Giao dịch chứng khoán phiên chiều 1/12: Lực bán chốt lời gia tăng, VN-Index điều chỉnh

Giao dịch chứng khoán phiên chiều 1/12: Lực bán chốt lời gia tăng, VN-Index điều chỉnh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên phân phối mạnh đầu tiên của chuỗi tăng giá đã diễn ra vào ngày hôm nay, lực mua rất mạnh của nhiều nhà đầu tư lỡ nhịp, nhưng lực bán cũng rất lớn khiến cho VN-Index biến động tới 30 điểm trong phiên.

Giao dịch vẫn rất sôi động trong phiên chiều, tuy nhiên, áp lực bán lại có phần gia tăng khiến VN-Index về rất nhanh tham chiếu và giằng co nhẹ sau đó.

Tại ngưỡng điểm gần 1.055 điểm, thị trường bất ngờ có nhịp rơi gần 20 điểm về 1.036 điểm do sức ép ở các bluechip với nhiều cổ phiếu nới rộng đà giảm và không ít còn thu hẹp đà tăng. Nhưng ngay khi thị trường giảm sâu, lực mua lại xuất hiện khá tốt. Dù vậy, diễn biến này không giúp cho thị trường có phiên đóng cửa ATC khởi sắc, mà thay vào đó là hàng chục triệu cổ phiếu tiếp tục bị bán ra đẩy VN-Index về thấp nhất trong ngày.

Diễn biến phiên hôm nay là chỉ báo không tích cực cho phiên cuối tuần ngày mai. Dù vậy, sóng tăng đã hình thành thì việc cắt đứt chuỗi tăng sẽ không diễn ra chỉ với một phiên giảm điểm, thậm chí nhìn ở góc độ tích cực, phiên hôm nay giúp cho thị trường bớt nóng với cú tăng tốc khá mạnh với 150 điểm mà VN-Index nhận được kể từ giữa tháng 11 vừa qua.

Điểm tích cực trong con sóng tăng vừa tạm chấm dứt vừa qua đó là dòng tiền, những tưởng nhiều nhà đầu tư đã rời bỏ thị trường sau chuỗi giảm điểm suốt từ tháng 4/2022, nhưng thực tế cho thấy dòng tiền vẫn trực chờ cơ hội giải ngân. Khi mà sóng tăng hình thành, những phiên thanh khoản vượt trên 20.000 tỷ đồng như hôm nay đã nhanh chóng xuất hiện. Với dòng tiền mạnh được duy trì thì giảm điểm lại là cơ hội cho nhà đầu tư chưa sở hữu cố phiếu tham gia.

Câu chuyện hiện tại mà nhà đầu tư cần nhớ là "đừng vội chóng quên", thị trường tăng nhanh bản thân trong đó luôn có những rủi ro, tâm lý "gỡ gạc" có thể khiến nhiều nhà đầu tư lần thứ hai cháy tài khoản.

Đóng cửa, sàn HOSE có 281 mã tăng (41 mã tăng trần) và 166 mã giảm, VN-Index giảm 12,14 điểm (-1,16%), xuống 1.036,28 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.344,5 triệu cổ phiếu, giá trị 21.830,6 tỷ đồng, tăng gần 18% về khối lượng và 22% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 81,2 triệu đơn vị, giá trị 1.516,9 tỷ đồng.

Rổ VN30 đảo chiều, khi số mã giảm lên tới con số 19 và chỉ còn 9 mã tăng. Trong đó, cổ phiếu VIC là gánh nặng lớn nhất khi giảm tới 5,2% xuống 66.000 đồng và “đóng góp” hơn 3 điểm tiêu cực đến VN-Index.

Các mã khác giảm đáng kể ảnh hưởng đến chỉ số là SSI -5,5% xuống 18.200 đồng, BID -5,1% xuống 39.000 đồng, CTG -4% xuống 26.100 đồng, GAS -2,4% xuống 106.500 đồng, MSN -2,6% xuống 99.000 đồng, SAB -2,6%, STB -2,5%.

Phần còn lại chỉ giảm nhẹ như TPB, HPG, VIB, VCB, BVH, VRE, VHM, khi mất từ 0,9% đến 1,8%.

Cổ phiếu đáng chú ý nhất là NVL, khi phiên sáng tăng kịch trần và còn dư mua trần 10 triệu đơn vị thì đã gặp lực bán chốt lời mạnh trong phiên chiều, có thời điểm đã đảo chiều giảm gần 6%, trước khi may mắn về lại được tham chiếu 23.350 đồng khi đóng cửa, khớp lệnh tổng cộng gần 75 triệu đơn vị, cao nhất thị trường.

Cổ phiếu PDR phiên sáng còn dư mua giá trần hơn 34,3 triệu đơn vị thì phiên chiều cũng đã được hấp thụ hết, và có lúc đã chỉ còn tăng 3%, nhưng cũng đã được kéo trở lại giá trần tại 14.600 đồng khi kết phiên, khớp lệnh gần 42 triệu đơn vị.

Các cổ phiếu tăng trần phiên sáng như TCB, GVR, KDH, HPG cũng đều đã hạ nhiệt, với TCB may mắn còn tăng mạnh 5,8% lên 27.400 đồng, GVR +4,2% lên 14.800 đồng. Trong khi đó, KDH và HPG đều đảo chiều giảm, với KDH -0,7% và HPG -1,1% xuống 18.200 đồng, khớp 66,5 triệu đơn vị.

Ở các mã tăng điểm, ngoài TCB và GVR thì nổi lên có PLX, khi +5,1% lên 31.000 đồng, HDB +2,6%, MBB +2,3% và sắc xanh nhạt tại FPT, VJC, ACB.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng nhắc đến đầu tiên là nhóm thép, khi HPG hạ nhiệt đã ảnh hưởng không nhỏ nhiều đến các mã khác trong ngành, với NKG và SMC là hai cổ phiếu đứng vững vững sắc tím tại 11.750 đồng và 10.300 đồng, trong khi HSG từ giá trần về còn +2,2% lên 11.500 đồng, TLH cũng từ giá trần về còn +3,1%.

Các cổ phiếu bất động sản, xây dựng với DIG, DRH, KPF, CRE, BCG, QCG, VPH, DLG, EVG, HQC, ITA, NBB, NHA, DXG, TGG còn là những cổ phiếu giữ được giá trần khi đóng cửa.

Tương tự là HPX, khi +6,9% lên 9.730 đồng, khớp lệnh hơn 20,8 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 5,8 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu cùng ngành còn giữ được mức tăng đáng kể như LDG +6,7% lên 5.560 đồng, HBC +6,2% lên 10.000 đồng, HTN +6,2% lên 18.950 đồng, TCD +6% lên 7.200 đồng...

Ở chiều ngược lại, IBC vẫn nằm sàn -7% xuống 9.400 đồng, khớp 0,1 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 1,61 triệu đơn vị.

Một số cổ phiếu hóa chất bị bán khá mạnh như DGC -4,8% xuống 58.000 đồng, DCM -4,5% xuống 27.800 đồng, DPM -3,9% xuống 39.300 đồng.

Cổ phiếu công ty chứng khoán theo chân SSI giảm sâu có HCM -4,6% xuống 20.950 đồng, FTS -4,4% xuống 18.500 đồng, VND -4,4% xuống 13.000 đồng, VSI -4,1% xuống 23.550 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng thu hẹp đáng kể đà tăng trong phiên chiều và rơi gần về tham chiếu, trước khi có nhịp nảy lên ở những phút cuối.

Đóng cửa, sàn HNX có 140 mã tăng (37 mã tăng trần) và 58 mã giảm, HNX-Index tăng 2,22 điểm (+1,06%), lên 221 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 136,7 triệu đơn vị, giá trị 1.697,9 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,8 triệu đơn vị, giá trị 28,1 tỷ đồng.

Một số cổ phiếu còn tăng điểm đáng kể như CEO, NRC, MST BII, PVL, FCG, TTH, khi đều kết phiên ở giá trần, với CEO khớp lệnh đứng thứ hai trên sàn khi có 11,38 triệu đơn vị, ngay sau là NRC với 10 triệu đơn vị.

Còn tăng khác có APS +8,2%, API +7,9%, TVC +7,5%, AMV +5,1%, MBG +4,3%, IDJ +3,2%...

Các cổ phiếu SHS, PVS, IDC, MBS, PVC, HUT, TAR đều bị chốt lời và đóng cửa dưới tham chiếu, với SHS -3,4% xuống 8.500 đồng, khớp 32,9 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX.

Trên UpCoM, diễn biến tương tự, khi UpCoM-Index hạ thấp độ cao khi áp lực chốt lời gia tăng, dù vẫn đóng cửa ở sắc xanh.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,54 điểm (+0,77%), lên 71,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 58,4 triệu đơn vị, giá trị 590,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 195,8 tỷ đồng.

Những cổ phiếu nhỏ tiếp tục thu hút lực mua và đứng vững ở giá trần có VHG LMH, FTM, BOT, PXI, BVG.

Trong khi đó, BSR đảo chiều từ mức tăng gần 5% xuống còn giảm 1,4% xuống 14.400 đồng, khớp 12,5 triệu đơn vị, cao nhất UpCoM.

Các cổ phiếu SBS, DDV, C4G, VGI cũng tương tự, khi đều từ mức trên tham chiếu về sắc đỏ.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 chỉ còn tăng nhẹ, với VN30F2212 tăng 1,1 điểm, tương đương +0,11% lên 1.029 điểm, khớp lệnh hơn 412.900 đơn vị, khối lượng mở gần 48.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh vẫn chiếm ưu thế lớn, đặc biệt ở các mã thanh khoản cao, từ hơn 1 triệu đơn vị khớp lệnh đến 4,33 triệu đơn vị.

Đặc biệt, phiên này CHPG2220 đột biến với gần 13 triệu đơn vị khớp lệnh, và tăng 200% lên 60 đồng/cq.

Tin bài liên quan