Thanh khoản thị trường tiếp tục nóng và lệnh mua chỉ chờ điểm đẹp để canh vào, khiến một số công ty chứng khoán gợi ý khách hàng tránh giao dịch vào giờ cao điểm, như trong nhịp giảm sâu hôm qua và cả trong phiên sáng nay đã có thời điểm một số app của các công ty chứng khoán gặp phải tình trạng không thể đăng nhập, không thể nạp tiền, bảng giá không cập nhật hoặc cập nhật chậm.
Đây rõ ràng là một vấn đề mới phát sinh về mặt kỹ thuật, chưa rõ thuộc các công ty chứng khoán hay của HOSE, HNX nhưng cần phải nhận diện có giải pháp xử lý sớm để đảm bảo chất lượng dịch vụ khách hàng.
Trở lại diễn biến các chỉ số chính, trên sàn HOSE, sau khi thu hẹp đà giảm đáng kể ở cuối phiên sáng, VN-Index bước vào phiên chiều rung lắc đôi chút và có thời điểm đã lên trên tham chiếu.
Tuy vậy, lực bán lại gia tăng khiến chỉ số đổ đèo và mất hơn 10 điểm, lùi về quanh ngưỡng 1.465 điểm, tương đương số điểm trong nhịp giảm lúc khởi động phiên sáng và tại đây, chỉ số ngừng rơi và đi ngang cho đến khi đóng cửa, ghi nhận phiên giảm mạnh nhất về điểm số kể từ phiên 27/9 (VN-Index bay hơn 26 điểm).
Về mặt kỹ thuật, ngưỡng VN-Index quanh khu vực 1.465 điểm là ngưỡng hỗ trợ mạnh, tương ứng với Fib mở rộng 23,6% kể từ khi vượt đỉnh cũ 1.425 điểm, đồng thời là ngưỡng tạo ra bởi 5 phiên liên tiếp kể từ 8/11. Dễ hiểu khi chỉ số giảm xuống dưới mức này thì thị trường đã nhận được lực cầu rất tốt trong cả phiên sáng và phiên chiều để phục hồi trở lại.
Tuy nhiên về mặt diễn biến có thể thấy, phiên giao dịch hôm nay tiếp tục có điểm trừ khá lớn khi lực bán tiếp tục tăng so với phiên hôm qua. Nhóm bị bán mạnh tất nhiên là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ vốn đã tăng quá mạnh trong thời gian vừa qua. Có thời điểm trên HOSE có tới gần 350 mã giảm điểm, vượt trội hoàn toàn so với số mã tăng điểm chỉ khoảng hơn 100 mã.
Điểm tích cực là nhóm cổ phiếu trụ, mà ở đây là nhóm ngân hàng gần như chưa tăng giá trong giai đoạn thị trường vượt đỉnh đã không giảm giá thêm, đóng vai trò làm trụ đỡ cho thị trường. Bên cạnh nhóm ngân hàng có thêm nhóm dầu khí và bảo hiểm.
Tuy nhiên, nhìn vào diễn biến có thể thấy nỗ lực của nhóm ngân hàng là không đủ khi số mã giảm điểm toàn thị trường quá lớn, đặc biệt là 2 nhóm vốn hóa lớn là thép và chứng khoán đang yếu dần. Riêng nhóm thép chưa có tín hiệu phục hồi khi giảm giá liên tục các phiên vừa qua.
Mặc dù vậy, nhà đầu tư qua phiên hôm nay có thể tạm yên tâm khi ngưỡng hỗ trợ 1.465 điểm tỏ ra mạnh mẽ, nhưng với các nhà đầu tư đang nắm giữ nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ và vừa thì cần có sự thận trọng nhất định bởi phiên hôm nay nhiều mã đang có dấu hiệu phân phối, đây cũng là phiên đầu tiên nhiều mã trong nhóm bị bán mạnh và không có sự phục hồi đáng kể ở cuối phiên.
Kịch bản kéo tiền trở lại nhóm trụ hoàn toàn có thể thành hiện thực, nếu lực bán ở các nhóm vốn hóa nhỏ và vừa tiếp tục trong các phiên tới. Thị trường có thể không giảm sâu, thậm chí tăng điểm nhờ nhóm vốn hóa lớn, nhưng các mã đã tăng nóng khi đó vẫn tiếp tục giảm điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 166 mã tăng và 299 mã giảm, VN-Index giảm 10,12 điểm (-0,69%), xuống 1.466,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.223,7 triệu đơn vị, giá trị 34.826,46 tỷ đồng, tăng hơn 4% về khối lượng và 2% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 66,3 triệu đơn vị, giá trị hơn 3.031 tỷ đồng.
Đà sụt giảm của phiên này đến từ hai hướng tác động, một là bluechip gây sức ép, hai là lực bán chốt lời ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, vốn đã tăng rất nóng thời gian gần đây.
Theo đó, ở nhóm bluechip, HPG là tội đồ lớn nhất khi kéo lùi hơn 1,8 điểm đến VN-Index với mức giảm 3% xuống 52.000 đồng. Tiếp theo là GVR -2,8% xuống 39.350 đồng, cùng VHM và GAS “góp” thêm, mặc dù chỉ giảm 1,2% và 1,9%. Tổng cộng 4 mã này đã lấy đi hơn một nửa số điểm đã mất của VN-Index phiên này.
Cùng với đó, một số mã khác nới đà giảm đáng kể như HDB -3,3% xuống 27.900 đồng, PNJ -2,5% xuống 108.000 đồng, SSI -2,3% xuống 44.750 đồng, PLX -2,2% xuống 58.800 đồng, KDH -2,1% xuống 48.250 đồng…
Ở chiều ngược lại, BVH còn tăng tốt nhất, +3% lên 64.600 đồng, nhưng cũng gần như là điểm sáng duy nhất ở rổ VN30. Trong khi đó, các mã tăng khác chỉ có biên độ thấp như POW +1,4%, FPT +1%, VJC +0,7%, SAB +0,4%...
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, lực bán mạnh đã quay trở lại và khiến LDG, HAI, AMD, QBS, giảm về mức giá sàn. Thanh khoản cao, với LDG khớp tới hơn 29,7 triệu đơn vị, AMD và HAI cũng trên dưới 16 triệu đơn vị.
Giảm sâu khác còn tại HQC -3,7%, FLC -2,7%, ITA -5,7%, DXG -2,2%, DLG -6,8%, KBC -3,3%, HNG -4,6%, CII -6,7%, SCR -4,3%, HHS -6,5%, TTF -4,1%, FIT -3,5%, IJC -5%, NLG -4,2%...tất cả đều có khối lượng giao dịch lớn từ 10 triệu đến cao nhất sàn là HQC với hơn 42,1 triệu đơn vị khớp lệnh.
Mặc dù vậy, dòng tiền không rời bỏ thị trường và luân chuyển nhanh sang các cổ phiếu khác, kéo nhiều mã tăng hết biên độ và tâm điểm vẫn chiếm đa số là ở nhóm liên quan đến bất động sản, xây dựng như TNI, TNT, PXI, TVS, HAX, MCG, DAG, HVX, HTN, HBC, QCG, LGL, EVG, KHP, SJF, HVH, với HBC vươn lên top thanh khoản tốt nhất HOSE với hơn 18 triệu đơn vị khớp lệnh, TNI khớp 16 triệu đơn vị, SJF khớp hơn 6,67 triệu đơn vị…
Tăng mạnh khác không ít như PVD, FDC, PET, BFC, CKG, VCG, DGW, APG, khi có mức tăng từ hơn 3% đến hơn 5%, và NBB tăng sát giá trần +6,8% lên 45.700 đồng.
Nhóm cổ phiếu có sự đồng thuận cao nhất phiên này là ở logistics như sắc tím tại HAH +6,9% lên 75.500 đồng, VOS +3,8% lên 23.000 đồng, VTO +4,1% lên 13.900 đồng, VIP +4,1% lên 12.800 đồng, GMD +4,2% lên 55.100 đồng, TCL +3% lên 44.500 đồng…
Trên sàn HNX, việc THD tăng mức giá trần cùng một số mã lớn khác nới đà tăng đã giúp HNX-Index đứng vững ở vùng giá cao trong phiên, thậm chí khi đóng cửa còn nhích lên đôi chút so với cuối phiên sáng.
THD hôm nay có tin thoái vốn, được coi là động lực chính để cổ phiếu này mang sắc tím.
Thaiholdings thoái vốn tại Công ty cổ phần Tôn Đản Hà Nội
Chốt phiên, sàn HNX có 113 mã tăng và 160 mã giảm, HNX-Index tăng 7,97 điểm (-1,79%), xuống 452,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 191,3 triệu đơn vị, giá trị 4.548,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,34 triệu đơn vị, giá trị 49 tỷ đồng.
Cổ phiếu vốn hóa lớn nhất HNX là THD tiếp tục là điểm tựa chính, tăng hết biên độ +10% lên 249.700 đồng, khớp hơn 0,81 triệu đơn vị.
Cổ phiếu CEO ghi nhận phiên tăng trần thứ 7 liên tiếp, +9,6% lên 23.900 đồng, khớp lệnh cao nhất HNX với hơn 19,56 triệu đơn vị.
Tăng mạnh khác còn có PHP +5,1% lên 33.100 đồng, PVI +2% lên 50.100 đồng, NTP +3% lên 62.800 đồng, VC3 +8,7% lên 59.000 đồng, APS +4% lên 49.800 đồng, cùng các mã VIG, CVN, CMS, PCG, DTC, CAG, CIA đều có mức giá trần khi đóng cửa.
Trái lại, KLF và KVC phiên này bị bán mạnh nhất và đều giảm về giá sàn tại 6.100 đồng và 6.500 đồng, trong đó, KLF khớp lệnh chỉ đứng sau CEO với hơn 18,9 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác như ART, NDN, DL1, HHG, TTH, HUT, PVL giảm khá sâu, mất trên dưới 4%.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có thêm một nhịp leo lên trên tham chiếu như hai lần khác tại phiên sáng, nhưng chỉ số cũng yếu dần và kết phiên trong sắc đỏ.
Diễn biến không quá nhiều khác biệt so với phiên sáng, khi cả 4 mã có thanh khoản cao nhất đều giảm, với SHS, KSH, VHG và HHV, trong đó, KSH giảm tới 8,2% xuống 5.600 đồng.
Ở phía sau, BSR, DDV, C4G và OIL còn tăng, nhưng mức tăng thấp, trừ DDV nhảy vọt +12,1% lên 34.200 đồng, khớp 3,54 triệu đơn vị.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,26 điểm (-0,23%), xuống 111,48 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 124 triệu đơn vị, giá trị 2.544,2 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm gần 19 triệu đơn vị, giá trị gần 366 tỷ đồng.
Trên thị trường phái sinh, sắc đỏ cũng bao phủ cả 4 hợp đồng tương lai, với VN30F2111 giảm 10,5 điểm (-0,68%), xuống 1.517,3 điểm, tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 150.000 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, chiếm đa số là các mã giảm, với CHP2111 khớp lệnh cao nhất với 2,81 triệu đơn vị, giảm 10% xuống 1.710 đồng/cq.