Giao dịch chứng khoán phiên chiều 20/9: Vùng hỗ trợ 1.200 điểm giúp VN-Index hồi phục mạnh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 20/9: Vùng hỗ trợ 1.200 điểm giúp VN-Index hồi phục mạnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu trở lại ngay khi VN-Index thủng 1.200 điểm, dù không quá mạnh nhưng lan tỏa rộng đã giúp VN-Index có phiên hồi phục khá mạnh lên gần 1.220 điểm.

Sau phiên sáng ảm đạm và giao dịch thận trọng, thị trường đã lùi bước trong phiên chiều và khi ngay khi VN-Index bị đẩy xuống dưới tham chiếu, chớm thủng 1.200 điểm, lực mua bắt đáy xuất hiện đã kéo thị trường hồi phục và tăng gần 14 điểm lên gần 1.220 điểm, dù quá trình đi lên có những rung lắc nhất định.

Thực tế, lực cầu không quá mạnh, chủ yếu là các động thái thăm dò, thanh khoản vẫn chỉ ở mức cầm chừng, nhưng do lực bán đã yếu đi nên cũng đủ giúp bảng điện tử đổi sắc với các mã tăng chiếm thế áp đảo.

Cùng với đó, nhóm bluechip đã có nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng điểm, trong khi lực cung đồng thời cũng đã được tiết giảm đáng kể là những động lực chính giúp VN-Index có phiên hồi phục, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Về tổng thể, phiên phục hồi hôm nay với thanh khoản thấp nên chưa nói lên được nhiều điều, và không thể khẳng định nhịp giảm điểm đã kết thúc. Tuy nhiên, việc thị trường không có nhịp giảm tiếp sau phiên rơi khá mạnh đầu tuần cho thấy những tín hiệu tích cực khi tình trạng hoảng loạn bán tháo không còn diễn ra.

Đóng cửa, sàn HOSE có 309 mã tăng và 120 mã giảm, VN-Index tăng 13,50 điểm (+1,12%), lên 1.218,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 473,8 triệu đơn vị, giá trị 11.157,3 tỷ đồng, giảm 33% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,1 triệu đơn vị, giá trị 1.598 tỷ đồng.

Nhóm VN30 nếu trong phiên sáng phân hóa mạnh và chủ yếu tăng, giảm trong biên độ hẹp, thì đến phiên chiều đã khởi sắc hơn với 25 mã tăng, chỉ còn KDH, NVL, VRE giảm nhẹ cùng PLX và TCB đứng tham chiếu.

Tăng tích cực nhất là SSI +4% lên 20.700 đồng, tiếp theo là BID +2,8% lên 35.150 đồng, GVR +2,6% lên 23.500 đồng, STB +2,5% lên 22.150 đồng, BVH +2,4% lên 54.400 đồng, CTG +2% lên 26.000 đồng.

Các mã SAB, HDB, PDR, POW, HPG, VIC, TPB, MWG tăng từ 1,2% đến 1,7%, còn lại nhích nhẹ.

Thanh khoản POW vươn lên dẫn đầu nhóm với 14,2 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI khớp 14,1 triệu đơn vị, VPB khớp 12,5 triệu đơn vị, HPG khớp 11,5 triệu đơn vị…

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm công ty chứng khoán có sự đồng thuận cao và nhiều cổ phiếu tăng tốt, ngoài SSI nêu trên thì VDS +5,7% lên 12.000 đồng, VND +5,3% lên 18.800 đồng, APG +3,7% lên 6.480 đồng, BSI +3,4% lên 26.000 đồng, CTS +3,3% lên 17.300 đồng, VIX +3,1% lên 11.500 đồng, HCM +2,4%, FTS, VCI, AGR, TVB nhích trên dưới 2%.

Trong đó, VND vươn lên dẫn đầu thanh khoản toàn sàn HOSE với hơn 16,3 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu nguyên vật liệu, hóa chất, với HCD tăng trần +6,8% lên 7.860 đồng, DCM +4,5% lên 36.000 đồng, DRC +4,1% lên 30.500 đồng, DPM +3,5% lên 50.200 đồng, BFC +2,8% lên 23.600 đồng, các mã DPR, AAA, DGC, PHR, CSV tăng từ 1,5% đến 2,8%.

Ở những nơi khác, các cổ phiếu thép NKG, HSG, TLH, SMC cũng đảo chiều tăng nhẹ, nhóm bất động sản vài cổ phiếu đáng chú ý như: DXG +3,5% lên 24.950 đồng, QCG +3,7% lên 7.800 đồng, KBC +3,9% lên 29.000 đồng, SCR +4,4% lên 10.050 đồng, VGC +4,7% lên 59.900 đồng, ITA +4,7% lên 5.610 đồng...

Ở chiều ngược lại, TGG và KPF vẫn nằm sàn, xuống lần lượt 5.850 đồng và 14.550 đồng, khớp lệnh TGG có 1,33 triệu đơn vị, trong khi KPF chỉ có gần 69.000 đơn vị.

Giảm đáng kể không còn nhiều, với BMC -4,2% xuống 19.400 đồng, HAH -4,1% xuống 53.500 đồng, ABS -3,1% xuống 12.400 đồng.

Ở nhóm thanh khoản cao, NBB, VPG, GEG, NT2, VNE, VCG là những mã giảm, nhưng mức giảm cũng chỉ ở mức thấp.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng dần hồi phục khi nhiều cổ phiếu cũng đã đổi sắc xanh.

Đóng cửa, sàn HNX có 121 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (+1,00%), lên 266,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,3 triệu đơn vị, giá trị 1.108,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,67 triệu đơn vị, giá trị 49 tỷ đồng.

Đáng chú ý nhất trong phiên này là lực cầu bắt đáy ồ ạt tại hai cổ phiếu KLF và ART, khi từ mức giá sàn đã leo lên giá trần.

Theo đó, KLF +5,9% lên 1.800 đồng, khớp 2,72 triệu đơn vị, còn ART +7,4% lên 2.900 đồng, khớp hơn 1,23 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu quen thuộc khác đã đảo chiều tăng khá như MBS +6,3% lên 17.000 đồng, PVC +5,7% lên 20.400 đồng, IDJ +5,2% lên 14.200 đồng, PVS +4% lên 26.000 đồng, các cổ phiếu CEO, TNG, AMV, APS nhích trên dưới 3,5%.

Trái lại, BII và VKC giảm sàn về 4.100 đồng và 3.600 đồng, khớp 1,78 triệu và 1,07 triệu đơn vị.

Thanh khoản phiên này SHS cao nhất với 7,53 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu tăng 2,8% lên 11.100 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã hồi phục dần từ mức đáy trong phiên và chớm xanh ở những phút cuối.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,18 điểm (+0,20%), lên 88,51 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 31 triệu đơn vị, giá trị 482,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,43 triệu đơn vị, giá trị 16 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nhỏ CDO và LCG hoạt động tốt nhất khi tăng trần lên 3.900 đồng và 4.100 đồng, khớp lần lượt 1,68 triệu và 0,92 triệu đơn vị.

Tăng mạnh khác gần như chỉ còn TCI là đáng kể, khi +12,1% lên 10.200 đồng, khớp 0,51 triệu đơn vị.

Trong khi đó, BSR -0,9% xuống 22.600 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 5,77 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2210 tăng 9,2 điểm (+0,75%), lên 1.232,7 điểm, khớp lệnh hơn 228.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 45.700 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này CMSN2202 giao dịch sôi động nhất với gần 2 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng giá giảm 12,5% xuống 70 đồng/cq.

Ở phía sau, các mã CSTB2201, CMBB2208, CTPB2205 đều tăng, khớp lệnh từ 1,08 triệu đến 1,16 triệu đơn vị, với CSTB2201 tăng tốt nhất, +7,1% lên 150 đồng/cq.

Tin bài liên quan