Giao dịch chứng khoán phiên chiều 13/4: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, VN-Index bay cao

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 13/4: Lực cầu bắt đáy nhập cuộc, VN-Index bay cao

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau phiên sáng còn chút e ngại, tâm lý nhà đầu tư đã thay đổi một cách nhanh chóng trong phiên chiều khi mạnh dạn tung tiền bắt đáy, trong khi lực cung giá thấp tiết giảm, giúp VN-Index hồi phục mạnh sau 3 phiên lao dốc.

Sau 3 phiên lao dốc mạnh mất gần 68 điểm do những tin đồn thất thiệt liên quan đến nhiều doanh nghiệp niêm yết, thị trường đã hồi phục trở lại trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, tâm lý lo sợ của nhà đầu tư vẫn chưa hết khi lực bán ra ở nhóm cổ phiếu có tính đầu cơ cao vẫn rất mạnh, nhiều cổ phiếu vẫn “múa bên trăng”, trong khi lực cầu thận trọng. Đà hồi phục của thị trường phiên sáng nay chủ yếu là nhờ sự bật lại của nhóm bluechip trong rổ VN30 và mang tính hồi kỹ thuật là chủ yếu.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch chiều, mọi thứ đã thay đổi một cách nhanh chóng khi tâm lý lo sợ nơi nhà đầu tư đã biến mất, thay vào đó là sự vội vã vào tiền bắt đáy. Lực cầu bắt đáy gia tăng khiến lượng dư bán sàn tại nhiều mã được hấp thụ hết, trong đó nhóm FLC với lượng dư bán sàn lớn trong phiên sáng đến phiên đều không còn mã nào giảm sàn, thậm chí AMD và HAI đảo chiều tăng giá.

Về mặt kỹ thuật, phiên hồi phục hôm nay một lần nữa cho thấy đường hỗ trợ của thị trường (ảnh dưới) tạo bởi đáy các mốc thời gian 6/12/2021, tháng 1 và tháng 3/2022 đã phát huy hiệu quả. Nếu các phiên tới VN-Index không có cú sụt mạnh phá vỡ đường giá này thì có thể khẳng định khu vực 1.455 (+/-) với VN-Index chính là đáy của đợt giảm giá này và xu hướng tăng điểm trung hạn toàn thị trường vẫn bảo toàn dù có thể có những đợt biến động mạnh.

Đường hỗ trợ của VN-Index đã phát huy tác dụng phiên hôm nay

Đường hỗ trợ của VN-Index đã phát huy tác dụng phiên hôm nay

Về tổng thể chung phiên hôm nay, số mã tăng từ con số 157 mã của phiên sáng đã nhiều hơn gấp đôi lên 331 mã khi chốt phiên chiều, trong khi số mã giảm từ con số 287 trong phiên sáng, chỉ còn 126 trong phiên chiều.

Trong đó, từ 16 mã sàn và chỉ duy nhất CNG trần trong phiên sáng, chốt phiên chiều, số mã sàn chỉ còn 7 mã là OGC, TSC, VIS, PTL, DC4, PXI và DTT, trong đó DTT gần như không tính vì chỉ có 1 lệnh khớp tối thiểu, còn cung cầu gần như không có. Trong khi đó, số mã tăng trần nâng lên thành 17 mã, trong đó có nhiều mã đáng chú ý như TDH, SCR, DXG, QCG, ITA..., đặc biệt là GEX sau 2 phiên bị dìm về mức sàn do dính tin đồn thất thiệt. Một số nhà đầu tư cho rằng, nhiều người bán ra GEX để nhằm gom lại giá thấp đã bị mất hàng.

Tuy nhiên, nhìn vào thanh khoản phiên hôm nay cho thấy, dù lực cầu bắt đáy nhập cuộc, nhưng phiên hồi nay chủ yếu do tiết cung giá thấp, chứ không phải do dòng tiền bắt đáy lớn khi thanh khoản không tăng mạnh, mà chỉ nhỉnh nhẹ hơn chút ít so với phiên hôm qua. Trong một số diễn đàn và room, đã có những cảnh báo về khả năng đây chỉ là phiên bulltrap, nhưng với nhiều nhà đầu tư khác, việc thị trường có bulltrap hay không “để mai tính”, còn hôm nay cứ tận hưởng niềm vui trong một chiều nắng đẹp đầu hè.

Chốt phiên, VN-Index tăng 21,95 điểm (+1,51%), lên mức cao nhất ngày 1.477,2 điểm với 331 mã tăng (17 mã trần), trong khi số mã giảm chỉ còn 126 mã (7 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 674,8 triệu đơn vị, giá trị 22.062,6 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ so với phiên qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 38,4 triệu đơn vị, giá trị 2.476,8 tỷ đồng.

Trong khi đó, VN30-Index dù không giữ được mức cao nhất ngày khi đóng cửa, nhưng cũng đã thoát qua ngưỡng cản MA50 mà trong phiên sáng, chỉ số này bị cản lại. Đóng cửa, VN30-Index tăng 18,19 điểm (+1,21%), lên 1.525,39 điểm với 27 mã tăng và 3 mã đứng giá, không có mã nào giảm giá.

Trong nhóm VN30, có 2 mã tăng hơn 5% là BVH tăng 5,5% lên 63.300 đồng, khớp gần 1,7 triệu đơn vị và TPB tăng 5,1% lên 40.000 đồng, khớp 5,94 triệu đơn vị. Hai mã tăng hơn 4% là FPT tăng 4,8% lên 115.100 đồng, khớp 3,32 triệu đơn vị và GVR tăng 4,5% lên 34.500 đồng, khớp hơn 2,26 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, ngoài TPB, có thêm SHB tăng tốt 3,2% lên 19.600 đồng, LPB tăng 2,3% lên 20.000 đồng. Trong khi ở chiều ngược lại, chỉ có duy nhất MSB giảm nhẹ 0,8% xuống 25.150 đồng và 3 mã đứng giá là TCB, VCB và VPB. Trong phiên sáng, VPB mất hơn 2% giá trị, là mã giảm mạnh nhất nhóm. Đây vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với hơn 25 triệu đơn vị và chỉ đứng sau FLC trên toàn sàn.

Nhóm chứng khoán cũng chỉ có duy nhất APG giảm nhẹ dưới 1% và TVS đứng giá, còn lại đều quay đầu tăng, so với 3 sắc xanh của phiên sáng. Trong đó, VND nhảy vọt lên mức trần 35.300 đồng, với thanh khoản 16,66 triệu đơn vị, đứng thứ 4 trên sàn sau ROS.

Nhóm thép ngoài VIS vẫn giảm sàn, POM, VCA, HMC giảm nhẹ và DTL, TNA đứng giá, còn lại đều đóng cửa trong sắc xanh. Trong đó, SMC tăng mạnh nhất 6,5% lên 39.400 đồng; HSG dù không quật khởi như GEX (nhóm có dính tin đồn cùng KBC) nhưng cũng có sắc xanh khi đóng cửa với mức tăng gần 1% lên 33.100 đồng, khớp 4,34 triệu đơn vị. Trong khi mã đầu ngành HPG chỉ tăng nhẹ 0,2% lên 45.200 đồng, khớp 12,71 triệu đơn vị.

KBC tăng mạnh 5,1% lên 51.400 đồng, khớp 4,65 triệu đơn vị. Còn GEX như đã đề cập, tăng kịch biên độ lên 36.200 đồng, khớp 14,26 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần.

Nhóm bất động sản, xây dựng chiều nay khởi sắc với hàng loạt sắc tím, ngay kể cả với doanh nghiệp có thông tin không tích cực như Nhà Thủ Đức (bị đề nghị dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu), cổ phiếu cũng nhảy vọt lên mức trần 11.750 đồng và còn dư mua trần, dù thanh khoản không cao, chỉ hơn nửa triệu đơn vị.

Ngoài ra, DXG lên trần 39.800 đồng, khớp 14,73 triệu đơn vị và còn dư mua trần, ITA lên trần 15.700 đồng, khớp 8,8 triệu đơn vị và cũng còn dư mua trần; LDG và SCR cũng bật lên mức trần dù phiên sáng giảm mạnh, trong đó LDG thậm chí còn về sàn 16.600 đồng. Cụ thể, đóng cửa, LDG lên trần 19.000 đồng, khớp 7,82 triệu đơn vị, SCR lên trần 19.200 đồng, khớp 7,67 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

Bên cạnh đó, còn có LHG, QCG cũng đóng cửa ở mức giá trần. Trong khi đó, dù không có sắc tím, nhưng HQC cũng hồi mạnh từ mức giảm có lúc lên tới 6,2% phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng 5,7% lên 7.380 đồng, khớp 15,53 triệu đơn vị. Hay DRH từ mức giảm có lúc về sàn (17.600 đồng) của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng 5,8% lên 20.000 đồng, khớp 2,3 triệu đơn vị…

Trong khi đó, PTL lại tủi thân khi không nhận được sự quan tâm nên yên vị tại mức sàn 9.630 đồng. Ngoài ra, cũng phải kể đến OGC khi còn dư bán sàn tới hơn 1,1 triệu đơn vị, ghi nhận phiên giảm sàn thứ 3 liên tiếp.

Sự khởi sắc của sàn HOSE cũng lan sang sàn HNX khi nhiều cổ phiếu trên sàn này cũng được kéo tăng mạnh trở lại, thậm chí KLF còn lên mức kịch trần, các mã lớn như IDC, PVS, CEO cũng nới đà tăng, còn HUT chỉ còn mức giảm nhẹ. Chốt phiên, HNX-Index cũng được kéo lên mức cao nhất ngày.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,44 điểm (+1,53%) lên 427,45 điểm với 146 mã tăng, nhiều hơn phiên sáng 85 mã, trong khi số mã giảm ít hơn 65 mã, còn 83 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 90,6 triệu đơn vị, giá trị 2.691,5 tỷ đồng, giảm nhẹ về khối lượng, nhưng tăng nhẹ về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,9 triệu đơn vị, giá trị 393 tỷ đồng.

Trong các mã lớn trên sàn này, chỉ có KSF và HUT giảm, nhưng mức giảm không lớn, còn lại đều quay đầu tăng giá hoặc nới đà tăng so với phiên sáng.

Cụ thể, IDC từ mức tăng 1,4% của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng tới 5,5% lên mức cao nhất ngày 68.700 đồng, khớp 4,91 triệu đơn vị; PVS nới đà tăng từ 2% phiên sáng, đóng cửa tăng 3,3% lên 31.200 đồng, khớp 6,83 triệu đơn vị; PVI đóng cửa tăng 3,3% lên 53.700 đồng, so với mức tăng 1,9% của phiên sáng, nhưng thanh khoản vẫn thấp.

Trong khi đó, CEO đảo chiều từ mức giảm 1,9% của phiên sáng, đóng cửa tăng 4,6% lên 56.500 đồng, khớp hơn 5 triệu đơn vị. VCS cũng đảo chiều từ mức giảm 1,6% phiên sáng, đóng cửa tăng 2,2% trong phiên chiều, lên 111.500 đồng.

Các mã khác cũng đảo chiều tăng là NAB, BAB, nhưng chỉ khiêm tốn, trong khi HUT chỉ còn giảm 1,2% so với mức giảm 4% của phiên sáng.

Với các mã nhỏ và vừa, như đã đề cập, KLF từ mức giảm 4,2% phiên sáng (có lúc giảm sàn xuống 4.400 đồng), đã bất ngờ bật lại lên mức kịch trần khi đóng cửa phiên chiều 5.200 đồng, khớp 6,3 triệu đơn vị. Tương tự, IDJ cũng đảo chiều ngoạn mục từ mức giảm trong phiên sáng, đóng cửa phiên chiều với sắc tím 28.000 đồng, khớp 1,3 triệu đơn vị và còn dư mua trần.

ART cũng hồi phục thành công, dù mức tăng không lớn. Trong khi TAR có thời điểm xuống sàn 28.200 đồng, cũng bật lại tăng 4,9% khi đóng cửa, lên 38.900 đồng, khớp 2,67 triệu đơn vị.

UPCoM cũng hồi trở lại, nhưng xuất phát chậm hơn sàn HNX.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,77 điểm (+0,69%), lên 113,3 điểm với 148 mã tăng, 156 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 56,9 triệu đơn vị, giá trị 1.236,9 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đã đóng góp 14,6 triệu đơn vị, giá trị 327,6 tỷ đồng, chủ yếu là phiên sáng.

Đa số các mã có giao dịch sôi động đều hồi trở lại, đóng cửa sáng xanh hoặc tham chiếu, ngoại trừ ABB vẫn giảm nhẹ 1,3% xuống 15.100 đồng, khớp 2,51 triệu đơn vị. Còn lại, BSR, VHG đóng cửa ở tham chiếu, trong đó VHG vượt qua BSR trở thành mã có thanh khoản nhất với 4,27 triệu đơn vị, BSR khớp 3,97 triệu đơn vị.

C4G nới đà tăng từ mức 0,4% của phiên sáng, đóng cửa tăng 5,2% lên 24.400 đồng sau thông tin đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận đột biến năm 2022, khớp 2,87 triệu đơn vị. VGT cũng hồi phục khi đóng cửa tăng 0,8% lên 25.200 đồng, khớp 2,28 triệu đơn vị…

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo thị trường cơ sở, nhưng mức tăng khiêm tốn hơn. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 4 tăng 10,3 điểm (+0,68%), lên 1.519,7 điểm với 132.886 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 39.176 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng chiếm thế áp đảo, trong đó có 2 mã tăng hơn 30% là CVHM2203 do MBS phát hành tăng 36,9% lên 890 đồng, thanh khoản 52.900 đơn vị và CHDB2103 do KIS phát hành, tăng 31,3% lên 210 đồng, thanh khoản 323.100 đơn vị. Trong khi đó, mã giảm mạnh nhất là CVNM2111 do KIS phát hành, giảm 25% xuống 30 đồng, thanh khoản 518.600 đơn vị. Về thanh khoản, hôm nay có 2 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CFPT2202 do MBS phát hành với 1,21 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 9,6% lên 2.960 đồng và CHPG2206 do KIS phát hành với 1,1 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức tham chiếu 670 đồng.

Tin bài liên quan