Thị trường chứng khoán thế giới “đỏ lửa” đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý đầu tư trong nước.

Thị trường chứng khoán thế giới “đỏ lửa” đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý đầu tư trong nước.

Giao dịch chứng khoán: Dòng tiền vẫn xoay vòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tuần qua, chỉ số chứng khoán giằng co và các cổ phiếu phân hóa mạnh, tạo ra cơ hội đầu tư, nhưng tâm lý thị trường có sự lưỡng lự, thậm chí bất ổn.

Tâm lý nhà đầu tư đang bị chi phối

Tâm lý “chim sợ cành cong” từ đợt thị trường điều chỉnh cuối tháng 1/2021 khiến nhà đầu tư thận trọng trong giao dịch cổ phiếu. Tâm lý “bán tín, bán nghi” về các dự báo VN-Index sẽ sớm vượt ngưỡng 1.200 điểm dần hình thành càng khiến nhà đầu tư thận trọng khi giải ngân, đồng thời giảm sự kiên nhẫn trong việc nắm giữ cổ phiếu.

VN-Index kết thúc tuần qua không thay đổi so với cuối tuần trước đó (trong đó có phiên cuối tuần), đóng cửa tại 1.168,69 điểm, dù sáng thứ Sáu và phiên trước đó giảm điểm mạnh, bởi phiên đầu tuần tăng cao.

Lý giải diễn biến sụt giảm của thị trường trong 2 phiên cuối tuần, anh Nguyễn Hoàng, nhà đầu tư tại Hà Nội cho rằng, thị trường điều chỉnh do nhiều nhà đầu tư chốt lãi, đặc biệt đối với các cổ phiếu blue-chip. Thực tế, lực bán mạnh phiên 4/3 khiến hệ thống giao dịch tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) bị nghẽn, lo ngại hệ thống có thể bị “treo” bất cứ lúc nào khiến nhà đầu tư có tâm lý “chạy trước còn hơn”.

Bên cạnh đó, thị trường trong nước thường không tăng cùng nhịp với đà tăng của thị trường quốc tế, nhưng khi bên ngoài “đỏ lửa” thì nhà đầu nội lại có tâm lý tiêu cực. Nghĩa là, tăng thì khó đồng pha, nhưng giảm thì có xu hướng đồng pha so với thị trường thế giới.

Theo anh Hoàng, trong tuần qua, thị trường Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản và cả Việt Nam có những phiên tăng giảm thất thường. Trong đó, chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm mạnh trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm tăng vọt, khiến kênh đầu tư cổ phiếu trở nên kém hấp dẫn hơn. Điều này khiến các nhà đầu tư trở nên e ngại đối với xu hướng thị trường trong ngắn hạn.

Xét về mặt kỹ thuật, VN-Index đang giảm dần độ “sáng”. Nếu lệnh bán gia tăng, quá trình phân phối có thể sẽ được kích hoạt và thị trường nhiều khả năng tái diễn một đợt điều chỉnh.

Ông Dương Văn Chung, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán MB nhìn nhận, thị trường đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố. So với vùng thấp của thị trường tính từ đầu năm 2021 (28/1 - 31/1), không ít cổ phiếu như HPG, VPB, TCB… ghi nhận mức tăng giá trên 30%, khiến nhiều nhà đầu tư muốn bán ra chốt lãi.

Hơn nữa, dư nợ giao dịch ký quỹ (margin) toàn thị trường đang ở mức khá cao, buộc các công ty chứng khoán muốn mở rộng dư địa cho vay phải tăng vốn điều lệ để đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn, việc tăn vốn cần thời gian vài tháng.

Bên cạnh đó, hệ thống giao dịch HOSE thường bị nghẽn lệnh vào phiên chiều, ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư lớn. Ngoài ra, việc HOSE đang đề xuất nâng lô giao dịch từ 100 lên 1.000 có tác động lớn đến tâm lý nhà đầu tư nhỏ lẻ…

Ông Chung nhận định, thị trường trong ngắn hạn đang có rủi ro tiềm ẩn. Trong kịch bản trung bình, VN-Index có thể quay trở lại mốc 1.075 điểm. Nhưng xét về trung hạn, sau một thời gian tích lũy, thị trường có cơ hội đầu tư lớn, chỉ số có thể vượt ngưỡng 1.200 điểm.

Ghi nhận trên thị trường, các nhà đầu tư mới trước đây tự tin với việc “bán là mất, mua là được”, “mua cổ phiếu trong VN30 sẽ có lãi” hiện đã nhận được những bài học đắt giá khi giao dịch sai thời điểm.

Với những nhà đầu tư cũ, thị trường gặp khó khăn tại vùng 1.180 - 1.200 điểm dẫn đến đồ thị kỹ thuật có dấu hiệu xuất hiện mô hình hai đỉnh, tức khả năng sắp có một đợt giảm điểm, khiến họ thận trọng hơn.

Ngưỡng 1.200 điểm của VN-Index năm 2018 đang là ngưỡng cản tâm lý khá mạnh, dù có mức định giá thấp so với mặt bằng chung trên thế giới.

Một số công ty chứng khoán khuyến nghị nhà đầu tư cần giảm tỷ trọng cổ phiếu, chốt lời những mã đã tăng giá, bởi rủi ro thị trường gia tăng.

Dòng tiền vẫn xoay vòng

Rủi ro được nhìn nhận gia tăng, nhưng thanh khoản thị trường vẫn duy trì trên ngưỡng 10.000 tỷ đồng, nhiều phiên đạt trên 14.000 tỷ đồng, cho thấy sự vận động không ngừng của dòng tiền trong việc tìm kiếm cơ hội.

Theo đó, chỉ số chung được dự báo tiếp tục rung lắc trong những phiên tới, tạo nền cho việc tích lũy thêm cổ phiếu.

Ông Hoàng Thạch Lân, Trưởng phòng Phân tích khối khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Rồng Việt lưu ý, thị trường chuẩn bị bước vào mùa công bố báo cáo tài chính quý I/2021.

Cùng kỳ năm ngoái, Covid-19 chỉ ảnh hưởng rõ rệt từ tháng 3, nhưng đã có không ít ngành chịu thiệt hại, tạo ra một mặt bằng lợi nhuận thấp.

Năm nay, dịch bệnh vẫn sẽ tác động không nhỏ tới kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Một số ngành có khả năng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng là ngân hàng, nguyên vật liệu…

“Trong ngắn hạn, thị trường vẫn tiềm ẩn rủi ro, giá cổ phiếu dự kiến sẽ giảm nhẹ hoặc đi ngang. Diễn biến chứng khoán thế giới là yếu tố cần quan tâm, vì có thể tác động lên chứng khoán Việt Nam”, ông Lân nêu quan điểm và cho rằng, nhà đầu tư cần “chọn mặt gửi vàng” với cổ phiếu của các công ty có triển vọng tăng trưởng, dựa trên những thay đổi tích cực đến các yếu tố đầu vào hay đầu ra trong hoạt động sản xuất - kinh doanh hiện tại, điển hình là nhóm ngân hàng, sắt thép, bán lẻ, hóa chất, cảng biển…

Đối với các nhà đầu tư trung hạn, từ 6 tháng đến 1 năm, kênh chứng khoán được nhận định có nhiều cơ hội thành công. Mặt bằng lãi suất thấp có khả năng sẽ kéo dài, ít nhất tới hết năm 2021, đây là môi trường lý tưởng để thị trường chứng khoán đi lên. Dựa trên quan điểm này, cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, công nghệ vẫn là nhóm có triển vọng lớn.

Thời điểm để tích lũy cổ phiếu

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS.
Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Chiến lược, Công ty Chứng khoán VPS.

Diễn biến điều chỉnh của nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới khiến tâm lý nhà đầu tư Việt Nam bị ảnh hưởng trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua. Tuy nhiên, VN-Index chuyển màu xanh khi kết tuần và thanh khoản vẫn duy trì ở mức khá cao.

Thị trường chung đang trong giai đoạn tích lũy để sẵn sàng cho cú lội ngược dòng vượt đỉnh 1.200 điểm, nhưng thực tế đã không ít cổ phiếu lớn vượt đỉnh giá lịch sử, vượt đỉnh của nhiều năm gần đây như FPT, REE, DGC, DHC, TCB, HPG...

Trong kịch bản thị trường điều chỉnh sâu hơn, các nhà đầu tư cũng có cơ hội tích lũy cổ phiếu (kịch bản tệ hơn khi VN-Index giảm về vùng 1.140 điểm), với sự phân hóa ngày càng rõ rệt. Trường hợp này, việc lựa chọn đúng cổ phiếu triển vọng, thời điểm mua và thời gian nắm giữ quan trọng hơn diễn biến của chỉ số chung.

Giai đoạn hầu như tất cả các cổ phiếu đều tăng giá đã trôi qua, sự phân hóa về giá sẽ diễn ra sâu sắc hơn. Hiện tại vẫn là thời điểm để tích lũy các cổ phiếu tốt trong nhóm ngân hàng, thép, bất động sản, dệt may, đặc biệt là dầu khí.

Tin bài liên quan