Giao dịch chứng khoán phiên chiều 12/4: Trở lại vạch xuất phát

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 12/4: Trở lại vạch xuất phát

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền tiếp tục hoạt động tích cực trong phiên chiều, nhưng VN-Index chỉ rung lắc nhẹ trong biên độ hẹp trước khi đóng cửa gần như không thay đổi.

Trong phiên sáng, thị trường mở cửa với sắc xanh khi dòng tiền tiếp tục tìm đến với Novaland và một số mã bất động sản khác. Tuy nhiên, việc một số mã bluechip ngáng chân khiến VN-Index chỉ giằng co trong biên độ hẹp và đóng cửa cửa với sắc xanh nhạt.

Bước sang phiên chiều, diễn biến có phần giống phiên sáng khi nửa đầu phiên, dòng tiền hoạt động tích cực và điểm đến vẫn là NVL và SHB, những mã có thông tin tích vừa được công bố hôm qua. Có thời điểm, NVL trở lại mức trần 15.150 đồng và có dư mua giá trần hơn 1 triệu đơn vị. Ngoài NVL, nhóm bất động sản cũng chứng kiến nhiều mã khác nổi sóng với sắc tím xuất hiện tại NLG, HDG và D2D.

Tuy nhiên, khi bước vào nửa cuối của phiên chiều, lực cung gia tăng đã khiến NVL và D2D mất sắc tím. VN-Index bị đẩy xuống mức thấp hơn đáy của phiên sáng. Mặc dù vậy, dòng tiền vẫn duy trì tích cực, khiến bên bán không muốn hạ giá thấp, giúp VN-Index hồi trở lại và trở về vạch xuất phát.

Chốt phiên, VN-Index đứng ở mức 1.069,45 điểm, gần như không đổi, với 190 mã tăng và 188 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 718,8 triệu đơn vị, giá trị 12.459,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% và 8% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 65,3 triệu đơn vị, giá trị 1.415,3 tỷ đồng.

NVL tiếp tục có giao dịch sôi động trong phiên chiều. Sau khi hạ nhiệt trong phiên sáng, lực cầu gia tăng trở lại trong đầu phiên chiều, hấp thụ hết lượng dư bán, kéo NVL trở lại mức trần 15.150 đồng, thậm chí có lúc còn dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ngắn hạn cũng khá lớn, khiến NVL không thể giữ nổi mức trần, mà đóng cửa ở mức 15.050 đồng, tăng 6% với thanh khoản 51,45 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Không chỉ NVL, nhiều mã bất động sản khác cũng có giao dịch tích cực trong phiên chiều, trong đó NLG và HDC thậm chí còn đóng cửa giữ được sắc tím với mức giá lần lượt là 32.000 đồng và 34.750 đồng, nhưng thanh khoản không lớn. Có lúc, D2D cũng góp mặt trong nhóm tăng trần, nhưng lực cầu không đủ sức để giữ sắc tím đến khi hết phiên. Chốt phiên, D2D tăng 6,8% lên 26.900 đồng, thanh khoản ở mức thấp.

Các mã tăng mạnh khác trong nhóm bất động sản, xây dựng có HDG tăng 4,8% lên 33.650 đồng, PDR tăng 4,8% lên 14.150 đồng, KDH tăng 4,7% lên 29.850 đồng… Trong đó, PDR khớp 19,13 triệu đơn vị. Một mã khác cũng có liên quan tới bất động sản là GEX tăng 1,1% lên 13.450 đồng, khớp 19,96 triệu đơn vị.

Trong khi đó, DXG, DIG, HQC, LDG… lại đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, DXG giảm 0,4% xuống 13.650 đồng, khớp 21,95 triệu đơn vị; DIG giảm 1,7% xuống 17.200 đồng, khớp 20,61 triệu đơn vị; HQC giảm 3,3% xuống 4.370 đồng, khớp 14,45 triệu đơn vị; LDG giảm 4,1% xuống 4.620 đồng, khớp 7,15 triệu đơn vị.

Trong nhóm ngân hàng, SHB vẫn là mã có mức tăng tốt nhất khi giữ được đà tăng 3,8% lên 12.200 đồng, khớp 41,55 triệu đơn vị, đứng sau NVL về thanh khoản. EIB tiếp tục hạ nhiệt chỉ còn tăng 1,6% lên 19.550 đồng. TCB và VIB tăng gần 1%; STB và HDB tăng hơn 0,5% và VCB hồi phục thành công với mức tăng nhẹ 0,1%.

Ngoài ra, BID cũng trở lại tham chiếu, cùng với LPB, MSB, SSB, TPB. Trong khi đó, VPB lại nới đà giảm khi đóng cửa mất 1,7% xuống 20.650 đồng, đứng sau OCB khi mã này giảm 1,8% xuống 16.600 đồng. ACB, CTG và MBB là 3 mã còn lại trong nhóm giảm giá, nhưng mức giảm rất nhẹ.

Trong nhóm chứng khoán, vẫn chỉ có duy nhất TVB tăng, nhưng mức tăng hạ nhiệt đi rất nhiều, chỉ còn 0,2% lên 4.450 đồng, còn lại vẫn chìm trong sắc đỏ. Trong các mã lớn, SSI giảm mạnh nhất khi giảm 2,7% xuống 22.000 đồng, tiếp đến là HCM giảm 2,3% xuống 25.300 đồng, VND giảm 1,9% xuống 15.600 đồng và VCI giảm 1,7% xuống 32.550 đồng. Trong đó, VND là mã khớp lớn nhất với 19,42 triệu đơn vị.

Trong nhóm thép, các mã dẫn dắt đều giảm, nhưng mức giảm không lớn, NKG giảm 1,3% xuống 14.700 đồng, HSG giảm 1,6% xuống 15.550 đồng, còn HPG chỉ giảm 0,2%, xuống 20.750 đồng, khớp lớn nhất nhóm với 10,64 triệu đơn vị.

Sàn HNX cũng có diễn biến khá giống với sàn HOSE khi giằng co nhẹ quanh tham chiếu, trong đó đáy của phiên chiều thấp hơn đáy của phiên sáng. Tuy nhiên, chỉ số HNX-Index không may mắn như VN-Index khi không kịp trở lại tham chiếu.

Chốt phiên sáng, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,19%), xuống 211,94 điểm với 91 mã tăng và 81 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 96,7 triệu đơn vị, giá trị 1.344,8 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 21% so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 3,6 triệu đơn vị, giá trị 61 tỷ đồng.

SHS vẫn là mã có giao dịch sôi động nhất sàn HNX khi có thêm 23,3 triệu đơn vị được khớp trong phiên chiều, gần gấp đôi so với phiên sáng, nâng tổng khối lượng khớp cả ngày lên 35,84 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa lại giảm nhẹ 0,9% xuống 10.500 đồng.

CEO cũng có giao dịch khá sôi động trong phiên chiều với tổng khớp 6,44 triệu đơn vị, đóng cửa giảm nhẹ 0,4% xuống 25.300 đồng.

Trong khi đó, IDJ lại hồi phục ấn tượng khi đóng cửa tăng 3,2% lên 12.800 đồng, khớp 4,58 triệu đơn vị.

Trong nhóm dầu khí, 2 mã đáng chú ý là PVS và PVC đều hạ nhiệt trong phiên chiều. Trong đó, PVS trở lại tham chiếu 26.100 đồng, khớp 3,96 triệu đơn vị, còn PVC chỉ còn tăng 2,5% lên 16.400 đồng, khớp 3,4 triệu đơn vị.

Trái với 2 sàn niêm yết, UPCoM giao dịch tích cực hơn khi chỉ biến động trên tham chiếu trong suốt phiên chiều và đóng cửa ở mức cao hơn phiên sáng.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,42%), lên 79,15 điểm với 169 mã tăng và 98 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 55,5 triệu đơn vị, giá trị 2.393 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16 triệu đơn vị, giá trị 1.883,6 tỷ đồng, đóng góp chính là giao dịch thỏa thuận 6,54 triệu cổ phiếu IDP, giá trị 1.685 tỷ đồng.

Về khớp trên sàn, C4G chính thức vượt qua BSR trở thành mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM hôm nay với tổng khối lượng 9,23 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 6,7% lên 12.700 đồng. Tiếp đến là BSR khớp 5,85 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,6% lên 16.600 đồng. Tiếp đến là SBS khớp 3,34 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 1,7% lên 6.100 đồng. Có thêm 4 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị hôm nay là QTP, ABB, VHG và G36, trong đó chỉ có VHG kém sắc hơn khi đóng cửa ở tham chiếu, còn lại đều tăng giá.

Trên thị trường phái sinh, ngoại trừ hợp đồng đáo hạn tháng 5 tăng nhẹ trái ngược với thị trường cơ sở, còn lại đều giảm nhẹ theo thị trường cơ sở. Trong đó, hợp đồng VN30F2304 đáo hạn tháng 4 giảm 1 điểm (-0,09%), xuống 1.075 điểm với 187.416 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 56.716 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng giảm cũng khá cân bằng và mức biến động về giá của các mã hôm nay không lớn. Trong đó, chỉ có duy nhất CMSN2215 do HSC phát hành là có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 10,8% lên 410 đồng.

Tin bài liên quan