Giao dịch chứng khoán phái sinh tuần mới: Canh mua (Long) trong các pha rung lắc

Giao dịch chứng khoán phái sinh tuần mới: Canh mua (Long) trong các pha rung lắc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán trong nước vẫn vững vàng so với nhiều thị trường lớn trên thế giới. Dòng tiền linh hoạt xoay vòng và trên sàn phái sinh, mở vị thế mua vẫn là chiến lược khả thi.

VN-Index chuyển từ pha “hồi phục” sang “tăng mạnh”

VN-Index được xem là một trong những chỉ số chứng khoán “khỏe” nhất trên TTCK toàn cầu trong vài ba tuần gần đây.

Góc nhìn thống kê bằng việc hệ thống hóa đà tăng của các chỉ số chứng khoán cho thấy VN-Index chuyển từ pha “hồi phục” sang pha “tăng mạnh”, trong khi không ít chỉ số chứng khoán lớn trên thế giới như S&P 500, DowJones, Shanghai dù vẫn trong pha “tăng mạnh” nhưng đang có dấu hiệu suy yếu dần.

Ở một diễn biến khác, giá vàng thế giới giảm mạnh còn giá USD tăng trở lại. Thời gian gần đây, các chỉ số chứng khoán có mối tương quan thuận với giá vàng và mối tương quan nghịch với USD khi giới đầu tư đang coi việc cất giữ tiền mặt cũng là một kênh đầu tư trong bối cảnh lạm phát thấp.

Đây không phải là tín hiệu tốt đối với triển vọng tăng giá của TTCK toàn cầu trong bối cảnh những lo ngại đang quay trở lại trước sự dấy lên của làn sóng Covid-19 mới ở một số nước phương Tây.

Diễn biến lội ngược dòng của TTCK Việt Nam so với mặt bằng chung TTCK toàn cầu thời gian qua có sự đóng góp không nhỏ từ trạng thái giảm bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài thông qua khớp lệnh trên sàn.

Trong xu hướng dài hạn (kể từ năm 2019) và xu hướng ngắn hạn (kể từ tháng 7/2020), khối ngoại duy trì đà bán ròng.

Thay vào đó, dòng tiền của nhà đầu tư trong nước là chất xúc tác chính cho nhịp tăng của thị trường từ đáy ngắn hạn đầu tháng 8/2020. Tuy nhiên, trong bối cảnh các chỉ số tiếp cận vùng “cửa sóng” quan trọng thì dòng tiền nội chưa đủ sức để giúp thị trường bứt phá hay duy trì được nhịp tăng dài.

Diễn biến giá VN30F, chỉ số VN30 và mức chênh lệch.

Diễn biến giá VN30F, chỉ số VN30 và mức chênh lệch.

Gần đây, khi dòng tiền nội có dấu hiệu “đuối sức” và trước áp lực từ bối cảnh không thuận lợi của TTCK toàn cầu, việc khối ngoại ngừng bán ròng mạnh trong tuần qua là chất xúc tác hỗ trợ tâm lý nhà đầu tư nội, giúp VN-Index và VN30 giữ được đà tăng.

Giá trị giao dịch của khối ngoại trên chỉ số VN30.

Giá trị giao dịch của khối ngoại trên chỉ số VN30.

Cụ thể, trong tuần qua, khối ngoại chỉ bán ròng 35 tỷ đồng, trong khi tuần trước đó bán ròng hơn 400 tỷ đồng.

Vị thế mua có khả năng thành công cao hơn

TTCK trong nước vẫn vững vàng trong tuần qua, không có phiên rung lắc lớn nào xảy ra dù TTCK Mỹ có những phiên chao đảo mạnh. Sự lan tỏa tương đối rộng của dòng tiền ở nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn giúp thị trường tránh được những cú giảm sốc trước ảnh hưởng từ bên ngoài.

Vốn dĩ dòng tiền đầu cơ không có sự tăng thêm trong thời gian qua, mà khối lượng giao dịch cao chủ yếu đến từ tần suất giao dịch được đẩy nhanh hơn.

Do đó, các phiên giao dịch trong tuần qua thường xuyên chứng kiến tình trạng “xanh vỏ, đỏ lòng”, với việc thanh khoản tăng mạnh nhưng giá không tăng tương xứng.

Đây không hẳn là tín hiệu xấu, bởi các nhịp rung lắc diễn ra rất nhanh ngay trong phiên, dòng tiền đầu cơ cũng rất linh hoạt xoay vòng. Kết quả sau quá trình này là sự bùng nổ rất dễ xuất hiện.

Chiến lược giao dịch trong ngắn hạn (tầm nhìn trong tuần từ 28/9 - 2/10) có tính khả thi là bám theo đà tăng hiện tại, canh mua (Long) trong các pha rung lắc. Vùng giá mở vị thế mua tiềm năng có thể sẽ là 848 - 852 điểm.

Chiến lược giao dịch trong trung hạn nên giữ vị thế mua và nâng dần các điểm chặn lên theo đà tăng của giá. Mục tiêu trong trung hạn là vùng giá 870 - 880 điểm trên chỉ số phái sinh VN30F1M. Điểm chặn quản trị rủi ro quan trọng nên được nâng lên tại 845 điểm.

Nhật ký giao dịch tuần qua: Khó chịu!

Trên thị trường phái sinh tuần qua, giá gần như biến động đi ngang trong suốt cả tuần mà không tạo ra xu hướng cụ thể nào. Kế hoạch mở mới vị thế mua trong các pha điều chỉnh vẫn được giữ nguyên, nhưng không thu được thành quả lớn.

Nhật ký giao dịch tuần qua trên VN30F1M.

Nhật ký giao dịch tuần qua trên VN30F1M.

Chẳng hạn, vị thế mua mới đầu tiên trong tuần được mở vào phiên mở cửa ngày 23/9, giá đi theo đúng kỳ vọng tăng và được chờ đợi sẽ tiếp diễn đà tăng, nhưng giá lại quay đầu từ mức đỉnh của tuần tại 858 điểm, cắt lỗ vị thế mua tại 853 điểm.

Ngày 24/9 tiếp tục là một phiên giao dịch “khó chịu”, giá liên tục trồi sụt và gặp sức ép từ phiên chiều, nhưng không vi phạm nền tích lũy, vị thế mua được cân nhắc vào phiên ATC khi giá đóng cửa tại 853 điểm.

Sau một tuần rung lắc để tạo đà thì chỉ số được kỳ vọng sẽ phá vỡ trạng thái tích lũy trong tuần mới, nhưng một bộ phận nhà đầu tư vẫn thận trọng, do đó giảm việc giữ vị thế mua qua tuần.

Tổng khối lượng hợp đồng mở (OI) thời điểm cuối tuần là 25.915 hợp đồng, giảm so với mức 28.145 cuối phiên trước đó.

Tất nhiên, chỉ báo OI không cho biết số lượng nhà đầu tư nắm giữ, có thể nhà đầu tư nhỏ lẻ thoát vị thế, trong khi nhà đầu tư lớn tăng vị thế, hoặc ngược lại. Nhưng rủi ro nắm giữ qua tuần có thể chấp nhận được trong điều kiện sức đề kháng của các chỉ số khá tốt trước sức ép từ TTCK quốc tế.

Tin bài liên quan