Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/8: VIC được kéo mạnh, thị trường lại đột biến ngày đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/8: VIC được kéo mạnh, thị trường lại đột biến ngày đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường có lẽ đã chỉ là một phiên biến động nhẹ như hai phiên gần nhất, nếu như không xuất hiện lực cầu giá cao 'bất thường' ở các mã lớn trong ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8.

Sau phiên sáng giằng co và giảm nhẹ, thị trường bước vào phiên chiều với giao dịch tích cực hơn, khi sau nhịp rung lắc nhẹ, VN-Index đã chạm 1.365 điểm ngay trước phiên ATC nhờ lực cầu gia tăng tại nhiều bluechip

Hôm nay là phiên đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 8 và kịch hay đã xảy ra, khi dòng tiền ồ ạt gom hàng các mã lớn vào những phút cuối, đặc biệt là tại VIC, đã trực tiếp đẩy VN-Index tăng tốc thêm gần 10 điểm khi đóng cửa.

Đây không phải là lần đầu tiên thị trường cơ sở chứng kiến sự biến động mạnh phiên ATC trong những ngày đáo hạn phái sinh. Việc một hay vài mã trụ có ảnh hưởng tới chỉ số trong rổ VN30 bị "ép" tăng hay giảm khiến VN-Index không phản ánh đúng diễn biến chung của phiên giao dịch.

Điều tích cực trong phiên hôm nay, vi vậy, chắc chắn không phải là điểm số của VN-Index mà đến từ sự lan tỏa của dòng tiền. Sau 2 phiên giảm điểm khá tiêu cực, dòng tiền đã trở lại với nhiều mã giúp số mã tăng của thị trường áp đảo so với mã giảm, nhiều dòng cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, thép,... có đà tăng tốt. Điểm tích cực với chỉ số, có lẽ chỉ nằm ở chỗ đó là mốc hỗ trợ 1.350 điểm trở lên vững vàng hơn. VN-Index đã có 8 phiên liên tục đi ngang trong dải điểm 1.350-1.380, trong đó nhiều lần áp sát hoặc thậm chí đã rớt xuống dưới ngưỡng hỗ trợ 1.350 nhưng đều bật trở lại.

Ngưỡng hỗ trợ "cứng" thì khả năng giảm điểm sâu sẽ ngày càng ít đi.

Chốt phiên, sàn HOSE có 218 mã tăng và 161 mã giảm, VN-Index tăng 13,91 điểm (+1,02%), lên 1.374,85 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 728,55 triệu đơn vị, giá trị 25.511, tỷ đồng, tăng gần 6% về khối lượng và 5 về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 75 triệu đơn vị, giá trị 3.511,9 tỷ đồng, với hơn 36,87 triệu cổ phiếu SSI, trị giá hơn 2.081 tỷ đồng.

Cổ phiếu VIC phiên này là điểm nhấn đáng chú ý nhất. Khi gần như chỉ tăng/giảm với biên độ thấp trong gần như cả ngày giao dịch, nhưng bước vào phiên ATC đã xuất hiện những lô mua giá cao được đặt lệnh với mức giá 104.000 đồng (tương ứng mức tăng hơn 6,2%), và đây cũng là mức giá cao nhất ngày của VIC khi đóng cửa, trực tiếp đóng góp tới gần 6 điểm tích cực cho VN-Index.

Một cổ phiếu lớn khác là VCB cũng có diễn biến tương tự, khi từ sắc đỏ với mức giảm 1,2% ngay trước phiên ATC đã đóng cửa tăng 1,8% lên 102.800 đồng, góp thêm gần 1,8 điểm cho VN-Index.

Hỗ trợ thêm cho thị trường còn đến từ một số bluechip khác như SSI +4,2% lên 62.700 đồng, GVR +3,3% lên 38.800 đồng, cùng NVL +1,8%, VJC +1,7%, SAB +1,4%, MSN +1,3%, HDB +1% và không ít các mã khác là HPG, VHM, BVH, FPT, TCB, VNM...

Nhóm cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index có lẽ đáng kể chỉ còn GAS, khi mất 1,8% xuống 90.900 đồng, TPB -1,5% xuống 36.700 đồng, các mã giảm còn lại với biên độ chỉ từ 0,2% đến 0,8% là PLX, BID, CTG, PNJ, ACB, POW, PDR.

Trên bảng điện tử, không ít các cổ phiếu đã chuyển sắc, giúp độ rộng thị trường nghiêng hẳn về số mã tăng, tuy nhiên, đa phần chỉ nhích nhẹ, ngoài trừ các cổ phiếu vốn đã tăng tích cực từ phiên sáng vẫn giữ được sức mạnh.

Như nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với APG, CTS, VIX vẫn treo ở mức giá trần tại 15.000 đồng, 26.850 đồng, 28.100 đồng, khớp lần lượt 6,57 triệu, 3,33 triệu và 6,11 triệu đơn vị, AGR +6,3% lên 15.950 đồng, VDS +3,1% lên 29.850 đồng.

Các mã vừa và nhỏ ở các nhóm ngành khác như TSC, APH, TNA, BCG, HVH, JVC, HAX, CMX, TGG, NBB, UIC, TLD, PLP cũng tăng hết biên độ khi đóng cửa.

Hai cổ phiếu ngành mía đường yên vị với LSS ở mức giá trần +7% lên 13.050 đồng, khớp 2,55 triệu đơn vị và SBT +5,4% lên 22.350 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu đáng chú ý khác, với đa số thuộc nhóm bất động sản như DCL, DGC, CKG, KSB, FCN, EVE, DPR, HPX, QCG, IJC, CIG, TCD, TIX cũng có mức tăng cao, từ 3,5% đến gần 6%.

Đáng kể khác là FIT, khi từ giá tham chiếu cuối phiên sáng đã tăng vọt 5% lên 21.10 đồng, khớp hơn 21,7 triệu đơn vị, chỉ đứng sau HPG về khối lượng giao dịch trên sàn.

Ở chiều ngược lại, cặp đôi ROS-FLC là đại diện giảm đáng kể nhất, khớp 12,45 triệu và 15,7 triệu đơn vị, cùng với đó là MHC -5,5% xuống 11.100 đồng, khớp hơn 2,62 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nhích lên, mặc dù sức bật không mạnh và cũng có những rung lắc nhất định.

Cũng như phiên sáng, SHB, PVS và SHS vẫn là bộ ba cổ phiếu níu chân chỉ số, khi đều giảm, với SHS -0,7%, PVS -1,8%, SHS -0,6%.

Trong khi đó, hàng loạt các mã vừa và nhỏ đón dòng tiền đầu cơ mạnh và tăng lên mức giá trần với thanh khoản khá như WSS, SCI, CTC, BII, TDT, VGS, PSI, HAP, S99, DL1.

Và cũng như phiên sáng, các cổ phiếu công ty chứng khoán hoạt động tốt hơn phần còn lại, ngoài PSI và WSS nêu trên thì ART +5,1% lên 10.400 đồng, APS +5% lên 14.700 đồng, BSI +2,5%, BVS +1,9%, MBS +1,9%, VND +1,5%.

Ngoài ra là AMV +6,1% lên 12.100 đồng, TNG +4,5% lên 30.000 đồng, IDC +3,1% lên 39.700 đồng.

Đóng cửa, sàn HNX có 132 mã tăng và 72 mã giảm, HNX-Index tăng 1,25 điểm (+0,36%), lên 346,07 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 152,3 triệu đơn vị, giá trị 3.662,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 13,1 triệu đơn vị, giá trị 455,3 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã tích cực hơn và tìm lại được đường về trên tham chiếu ở nửa sau của phiên chiều.

Trong số các cổ phiếu tập trung giao dịch lớn nhất thì chỉ còn BSR, BVB và ABB giảm, còn lại đều tăng, với HHV phiên này hút mạnh dòng tiền nhất khi khớp lệnh hơn 14,6 triệu đơn vị, tăng 4,4% lên 21.200 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,24%), lên 94,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 96,7 triệu đơn vị, giá trị 2.014,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,7 triệu đơn vị, giá trị 55,3 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, duy nhất hợp đồng tương lai tháng 8 đáo hạn hôm nay tăng điểm, còn lại 3 hợp đồng đều giảm.

Cụ thể, VN30F2108 tăng 9,1 điểm (+0,61%), lên 1.500 điểm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 182.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lấn át, với CPNJ2104 phiên này giao dịch sôi động nhất khi khớp hơn 0,6 triệu đơn vị, giảm 8% xuống 1.500 đồng/cq.

Tin bài liên quan