Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/7: Nhóm công ty chứng khoán nổi sóng, VN-Index lên trên 1.180 điểm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/7: Nhóm công ty chứng khoán nổi sóng, VN-Index lên trên 1.180 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thanh khoản trên toàn thị trường nhìn chung vẫn ở mức thấp, nhưng dòng tiền sôi động tập trung vào ở nhóm công ty chứng khoán đã cứu lấy một phiên giao dịch nhàm chán.

Sau phiên sáng ảm đạm với dòng tiền khô hạn, thị trường bước vào phiên chiều thêm một nhịp giằng co, rung lắc nhẹ quanh tham chiếu.

Và vẫn là hiện tượng "sau 14h mới nói chuyện" tiếp tục xảy ra trong phiên hôm nay khi từ thời điểm 14h00’, lực mua dần gia tăng, nhất là tại nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán và thêm nhiều bluechip đảo chiều thành công, dù phần lớn mức tăng vẫn còn khiêm tốn, nhưng cũng đủ kéo VN-Index dần nhích lên và vượt 1.180 điểm khi đóng cửa.

Dù thị trường và cả thanh khoản đều sụt giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập của các công ty chứng khoán, nhưng dường như điều này đã được phản ánh vào giá của nhóm này trong tuần thứ 3 của tháng 6. Từ tuần cuối tháng 6 tới nay, nhóm công ty chứng khoán đã phát tín hiệu đi lên, dòng tiền cũng chảy mạnh, giúp nhóm này có nhiều phiên nổi sóng, nhiều mã đã hồi mạnh hơn 30% so với mức đáy giữa tháng 6.

Chốt phiên, sàn HOSE có 241 mã tăng và 185 mã giảm, VN-Index tăng 8,25 điểm (+0,70%), lên 1.182,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 534,7 triệu đơn vị, giá trị 10.967,9 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% cả về khối lượng và giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 44,2 triệu đơn vị, giá trị 1.048,6 tỷ đồng.

Như đã đề cập, rổ bluechip VN30 đã nhiều mã đảo chiều và ghi nhận 21 cổ phiếu xanh, với một số bật hẳn lên như KDH +4,1% lên 36.800 đồng, SSI +3,9% lên 21.500 đồng, GVR +2,9% lên 23.200 đồng và GAS khi +2,6% lên 98.900 đồng, là cổ phiếu đóng góp lớn nhất cho VN-Index, dù cũng chỉ dừng lại ở 1,2 điểm tích cực.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoài TCB giảm nhẹ, HDB đứng tham chiếu, thì còn lại cũng tăng, nhưng đa phần nhích nhẹ như ACB +0,2%, BID +0,3%, VCB +0,8%, VPB +1,1% và CTG tăng tốt nhất cũng chỉ +1,7% lên 27.000 đồng.

Ở chiều ngược lại, có 6 cổ phiếu giảm và đều mất điểm nhẹ, như MWG -1,6% xuống 62.600 đồng, VNM, BVH, TCB, HPG, VRE mất 0,1% đến 0,8%.

Ở các nhóm ngành khác trên thị trường, đáng kể nhất là đà tăng vọt của nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán, khi lình xình ở phiên sáng đã được kéo mạnh, với các cổ phiếu HCM, VCI, AGR, FTS, CTS, VDS đều kết phiên ở mức giá trần.

Các cổ phiếu khác trong nhóm, ngoài SSI nêu trên thì APG +5,9% lên 7.200 đồng, VIX +5,2% lên 11.100 đồng, BSI +5,1% lên 24.600 đồng, ORS +4,1% lên 15.350 đồng, VND +4,3% lên 19.300 đồng, TVB +3,5% lên 7.450 đồng.

Trong đó, VND vươn lên dẫn đầu thanh khoản sàn HOSE với hơn 30,89 triệu đơn vị khớp lệnh, SSI khớp 23,4 triệu đơn vị, HCM khớp 10,2 triệu đơn vị, VIX khớp 9 triệu đơn vị, VCI khớp hơn 6 triệu đơn vị…

Ở những nơi khác, một số cổ phiếu riêng lẻ vượt trội hơn so với phần còn lại là VPH, MHC, CRE, LSS khi cũng đều đóng cửa ở sắc tím.

Cặp đôi ngành phân bón DCM và DPM cũng tăng vọt, với DCM tăng trần +6,9% lên 30.050 đồng, DPM +6,4% lên 50.500 đồng. Hai cổ phiếu hóa chất khác cũng được nâng đỡ với BFC +4,8% lên 24.000 đồng, CSV +4,8% lên 44.750 đồng.

Các cổ phiếu tăng khá tốt khác có nhiều mã quen thuộc, với chiếm đa số thuộc nhóm bất động sản, xây dựng như GEX, CII, IJC, LHG, LCG, KDC, BCM, NT2, UIC, TDC, TLD tăng từ 3,1% đến 5,6%.

Cặp đôi HAG và HNG hạ nhiệt, với HAG về dưới tham chiếu -0,9% xuống 10.900 đồng, khớp lệnh chỉ đứng sau VND với 23,59 triệu đơn vị, trong khi HNG từ sắc tím về còn +3,8% lên 6.220 đồng, khớp 20,19 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, hai cổ phiếu ITA và DBC tiếp tục bị bán chốt lời mạnh, với ITA -4,8% xuống 7.340 đồng, khớp 14,1 triệu đơn vị, DCB -4,9% xuống 26.350 đồng, khớp 7,5 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu TMS, GDT, VMD, HUE, YEG, TGG, OGC, SFI giảm từ 3,2% đến hơn 4%, nhưng thanh khoản không cao.

Nhóm cổ phiếu họ FLC ngoài AMD đứng tham chiếu thì đều giảm trên dưới 2%, trong đó, FLC -2,9% xuống 5.750 đồng, khớp 4,33 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng nới đà lên ở nửa sau của phiên và đóng cửa ở gần mức cao nhất ngày đạt được.

Chốt phiên, sàn HNX có 109 mã tăng và 66 mã giảm, HNX-Index tăng 3,39 điểm (+1,21%), lên 284,75 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 69,3 triệu đơn vị, giá trị 1.312,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 6,9 triệu đơn vị, giá trị 190,5 tỷ đồng.

Tương tự như HOSE, nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán trên HNX cũng là nhóm hoạt động tích cực nhất, với APS, MBS, ART, VIG đều kết phiên trong sắc tím, các mã PSI +8,2% lên 7.900 đồng, SHS +7,5% lên 15.700 đồng, BVS +4,6% lên 20.300 đồng, với ART, MBS và APS khớp từ 1,88 triệu đến 2,5 triệu đơn vị, còn SHS khớp lệnh cao nhất HNX với 18,43 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu khác đáng kể như NBC, TC6, IPA tăng trần, TVC +6,3% lên 8.400 đồng, HUT +5,5% lên 28.600 đồng, IDC +3% lên 58.200 đồng, LAS +3,9% lên 13.200 đồng.

Sắc đỏ còn tại KLF, NAG, BII, BCC, MBG, HHG, AMV, trong khi NDN và PVS đứng giá tham chiếu.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index gần như chỉ dao động nhẹ ngay ở trên tham chiếu trong suốt cả phiên chiều, dù có thời điểm chớm đỏ.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,1 điểm (+0,11%), lên 87,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,1 triệu đơn vị, giá trị 511,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,36 triệu đơn vị, giá trị hơn 16,7 tỷ đồng.

Giao dịch tích cực tại những cổ phiếu thanh khoản cao nhất, ngoài VGI đứng tham chiếu thì còn lại đều tăng.

Trong đó, BSR +3,1% lên 23.100 đồng và vẫn là cổ phiếu hút thanh khoản nhất với hơn 8,12 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các cổ phiếu tăng tốt có LMH +12,2% lên 13.800 đồng, MSR +8,8% lên 19.800 đồng, TCI +7,9% lên 9.600 đồng.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2207 tăng 5,7 điểm, tương đương 0,47% lên 1.215,7 điểm, khớp lệnh hơn 242.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 40.500 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh, với CHPG2213 phiên này khớp lệnh cao nhất với 2,28 triệu đơn vị, giá giảm 3,3% xuống 1.460 đồng/cq.

Tăng mạnh nhất là CSTB2209 tăng tới 820% lên 460 đồng/cq, nhưng chỉ có 4.800 đơn vị khớp lệnh. Trái lại, CTCB2203 và CTCB2202 giảm sàn, đều mất 50% xuống 10 đồng/cq, khớp gần 0,07 triệu và 0,54 triệu đơn vị.

Tin bài liên quan