Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/8: VN-Index đảo chiều giảm trong phiên đáo hạn phái sinh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/8: VN-Index đảo chiều giảm trong phiên đáo hạn phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Đứng trước ngưỡng cản mạnh 1.280 điểm và thiếu vắng nhóm dẫn dắt, cũng như sự thận trọng dâng cao trong phiên đáo hạn phái sinh tháng 8 đã khiến thị trường có phiên đảo chiều mất điểm ở những phút cuối.

Nhịp giảm cuối phiên sáng đã tiếp tục được đẩy mạnh ngay khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, VN-Index lao khá nhanh xuống dưới mốc 1.270 điểm. Tuy nhiên, sau đó nhóm trụ VIC, GAS, MSN, SAB đã được sử dụng để kéo VN-Index có nhịp hồi 13 điểm, vượt qua ngưỡng cản mạnh 1.280 điểm.

Tuy nhiên, vì hôm nay là phiên đáo hạn phái sinh tháng 8, thường có những diễn biến bất thường trong những phút cuối phiên, đặc biệt là đợt khớp lệnh xác định giá đọng cửa (ATC), nên nhà đầu tư vẫn giữ sự thận trọng, không vội vã mua đuổi vì sợ sập bẫy, bất chấp cách tính mới của mức giá đáo hạn phái sinh đã khác từ tháng 6.

Từ 16/6, giá thanh toán cuối cùng (FSP) của hợp đồng tương lai chỉ số VN30 từ ''là giá trị đóng cửa của chỉ số cơ sở tại ngày giao dịch cuối cùng'' thành ''là giá trị trung bình số học giản đơn của chỉ số trong 30 phút cuối cùng của ngày giao dịch cuối cùng bao gồm 15 phút khớp lệnh liên tục và 15 phút khớp lệnh định kỳ đóng cửa, sau khi loại trừ ba giá trị chỉ số cao nhất và ba giá trị chỉ số thấp nhất của phiên khớp lệnh liên tục”

Diễn biến thị trường sau đó cho thấy, sự thận trọng này là có lý khi VN-Index vừa vượt qua ngưỡng 1.280 điểm đã nhanh chóng bị đẩy trở lại. Nhịp giảm này lấy đi của VN-Index 6 điểm sau đó hồi nhẹ gần 2 điểm đứng ở mức 1.278,73 điểm trước khi bước vào đợt ATC.

Với nhóm VN30, diễn biến có phần hấp dẫn hơn. Sau khi kéo tăng hơn 16 điểm từ đáy, VN30-Index đã đảo chiều giảm dần sau đó. Trong nửa cuối phiên chiều, đa số VN30-Index cao hơn điểm của của hợp đồng đáo hạn tháng 8 (VN30F2208). Tuy nhiên, phe short dường như đã thắng thế khi trong đợt ATC, VN30-Index "bị ép" xuống dưới ngưỡng 1.300 điểm, thấp hơn VN30F2208.

Câu chuyện hiện tại của thị trường đang là tình trạng "xanh vỏ đỏ lòng" tái diễn, chỉ số tăng hoặc chỉ giảm nhẹ là nhờ toàn bộ nhóm trụ với sự góp sức của VIC, VCB..., nhưng trên toàn bộ sàn HOSE thường trực có khoảng 300 mã giảm điểm khiến nhiều nhà đầu tư thực tế đã thua lỗ trong 4 phiên trở lại đây.

Tình trạng "kéo trụ để xả" nếu diễn ra, như kinh nghiệm trong các con sóng chứng khoán vừa qua thì rất có thể thị trường sẽ có một nhịp điều chỉnh đáng kể trong thời gian tới.

Chốt phiên, sàn HOSE có 132 mã tăng và 311 mã giảm, VN-Index giảm 1,62 điểm (-0,13%), xuống 1.273,66 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 599 triệu đơn vị, giá trị 15.351,5 tỷ đồng, giảm gần 16% về khối lượng và 13% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 40,65 triệu đơn vị, giá trị 1.270 tỷ đồng.

Ở các trụ đỡ, VIC trong phiên sáng đã hạ nhiệt, chỉ còn +1,2% lên 68.100 đồng, tương tự là GAS, khi có thời điểm tăng gần 5% đã lùi về còn +1,2% lên 113.700 đồng, MSN từ mức tăng hơn 3% về còn +0,6% lên 112.000 đồng.

Đà giảm của thị trường được hãm lại nhờ có SAB +2,7% 193.500 đồng, SSI +2,2% lên 25.100 đồng, VNM +1,1% lên 73.400 đồng.

Đây cũng là những đóng góp chính cho VN-Index, cùng sắc xanh nhạt khác tại ACB, VJC, PDR, VRE và HDB.

Ở chiều ngược lại, không bluechip nào nào giảm sâu, với NVL là cổ phiếu mất điểm nhiều nhất, nhưng cũng chỉ -1,5% xuống 83.100 đồng, CTG -1,2% xuống 28.750 đồng, BID -1% xuống 39.600 đồng.

Sắc đỏ khác còn tại HPG, POW, MWG, VHM và nhóm ngân hàng STB, VPB, MBB, VIB, trong khi bốn cổ phiếu FPT, KDH, TPB và VCB đứng tham chiếu.

Đáng chú ý là cổ phiếu SSI đã vươn lên dẫn đầu thanh khoản thị trường với 28,6 triệu đơn vị.

Việc cổ phiếu SSI bật lên cũng là một phần giúp các cổ phiếu công ty chứng khoán khác bật lên và là nhóm cổ phiếu có sự đồng thuận tốt nhất và không ít đã tăng khá và thu hút dòng tiền.

Theo đó, BSI +6,8% lên 31.500 đồng, HCM +4,8% lên 28.300 đồng, CTS +3,4% lên 24.350 đồng, VIX +2,9% lên 14.400 đồng, VDS +2,1% lên 14.350 đồng, FTS +1,9% lên 37.700 đồng, các cổ phiếu AGR, VND, TVB, VCI, APG cũng đóng cửa trong sắc xanh, dù mức tăng khiêm tốn hơn.

Thanh khoản ngoài SSI nêu trên thì VND khớp 22,1 triệu đơn vị, HCM khớp 16,55 triệu đơn vị, VIX khớp 11,68 triệu đơn vị, VCI khớp 4,4 triệu đơn vị, đều là các cổ phiếu hút giao dịch nhất trên sàn.

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ có tăng khá còn tại VNS +5,3% lên 17.800 đồng, CSV +4,8% lên 48.500 đồng, CKG +4,4% lên 22.750 đồng, ITC +3,2% lên 16.150 đồng.

Các cổ phiếu kết phiên trong sắc xanh đáng kể không còn nhiều, với NKG, DBC, nhóm hóa chất DGC, DCM, DPM…

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu FLC và HAI tiếp tục bị bán mạnh và lùi về giá sàn tại 4.950 đồng và 2.270 đồng, khớp lệnh FLC hơn 2,38 triệu đơn vị và dư bán giá sàn hơn 18,8 triệu đơn vị, HAI khớp 0,88 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 4,46 triệu đơn vị. Cổ phiếu liên quan là AMD cũng giảm sâu -5,8% xuống 2.780 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị.

Lực bán gia tăng còn khiến một số giảm sâu đáng kể như ADS -6,5% xuống 18.700 đồng, TGG -5,9% xuống 7.140 đồng, PTL -5,4% xuống 5.960 đồng, TNI -5,2% xuống 4.600 đồng, AAT -4,3% xuống 12.200 đồng, TIX -4,1% xuống 33.050 đồng, VPG -4% xuống 29.100 đồng. Các mã HNG, SAM, CRE MCG, HAR, BAF, ST8, NBB, HCD, TIP, DAG, DLG giảm từ 2,7% đến gần 4%.

Sắc đỏ khác còn bao phủ nhiều mã, với đa phần thuộc ngành bất động sản, như ASM, HDC, LCG, LDG, TCH, VCG, IDI, TTF, AAA, HBC, DXG, ITA, CII, KBC, HQC, khớp lệnh nhóm này cao nhất sàn, từ hơn 2 triệu đến hơn 9,2 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới đà giảm ngay khi bước vào phiên chiều và thu hẹp điểm số đã mất sau đó nhờ lực bán chững lại.

Đóng cửa, sàn HNX có 79 mã tăng và 107 mã giảm, HNX-Index giảm 1,4 điểm (-0,46%), xuống 301,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,5 triệu đơn vị, giá trị 1.386,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,4 triệu đơn vị, giá trị 70,7 tỷ đồng.

Sắc xanh trở lại với PVS, LAS, SCG và nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán SHS, ART, MBS, APS, BVS, VIG, dù mức tăng phần lớn chỉ trên dưới 1%.

Các cổ phiếu CEO, HUT, TNG, AMV, IDC, TVC, HTP, IDJ, TIG, CKC, SRA… vẫn chìm trong sắc đỏ, với HPT là cổ phiếu giảm sâu nhất -4,1% xuống 39.400 đồng, TNG -2,5% xuống 27.600 đồng.

Thanh khoản phiên này SHS vươn lên dẫn đầu và bỏ xa phần còn lại với 17,6 triệu đơn vị, theo sau là PVS với 7,85 triệu đơn vị, CEO khớp 4,26 triệu đơn vị, HUT khớp 3 triệu đơn vị…

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng đã chìm sâu hơn ngay khi phiên chiều trở lại và cũng như sàn HNX, chỉ số này đã bật lên và thu hẹp đà giảm sau đó.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,22 điểm (-0,24%), xuống 92,85 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 516,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,66 triệu đơn vị, giá trị 289,1 tỷ đồng, trong đó, chủ yếu là hơn 6,9 triệu cổ phiếu KLB, trị giá hơn 188 tỷ đồng.

Cũng như phiên sáng, lác đác một vài sắc xanh tại QNS, PXS, SSH, AAS, NED, trong khi phần còn lại, với BSR, VHG, ABB, VGI, VGI, C4G, PAS, LMH, BVB…giảm.

Trong đó, BSR vẫn là cổ phiếu hút thanh khoản nhất với hơn 5,7 triệu đơn vị khớp lệnh, giá cổ phiếu giảm 0,4% xuống 24.300 đồng, trong khi LMH vẫn là cổ phiếu giảm sâu nhất -11,6% xuống 13.700 đồng, khớp 0,72 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2208 đáo hạn phiên hôm nay giảm 4,2 điểm (-0,32%), xuống 1.304,8 điểm, khớp lệnh hơn 161.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 47.900 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, phiên này, CHPG2215 là cổ phiếu khớp lệnh cao nhất với 1,84 triệu đơn vị, giá giảm 1,4% xuống 690 đồng/cq, ngay sau là CFPT2107 với 1,71 triệu đơn vị khớp lệnh, giá tăng mạnh 21,2% lên 3.770 đồng/cq.

Tin bài liên quan