Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/5: VN-Index thoát hiểm trong phiên đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/5: VN-Index thoát hiểm trong phiên đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đà khởi sắc của MSN và lực cầu tích cực ở một số cổ phiếu vừa ở những thời điểm cuối phiên đã giúp VN-Index giữ được sắc xanh, dù chỉ là xanh nhạt khi đóng cửa.

Đúng như dự báo, thị trường đã có phiên giao dịch đầy kịch tính trong ngày đáo hạn hợp đồng phái sinh tháng 5. Những nhịp kéo đẩy liên tục khiến nhiều nhà đầu tư khó lường. Trong phiên sáng, VN-Index mở cửa giảm hơn 29 điểm, nhưng sau đó đã được kéo từ từ lên trên tham chiếu, trước khi đóng cửa nghỉ trưa với mức giảm nhẹ.

Sang phiên chiều, sau thời gian đầu giằng co, VN-Index một lần nữa bị đẩy xuống hơn 10 điểm theo nhịp của VN30, nhưng trong những phút cuối, đã được kéo lên đóng cửa với sắc xanh nhạt, gần như không đổi.

Trong khi đó, VN30-Index cũng chỉ có mức giảm nhẹ hơn 2,8 điểm, còn hợp đồng đáo hạn hôm nay lại tăng 2 điểm, giúp xóa nhòa chênh lệch giữa VN30 và VN30F2205 trong ngày đáo hạn của hợp đồng này.

Đóng cửa, sàn HOSE có 151 mã tăng và 292 mã giảm, VN-Index tăng 0,88 điểm (+0,07%), lên 1.241,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 496,7 triệu đơn vị, giá trị 12.794,9 tỷ đồng, giảm hơn 12% về khối lượng và 7% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 36,8 triệu đơn vị, giá trị 1.167,4 tỷ đồng.

Nhóm trụ cột thị trường, nhìn chung không khác nhiều so với cuối phiên sáng, dù có thêm một vài sắc xanh xuất hiện, nhưng biên độ tăng lại chỉ ở mức thấp, như VHM +0,1%, MBB +0,4%, VCB +0,8%, GAS +0,8%, SAB +0,9%, POW +1,2%, HDB +1,3%.

Nhưng đà tăng mạnh của cổ phiếu lớn MSN là điểm nhấn và là trụ đỡ chính cho VN-Index, khi cổ phiếu này đã tăng vọt lên mức giá trần +7% lên 110.400 đồng và "cung cấp" tới gần 3 điểm tích cực cho chỉ số.

Ở chiều ngược lại, phần lớn đã hãm bớt đà giảm, chỉ còn TPB và PDR còn giảm khá mạnh, theo đó, TPB -3,3% xuống 31.150 đồng và PDR -3,2% xuống 54.000 đồng.

Các cổ phiếu như PLX -2,2% xuống 40.500 đồng, CTG -1,9% xuống 26.100 đồng, VNM -1,8% xuống 69.000 đồng, GVR -1,7%, VPB -1,6%, các cổ phiếu VIC, VJC, SSI, NVL, MWG, HPG, BVH...chỉ giảm nhẹ, và bốn cổ phiếu STB, VRE, KDH, PNJ về tham chiếu.

Thanh khoản phiên này STB và SSI cao nhất và đứng ở hai vị trí dẫn đầu HOSE với 22,2 triệu và 19 triệu đơn vị, HPG khớp 16 triệu đơn vị, POW khớp 12,28 triệu đơn vị, nhóm ngân hàng theo sau với HDB, CTG, TCB, MBB, VPB, khớp từ 3,1 triệu đến 9,19 triệu đơn vị…

Trên bảng điện tử, các cổ phiếu vừa và nhỏ một số tăng ấn tượng như UDC, VGC, BSI, PVD, SGT, GEG, khi đều đóng cửa ở mức giá trần, với PVD phiên này khớp tới hơn 10,2 triệu đơn vị.

Các mã tăng tốt khác cũng xuất hiện nhiều hơn, như cổ phiếu ngân hàng OCB +6,6% lên 20.200 đồng, SHB +4% lên 14.450 đồng, cổ phiếu chứng khoán với BSI nêu trên thì CTS +6,5% lên 21.200 đồng, VCI +5,1% lên 37.300 đồng, cổ phiếu hóa chất, phân bón với DGC +5,9% lên 215.000 đồng, DCM +5,2% lên 31.400 đồng, các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với VCG +3% lên 27.100 đồng, LCG +3,2% lên 14.400 đồng, HBC +3,7% lên 20.850 đồng, HDG +6% lên 45.950 đồng…

Ở nhóm thanh khoản cao nhất, khớp lệnh từ hơn 4 triệu đến hơn 11,7 triệu đơn vị, các cổ phiếu BCG, KBC, PVT, VND, HAG, GEX cũng đóng cửa trong sắc xanh, dù mức tăng khiêm tốn hơn, trừ PVT +3,4% lên 19.500 đồng.

Trái lại, HQC, FLC, ROS, DXG, CII, HSG, NKG, SCR, HNG, TTF, APH, ASM, LDG, TCH, IDI, TSC…đều giảm điểm, nhưng phần lớn cũng giảm không quá sâu, ngoài DXG -4,5% xuống 25.500 đồng, khớp lệnh kể trên từ 2,1 triệu đến 8,46 triệu đơn vị.

Đáng chú ý khác là OGC, khi giảm mạnh về mức giá sàn -6,9% xuống 12.200 đồng, khớp 2,11 triệu đơn vị. Các cổ phiếu EIB, DC4, NVT, ITC, DHM, HTV, COM, CMG, TTB, giảm từ 3,7% đến hơn 5%.

Áp lực giằng co mạnh khiến nhiều cổ phiếu như DIG, ITA, AAA, FCN, SBT, VHC, VPI, PAN dừng chân ở tham chiếu khi đóng cửa.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dao động giằng co quanh mức kết phiên sáng và có thời điểm bật lên sát tham chiếu, trước khi bị đẩy ngược trở lại ở những phút cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 65 mã tăng và 123 mã giảm, HNX-Index giảm 1,82 điểm (-0,59%), xuống 308,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 74,5 triệu đơn vị, giá trị 1.625,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,3 triệu đơn vị, giá trị 265,2 tỷ đồng.

Không khác nhiều so với phiên sáng, khi một số cổ phiếu tăng tốt vẫn giữ được sức bật, với PVS +5,2% lên 28.300 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với 17,38 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác như SHS +4,8% lên 17.300 đồng, khớp 13,7 triệu đơn vị, PVC +7,5% lên 23.000 đồng, APS +5,7% lên 20.300 đồng, MBS +2,2% lên 23.100 đồng, BVS +6,4% lên 21.500 đồng, PVG +3% lên 10.300 đồng, CEO đảo chiều tăng nhẹ 0,3% lên 38.200 đồng…

Các cổ phiếu HUT, TNG, TVC, HDA, TAR MBG, AMV, SCG đóng cửa giảm, nhưng mức giảm chỉ ở mức thấp, trong khi đó, KLF, ART, DVG, BII kết phiên ở giá tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index nhích lên tham chiếu ngay khi giao dịch trở lại, nhưng nhanh chóng bị đẩy mạnh trở lại, trước khi có nhịp hồi phục thu hẹp đáng kể đà giảm vào cuối phiên.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,16 điểm (-0,16%), xuống 94,58 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 33,3 triệu đơn vị, giá trị gần 626 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,97 triệu đơn vị, giá trị 175,2 tỷ đồng.

Cũng như cuối phiên sáng, chỉ một số ít cổ phiếu trong nhóm cổ phiếu thanh khoản cao nhất tăng, như BSR, OIL, BVB, STH, trong đó, BSR +5,1% lên 22.800 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với 12,39 triệu đơn vị, OIL nhích 1,5%, BVB +2,9%, STH +1%.

Trên thị trường phái sinh, chỉ duy nhất hợp đồng đáo hạn hôm nay là VN30F2205 tăng điểm, dù chỉ nhích 2 điểm (+0,16%), lên 1.283 điểm, khớp hơn 309.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 18.900 đơn vị.

Mã đáo hạn tiếp theo là VN30F2206 giảm 7 điểm (-0,55%), xuống 1.274,5 điểm, khớp hơn 29.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 11.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, với CHPG2203 và CVPB2202 phiên này khớp lệnh cao nhất, với 1,59 triệu và 1,43 triệu đơn vị đều mất điểm.

Trong đó, CHPG2203 giảm 8,3% xuống 440 đồng/cq, CVPB2202 giảm 4,4% xuống 430 đồng/cq.

Tin bài liên quan