Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/6: Áp lực chốt lời cản bước VN-Index về đỉnh cũ

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/6: Áp lực chốt lời cản bước VN-Index về đỉnh cũ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán mạnh khi VN-Index tiến về đỉnh cũ khiến chỉ số này hạ độ cao và chỉ còn giữ được mức tăng nhẹ khi chốt phiên hôm nay.

Mã đáng chú ý trong phiên giao dịch gọi tên VPBank. Sau chuỗi ngày ngược sóng, ngược gió, giao dịch đặc biệt theo kiểu "trong phiên giá đỏ cuối phiên giá xanh" với khối lượng giao dịch lớn, dường như đã được chính thức "xả van" khi có một lượng cổ phiếu lớn thoát ra thành công. Giá có lúc đã chạm sàn về mức 66.000 đồng/CP, và kết phiên cũng chỉ nhỉnh hơn chút ở mức 66.500 đồng/CP.

Còn tổng thể thị trường, điều mà nhiều nhà đầu tư "chờ đợi" cũng đã tới, nghẽn lệnh ở mức nặng. Thực ra từ cuối phiên chiều ngay hôm qua, sàn HOSE đã có dấu hiệu nghẽn lệnh khi giá trị giao dịch cổ phiếu chỉ khoảng 24.000 tỷ đồng, và sang hôm nay khi phiên chiều mới qua hơn nửa giờ giao dịch, bảng điện tử đã gần như dừng hình, tổng giá trị khớp lệnh thời điểm đó còn chưa tới 20.000 tỷ đồng.

Nghẽn lệnh ở mức giá trị giao dịch thấp là chỉ bảo dòng tiền đang hướng vào nhóm mã midcap và smallcap, khối lượng khớp lệnh đã đến mức nghẽn nhưng giá trị lại thấp đi. "Chỉ báo nghẽn lệnh" báo hiệu đường đi dòng tiền có lẽ chỉ có thể xuất hiện tại HOSE!

Khi dòng tiền chuyển hướng, nhóm ngân hàng không được hưởng lợi. Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thị trường tăng điểm này tiếp tục vào nhịp tích lũy bắt đầu từ phiên hôm qua, với đa số mã giảm giá.

Chọn đích tới của dòng tiền trong các phiên tiếp theo sẽ là bài toán phải cân nhắc của các nhà đầu tư, đặc biệt trong điều kiện VN-Index đang hoạt động ở vùng đỉnh với độ rung lắc lớn, không loại trừ khả năng tạo mẫu hình 2 đỉnh.

Chốt phiên, sàn HOSE có 183 mã tăng và 198 mã giảm, VN-Index tăng 5,64 điểm (+0,41%), lên 1.367,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 730,94 triệu đơn vị, giá trị 24.425,3 tỷ đồng, giảm gần 6% về khối lượng và hơn 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,37 triệu đơn vị, giá trị 1.241,4 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu lớn chia đôi ngả, với rổ VN30 có 12 mã tăng và 15 mã giảm, cùng BID, MBB, KDH đứng tham chiếu, với điểm đáng chú ý là bộ 3 cổ phiếu nhà Vin đều nhích lên, trong đó, VRE +2,8% lên 32.850 đồng, VHM +2,5% lên 112.600 đồng, VIC +1,4% lên 121.700 đồng.

Tăng tương đối tốt còn có REE +2,5% lên 56.900 đồng, BVH +2% lên 61.200 đồng, HDB +1,9% lên 34.750 đồng, còn VNM, NVL, VCB, VJC, PDR, TCH nhích nhẹ.

Trái lại, VPB đã bất ngờ bị bán mạnh trở lại trong phiên chiều và có thời điểm rơi xuống mức giá sàn, trước khi đóng cửa -6,2% xuống 66.500 đồng, trở thành lực cản lớn nhất đối với thị trường. Thanh khoản phiên này VPB dẫn đầu HOSE với hơn 37,8 triệu đơn vị khớp lệnh.

Hai mã khác giảm sâu có SBT -3,8% xuống 20.500 đồng và STB -2,3% xuống 30.100 đồng. Phần còn lại giảm nhẹ như MSN, HPG, PLX, TCB, TPB, CTG, GAS, MWG…

Trên bảng điện tử, ngoài một số bluechip thanh khoản cao như VPB, STB, MBB, HPG, CTG, PLX thì còn lại phần lớn là các cổ phiếu thuộc Midcap.

Trong đó, chiếm phần lớn là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp như KBC, D2D, HCD đã tăng kịch trần, SCR +5,7% lên 12.150 đồng, HBC +3,3% lên 15.700 đồng, DIG +2,7% lên 26.200 đồng, SZC +4,9% lên 40.900 đồng, IJC +2,2% lên 33.000 đồng, trong đó, KBC khớp lệnh đột biến với hơn 20,8 triệu đơn vị.

Một vài cổ phiếu khác như AAA, GVR, DRC, VOS khi cũng có sắc tím khi đóng cửa, với AAA khớp hơn 20,2 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 4,2 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán vẫn duy trì sức hút với FTS nổi bật nhất khi tăng hết biên độ +7% lên 34.500 đồng, HCM +6,5% lên 44.900 đồng, VCI +4,1% lên 102.000 đồng, APG +4% lên 11.650 đồng…

Ở chiều ngược lại, TSC lùi về mức giá sàn tại 12.850 đồng, khớp hơn 6,11 triệu đơn vị, cổ phiếu liên quan là FIT -2,9% xuống 14.950 đồng, LPB bị chốt lời mạnh và giảm 5,5% xuống 29.000 đồng, PVD -2% xuống 22.450 đồng, ANV -4,6% xuống 28.800 đồng…

Cổ phiếu PSH biến động mạnh, khi rung lắc trong phiên sáng và có thời điểm về mức giá sàn, đã vọt lên mức giá trần sau đó, trước khi đóng cửa +5% lên 30.450 đồng, khớp hơn 1,86 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dần nhích lên trong phiên chiều, nhưng với việc SHB nới rộng đà giảm đã ảnh hưởng mạnh đến chỉ số này, khiến thêm một lần lùi về tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ.

Theo đó, SHB giảm mạnh 4,1% xuống 28.000 đồng, khớp lệnh hơn 31,3 triệu đơn vị, cao nhất HNX.

Tạo thêm sức ép còn có PVS -2% xuống 28.700 đồng, BVS -1,7% xuống 28.800 đồng, PVI -2,5% xuống 43.700 đồng, CEO -1,9% xuống 10.200 đồng, và không ít mã giảm điểm khác tại TNG, PVC, HUT, ART, TVB, VCS…

Ở chiều ngược lại, tạo lực đỡ lớn là SHS +5,6% lên 43.200 đồng, khớp lệnh chỉ sau SHB với hơn 17,4 triệu đơn vị, VND +2,8% lên 44.700 đồng, PAN +1,5% lên 27.300 đồng, trong khi BSI, MBS chỉ còn nhích nhẹ.

Đặc biệt, cổ phiếu IDC vọt lên mức giá trần +9,7% lên 39.400 đồng, khớp hơn 11,4 triệu đơn vị.

Phiên này, cổ phiếu IDC có giao dịch thỏa thuận tổng cộng hơn 67,8 triệu đơn vị, trị giá hơn 2.208 tỷ đồng. Như phiên sáng đã đề cập, đây có thể là giao dịch thoái vốn của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco, khi trước đó đăng ký bán thoái vốn toàn bộ 67,5 triệu cổ phiếu IDC, tỷ lệ 22,5% từ ngày 28/5 đến 25/6.

Đóng cửa, sàn HNX có có 73 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 0,72 điểm (-0,22%), xuống 318,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 152,9 triệu đơn vị, giá trị 4.134,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 72,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.270 tỷ đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index có nhịp nảy khá mạnh ngay sau giờ nghỉ trưa, nhưng sau đó cũng yếu dần và về quanh tham chiếu và dao động trong biên độ hẹp cho đến khi đóng cửa.

Các nhóm có khối lượng giao dịch cao nhất phân hóa mạnh, trong đó, BSR đảo chiều từ sắc xanh cuối phiên sáng xuống -1% khi chốt phiên về 20.000 đồng, khớp hơn 20,8 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu VGT, SBS, ABB, OIL, ORS chìm trong sắc đỏ, trong khi AAS, TVN, BVB, PVL tăng điểm.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (+0,05%), lên 88,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,6 triệu đơn vị, giá trị 1.304,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 16,5 triệu đơn vị, giá trị 386,8 tỷ đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều kết phiên giảm điểm, trong đó, VN30F2106 giảm 6,5 điểm (-0,43%), xuống 1.491 điểm, với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 243.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.300 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, CFPT2016 hôm nay có giao dịch sôi động nhất với hơn 1,04 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 1,94% lên 9.420 đồng/cq.

Tin bài liên quan