Sau chuỗi phiên hồi phục với thanh khoản ấn tượng, leo từ ngưỡng 1.180 điểm, VN-Index đang gặp khó với vùng kháng cự mạnh 1.262 - 1.280 điểm trong 2 phiên gần đây.
Phiên sáng nay, thị trường giằng co trong biên độ hẹp với sự phân hóa khá rõ nét giữa các mã ngay trong cùng nhóm. Trong đó, nổi lên là cặp CII - NBB khi cùng nhau tăng kịch biên độ với lượng dư mua trần còn khá lớn. Bên cạnh đó là các mã NVT, IJC, TGG, TNT cũng đồng loạt tăng trần từ sớm.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu lớn có sự phân hóa, nhiều mã như VIC, GAS, hay HPG chịu áp lực chốt lời sau tuần tăng tốt trước đó, trong khi VHM, cùng NVL, DGC, BID giúp VN-Index không bị giảm sâu.
Bước vào phiên chiều, sau nhịp hồi nhẹ trở lại gần tham chiếu, áp lực chốt lời diễn ra mạnh ở nhóm VN30 đã đẩy VN-Index trở lại, nhưng không về mức đáy của phiên sáng, mà bật lại khi về ngưỡng 1.255 điểm. Dù vậy, lực cầu yếu hơn các phiên trước, trong khi nhiều nhà đầu tư muốn thực hiện hóa lợi nhuận khiến VN-Index không thể giữ được sắc xanh lâu, mà quay đầu giảm trở lại, đóng cửa với mức giảm nhẹ, nhưng thấp hơn phiên sáng. Thanh khoản cũng sụt giảm xuống mức thấp nhất gần 2 tuần. Trên đồ thị ngày, VN-Index tiếp tục tạo cây nến doji và phiên thứ 3 liên tiếp đi ngang trong biên độ hẹp 1.252 - 1.262 điểm.
Chốt phiên, VN-Index giảm 2,35 điểm (-0,19%), xuống 1.256,5 điểm với 210 mã tăng (15 mã trần) và 246 mã giảm (chỉ 9 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 640,6 triệu đơn vị, giá trị 14.229,5 tỷ đồng, giảm 10,9% về khối lượng và 10,5% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 67,4 triệu đơn vị, giá trị 1.700 tỷ đồng.
Như đã đề cập, sau chuỗi hồi phục khá tốt từ ngưỡng 21.500 đồng, lên trên 24.000 đồng, cổ phiếu HPG đã bị chốt lời khá mạnh sáng nay (trước đã có các nhịp chốt lời T+, nhưng không quá lớn), nhưng lực cầu vẫn duy trì tốt nên HPG giữ được sự cần bằng, đóng cửa ở tham chiếu. Tuy nhiên, trong phiên chiều, lực cung gia tăng mạnh khiến HPG không thể chịu được sức ép, quay đầu giảm 1,2% xuống 23.800 đồng. Lực cầu hoạt động tốt không thể giúp HPG đứng vững, nhưng giúp mã này duy trì vị thế số 1 về thanh khoản trên sàn HOSE với hơn 30 triệu đơn vị được khớp.
Trong khi đó, HSG lại “thích” đi ngược với HPG khi HPG tăng thì HSG giảm, hôm nay HPG quay đầu điều chỉnh, thì HSG lại tăng mạnh nhất nhóm 1,7% lên 20.900 đồng. Nhóm thép có sự phân hóa và khá cân bằng giữa sắc xanh và đỏ.
Ngoài HPG, các mã khác có tác động tiêu cực nhất tới VN-Index có GAS khi giảm 1% xuống 110.900 đồng, trong khi phần lớn mã dầu khí khác tăng giá. Tuy nhiên, mức giảm này của GAS đã thu hẹp so với phiên sáng. Bên cạnh đó, VIC cũng quay đầu giảm 0,8% xuống 64.800 đồng, đúng như phiên sáng, sau khi có phiên hỗ trợ VN-Index tích cực hôm qua.
Trong khi đó, nhóm ngân hàng không còn một sắc xanh nào, chỉ còn OCB giữ được tham chiếu, còn lại đều giảm giá. Trong đó, mã đầu ngành VCB giảm nhẹ 0,4% xuống 80.500 đồng, còn giảm mạnh nhất là STB giảm 1,4% xuống 24.900 đồng.
Trong các mã có tính thị trường, sau thông tin bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu ROS đã bị bán tháo từ thứ Tư tuần trước (3/8), có chuỗi phiên giảm liên tục từ đó cho tới phiên hôm qua (9/8), trong đó có 2 phiên giảm sàn. Tuy nhiên, trong phiên hôm qua, lực cầu bắt đáy đã nhập cuộc rất mạnh, giúp thanh khoản ROS tăng vọt lên 35,5 triệu đơn vị dù chỉ được giao dịch trong phiên chiều. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn muốn thoát thân nên lực cầu trên chỉ giúp ROS tránh phiên giảm sàn tiếp theo, chứ không giúp mã này tránh khỏi phiên giảm điểm thứ 5 liên tiếp.
Bước sang phiên chiều nay, nhiều nhà đầu tư vẫn tiếp tục muốn nhân cơ hội có người “tham lam” để thoát thân, nên ROS có lúc bị đẩy xuống mức sàn 2.310 đồng. Tuy nhiên, lực bán dường như đã được giải quyết hết trong phiên hôm qua, nên chiều nay không còn quá mạnh và kéo dài. Do đó, lực cầu bắt đáy đã đủ sức kéo ROS trở lại lên trên tham chiếu, thậm chí có lúc còn lên mức trần 2.650 đồng. Chốt phiên, ROS tăng 4,8% lên 2.600 đồng, khớp 14,4 triệu đơn vị.
Các mã nhóm FLC khác cũng tiếp tục duy trì được đà tăng, nhưng không quá lớn.
Các mã vừa và nhỏ khác như ITA, HQC, DIG, DXG, GEX, SCR, TTF, LDG… cũng duy trì được đà tăng, trong đó DXG thậm chí có lúc đã lên kịch trần 28.850 đồng trước khi đóng cửa tăng 3,7% lên 28.000 đồng. Trong khi đó, người anh em DXS lại giữ được sắc tím 18.850 đồng, khớp 0,75 triệu đơn vị và còn dư mua trần. TCH cũng duy trì được đà tăng nhẹ 0,4% lên 12.600 đồng, khớp 3,74 triệu đơn vị.
Cặp đôi CII và NBB vẫn duy trì sắc tím do không còn lực cung. Các mã tăng trần phiên sáng như NVT, TGG, PDN, IJC, VFG, TNT cũng duy trì được sắc tím khi lực cung không có nhiều. Ngoài các mã kể trên, phiên chiều còn có nhiều mã khác lên kịch trần là SVC, VMD, BMC, DTA, TNC, cùng DXS như đã đề cập.
Trong nhóm dầu khí, trong khi GAS và PLX giảm, thì PVD lại tăng mạnh 5,9% lên 18.800 đồng, khớp hơn 16 triệu đơn vị.
Trong khi đó, sàn HNX và UPCoM không chịu nhiều sức ép từ giao dịch trên sàn HOSE khi cả 2 đều duy trì đà tăng tốt trong suốt phiên chiều, dù có hạ thấp độ cao về cuối phiên, trong đó HNX đóng cửa bằng phiên sáng, còn UPCoM thấp hơn một chút.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 2,13 điểm (+0,71%), lên 303,54 điểm với 94 mã tăng và 89 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 101,9 triệu đơn vị, giá trị 1.992,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% về khối lượng, nhưng tăng 20% về giá trị so với phiên hôm qua, cho thấy nhóm có thị giá cao có giao dịch sôi động hôm nay. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,2 triệu đơn vị, giá trị 189,4 tỷ đồng.
UPCoM-Index tăng 0,25 điểm (+0,27%), lên 93,11 điểm với 166 mã tăng và 120 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 44,7 triệu đơn vị, giá trị 858,4 tỷ đồng, giảm về khối lượng, nhưng tăng về giá trị so với phiên hôm qua, cũng cho thấy nhà đầu tư tập trung giao dịch nhóm cổ phiếu thị giá cao trên thị trường này. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,1 triệu đơn vị, giá trị 94,2 tỷ đồng.
Về các mã, trên sàn HNX, CEO vẫn duy trì đà tăng như phiên sáng khi đóng cửa tăng 4,3% lên 36.300 đồng, nhưng không còn giao dịch sôi động như phiên sáng, nên đánh mất vị trí số 1 về thanh khoản, thậm chí lùi về vị trí thứ 3 với 9,84 triệu đơn vị, đứng sau PVS và SHS.
PVS nới rộng đà tăng hơn gấp đôi so với phiên sáng khi đóng cửa tăng 2,8% lên 25.300 đồng, thanh khoản 11,29 triệu đơn vị, đứng đầu sàn HNX. Trong khi SHS vẫn duy trì đà giảm khi đóng cửa mất 1,4% xuống 14.500 đồng, khớp 11,03 triệu đơn vị. Một mã lớn đáng chú ý khác là IDC giữ đà tăng 2,3% lên 63.400 đồng, khớp hơn 2 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một số mã nhỏ có giao dịch khởi sắc về giá, trong đó BII giữ vững sắc tím khi đóng cửa ở mức kịch trần 5.700 đồng, khớp 3,58 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần. Trong khi KLF tăng 6,1% lên 3.500 đồng, khớp hơn 6 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, BSR không còn giữ được đà tăng trước áp lực chốt phiên giảm 0,4% xuống 25.000 đồng, khớp 9,52 triệu đơn vị, đứng đầu UPCoM về thanh khoản. Trong khi đó, VHG lại đóng cửa tăng 2,3% lên 4.400 đồng, khớp 3,1 triệu đơn vị, trong khi phiên sáng đóng cửa ở tham chiếu.
SBS và FTM là 2 mã còn lại có thanh khoản trên 2 triệu đơn vị và cùng đóng cửa tăng điểm, nhưng FTM mất sắc tím của phiên sáng khi đóng cửa tăng 9,4% lên 3.500 đồng, còn SBS tăng 1% lên 10.400 đồng.
VGI tăng 4,7% lên 33.500 đồng khi đóng cửa, thanh khoản 1,64 triệu đơn vị. C4G cũng có mức tăng nhẹ 0,8% lên 13.300 đồng, khớp 1,34 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, chỉ có hợp đồng đáo hạn tháng 3 năm sau tăng nhẹ, còn lại đều giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm không mạnh. Cụ thể, VN30-Index giảm 4,29 điểm (-0,33%), xuống 1.277,15 điểm với 6 mã tăng, trong khi có 24 mã giảm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 8 giảm 2,1 điểm (-0,17%), xuống 1.270,6 điểm với 139.136 hợp đồng được giao dịch, khối lượng mở 57.148 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế, trong đó có 4 mã mất một nửa giá trị, có 3 mã do KIS phát hành (CHPG2209, CVNM2203 về mức giá tối thiểu 10 đồng, CSTB2207 về mức giá 20 đồng) và mã còn lại (CVHM2115 về mức giá tối thiểu 10 đồng) do ACBS phát hành. Trong đó, CVHM2115 là mã có thanh khoản vượt trội so với 3 mã còn lại với gần 1,31 triệu đơn vị.
Ở chiều ngược lại, có 4 mã cũng tăng gấp đôi giá trị và cũng đều do KIS phát hành là CHDB2203, CHPG2206, CVIC2204 lên mức giá 20 đồng và CMSN2203 lên 40 đồng. Trong đó, CMSN2203 là mã có thanh khoản tốt nhất với gần nửa triệu đơn vị.
Về thanh khoản, ngoài CVHM2115, còn có 4 mã khác có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó lớn nhất là CHPG2201 do KIS phát hành với hơn 2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 16,7% xuống 50 đồng. Mã có thanh khoản thứ 2 cũng là chứng quyền của HPG do VND phát hành là CHPG2213 với gần 1,35 triệu đơn vị và cũng đóng cửa giảm 3,7% xuống 1.040 đồng.