay đã để mất 15 điểm (-1,00%), xuống 1.489 điểm, khớp hơn 134.800 đơn vị, khối lượng mở đạt hơn 26.600 đơn vị.
Thị trường chứng quyền phân hóa mạnh, với CTCB2106 hôm nay có giao dịch lớn nhất, khi khớp 1,08 triệu đơn vị, kết phiên giảm 3,6% xuống 270 đồng/cq.
Trái lại, CHPG2111 khớp lệnh hơn 0,92 triệu đơn vị và tăng 2,64% lên 2.720 đồng/cq.