Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/11: “Quay xe” hơn 55 điểm, cổ phiếu bát ngát trần

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 16/11: “Quay xe” hơn 55 điểm, cổ phiếu bát ngát trần

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Nối tiếp đà đảo chiều bất ngờ phiên sáng, VN-Index thăng hoa trong phiên chiều với cả trăm mã chốt phiên ở mức giá trần.

Vẫn là những đồn đoán, nhưng theo hướng tích cực về việc sẽ sớm có giải pháp chính sách để hỗ trợ thanh khoản thị trường, hỗ trợ trái phiếu doanh nghiệp, đã giúp thị trường có phiên thăng hoa, VN-Index tăng 31 điểm chốt phiên ở mốc trên 900 điểm, và so với ngưỡng thấp nhất thì chỉ số này đã tăng hơn 55 điểm so với mức thấp nhất của phiên sáng.

Phiên đảo chiều bất ngờ khi mà tâm lý nhà đầu tư ở trạng thái u ám nhất sau chuỗi giảm điểm tiêu cực trước đó đã giúp giải tỏa phần nào sự bi quan về thị trường. Nhiều diễn đàn, nhóm chát về chứng khoán đã sôi động hơn các bình luận, dù thực tế phiên đảo chiều hôm nay về điểm số không phải là kỷ lục. Phiên 17/5 hay trước đó 26/4/2022 có số điểm tăng hơn nhiều, đây cũng là những phiên phục hồi sau đà rơi trước đó của VN-Index, tuy nhiên chuỗi mất điểm trước đó không dài như thời điểm hiện nay.

Về tổng thể diễn biến giao dịch, có những dấu hiệu lạc quan. Đầu tiên là thanh khoản có tăng kết hợp với điểm số tăng tốt tạo ra một dấu hiệu đảo chiều tin cậy trong ngắn hạn, dù mức trên 14.000 tỷ đồng của sàn HOSE vẫn không phải quá lớn nhưng xét về khối lượng cổ phiếu giao dịch thì khá ấn tượng với hơn 930 triệu cổ phiếu được trao tay, đây là mức cao nhất kể từ tháng 4/2022. Tiếp theo là một số nhóm trụ cột như ngân hàng, thép, chứng khoán đã nhận được sức cầu tốt, đây là nhóm luôn dẫn dắt chỉ số do chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn của thị trường.

Tuy nhiên, một phiên phục hồi không nói lên được quá nhiều điều khi các khó khăn của nhóm bất động sản vẫn còn nguyên do trái phiếu và do thị trường địa ốc trầm lắng. Điều này được phản ánh khá rõ trong phiên phục hồi hôm nay khi rất nhiều mã lớn bất động sản như NVL, PDR… vẫn đang nằm ở mức giá sàn với dư bán hàng chục triệu cổ phiếu.

Bất động sản luôn là ngành có vai trò cốt yếu trong nền kinh tế bởi mối liên hệ chéo tới nhiều ngành nghề khác như vật liệu, kiến trúc, thiết kế, và bất động sản cũng là địa chỉ nhận rất nhiều vốn vay của ngân hàng, bản thân bất động sản lại là tài sản đảm bảo của ngân hàng,… Do vậy, nếu lĩnh vực này không thoát khỏi khó khăn thì nhiều ngành nghề khác cũng chịu ảnh hưởng theo.

Đóng cửa, sàn HOSE có 415 mã tăng (155 mã tăng trần) và chỉ 63 mã giảm (19 giảm sàn), VN-Index tăng 31,00 điểm (+3,40%), lên 942,9 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,04 tỷ cổ phiếu, trị giá 14.373,3 tỷ đồng, tăng hơn 50% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 112 triệu đơn vị, giá trị 2.077 tỷ đồng.

Nếu như ở phiên sáng, rổ VN30 có lúc có đến 13 mã giảm sàn, thì tình thế đã đảo ngược nhanh chóng, với 16 cổ phiếu có thời điểm đã tăng kịch trần, trước khi thu hẹp xuống còn 9 cổ phiếu là HPG, GVR, MWG, SSI cùng nhóm ngân hàng STB, BID, ACB, TCB và MBB.

Sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, với BVH chạm gần giá trần +6,8% lên 47.300 đồng, VRE +6,4% lên 26.550 đồng, VIC +6% lên 60.400 đồng, PLX +5,5% lên 26.000 đồng, POW +5,4%, FPT +5,2%, GAS +4,9%, KDH +4,4%, VHM +3,5%, MSN +1,7%, VJC +0,1%.

Với nhóm ngân hàng còn lại, HDB là cổ phiếu tăng tốt nhất +6,4% lên 14.900 đồng, CTG +6% lên 24.800 đồng, VIB +5,9% lên 18.000 đồng, VPB +5,8% lên 15.500 đồng, TPB +4,8% lên 20.850 đồng, nhưng đáng tiếc là “anh cả” VCB chỉ nhích nhẹ 0,1%.

Trong khi đó, hai cổ phiếu NVL và PDR vẫn chưa thể thoát tình trạng bị bán tháo và vẫn giảm sàn lần lượt ở mức 33.750 đồng và 21.150 đồng, với khối lượng dư bán sàn tại NVL là 46,8 triệu đơn vị và PDR là hơn 82,6 triệu đơn vị.

Thanh khoản cũng có sự gia tăng đáng kể ở nhóm bluechip, với HPG khớp lệnh cao nhất khi có 34,9 triệu đơn vị. Theo sau là nhóm ngân hàng CTB, TCB, MBB, STB, VPB cùng SSI, với khối lượng khớp lệnh từ hơn 18 triệu đến 29,66 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sắc tím đua nhau lan rộng ra nhiều nhóm ngành, từ nguyên vật liệu, nông nghiệp, hóa chất, dầu khí và ngay cả các cổ phiếu bất động sản, xây dựng vốn lao dốc gần đây cũng được bắt đáy mạnh.

Trong đó, điểm nhấn thuộc về DIG, khi lao dốc về giá sàn trong phiên sáng đã được kéo lên mức giá trần khi đóng cửa, +6,9% lên 10.800 đồng, khớp lệnh cao nhất thị trường với hơn 51,9 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác trong nhóm như SCR, HHV, CII, NLG, TDC, HDC, CKG, VPH, NTL, HAR, HBC, VCG, ASM, GEX, DXG…cũng đều đóng cửa ở mức giá trần, các mã HQC, BCG, KBC cũng có mức tăng gần giá trần.

Những cổ phiếu đáng kể khác, với thanh khoản cao còn tại các mã ngân hàng top sau như SHB, LPB, nhóm công ty chứng khoán ngoài TVS tăng gần 6%, VDS tăng 4,6%, ORS tăng 2,7%, thì còn lại đều khoác áo tím, ngoài SSI khớp gần 27 triệu đơn vị, thì VND khớp 22,9 triệu đơn vị, VCI khớp 17,1 triệu đơn vị, VIX khớp 15,3 triệu đơn vị…

Hay nhóm nguyên vật liệu, hóa chất với, APH, DGC, DPR, PHR, CSV, DCM, DPM, các mã thép là HSG, NKG cũng đều tăng hết biên độ…

Ở chiều ngược lại, một số vẫn tiêu cực, với OGC, SJS, ADG, DHC, HPX, VPI, IBC vẫn nằm ở mức giá sàn.

Trên sàn HNX, sắc tím nở rộ cũng đã giúp HNX-Index từng bước tăng mạnh và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, sàn HNX có 159 mã tăng (83 mã tăng trần) và 56 mã giảm, HNX-Index tăng 7,66 điểm (+4,36%), lên 183,45 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,4 triệu đơn vị, giá trị 1.120,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 20,4 triệu đơn vị, giá trị 201 tỷ đồng.

Các cổ phiếu đua nhau tăng trần, với các mã quen thuộc cùng thanh khoản cao có thể kể đến LAS, TVC, L14, API, MBG, TAR, APS, MBS, PVC, IDJ, TNG, HUT, CEO, IDC và SHS, khớp lệnh từ 0,63 triệu đến 14,9 triệu đơn vị.

Riêng PVS vượt SHS về khối lượng giao dịch và dẫn đầu sàn với 15,4 triệu đơn vị, và tăng 6,7% lên 19.200 đồng, S99 +6,8% lên 6.300 đồng, khớp 0,61 triệu đơn vị.

Đáng kể có MST, khi ngược dòng và giảm sàn -8,2% xuống 4.500 đồng, khớp 0,75 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, nhiều cổ phiếu nới rộng đà đi lên cũng đã giúp UpCoM-Index từng bước nhích lên và đóng cửa ở sát mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 2,03 điểm (+3,2%), lên 65,32 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58 triệu đơn vị, giá trị 522,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,11 triệu đơn vị, giá trị 150 tỷ đồng.

Các cổ phiếu nhỏ hoạt động tốt với VHG, FTM, LCM và PXS, khi đều tăng hết biên độ, với VHG khớp lệnh hơn 3,55 triệu đơn vị.

Sắc xanh cũng xuất hiện nhiều hơn, với một số đáng kể như VGT +13,5%, C4G +12,3%, SBS +10,7%, PFL +8,7%, ABB +8,1% …

Trong khi đó, BSR +5,2% lên 12.200 đồng, khớp lệnh cao nhất UpCoM với hơn 23 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30F2211 sẽ đáo hạn vào ngày mai đã “phi nước đại” lên mức giá trần với mức tăng 62,6 điểm, tương đương 6,99% lên 957,6 điểm, khớp lệnh hơn 566.300 đơn vị, khối lượng mở hơn 36.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, gần như toàn bộ các mã đang giao dịch đều tăng điểm, với CMBB2211 và CMBB2210 phiên này giao dịch sôi động nhất, khi khớp 5,97 triệu và 3,42 triệu đơn vị. Cả 2 mã này đều tăng mạnh, với CMBB2211 +75% lên 140 đồng/cq và CMBB2210 +100% lên 60 đồng/cq.

Tin bài liên quan