Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/9: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, HAG và OGC gây chú ý

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/9: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, HAG và OGC gây chú ý

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu bắt đáy nhập cuộc trong phiên chiều kéo hàng loạt mã hồi phục và VN-Index cũng hãm đáng kể đà rơi. Phiên chiều cũng gây chú ý với những trục trặc diễn ra tại mã OGC.

Chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng bị chao đảo trong phiên sáng với lệnh bán ồ ạt kéo hàng trăm mã chìm trong sắc đỏ. Tuy nhiên, điểm tích cực là lực cầu bắt đáy gia tăng khi VN-Index lùi về vùng hỗ trợ MA50 (1.231 điểm) giúp chặn đà rơi của thị trường và thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với phiên trước đó.

Bước vào phiên chiều, VN-Index lại bị đẩy xuống dưới 1.230 điểm, nhưng một lần nữa, ngưỡng hỗ trợ đường MA50 lại thể hiện là vùng hỗ trợ mạnh cho thị trường. Ngay khi VN-Index vừa xuống dưới 1.230 điểm, chưa về mức đáy của phiên sáng, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc mạnh mẽ, kéo hàng loạt mã xanh trở lại, qua đó cũng giúp VN-Index quay đầu đi lên. Dù không đủ sức giúp VN-Index có phiên đảo chiều ngoạn mục khi nhiều nhà đầu tư vẫn muốn hạ thấp tỷ trọng cổ phiếu trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố khó lường, nhưng cũng giúp cho VN-Index hãm bớt đà rơi rất nhiều, lấy lại được hơn phân nửa số điểm đã mất so với đáy trong ngày, đóng cửa trên mốc 1.240 điểm, thanh khoản cũng cải thiện đáng kể so với 2 phiên đầu tuần, nhưng vẫn đứng ở mức thấp so với mức trung bình của tuần trước.

Chốt phiên, VN-Index giảm 7,63 điểm (-0,61%), xuống 1.240,77 điểm với 120 mã tăng (gấp gần 3 lần so với phiên sáng, trong đó có 3 mã trần), trong khi số mã giảm bớt đi 75 mã so với phiên sáng, còn 321. Tổng khối lượng giao dịch đạt 607,9 triệu đơn vị, giá trị 14.351,7 tỷ đồng, tăng 28,3% về khối lượng và 12,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 33,5 triệu đơn vị, giá trị 891,6 tỷ đồng.

Tâm điểm chú ý trong phiên chiều nay đến từ 2 mã có tính thị trường. Trong khi HAG gây ấn tượng bởi lực cầu bắt đáy lớn, kéo mã này từ mức dưới tham chiếu lên thẳng mực kịch trần 13.700 đồng với thanh khoản hơn 40,7 triệu đơn vị, thì OGC lại gây ấn tượng theo một cách mà không nhà đầu tư nào mong muốn.

OGC là cổ phiếu đang nằm trong diện bị hạn chế giao dịch, theo đó chỉ được giao dịch vào buổi chiều các phiên trong tuần. Tuy nhiên, trong phiên chiều nay, theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, trong khoảng 45 phút đầu phiên chiều nay, bảng điện hiển thị lệnh mua bán OGC chỉ hiển thị 2 mức giá, khối lượng bên bán, mãi tới 13h45 mới hiển thị đủ 3 cột mức giá và khối lượng bên bán, nhưng không hiện thị bên mua.

Nhiều nhà đầu tư cho biết, đã thử đặt lệnh mua ở nhiều công ty chứng khoán khác nhau thì “lúc được lúc không”, thi thoảng vào được một lệnh xong lại “đứng”. Tới đợt ATC lệnh mới vào thông và chốt phiên OGC khớp 390.100 đơn vị, đóng cửa giảm 4,1% xuống 15.200 đồng, trong đó chủ yếu (389.700 đơn vị) là được khớp trong đợt ATC, trong khi 90 phút trước đó chỉ có 400 cổ phiếu được khớp.

Các công ty chứng khoán cũng đã gửi thông báo tới nhà đầu tư, nhưng giải thích gì về hiện tượng không thể vào lệnh mua trong phiên chiều nay, trong khi việc OGC bị hạn chế giao dịch buổi sáng thực chất đã được công bố thông tin từ tháng 6/2022.

Kể từ khi sự cố nghẽn lệnh trên sàn HOSE được khắc phục từ tháng 7/2021, giao dịch trên sàn này khá thông kể từ đó đến nay, dù có lúc thanh khoản tăng vọt, nhưng hệ thống vẫn không gặp sự cố nghiêm trọng nào. Trong phiên chiều nay, “trục trặc” cũng chỉ xảy ra với riêng mã OGC, trong khi các mã khác vẫn diễn ra bình thường.

Liên quan đến OGC, theo nguồn tin của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng sở hữu của các nhóm cổ đông chi phối tại OGC trên 80%, trong đó IDS Holdings nắm tỷ lệ trên 51% và một nhóm cổ đông liên quan đến đại gia tên tuổi, đang là lãnh đạo cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng, bất động sản sở hữu trên 30%.

Tính từ đầu năm đến nay, OGC thường xuyên có các lệnh thoả thuận, từ vài chục ngàn đến 3,8 triệu đơn vị, với tổng số lượng hơn 134,95 triệu đơn vị. Số lượng cổ phiếu này tương ứng 45% lượng cổ phiếu đang lưu hành của OGC.

Theo chia sẻ từ nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, nhóm cổ đông đã đạt được thoả thuận tăng sở hữu chi phối tại OGC sau nhiều năm đeo đuổi thương vụ.

Đến thời điểm hiện tại, công cuộc sắp xếp, tái cấu trúc tại OGC đang thực hiện rốt ráo, dự kiến IDS Holdings với sự góp sức của nhóm cổ đông liên quan đến tập đoàn đa ngành, từ bất động sản, khách sạn, năng lượng, nông nghiệp, tài chính ngân hàng, sẽ giúp OGC có thêm nguồn lực và có thể tham gia thêm nhiều dự án bất động sản hơn, nguồn tin cho biết.

Được biết, phân khúc bất động sản mà Tập đoàn này đang tập trung là cho thuê bất động sản khu công nghiệp (đang đầu tư và khai thác 14 khu công nghiệp trên cả nước với khoảng 3.000 ha), và là nhà đầu tư, nhà phát triển bất động sản lớn đã đưa ra thị trường hơn 20.000 sản phẩm.

Thông tin này có phần trùng khớp với chia sẻ của bà Lê Thị Việt Nga, Chủ tịch HĐQT Công ty (bổ nhiệm 29/4/2022) chia sẻ tại tại ĐHCĐ trước câu hỏi của cổ đông “chủ mới OGC là ai”.

Theo bà Nga, IDS Equity Holding hợp tác cùng một số nhà đầu tư để đầu tư vào OGC, đang nắm chi phối tại OGC. Thời gian tới, Công ty tiếp tục hợp tác cùng tập đoàn bất động sản lớn, định chế tài chính và ngân hàng để khai thác các dự án trong thời gian tới.

Trở lại với diễn biến khác trong phiên chiều nay, ngoài 2 mã gây chú ý là HAG và OGC, lực cầu bắt đáy cũng giúp nhiều mã khác hồi phục, đáng kể là nhóm chứng khoán và thép. Trong nhóm thép HPG có thanh khoản tốt nhất với 27 triệu đơn vị, đứng sau HAG và trở về tham chiếu, trong khi NKG đảo chiều tăng 1,1% lên 23.650 đồng, khớp 17,7 triệu đơn vị và HSG nới đà tăng lên 3,4%, đóng cửa ở mức 18.100 đồng, khớp 14,5 triệu đơn vị.

Trong nhóm chứng khoán, các mã lớn như SSI, VND và HCM đều đảo chiều thành công với thanh khoản tốt. Trong đó, SSI tăng 1,4% lên 21.950 đồng, khớp 25,85 triệu đơn vị, VND tăng 0,8% lên 20.000 đồng, khớp 22,1 triệu đơn vị, HCM tăng 5,8% lên 27.200 đồng, khớp 11,57 triệu đơn vị. VCI cũng tăng tốt 3,1% lên 36.800 đồng, khớp hơn 7 triệu đơn vị.

PVD và VCG nới đà tăng với mức tăng đều là 5,2% lên 23.300 đồng và 24.200 đồng, khớp hơn 17 triệu đơn vị và hơn 15,9 triệu đơn vị. BCG cũng đóng cửa với mức tăng mạnh 3,2% lên 16.350 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, EIB tạo sự khác biệt khi bất ngờ tăng kịch trần lên 33.050 đồng, trong khi các mã còn lại chìm trong sắc đỏ (ngoại trừ LPB và STB đứng tham chiếu).

Tương tự, sàn HNX cũng bị đẩy xuống khi bước vào phiên chiều và xác lập đáy của ngày trước khi bật lên theo sàn HOSE, nhưng lực cầu là không đủ mạnh để đưa chỉ số này về tham chiếu.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,17 điểm (-0,77%), xuống 279,42 điểm với 57 mã tăng, trong khi có 128 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 80,5 triệu đơn vị, giá trị 1.740 tỷ đồng, tăng 29% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,3 triệu đơn vị, giá trị 208,5 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản tốt trên sàn này, chỉ còn IDC là không đủ sức để trở lại khi đóng cửa giảm 1% xuống 57.400 đồng, khớp 4,53 triệu đơn vị, còn lại đều đã hồi phục, hoặc chí ít cũng về tham chiếu như CEO.

Trong đó, PVS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với 12,9 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,5% lên 27.800 đồng; SHS tăng 0,8% lên 12.200 đồng, khớp 9,47 triệu đơn vị; PVC và HUT cùng tăng 0,4% lên 22.600 đồng và 26.100 đồng, khớp 3,17 triệu đơn vị và 2,57 triệu đơn vị.

Diễn biến của UPCoM cũng tương tự 2 sàn niêm yết khi hãm đáng kể đà rơi trong phiên chiều nhờ lực cầu bắt đáy, trong khi bên nắm giữ cổ phiếu không bán giá thấp.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,23 điểm (-0,26%), xuống 90,16 điểm với 120 mã tăng và 141 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 35,1 triệu đơn vị, giá trị 661 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,1 triệu đơn vị, giá trị 30,9 tỷ đồng.

Ngoài BSR, SBS và C4G, phiên chiều có thêm CEN, ABB và DDV tham gia nhóm có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Trong đó, chỉ có C4G và SBS tăng giá, còn lại giảm. Cụ thể, BSR giảm 0,8% xuống 24.000 đồng, thanh khoản 8,1 triệu đơn vị; C4G tăng 3,6% lên 14.400 đồng, thanh khoản 4,72 triệu đơn vị; SBS tăng 1,1% lên 9.100 đồng, thanh khoản 2,11 triệu đơn vị; CEN giảm 2% xuống 10.000 đồng, thanh khoản 1,22 triệu đơn vị; ABB giảm 0,9% xuống 10.900 đồng, thanh khoản 1,15 triệu đơn vị; DDV giảm 1,6% xuống 18.500 đồng, thanh khoản 1,08 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm mạnh hơn thị trường cơ sở. Cụ thể, VN30-Index giảm 11,6 điểm (-0,91%), xuống 1.260,88 điểm với 2 mã tăng, 24 mã giảm và 4 mã đứng giá. Trong khi đó, hợp đồng đáo hạn ngày mai (15/9) là VN30F2209 giảm 13 điểm (-1,02%), xuống 1.259 điểm với 193.285 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 35.973 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, trong đó có 3 mã giảm kịch sàn, 2 trong 3 mã là chứng quyền của NVL cùng giảm 75% đóng cửa ở mức 10 đồng (một mã do VCSC phát hành và mã còn lại do KIS phát hành), mã giảm sàn còn lại là CVNM2201 do KIS phát hành giảm 50% về 10 đồng. Một mã khác cũng giảm mạnh là CFPT2201 do HSC phát hành giảm 69,2% xuống 80 đồng.

Ở chiều ngược lại đáng chú ý là CHPG2207 do VCSC phát hành tăng tới 1.000% từ mức 20 đồng, lên 220 đồng khi đóng cửa, nhưng thanh khoản chỉ 20.200 đơn vị.

Hôm nay có 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị và đều do KIS phát hành là CVHM210, CHPG2201, CPDR2201 và CHPG2215.

Tin bài liên quan