Trong phiên sáng, thị trường vẫn tiếp diễn xu thế lình xình vốn đã duy trì trong 7 phiên trước đó. Dòng tiền ngó lơ nhóm cổ phiếu dẫn dắt, chỉ hướng vào nhóm thị trường khiến VN-Index tích lũy đi ngang trong vùng 1.330 - 1.350 điểm.
Bước vào phiên chiều, thông tin về xuất khẩu thép tháng 8 cao nhất từ trước tới nay như mồi lửa thắp sáng nhóm cổ phiếu thép.
Theo đó, Số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan cho biết trong tháng 8, xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước và cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.
Sau thông tin này, cổ phiếu thép trở thành địa chỉ hút dòng tiền, trở thành một trong những diễn viên chính của phiên chiều với nhiều mã tăng vọt lên mức trần và còn dư mua giá trần khá lớn.
Cụ thể, NKG lên trần 43.850 đồng, khớp 12,83 triệu đơn vị; POM tăng trần lên 17.300 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị; TLH tăng trần lên 22.050 đồng, khớp 4,8 triệu đơn vị; HSG cũng có lúc lên trần 46.800 đồng trước khi hụt nhẹ 1 bước khi đóng cửa, tăng 6,9% lên 46.750 đồng, khớp 20,5 triệu đơn vị; SMC cũng tăng mạnh 5,1% lên 53.700 đồng, khớp hơn 1 triệu đơn vị. Các cổ phiếu khác trong ngành như VCA và VIS cũng tăng từ hơn 1% đến hơn 2%.
“Anh cả” trong nhóm là HPG dù chạy chậm hơn, nhưng cũng tăng tốt 2,58% lên 51.600 đồng, chấm dứt chuỗi 3 phiên giảm liên tiếp trước đó, thậm chí lấy lại gần hết những gì đã mất ở 3 phiên này. Tổng khối lượng khớp đạt 25,9 triệu đơn vị, cao hơn so với phiên hôm qua.
Việc nhóm cổ phiếu thép bùng cháy, cùng với sự khởi sắc của MSN khi cũng leo thẳng lên mức giá trần 144.900 đồng, phá đỉnh cũ, khớp gần 2,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần, giúp dòng tiền lan tỏa ra các nhóm ngành khác, tạo động lực để VN-Index có phiên tăng tốt, dù vẫn chưa thể qua được ngưỡng cản 1.350 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 6,13 điểm (+0,46%), lên 1.345,83 điểm với 281 mã tăng, trong khi chỉ có 147 mã giảm và 24 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 692 triệu đơn vị, giá trị 19.191 tỷ đồng, giảm 5% về khối lượng và 2,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 46,5 triệu đơn vị, giá trị 2.105 tỷ đồng.
Trên đồ thị kỹ thuật, trong phiên hôm nay, một lần nữa VN-Index lại bật lên khi chạm đường MA20 (1.334 điểm), phiên thứ 5 đóng cửa trên đường trung bình này, nhưng đường MA20 vẫn đang theo xu hướng đi xuống.
Trở lại với diễn biến của các nhóm cổ phiếu, ngoài MSN và nhóm thép, phiên chiều nay cũng ghi nhận sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu dầu khí khi giá dầu thô tăng và đang giao dịch trên ngưỡng 70 USD/thùng.
Trong đó, PVD tăng trần lên 19.550 đồng, khớp 10,3 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần gần 1 triệu đơn vị. PLX tăng 1,6% lên 50.900 đồng, mức cao nhất ngày, khớp 0,85 triệu đơn vị. GAS tăng 2,8% lên 91.500 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị.
Ngoài ra, nhóm chứng khoán cũng rục rịch trở lại sau 5 phiên điều chỉnh. Trong đó, SSI tăng 0,9% lên 42.900 đồng, khớp hơn 7,7 triệu đơn vị. HCM tăng 3,1% lên 53.100 đồng, khớp hơn 2,9 triệu đơn vị. BSI tăng 4,2% lên 27.300 đồng, khớp 0,8 triệu đơn vị. APG vẫn giữ sắc tím 28.650 đồng, khớp 3,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. FTS từ mức giảm mạnh nhất phiên sáng cũng đảo chiều tăng giá khi chốt phiên chiều. Đóng cửa trong sắc xanh còn có AGR, CTS, VDS, VIX, VND, trong khi VCI, TVS, TVB đóng cửa giảm nhẹ.
Ngoài ra, cũng phải kể đến sự hỗ trợ của các mã khác như VHM, GVR, POW, trong đó VHM tăng 0,9% lên 81.900 đồng, GVR tăng 1,3% lên 38.500 đồng, POW tăng 2,6% lên 11.800 đồng.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng vẫn rất yếu khi chỉ có một số sắc xanh nhạt tại BID, LPB, MSB, SSB và TPB; thêm VPB đứng giá tham chiếu 63.900 đồng, còn lại đều giảm giá, dù mức giảm rất nhẹ.
HVN sau chuỗi phiên tăng mạnh bị chốt lời nên quay đầu giảm mạnh hôm nay, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày 26.800 đồng, giảm 6,5%, khớp 5,46 triệu đơn vị, dù mở cửa ở mức trần 30.650 đồng.
Dù dòng tiền chuyển hướng sang nhóm bluechip như thép, dầu khí, chứng khoán, nhưng nhiều cổ phiếu đầu cơ vẫn giữ được sắc tím như SJF, TSC, AGM, TDH, FTM, TGG, LCG, hay một số mã thiết bị y tế JVC, DBT…, chỉ có một số hạ nhiệt, đảo chiều giảm như DLG, HAI, SCR.
HQC chỉ còn tăng 1,7% lên 3.650 đồng, khớp 22 triệu đơn vị, đứng sau HPG. ROS tăng 1,1% lên 5.280 đồng, khớp 16,3 triệu đơn vị. ITA tăng 4,3% lên 7.280 đồng, khớp 13,6 triệu đơn vị, trong khi DLG giảm 0,9% xuống 3.450 đồng, khớp 19 triệu đơn vị.
Đáng chú ý, “cuộc chiến” cung cầu tại FIT dường như đương được đẩy về điểm cân bằng. Sau chuỗi tăng thẳng đứng từ dưới 14.000 đồng lên trên 21.000 đồng, cổ phiếu này đã bị đẩy xuống nhanh không kém xuống 14.100 đồng trong phiên sáng nay (mức sàn). Cuộc chiến cung cầu tại đây diễn ra khá căng thẳng khi mỗi lần lực cầu đỡ giá kéo FIT trở lại thì ngay lập tức lực cung tung ra đẩy FIT lùi sâu trở lại. Tuy nhiên, trong phiên chiều, bên bán dường như đã hết hàng nên FIT đã được kéo về mức tham chiếu 15.150 đồng, cũng là mức cao nhất ngày, khớp 13,6 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, đà tăng được nới rộng hơn ngay đầu phiên chiều và xác lập đỉnh của ngày trên ngưỡng 52 điểm khi SHB và NVB trở lại, nhóm dầu khí khởi sắc. Tuy nhiên, đà tăng sau đó hạ nhiệt đôi chút khi cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sàn THD không giữ được phong độ.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,89 điểm (+0,83%), lên 350,75 điểm với 160 mã tăng, trong khi chỉ có 65 mã giảm và 125 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 171,4 triệu đơn vị, giá trị 3.170,3 tỷ đồng, tương đương với phiên giao dịch hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,2 triệu đơn vị, giá trị 48 tỷ đồng.
Nhóm ngân hàng trên HNX cũng giống sàn HOSE khi đang khá yếu. Trong đó, dù có lúc hồi phục trở lại, nhưng cuối cùng SHB đóng cửa lùi về tham chiếu 25.600 đồng, khớp 10,3 triệu đơn vị, BAB cũng không giữ được sắc xanh khi đóng cửa ở tham chiếu, còn NVB quay lại dưới tham chiếu, đóng cửa giảm 2,9% xuống 30.100 đồng.
Trong khi đó, nhóm dầu khí khởi sắc với PVS nới đà tăng lên 6,4% lên 28.400 đồng, khớp 19,7 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. PVB tăng 4,9% lên 14.900 đồng, PVC tăng 5,8% lên 11.000 đồng, khớp 1,85 triệu đơn vị.
Nhóm chứng khoán cũng rục rịch trở lại, chỉ còn VIG giảm sàn về 7.200 đồng, WSS giảm 5% về 11.500 đồng, còn SHS trở lại tham chiếu 39.100 đồng, khớp 5,6 triệu đơn vị. Trong khi MBS tăng 3% lên 34.800 đồng, khớp 1,9 triệu đơn vị, BVS tăng 1,2% lên 33.100 đồng, khớp gần nửa triệu đơn vị. Các mã IVS, PSI, EVS, APS cũng đều đóng cửa trong sắc xanh.
Trên sàn này cũng có nhiều mã thị trường đua sắc tím, ngoài mã MBG trong phiên sáng duy trì mức dư mua trần lớn, trong khi thanh khoản không tăng thêm do lực cung ít, phiên chiều nổi lên HUT khi đóng cửa ở mức trần 9.400 đồng, khớp 9,6 triệu đơn vị, còn dư mua giá trần tới hơn 2 triệu đơn vị. ACM cũng đóng cửa ở mức trần 4.200 đồng, khớp 7,37 triệu đơn vị, đứng ở vị trí top 4.
Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt mã khác đóng cửa với sắc tím như KSD, MDC, VKC, AMC, NBC, SMT, HHG…
Trên thị trường UPCoM, với việc dòng dầu khí khởi sắc, dòng tiền lan tỏa rộng trên thị trường giúp chỉ số chính nới dần đà tăng theo thời gian trước khi hụt mức cao nhất ngày trong ít phút cuối phiên.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,8 điểm (+0,84%), lên 95,81 điểm với 216 mã tăng, trong khi chỉ có 112 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 129 triệu đơn vị, giá trị 2.353 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 59 tỷ đồng.
Cùng với nhóm dầu khí trên 2 sàn niêm yết, BSR đã bứt lên mạnh mẽ trong phiên chiều sau khi nhường sân khấu cho các gương mặt mới trong phiên sáng. Đóng cửa, BSR tăng 3,8% lên 19.200 đồng, khớp 18,4 triệu đơn vị, bỏ xa các mã còn lại.
Cùng với BSR, OIL cũng tăng 2,2% lúc đóng cửa, lên 14.100 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị. POS tăng 1,2% lên 16.800 đồng; PTV tăng 10,3% lên 6.400 đồng.
Ngoài nhóm dầu khí, các mã khởi sắc trong phiên sáng vẫn giữ được phong độ trong phiên chiều với KSH tăng trần lên 4.400 đồng, khớp 8,8 triệu đơn vị, đứng sau BSR. DDV dù mất sắc tím, nhưng cũng đóng cửa tăng 5,3% lên 38.000 đồng, khớp 8,5 triệu đơn vị. VHG tăng trần 3.600 đồng, khớp 8,2 triệu đơn vị và còn dư mua trần hơn 2 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, ngày mai (16/9) là ngày đáo hạn hợp đồng tháng 9. Trong phiên hôm nay, hợp đồng này có mức tăng mạnh nhất và mạnh hơn cả VN30. Cụ thể, VN30-Index tăng 6,69 điểm (+0,47%), lên 1.444,85 điểm với 17 mã tăng, 11 mã giảm và 2 mã đứng giá. Trong khi đó, hợp đồng đáo hạn tháng 9 tăng 11 điểm (+0,77%), lên 1.447,5 điểm với 132.636 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 30.273 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng hôm nay cũng chiếm ưu thế hơn số mã giảm giống như chứng khoán cơ sở. Trong đó, cả 4 mã tăng mạnh nhất hôm nay đều là chứng quyền của MSN, với 1 mã do SSI phát hành (CMSN2105 tăng 30,7% lên 5.200 đồng, thanh khoản 1,68 triệu đơn vị) và 3 mã do KIS phát hành, trong đó có 2 mã tăng trần (CMSN2102 và CMSN2101, tăng lần lượt là 37,3% và 25,8%) và CMSN2106 tăng 2,86% lên 990 đồng.
Ở chiều ngược lại, mã giảm mạnh nhất là chứng quyền của SBT cũng do KIS phát hành là CSBT2101 giảm 60% xuống 60 đồng, thanh khoản 230.300 đơn vị.
Trong khi đó, có thanh khoản tốt nhất là chứng quyền của HPG do SSI phát hành là CHPG2111 với 2,72 triệu đơn vị, đóng cửa ở tham chiếu 2.490 đồng.