Trên thị trường đang có tin đồn về siết tín dụng bất động sản, chứng khoán và tình trạng “căng” cho vay giao dịch ký quỹ ở một số công ty chứng khoán lớn.

Trên thị trường đang có tin đồn về siết tín dụng bất động sản, chứng khoán và tình trạng “căng” cho vay giao dịch ký quỹ ở một số công ty chứng khoán lớn.

Giao dịch chứng khoán: Kỳ vọng tháng 5

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực giảm giá mạnh trên diện rộng trong tuần cuối tháng 4 và cả tháng 5 được nhận định sẽ khó xảy ra, thị trường có khả năng dao động tích lũy để tiến lên những mốc điểm cao hơn.

Margin tăng, nhưng chưa căng

Gần đây, đưa sức mua và tiền mặt về tỷ lệ cao trong tài khoản, tức giảm tỷ trọng cổ phiếu là khuyến nghị của nhiều môi giới đối với khách hàng.

Cơ sở của khuyến nghị này đến từ diễn biến thị trường xanh điểm chủ yếu nhờ một số cổ phiếu trụ tăng giá với tốc độ nhanh, mạnh, còn nhiều cổ phiếu khác vẫn giảm giá nên giá trị danh mục của đa số nhà đầu tư không tăng, cộng thêm thông tin lan truyền trên thị trường về việc dòng tiền từ ngân hàng cho vay công ty chứng khoán sẽ bị siết lại.

Một số nhà đầu tư tính toán, trong 4 tuần giao dịch vừa qua, cổ phiếu VIC tăng giá gần 35%, tương đương đóng góp 46 điểm cho VN-Index. Nếu bỏ qua mức tăng đột biến của VIC so với nền giá trước đây và hiện tại VN-Index đang ở vùng 1.240 điểm thì các cổ phiếu khác đang ở mức chiết khấu tương đương VN-Index 1.200 điểm.

Nếu loại trừ mức ảnh hưởng lớn của một số cổ phiếu trụ khác, chỉ số chung còn ở mức thấp hơn, nên mặt bằng giá trên thị trường chưa tăng nhiều.

Chính vì vậy, việc cổ phiếu VIC cùng một số mã lớn khác điều chỉnh khiến chỉ số chung sụt giảm. Phiên 22/4, VN-Index “bay” hơn 40 điểm, xuống dưới 1.230 điểm, gây tâm lý hoang mang trong không ít nhà đầu tư, nhất là khi thấy lực bán với giá ATC và giá sàn rất mạnh.

Nhưng với các nhà đầu tư kỳ cựu, họ có góc nhìn khá bình tĩnh. “Một trong những yếu tố tác động trong phiên 22/4 là ngày cơ cấu danh mục của các quỹ ETF do SSI quản lý, theo đó, lệnh bán khá mạnh”, một nhà đầu tư nói, nhưng nhà đầu tư này đánh giá, thông tin siết tín dụng bất động sản và chứng khoán là yếu tố chính tác động tới tâm lý nhà đầu tư, trong bối cảnh có tin đồn về tình trạng “căng” cho vay giao dịch ký quỹ (margin) ở một số công ty chứng khoán lớn.

Về vấn đề này, ông Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện nay, các công ty chứng khoán cho vay khá nhiều, nhưng tổng dư nợ margin cũng chỉ khoảng 100.000 tỷ đồng.

So với năm ngoái, margin tăng vài phần trăm, trong khi năm nay, các công ty chứng khoán đã tăng thêm vốn hoặc tăng thêm nguồn bằng cách vay thêm từ ngân hàng. Do đó, tin đồn margin đang căng cứng là chưa đúng và không phản ánh tình hình thực tế của khối công ty chứng khoán.

“Đây chỉ có thể là những thông tin thất thiệt nhằm mục đích định hướng thị trường và dẫn dắt tâm lý nhà đầu tư”, ông Phương nhận định.

Việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có quan điểm hạn chế tín dụng vào bất động sản nhằm làm giảm yếu tố tăng nóng, tăng tràn lan của bất động sản, chứ không phải hạn chế hoàn toàn dòng vốn vào ngành bất động sản, riêng chứng khoán thì hoàn toàn không có thông tin sẽ bị hạn chế cho vay trong thời gian tới.

Theo đó, nhà đầu tư cần làm rõ và hiểu rõ thông tin để tránh ngộ nhận và bị tác động xấu, ảnh hưởng đến kết quả đầu tư trên thị trường chứng khoán.

Ông Phương nhận xét, thị trường chứng khoán tăng điểm trong thời gian qua dẫn đến tình trạng nhà đầu tư chốt lãi, đây là diễn biến bình thường và động thái này khó có thể khiến thị trường giảm sâu trong bối cảnh chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn hàng đầu.

Giá giảm đến một mức hợp lý sẽ có những nhà đầu tư khác mua vào, giúp thị trường cân bằng trở lại, nên việc điều chỉnh xảy ra không đáng quan ngại.

Ở góc nhìn kỹ thuật, ông Phan Tấn Nhật, Trưởng nhóm Phân tích, Công ty Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) chi nhánh TP.HCM cho hay, chỉ số của 30 cổ phiếu có giá trị vốn hóa và thanh khoản hàng đầu trên HOSE là VN30 sau khi đạt đỉnh ngắn hạn trên 1.330 điểm đã điều chỉnh giảm trong phiên 22/4, mất vùng hỗ trợ ngắn hạn 1.300 điểm, tạo áp lực lên VN-Index và toàn bộ trị trường, khiến nhiều mã bị bán tháo.

Phiên sau đó (23/4), thị trường bật tăng trở lại vào phiên chiều, đạt 1.248,5 điểm, nhưng VN-Index đang ở vùng kháng cự xung quanh 1.245 điểm và có vùng hỗ trợ 1.200 - 1.211 điểm.

Theo ông Nhật, trước đó, khi VN-Index vượt vùng đỉnh 1.200 - 1.211 điểm, dòng tiền đầu cơ tăng mạnh, tập trung vào các cổ phiếu trong VN30, trong khi nhiều cổ phiếu khác như nhóm vốn hóa trung bình giảm giá.

Vì thế, nếu chỉ số chung điều chỉnh, kiểm tra lại vùng 1.200 - 1.211 điểm, rất có thể một số mã vốn hóa trung bình chịu áp lực bán cắt lỗ, dẫn tới bị giải chấp do vi phạm tỷ lệ đảm bảo giao dịch ký quỹ.

Do đó, những nhà đầu tư đang có tỷ lệ margin cao nên chủ động cơ cấu lại để nâng sức mua, tránh nguy cơ bị giải chấp trong trường hợp thị trường diễn biến xấu, đồng thời xem xét mua lại cổ phiếu khi giá giảm nhằm lướt sóng với những mã có sẵn trong danh mục.

Một diễn biến đáng chú ý khác, thời gian gần đây, Quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF mua vào những cổ phiếu trong VN30 dẫn đến điểm số chung tăng nhanh, nhưng nhiều cổ phiếu khác không tăng hoặc điều chỉnh giảm.

Vì vậy, trong thời gian tới, thị trường cần các nhịp điều chỉnh từ nhóm cổ phiếu trụ để phù hợp với tình hình chung.

Do đó, thị trường dự kiến có sự phân hóa khác với trước đây, những cổ phiếu đã tăng giá nhiều trong thời gian qua sẽ điều chỉnh mạnh, còn những mã không tăng hoặc điều chỉnh giảm mà doanh nghiệp có tiềm năng có khả năng cao là dao động tích lũy và tăng giá, dù chỉ số chung có thể giảm.

Điều chỉnh để tạo đà lập đỉnh mới

Ông Phương nhìn nhận, thị trường tháng 5 là vùng trũng thông tin nên thị trường chứng khoán thế giới lẫn Việt Nam những năm trước thường có diễn biến điều chỉnh. Nếu năm nay, vấn đề nghẽn lệnh từ HOSE chưa có thông tin tích cực hơn thì có thể thị trường sẽ có các đợt điều chỉnh do tâm lý nhà đầu tư giảm mức độ hào hứng, có nhà đầu tư bị ức chế kéo dài, nhất là khi nhà đầu tư lớn bán ra.

Tuy nhiên, tình trạng này dự báo sẽ chỉ diễn ra trong ngắn hạn và chỉ số vẫn có những phiên tăng điểm đan xen, tạo nền cho khả năng tăng điểm trong tháng 6, đón đầu thông tin kết quả kinh doanh quý II được kỳ vọng tiếp tục khả quan.

Sự điều chỉnh trong thời gian tới có thể xảy ra, nhưng chỉ mang yếu tố thời điểm và mang tính chất điều chỉnh kỹ thuật, còn xét về các yếu tố cơ bản vĩ mô, vi mô từ thế giới đến Việt Nam đều cho thấy dấu hiệu tốt dần lên.

Nhìn chung, sự điều chỉnh trong thời gian tới có thể xảy ra, nhưng chỉ mang yếu tố thời điểm và mang tính chất điều chỉnh kỹ thuật, còn xét về các yếu tố cơ bản vĩ mô, vi mô từ thế giới đến Việt Nam đều cho thấy dấu hiệu tốt dần lên.

“Thị trường cần các đợt điều chỉnh mang tính cần thiết để tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới”, ông Phương nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết cho rằng, tuần cuối tháng 4 có thể là tuần điều chỉnh tích luỹ trước khi thị trường bước vào tháng 5 với nhiều động lực.

Cụ thể, mùa đại hội đồng cổ đông đón nhận nhiều tin tốt, một số quỹ ngoại có thể giải ngân trở lại; mặt bằng giá cổ phiếu hấp dẫn hơn; dòng tiền với lãi suất thấp trong nền kinh tế vẫn chờ cơ hội mỗi khi thị trường điều chỉnh; nền tảng kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp vững vàng sau dịch Covid-19; quý II được dự báo là quý tăng trưởng cao của nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam so với đỉnh dịch của cùng kỳ năm 2020; các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới cam kết hỗ trợ kinh tế bằng các chương trình nới lỏng tiền tệ, tạo xu hướng tích cực cho các thị trường tài chính toàn cầu.

Về mặt kỹ thuật, 1.200 điểm được coi là vùng hỗ trợ mạnh của VN-Index. Chỉ số này dao động tích luỹ quanh vùng hỗ trợ có thể tạo ra cơ hội mua cổ phiếu tốt với giá hợp lý cho các nhà đầu tư trung hạn.

Tin bài liên quan