Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/2: Nhà đầu tư đứng ngoài, thanh khoản xuống thấp nhất trong hơn 2 năm

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 14/2: Nhà đầu tư đứng ngoài, thanh khoản xuống thấp nhất trong hơn 2 năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chỉ số VN-Index liên tục xuyên thủng các đường MA 500, 100 từ phiên trước, cũng như chờ đợi các thông tin quan trọng trong và ngoài nước sắp diễn ra đã khiến tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng mạnh và chọn cách đứng ngoài, khiến thị trường càng trở nên đìu hiu.

Sau phiên sáng ảm đạm, giao dịch tiếp tục nhàn chán trong phiên chiều, nhà đầu tư phần lớn đã đứng ngoài thị trường, thậm chí sức ép có thời điểm còn lớn dần ở các bluechip, khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 10 điểm trước khi lấy lại một nửa số điểm đánh mất từ đáy nhờ các mã lớn thu hẹp đà giảm, cũng như lực mua bắt đáy ở một số cổ phiếu đơn lẻ khác.

Điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường sụt giảm rất mạnh về mức đáy trong gần 2 năm rưỡi, với chỉ hơn 6.720 tỷ đồng giao dịch, mức thấp nhất kể từ phiên 12/11/2020 (phiên này giá trị giao dịch trên HOSE đạt hơn 5.882 tỷ đồng). Các mã bất động sản như NVL, HPX và PDR tiếp tục bị xả mạnh, trong đó ngoài PDR thoát mức sàn, còn lại NVL và HPX ghi nhận phiên kịch sàn thứ 2 liên tiếp, riêng NVL còn dư bán sàn tới gần 13 triệu đơn vị.

Đóng cửa, sàn HOSE có 221 mã tăng và 175 mã giảm, VN-Index giảm 5,06 điểm (-0,48%), xuống 1.038,64 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 395,7 triệu đơn vị, giá trị gần 6.723 tỷ đồng, giảm 42% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 57,2 triệu đơn vị, giá trị 1.233,7 tỷ đồng.

Ở các cổ phiếu bluechip, ba cổ phiếu tích cực nhất là SSI +2,2% lên 18.900 đồng, TPB +2,2% lên 23.500 đồng và HPG +2% lên 20.600 đồng, với HPG vươn lên thanh khoản cao nhất nhóm VN30 và dẫn đầu thị trường khi khớp hơn 17,2 triệu đơn vị.

Các sắc xanh khác có FPT, PLX, TCB, BVH, PLX, GVR, POW, VIB với mức tăng từ 0,1% đến 1,5%.

Ở chiều ngược lại, NVL vẫn nằm sàn -6,6% xuống 11.950 đồng, khớp hơn 10,4 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 12,74 triệu đơn vị.

Cổ phiếu PDR thoát giá sàn, nhưng vẫn giảm mạnh 5,8% xuống 10.600 đồng. Bộ ba cổ phiếu nhà Vingroup đều giảm, với VHM giảm thêm đôi chút so với cuối phiên sáng, mất 3,7% xuống 42.750 đồng, còn VIC và VRE đều thu hẹp đà giảm, với VRE -1,8% xuống 28.000 đồng, trong khi VIC chỉ còn giảm chưa đến 1%.

Tuy nhiên, một số cổ phiếu ngân hàng lại gây sức ép lớn hơn khi nới rộng đà giảm, dù mức giảm không sâu, với BID -2,3% xuống 43.400 đồng, HDB -2,2% xuống 17.650 đồng, VPB -1,8% xuống 16.700 đồng, VCB dù chỉ giảm hơn 1,1%, nhưng cũng là cổ phiếu đứng thứ ba sau VHM và BID ảnh hưởng xấu nhất đến chỉ số.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, các cổ phiếu thép đứng khá vững và có phần tích cực hơn so với phiên sáng, ngoài HPG nêu trên thì HSG +3,1% lên 14.850 đồng, NKG +2,2% lên 13.800 đồng, TLH +3,3% lên 6.650 đồng.

Các cổ phiếu nguyên vật liệu khác có mức tăng khá phải kể đến CSV +5% lên 29.500 đồng, BMP +4,7% lên 62.000 đồng, KSB +3,5% lên 21.950 đồng, DHM +3,4% lên 12.200 đồng…

Hai cổ phiếu ngân hàng hoạt động tốt hơn so với phần còn lại của nhóm là EIB +3,5% lên 22.100 đồng, OCB +3% lên 17.350 đồng.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán có APG tăng trần +7% lên 6.280 đồng, VND +3,3% lên 13.900 đồng, ORS, SSI, FTS, AGR nhích trên dưới 2%.

Những cổ phiếu bất động sản, xây dựng có mức tăng khá như KBC, HHV, HTI, SGR, IJC, TEG, CKG, UDC, HDC tăng từ 2,5% đến hơn 6%.

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu giảm sàn, với MCG, PTL, HPX, LGC ở nhóm bất động sản, cổ phiếu AMD liên quan đến FLC với thông tin FLC bị hủy niêm yết.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng đã chịu áp lực gia tăng trong phiên chiều và thủng tham chiếu, trước khi có nhịp nảy trở lại sắc xanh ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 98 mã tăng và 73 mã giảm, HNX-Index tăng 0,37 điểm (+0,18%), lên 204,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 36,35 triệu đơn vị, giá trị 524,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,54 triệu đơn vị, giá trị 39,77 tỷ đồng.

Giao dịch không khác nhiều so với cuối phiên sáng, khi các cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sàn đều tăng, nhưng phần lớn chỉ nhích nhẹ, như SHS +1,3% lên 8.100 đồng, khớp lệnh cao nhất sàn với 5,86 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu MBS, NAG, IDJ, TNG, IDC, PVS, CEO tăng từ 0,4% đến hơn 2,5%, TIG +3,8%, APS +4,8%...

Hai cổ phiếu KVC và VKC vẫn yên vị ở mức giá sàn đều tại 1.400 đồng, với KVC khớp hơn 1,4 triệu đơn vị.

Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index tiếp tục thu hẹp đà tăng sau khi giao dịch trở lại trong phiên chiều, nhưng số điểm đánh rơi không quá nhiều.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,74 điểm (+0,96%), lên 77,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 18,67 triệu đơn vị, giá trị 212,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 0,15 triệu đơn vị, giá trị 2,56 tỷ đồng.

Một vài cổ phiếu đáng chú ý nhà đầu tư như AMS +9,6% lên 8.000 đồng, VHG +4,5% lên 2.300 đồng, LMH +3,7%, NED +3,6%, CST +3,4%...

Trong khi đó, cổ phiếu BSR -1,3% xuống 15.600 đồng và vẫn là mã hút thanh khoản nhất với khối lượng khớp lệnh gần 5 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, với VN30F2302 đáo hạn trong phiên thứ Năm tới đã giảm 7,7 điểm, tương đương -0,74% xuống 1.030,9 điểm, khớp lệnh hơn 276.000 đơn vị, khối lượng mở hơn 42.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, áp lực phân hóa mạnh và giao dịch cũng ảm đạm khi không mã nào khớp được 1 triệu đơn vị. Phiên này, CTCB2211 thanh khoản cao nhất với hơn 0,81 triệu đơn vị khớp lệnh và chỉ có giá tham chiếu tại 20 đồng/cq, theo sau là CHPG2221 với 0,76 triệu đơn vị, tăng 14,3% lên 80 đồng/cq.

Tin bài liên quan