Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/12: Cổ phiếu VPB rực sáng, VN-Index nhích nhẹ

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 15/12: Cổ phiếu VPB rực sáng, VN-Index nhích nhẹ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong phiên giao dịch khá nhàm chán và thận trọng do đáo hạn hợp đồng phái sinh, cổ phiếu VPB đã bất ngờ khoe sắc tím cùng thanh khoản vọt lên mức cao nhất trong hơn 9 tháng.

Sau phiên sáng giao dịch ảm đạm, thị trường bước vào phiên chiều với diễn biến không khác nhiều, khi nhà đầu tư vẫn rất thận trọng, đặc biệt hôm nay cũng là ngày đáo hạn hợp đồng tương lai tháng 12.

Thanh khoản theo đó sụt giảm khá mạnh và áp lực phân hóa cao trên bảng điện tử khiến VN-Index gần như chỉ dao động quanh ngưỡng 1.055 điểm với biên độ +/- 5 điểm cho đến khi đóng cửa.

Về mặt kỹ thuật thì VN-Index đang có chặng tích lũy khá dài hơn 2 tuần trong khoảng 1.030-1.080 điểm. Giai đoạn tích lũy này có thể sớm chấm dứt khi đường MA20 đóng vai trò ngưỡng hỗ trợ đang được kéo sát giá trị chỉ số (phiên hôm nay MA20 ở ngưỡng 1.021 điểm), tuy nhiên việc xác định chiều diễn biến tiếp theo của thị trường đang khá khó khăn khi dòng tiền đang giảm và chưa có nhiều thông tin kinh tế tích cực được đưa ra.

Chốt phiên, sàn HOSE có 228 mã tăng và 181 mã giảm, VN-Index tăng 4,89 điểm (+0,47%), lên 1.055,32 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 731,1 triệu đơn vị, giá trị 12.335,1 tỷ đồng, giảm gần 8% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.108,7 tỷ đồng.

Trong số các bluechip, cổ phiếu ngành ngân hàng VPB vẫn là “điểm nóng”, khi trở lại mức giá trần +6,7% lên 18.200 đồng, khớp lệnh đạt tới hơn 66,7 triệu đơn vị, mức cao nhất kể từ đầu tháng 3/2022 và tiếp tục dẫn đầu thị trường về thanh khoản. Đây cũng là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index với hơn 2 điểm tích cực.

Hai cổ phiếu ngân hàng khác theo ngay sau với MBB +4,4% lên 18.950 đồng và TCB +2,4% lên 29.500 đồng, khớp lệnh MBB hơn 24,1 triệu đơn vị. Nhích hơn 2% khác MSN +2,3% lên 98.200 đồng.

Phần còn lại vẫn là những cổ phiếu ngân hàng chiếm ưu thế với VIB +1,9%, HDB +1,8%, CTG +1,3%...

Các sắc xanh khác còn tại VNM, BID, VJC, KDH, HPG, VCB, TPB, MWG, FPT với mức tăng khiêm tốn.

Ở chiều ngược lại, nhóm cổ phiếu bất động sản gây sức ép, với PDR -4,3% xuống 14.350 đồng, NVL -3,2% xuống 17.900 đồng, VHM -1,9% xuống 52.000 đồng, hai cổ phiếu nhóm nhà Vin khác là VIC và VRE cũng chìm trong sắc đỏ, dù mức giảm không đáng kể.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, một số ít các cổ phiếu nhận lực cầu tốt và phần lớn là những mã penny như OGC, TGG, TLG, TTB, PIT, KPF, NAF và HVN khi đều tăng kịch trần.

Tăng tốt khác còn có ở một số mã bất động sản như HQC, SZC, HDC, NTL, HDG với mức tăng từ 3,3% đến hơn 5% và DXG là tâm điểm khi tăng kịch trần +6,7% lên 15.100 đồng, khớp lệnh hơn 20,7 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán phân hóa với HCM +3,8% lên 23.450 đồng, VCI +2,8% lên 27.100 đồng, VND +1,9%, BSI, AGR, CTS và SSI nhích nhẹ, còn ORS -2,4%, VIX -1,8%, các mã TVB, FTS, VDS giảm nhẹ.

Tương tự với nhóm cổ phiếu thép, với HPG, NKG nhích nhẹ lên lần lượt 19.350 đồng và 13.200 đồng, còn TLH giảm điểm và HSG đứng tham chiếu tại 12.650 đồng, trong đó, HPG khớp gần 21 triệu đơn vị, NKG khớp hơn 11 triệu đơn vị, HSG khớp 9,7 triệu đơn vị.

Cổ phiếu đáng chú ý khác là IBC, sau liên tiếp nhiều phiên giảm sàn, mất thanh khoản thì hôm nay đã bất ngờ khớp lệnh hơn 3,24 triệu đơn vị, dù giá vẫn ở giá sàn -6,9% xuống 4.600 đồng.

Đáng kể khác là cổ phiếu HPX giảm sâu -5,5% xuống 6.470 đồng, khớp 12,3 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index nhích dần lên trong phiên chiều và thậm chí có thời điểm đã vươn lên trên tham chiếu, trước khi bị đẩy nhẹ xuống dưới sắc đỏ ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 79 mã tăng và 83 mã giảm, HNX-Index giảm 0,25 điểm (-0,12%), xuống 212,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,5 triệu đơn vị, giá trị 1.054,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,65 triệu đơn vị, giá trị 32,3 tỷ đồng.

Hai cổ phiếu nhỏ VC7 và VKC hút một bộ phận lực cầu và đều tăng trần lên 8.000 đồng và 1.900 đồng, khớp 0,46 triệu và 0,29 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng khá có SHS, CEO, PVC, MBS, nhưng mức tăng khiêm tốn, chỉ từ 1 đến hơn 2%, trong đó, SHS +1,1% lên 9.500 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 17,6 triệu đơn vị.

Các mã giảm cũng đa số chỉ giảm nhẹ như PVS -0,4%, IDJ -1,1%, TNG -2%, HUT -0,6%, APS -1,8%, LIG -2,4%...còn một số giảm khá mạnh như TVC -5,9% xuống 4.800 đồng, PVL -5,6% xuống 3.400 đồng.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index bị ép khá mạnh ngay đầu phiên chiều và rơi dần về sát tham chiếu, nhưng đã có nhịp nảy khá mạnh lên sau đó khi nhiều cổ phiếu đảo chiều tăng.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,66%), lên 72,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 26,4 triệu đơn vị, giá trị 331,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,91 triệu đơn vị, giá trị 140,1 tỷ đồng.

Khá nhiều mã đã đảo chiều hoặc nới đà tăng tốt như VGT +6,4% lên 11.700 đồng, MSR +6,2% lên 12.000 đồng, VTP +5,4% lên 31.300 đồng, các mã FTM +5,6%, DRI +4,5%, DSC +4,4%, VGI +4,1%...

Cổ phiếu BSR phiên này vẫn hút giao dịch nhất với 8,77 triệu đơn vị, tăng 1,4% lên 14.900 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2212 đáo hạn hôm nay tăng 5,5 điểm, tương đương +0,52% lên 1.065,1 điểm, khớp lệnh hơn 278.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 27.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, mã CHPG2221 phiên hôm nay khớp lệnh cao nhất với hơn 1,84 triệu đơn vị, nhưng chỉ có giá tham chiếu khi đóng cửa tại 160 đồng/cq.

Theo ngay sau là CVPB2210 với 1,69 triệu đơn vị khớp lệnh và tăng 300% lên 40 đồng/cq.

Tin bài liên quan