Giao dịch chứng khoán phiên chiều 11/5: Ồ ạt thoát hàng cuối phiên, VN-Index lao mạnh từ đỉnh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 11/5: Ồ ạt thoát hàng cuối phiên, VN-Index lao mạnh từ đỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên thiết lập đỉnh cao lịch sử mới thì bất ngờ lực bán ồ ạt nửa cuối phiên đã khiến VN-Index lao mạnh từ đỉnh xuống dưới tham chiếu, mức thấp nhất ngày.

Trong phiên giao dịch sáng 11/5, thị trường diễn biến khá tích cực với sự khởi sắc của nhiều cổ phiếu lớn nên VN-Index đã tăng khá tốt lên vùng 1.265 điểm. Tuy nhiên, tại vùng giá này, áp lực bán ra cũng mạnh không kém nên chỉ số không thể đi lên. Trong bối cảnh thị trường diễn biến giằng co, điểm tích cực là hoạt động giao dịch diễn ra vẫn sôi động, giúp thanh khoản tiếp tục duy trì ở mức cao.

Sau giờ nghỉ trưa, lực cầu bỗng gia tăng mạnh, tập trung chủ yếu vào nhóm cổ phiếu bluechips, qua đó kéo VN-Index vượt qua đỉnh đóng cửa lịch sử thiết lập phiên 20/4 (1.268,28 điểm), tăng nhanh lên vùng giá 1.275 điểm.

Tưởng chừng VN-Index có phiên phá đỉnh lịch sử hôm nay, thì bất ngờ lực cung ồ ạt được tung vào cuối phiên, đẩy chỉ số lao mạnh từ đỉnh, xuống dưới tham chiếu, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.

Trên một số diễn đàn, một số nhà đầu tư cho rằng, lực bán mạnh cuối phiên hôm nay là do ảnh hưởng từ thông tin Ngân hàng Nhà nước có công văn yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm một số nội dung trong hoạt động, đặc biệt nhấn mạnh công tác quản lý tín dụng với các lĩnh vực rủi ro cao như: đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng chứng khoán, bất động sản, BOT giao thong, cho vay tiêu dùng…

Đóng cửa, với 261 mã tăng và 164 mã giảm, VN-Index giảm 3,54 điểm (-0,28%) về 1.256,31 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 770 triệu đơn vị, giá trị gần 22.665,42 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 773 triệu đơn vị khớp lệnh và 23.133,85 tỷ đồng giá trị giao dịch của phiên 10/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 60,55 triệu đơn vị, giá trị gần 1.878 tỷ đồng.

Bị bán mạnh, rổ VN30 chỉ còn 8 mã tăng, trong đó STB, VPB, KDH, BID là các mã tăng tốt nhất song cũng ở quanh mức 1%. SBT mất sắc tím, chỉ còn tăng 5,8% lên 20.150 đồng. Trong số 21 mã giảm, các mã VRE, HDB, CTB giảm hơn 2%, REE giảm hơn 3%, còn lại đa phần giảm hơn 1%. VNM sau phiên tăng trần hôm qua thì phiên này giảm 1,9% về 91.200 đồng.

Về thanh khoản, STB khớp lệnh hơn 58 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE và vượt trội so với các mã còn lại như HPG (29,56 triệu đơn vị, -1,6% về 62.000 đồng), VPB (24,54 triệu đơn vị, +1,1% lên 63.00 đồng), MBB (20,38 triệu đơn vị, -1,5% về 32.700 đồng)…

Một mã khác trong nhóm VN30 còn duy trì đà tăng hôm nay là TCH khi tăng 1,1% lên 22.100 đồng, khớp lệnh 4,5 triệu đơn vị.

Ở nhóm cổ phiếu thị trường, đà tăng của ROS cũng chịu ảnh hưởng bởi áp lực chốt lời, nhưng dưới sức cầu mạnh mẽ nên có bao nhiêu cổ phiếu bán ra là được gom hết, kết phiên giữ vững mức giá trần 6.580 đồng với 28,9 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã FLC, HQC, ITA, HNG, LDG… cũng tăng điểm, khớp lệnh từ 5-22 triệu đơn vị.

Trong khi đó, nhiều mã midcap tăng tốt ở phiên sang cũng đã hạ nhiệt trong phiên chiều như DXG chỉ còn tăng 3% lên 24.100 đồng, GMD +2,7% lên 36.600 đồng, đồng, DIG +3% lên 27.700 đồng, PVD +1,7% lên 20.550 đồng…, khớp lệnh từ 7-11 triệu đơn vị.

TSC và HBC bất ngờ tăng trần lên 12.600 đồng và 15.750 đồng, khớp lệnh 5-7 triệu đơn vị.

Các mã HSG, NKG, TLH, KBC, AMD, VIX… chìm trong sắc đỏ. ABS chính thức có phiên giảm sàn thứ 8 liên tiếp xuống 42.200 đồng.

Trên sàn HNX, diễn biến có phần tương tự HOSE khi cũng giảm mạnh trong nửa cuối phiên Đã có thời điểm chỉ số sàn này lấy lại sắc xanh, nhưng do sức ép tại các bluechips nên chỉ số vẫn kết phiên trong sắc đỏ.

Đóng cửa, với 121 mã tăng và 100 mã giảm, HNX-Index giảm 0,5 điểm (+0,18%) về 279,76 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 112,14 triệu đơn vị, giá trị 2.305,21 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 10/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 37,5 tỷ đồng.

Các mã có sức nặng như SHB, NVB, NTP, VCS, DDG, DTD… đều giảm khá mạnh, gây sức ép lớn lên chỉ số. Trong đó, SHB -2,1% xuống 23.500 đồng, khớp lệnh 18,38 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn; NVB -2,4% xuống 16.300 đồng, khớp lệnh 4,85 triệu đơn vị.

Các mã PVS, PVC, CEO, TNG, TDH, NDN… đều tăng, nhưng chưa đủ sức kéo HNX. Trong đó, PVC khớp lệnh 9,17 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sàn và tăng 1,4% lên 21.500 đồng.

SHS khớp lệnh thứ 2 với 10,37 triệu đơn vị, nhưng đứng giá 29.200 đồng.

Trên UPCoM, diễn biến đã tích cực hơn hẳn trong phiên chiều và kết phiên trong sắc xanh, dù cũng giằng co mạnh.

Đóng cửa, với 200 mã tăng và 97 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,24 điểm (+0,29%) lên 81,7 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 52,14 triệu đơn vị, giá trị 869,62 tỷ đồng, tăng nhẹ khoảng 1% cả về khối lượng và giá trị so với phiên 10/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 115,4 tỷ đồng.

Trong số 13 mã có thanh khoản từ 1 triệu đơn vị trở lên, thì có 10 mã tăng điểm, trong đó BSR khớp lệnh cao nhất với hơn 10,8 triệu đơn vị, kết phiên +2% lên 15.400 đồng.

Có 3 mã giảm là ABB, BVB và TVN với mức giảm 1-2%, khớp từ 2-3 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, có 1 hợp đồng tương lai không có giao dịch, 3 hợp đồng tương lai còn lại đều giảm, trong đó hợp đồng đáo hạn gần nhất là VN30F2105 giảm 24,9 điểm (-1,81%) về 1.350,1 điểm, khối lượng khớp lệnh 274.860 đơn vị, khối lượng mở 35.903 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, 2 mã được giao dịch mạnh nhất là CTCH2001 và CVRE2009 với hơn 1 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm. Trong đó, mã CTCH2001 giảm gần 28% về 13 đồng/CQ.

Tin bài liên quan