Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/11: Chuyện xấu đã không xảy ra

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 18/11: Chuyện xấu đã không xảy ra

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dù áp lực tâm lý là tương đối mạnh khi lượng hàng khủng bắt đáy T+ về tải khoản, nhưng nhiều nhà đầu tư quyết tâm "giữ hàng", trong khi lực cầu hoạt động tốt đã giúp thị trường có một phiên vượt qua giông bão.

Lực bán ở cuối phiên sáng tiếp diễn ngay trong phiên chiều, khiến VN-Index rơi về 940 điểm, tương đương mất gần 30 điểm so với tham chiếu.

Nhiều nhà đầu tư lo lắng lượng hàng T+ bắt đáy phiên thứ Tư về tải khoản nếu đồng loạt tung vào sẽ khiến họ chịu nhiều thiệt hại hơn và quan trọng không kém là sẽ trở tay không kịp. Tuy nhiên, điều đó ít nhiều đã không xảy ra, các bluechip “ra quân” gánh vác với nhiều mã thu hẹp đáng kể đà giảm, thậm chí một số còn nhích lên sắc xanh, kéo VN-Index chạm lên trên tham chiếu chỉ sau gần một giờ giao dịch.

Dù vậy, vẫn có sự thận trọng nhất định, khi thời gian giao dịch của phiên chiều còn khá dài, nhà đầu tư vừa đặt lệnh vừa theo dõi lực cung, khi mà lực cầu đang làm tốt phần việc của mình, khi đã đổ ồ ạt vào các cổ phiếu thép, bất động sản, xây dựng, nguyên vật liệu, kéo không ít cổ phiếu tăng trần và dần chất lệnh dư mua giá trần.

Chỉ số VN-Index sau khi vượt 970 điểm đã chững lại do các bluechip gần như hết đà, khiến chỉ số này nhanh chóng quay đầu điều chỉnh, rung lắc dưới vùng giá thấp và về 960 điểm ngay trước phiên ATC, nhưng bất ngờ bật mạnh lên sắc xanh, dù rất nhạt khi đóng cửa.

Đóng cửa, sàn HOSE có 268 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng nhẹ 0,07 điểm (+0,01%), lên 969,33 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 960,5 triệu đơn vị, giá trị 13.703 tỷ đồng, tăng hơn 32% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua.

Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 126,8 triệu đơn vị, giá trị 2.185 tỷ đồng, trong đó, đáng kể có 42,15 triệu cổ phiếu VIB, giá trị hơn 737,6 tỷ đồng.

Sự tiêu cực của nhóm VN30 cuối phiên sáng đã chuyển sang cân bằng hơn về cuối phiên, với 13 sắc xanh đỏ chia đều, cùng VCB, VPB, MBB và POW đứng tham chiếu.

Trong những mã giảm, PDR và NVL vẫn nằm sàn, với NVL khớp được 1,27 triệu đơn vị, dư bán sàn 52,7 triệu đơn vị, PDR khớp gần 0,2 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 109 triệu đơn vị.

Giảm đáng kể khác chỉ còn GAS -4,5% xuống 114.300 đồng, VRE -2,8% xuống 27.600 đồng, HDB, SAB, PLX giảm 2,1%, MSN -1,9%, nhóm theo sau là các mã ngân hàng VIB, STB, TCB, TPB, CTG giảm nhẹ từ 0,3% đến 1,2%, thu hẹp đáng kể biên độ giảm so với phiên sáng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu GVR bật trở lại mức giá trần +6,6% lên 12.150 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và trắng bên bán.

Cổ phiếu với “nhiều hy vọng” là HPG cũng đã nhận lực cầu khủng và tăng mạnh 6% lên 15.100 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với gần 100 triệu đơn vị.

Phần còn lại, ngoài KDH +2,6%, BVH +1,9%, VIC +1,5% thì đều tăng nhẹ.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, không thể không thể đến các mã thép với đầu tàu HPG dẫn dắt đã tăng trần tại HSG lên 8.900 đồng, khớp 21,8 triệu đơn vị và dư mua trần 2,4 triệu đơn vị, NKG cũng tăng trần lên 9.050 đồng, khớp 17,2 triệu đơn vị.

Tiếp theo là ở các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với sắc tím tại HDC, ITC, TDH, VCG, DRH, LHG, NHA, NLG, QCG, DXS, SCT, DXG, CII, DLG … đặc biệt là DIG khi cũng tìm lại được giá trần +6,7% lên 11.900 đồng, khớp 29,3 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu nông nghiệp, thủy sản, nguyên vật liệu đóng góp những cái tên ACL, IDI, NAV, DBC, GIL, HAG, APH, TPC…đều tăng hết biên độ, với HAG khớp hơn 23,7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 3,5 triệu đơn vị

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán với APG, FTS và VIX tăng trần, BSI +5,9% lên 14.250 đồng, HCM +5,1% lên 18.500 đồng, CTS +4,5% lên 9.010 đồng, TVB +4,5% lên 3.700 đồng, AGR +4,1% lên 6.790 đồng, đáng tiếc VDS -5,2% và VCI giảm nhẹ và VND xuất sắc từ mức giá sàn đã về được tham chiếu.

Đáng chú ý khác là cổ phiếu EIB, khi là mã tăng trần duy nhất trong nhóm, +6,9% lên 19.400 đồng, khớp 5,58 triệu đơn vị, chấm dứt chuỗi giảm sàn 7 phiên liên tiếp.

Ở chiều ngược lại, một số vẫn chịu sức ép lớn và giảm sàn như ABS, IBC, PVD, SHI, HPX và DGC.

Trong đó, HPX vẫn không khác nhiều so với phiên sáng khi chỉ khớp lệnh 2.700 đơn vị và còn dư bán giá sàn hơn 28,6 triệu đơn vị, DGC khớp 8,51 triệu đơn vị, PVD khớp 11,1 triệu đơn vị và ABS khớp gần 3,5 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng mạnh đã giúp HNX-Index bật mạnh lên trên tham chiếu, đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 116 mã tăng (33 mã tăng trần) và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 3,01 điểm (+1,6%), lên 190,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,2 triệu đơn vị, giá trị 988,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,9 triệu đơn vị, giá trị 83,2 tỷ đồng.

Lực mua mạnh mẽ đã giúp CEO, KVC, SHS, L14, IDJ, PVL, APS, API, CSC, PV2 leo lên giá trần, với SHS vươn lên là cổ phiếu thanh khoản cao nhất sàn khi có 23,57 triệu đơn vị, CEO theo sau với 12,36 triệu đơn vị.

Nhiều cổ phiếu đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng khá như IDC +4,9% lên 30.000 đồng, TNG +6,1% lên 12.200 đồng, MBS +5,7% lên 11.200 đồng, TIG +7%, MST +6,1%, TAR +5,2%...

Cổ phiếu ART có lẽ là nốt trầm duy nhất khi giảm sàn -7,1% xuống 1.300 đồng, khớp 1,25 triệu đơn vị và còn dư bán sàn hơn 2,5 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index giảm thêm đôi chút ngay khi bước vào phiên chiều và đã từng bước nhích dần lên trên tham chiếu và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,61 điểm (+0,92%), lên 67,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 65 triệu đơn vị, giá trị 424,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 4,2 triệu đơn vị, giá trị 85,1 tỷ đồng.

Bảng điện tử thể hiện rõ sự tích cực, khi gần như chỉ còn HVG, PXV giảm sàn, PPI, DPS, PVV về tham chiếu.

Còn lại đều tăng, với những cổ phiếu SBS, VHG, DCS KSH, FTM NTB, AVF, PXS ACM, G36 tăng kịch trần.

Cổ phiếu BSR phiên này vẫn là mã thanh khoản cao nhất với hơn 14,68 triệu đơn vị, tăng 3,2% lên 12.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2212 quay đầu giảm 0,1 điểm, tương đương chỉ -0,01% xuống 963 điểm, khớp lệnh hơn 525.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 38.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng rất sôi động, với CMBB2210 khớp lệnh cao nhất khi có hơn 4,07 triệu đơn vị, giá tăng 16,7% lên 70 đồng/cq, tiếp theo là CMWG2212 với hơn 3,4 triệu đơn vị, tăng 14,3% lên 80 đồng/cq.

Tin bài liên quan