Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/10: Nhóm bảo hiểm dậy sóng

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 19/10: Nhóm bảo hiểm dậy sóng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thông tin mới để giúp thị trường bứt lên hẳn vùng cản mạnh 1.400 điểm vẫn chưa xuất hiện khiến dòng tiền loay hoay, gần như chỉ luân chuyển qua lại giữa các nhóm ngành trong thời gian gần đây và phiên này tới lượt nhóm bảo hiểm nổi sóng.

Thêm một phiên mà giao dịch vẫn sôi động với giá trị hơn 20.000 tỷ đồng trên HOSE, nhưng VN-Index tiếp tục có phiên đi ngang trong biên độ hẹp và vẫn chưa thể vượt qua ngưỡng 1.400 điểm khi đóng cửa phiên.

Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index có chuỗi 6 phiên đi ngang với biên độ rất hẹp sát ngưỡng 1.400 điểm, đây là mẫu hình hiếm gặp trên đồ thị của thị trường. Gần đây nhất thì có giai đoạn 5 phiên từ 11-17/3 thị trường vận động khá tương tự, khi đó thị trường cũng gặp cản mạnh tại ngưỡng 1.200 điểm. Xa hơn một chút là 7 phiên đi ngang giai đoạn tháng 7/2020, khi đó thị trường đang tích lũy để vượt cản 900 điểm.

Điều này cho thấy, việc thị trường vận động đi ngang như hiện nay khá "khó chịu" với nhà đầu tư nhưng để vượt cản thì thị trường cần có những giai đoạn tích lũy ngắn như vậy. Nếu so sánh thì không chỉ diễn biến chỉ số VN-Index mà các chỉ số khác kỹ thuật cũng khá tương đồng như thanh khoản ở mức khá so với giai đoạn trước đó, thị trường đang trong quá trình đi hồi phục đi lên, điểm số nằm trên đường MA20,...

Điều này cũng tạo ra kỳ vọng thị trường sẽ sớm thoát khỏi trạng thái tích lũy để có chu kỳ tăng mạnh sau khi vượt đỉnh. Câu chuyện hiện tại có lẽ phụ thuộc vào nhóm ngân hàng, nhóm chiếm trọng số lớn trong VN-Index, nhóm này đa số đang tích lũy khu vực đáy từ tháng 7, nếu bật tăng trở lại về đỉnh cũ là đã có thể kéo VN-Index lập thêm những mức đỉnh lịch sử.

Chốt phiên, sàn HOSE có 188 mã tăng và 245 mã giảm, VN-Index giảm 0,2 điểm (-0,01%), xuống 1.395,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 639,4 triệu đơn vị, giá trị 20.344,2 tỷ đồng, giảm hơn 18% về khối lượng 8% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 33,4 triệu đơn vị, giá trị 1.903,6 tỷ đồng.

Thiếu đi động lực, nhóm bluechip chỉ còn một vài cổ phiếu đơn lẻ tạo sự khác biệt như BVH +3% lên 61.400 đồng, VJC +3% lên 135.100 đồng, BID +1,9% lên 40.050 đồng.

Các mã xanh khác còn tại SSI, VPB, CTG, VNM, VHM, PLX, NVL, ACB, KDH, nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ từ 0,1% đến 0,9%.

Trái lại, STB là cổ phiếu giảm mạnh nhất, mất 2,6% xuống 26.200 đồng, GAS -1,7% xuống 114.500 đồng và là cổ phiếu hạn chế VN-Index nhiều nhất khi “đóng góp” gần 1 điểm tiêu cực.

Tiếp theo là các mã PNJ, HDB, HPG, MSN, VRE, nhưng cũng chỉ giảm từ 1% đến 1,6%.

Thanh khoản HPG vươn lên cao nhất và cũng dẫn đầu HOSE với hơn 23,7 triệu đơn vị, TCB khớp hơn 14 triệu đơn vị, POW khớp 10,3 triệu đơn vị, VPB khớp hơn 10,1 triệu đơn vị là những cổ phiếu giao dịch sôi động nhất.

Trên bảng điện tử, dòng tiền luân chuyển trong nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng vừa và nhỏ, với hôm nay DLG, CCL, SAM, TDC, HCD, HAR, MCG, VRC được kéo mạnh và đều tăng kịch trần.

Trong đó, DLG khớp được hơn 7,48 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 1,47 triệu đơn vị.

Kết phiên trong sắc xanh với thanh khoản thuộc top cao nhất sàn còn có FIT, HQC, FLC, LCG, ROS, IJC, TDH, HBC, VPH, ITC, khớp từ 2,84 triệu đến 15,8 triệu đơn vị.

Điểm nổi bật của phiên này đến từ nhóm cổ phiếu bảo hiểm, khi tăng tốc trong phiên chiều, ngoài BVH nêu trên thì MIG tăng kịch trần +6,8% lên 28.200 đồng, khớp 2,23 triệu đơn vị, BIC +5,7% lên 30.500 đồng, BMI +4,3% lên 41.050 đồng, PGI +3,8% lên 28.350 đồng.

Cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM giữ vững sức hút, với DCM +4,5% lên 32.500 đồng và DPM +6,7% lên 44.300 đồng, khớp lệnh DCM có hơn 9,6 triệu đơn vị, còn DPM khớp 8,9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán phiên sáng còn tăng khá tốt, nhưng đến phiên chiều đã hạ nhiệt, khi gần như chỉ còn tăng trên dưới 1%, thậm chí AGR, VDS còn đóng cửa giảm.

Trái lại, nhóm dầu khí ngoài PLX xanh nhạt thì còn lại đều chìm trong sắc đỏ như PVD, GAS, PSH, CNG, PGC, PVT…với PVD khớp được hơn 5,81 triệu đơn vị.

Trong số các mã giảm khác, đáng kể có DRH, khi áp lực bán chốt lời đã tăng vọt và đẩy mã này lùi về mức giá sàn -7% xuống 19.950 đồng, khớp 5,59 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chững lại khi mà các mã lớn phiên sáng nâng đỡ đã hết lực.

Theo đó, KSF +8,6% lên 71.900 đồng, IDC +2,2% lên 61.400 đồng, IDJ +2,1% lên 43.500 đồng vẫn là những mã đóng góp chính.

Các cổ phiếu ngành bảo hiểm PVI, VNR, PRE phản ánh dòng tiền chảy mạnh vào nhóm này cũng đã nới đà đi lên, với PVI +7,53% lên 50.000 đồng, VNR +2,6% lên 39.700 đồng, PDR +4% lên 21.000 đồng.

Một số mã nhỏ hoạt động tốt hơn phần còn lại như PV2, DST, MBG, PVL, FID, MAC, SDA, CMS đều có mức giá trần, DL1 +8,8% lên 11.000 đồng, LIG +8,3% lên 14.400 đồng, HUT +4% lên 10.500 đồng.

Trong khi đó, PVS, CEO, ART, TNG, TAR, AMV, BCC đóng cửa giảm nhẹ, còn SHS, KLF, NDN đứng tham chiếu.

Thanh khoản phiên này cổ phiếu TVC cao nhất với hơn 5,43 triệu đơn vị khớp lệnh, nhưng cũng chỉ có được giá tham chiếu tại 16.900 đồng.

Đóng cửa, sàn HNX có 102 mã tăng và 99 mã giảm, HNX-Index tăng 2,12 điểm (+0,55%), lên 387 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 107 triệu đơn vị, giá trị 2.150 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,18 triệu đơn vị, giá trị 422,3 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng gần như chỉ biến động nhẹ quanh tham chiếu trong phiên chiều, trước khi có nhịp bật nảy khá tốt ở những phút cuối, đưa chỉ số đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Giao dịch đáng chú ý nhất tại BSR và NED. Trong đó, BSR là cổ phiếu có thanh khoản cao nhất với hơn 10,39 triệu đơn vị khớp lệnh, giảm 0,4% xuống 23.700 đồng.

Còn NED theo ngay sau, với hơn 9,15 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng hết biên độ +15% lên 11.500 đồng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,23 điểm (+0,24%), lên 99,6 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 82,3 triệu đơn vị, giá trị 1.583,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,83 triệu đơn vị, giá trị 216,5 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, chỉ còn VN30F2110 đáo hạn gần nhất tăng điểm, nhưng mức tăng không đáng kể, chỉ 0,1 điểm lên 1.510,6 điểm, khớp lệnh hơn 150.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.100 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế lớn, nhưng mã có giao dịch cao nhất với hơn 1,27 triệu đơn vị khớp lệnh là CVPB2108 tăng, +2,66% lên 2.730 đồng.

Tin bài liên quan