Bên cạnh diễn biến tăng mạnh của thị trường châu Á, sau 2 phiên giảm điểm, thị trường chứng khoán trong nước cũng đã hồi phục trong phiên sáng cuối tuần ngày 9/9. Tuy nhiên, thị trường đã có những dấu hiệu không mấy lạc quan như thanh khoản tiếp tục giảm mạnh, chỉ số VN-Index xanh vỏ đỏ lòng với sự hỗ trợ tích cực của ông lớn VIC.
Bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường vẫn trong trạng thái thận trọng cao độ và chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái tăng nhẹ dưới vùng giá 1.240 điểm.
Tuy nhiên, sau hơn 1 giờ nỗ lực giữ giá, bên bán dường như mất kiên nhẫn và đã gia tăng áp lực khiến thị trường chìm trong sắc đỏ, thậm chí nhiều mã bị đẩy về sát giá sàn như VCG, TCD, DIG, HBC, TDC…, đẩy VN-Index về chạm đường MA50 (1.228,54 điểm).
Dù vậy, đây vẫn đang là ngưỡng hỗ trợ mạnh của VN-Index, nên ngay khi vừa chạm tới đường MA50, lực cầu bắt đáy đã được kích hoạt, kéo hàng loạt mã quay đầu tăng giá, VN-Index theo đó cũng được lên thẳng đứng. Chỉ trong 30 phút giao dịch, chỉ số VN-Index đã hồi phục tới 20 điểm và kết phiên cuối tuần ở vùng giá cao nhất, áp sát ngưỡng 1.250 điểm (đường MA100), trong khi mức 1.228,54 điểm chính là mức điểm thấp nhất ngày.
Điểm trừ chính là thanh khoản không được cải thiện khi chỉ tương đương với phiên trước. Do đó, phiên giao dịch khởi sắc hôm nay chỉ là nhịp hồi kỹ thuật.
Đóng cửa, sàn HOSE có 281 mã tăng và 176 mã giảm, VN-Index tăng 14,18 điểm (+1,15%) lên mức giá cao nhất ngày 1.248,78 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 586 triệu đơn vị, giá trị xấp xỉ 13.800 tỷ đồng, giảm 2,27% về khối lượng và 4,27% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 44 triệu đơn vị, giá trị 1.204,86 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn đóng vai trò là điểm tựa chính của thị trường khi kết phiên chỉ còn 4 mã là PDR, STB, MBB, NVL giao dịch trong sắc đỏ với mức giảm đều chưa tới 1%.
Ngoài ra, có 5 mã đứng giá tham chiếu là ACB, CTG, FPT, KDH, VIB, còn lại có tới 21 mã khởi sắc.
Trong đó, nhiều mã lớn đã hòa nhịp thị trường khi đóng cửa mức giá cao nhất trong ngày như HPG tăng 3% lên 23.800 đồng/CP, VIC tăng 2,4% lên 64.400 đồng/CP, GAS đảo chiều hồi phục tăng 2% lên 114.000 đồng/CP, cùng các mã BVH, SAB, MSN, PLX đều tăng hơn 1%.
Đáng chú ý là GVR, sau cú lao dốc mạnh về mức giá sàn, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này đảo chiều ngoạn mục. Kết phiên, GVR tăng 1,4% lên mức giá cao nhất trong ngày 25.350 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 3,55 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, dòng bank chưa có sức bật cao nhưng hầu hết đều đóng cửa trong sắc xanh tại mức giá cao nhất ngày. Trong đó, SSI tăng nhẹ 0,7% lên mức 22.200 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt hơn 33,44 triệu đơn vị; trong khi đó, VND tăng 2% lên mức 20.400 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5, đạt xấp xỉ 17,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng đã nới nhẹ đà tăng điểm so với phiên sáng, trong đó VPB và SHB tăng tốt nhất ngành đều trên 2%, cổ phiếu khác như VCB tăng hơn 1%... Đáng chú ý là STB dù chưa tìm lại sắc xanh nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp cổ phiếu này hồi phục mạnh khi từ mức giá sát sàn và đã kết phiên chỉ còn giảm nhẹ 0,6%, với thanh khoản chỉ thua SSI và HPG khi khớp hơn 21,14 triệu đơn vị.
Trong bộ 3 nhóm trụ cột bank – chứng – thép, các cổ phiếu thép đang có diễn biến khởi sắc hơn. Ngoài HPG tăng tốt, các mã khác trong ngành cũng nới rộng đà tăng như NKG tăng 5,5% lên mức 23.000 đồng/CP với khối lượng khớp 16,17 triệu đơn vị; HSG tăng 3,4% lên 21.500 đồng/CP và khớp hơn 13 triệu đơn vị.
Tuy nhiên, tâm điểm đáng chú ý chính là sự đảo chiều ngoạn mục của nhóm cổ phiếu bất động sản và xây dựng khi hàng loạt mã được kéo từ vùng giá thấp nhất ngày lên mức cao nhất.
Điển hình như DIG từ gần mức giá sàn đã tăng vọt 5,7% và đóng cửa tại mức giá 37.000 đồng/CP, KBC tăng 5,3% lên 31.600 đồng/CP, TDH tăng 5,4% lên 5.850 đồng/CP, HDB tăng 5,2% lên 50.900 đồng/CP, CII tăng 5,6% lên 22.650 đồng/CP…
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu dầu khí cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực. Bên cạnh mã lớn GAS đảo chiều hồi phục mạnh, điểm sáng ngành là cổ phiếu PVD đã tăng trần thành công khi kết phiên đứng ở mức giá 20.500 đồng/CP, cùng thanh khoản sôi động, đạt hơn 8,32 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, thị trường cũng đảo chiều hồi phục sắc xanh và kết phiên đứng ở mức giá cao nhất ngày nhờ lực đỡ từ nhóm cổ phiếu bluechip.
Đóng cửa, sàn HNX có 97 mã tăng và 86 mã giảm, HNX-Index tăng 2,48 điểm (+0,88%) lên 284,63 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 68,6 triệu đơn vị, giá trị 1.328,3 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 4,57 triệu đơn vị, giá trị hơn 99 tỷ đồng.
Cũng như trên sàn HOSE, nhóm bluechip trên HNX chỉ còn 7 mã mất điểm, trong đó L18 giảm sâu nhất là 6,9%, còn lại chỉ giảm trên dưới 1%, với mã vốn hóa lớn NVB chỉ giảm 0,4%.
Ở chiều ngược lại, có 19 mã tăng điểm, trong đó dẫn đầu là bộ đôi họ P gồm PVC kết phiên tăng 9,1% lên sát mức giá trần 21.600 đồng/CP và khớp 2,17 triệu đơn vị, còn PVS tăng 6,8% lên mức giá cao nhất ngày 26.800 đồng/CP với khối lượng khớp lớn nhất thị trường, đạt hơn 8 triệu đơn vị. Ngoài ra, cổ phiếu khác trong ngành là PLC tăng 2,3% lên 27.100 đồng/CP.
Nhiều mã đáng chú ý cũng đã hồi phục sắc xanh và đóng cửa tại vùng giá cao nhất trong ngày như HUT tăng 4,9% lên mức cao nhất ngày 27.600 đồng/CP, IDC tăng 2,8% lên 58.800 đồng/CP, TNG tăng 2% lên 25.500 đồng/CP…
Nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng đã tìm lại sắc xanh, trong đó SHS tăng nhẹ 0,8% lên 12.200 đồng/CP, các mã MBS, BVS đều tăng hơn 1%, APS tăng 2,7% lên 15.300 đồng/CP, TVC tăng 2,4% lên 8.600 đồng/CP, VIG tăng 4,1% lên 7.600 đồng/CP…
Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục sắc xanh dù trong phần lớn thời gian giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 0,33 điểm (+0,37%) lên 90,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 50,18 triệu đơn vị, giá trị hơn 629 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 14,5 triệu đơn vị, giá trị hơn 294,66 tỷ đồng.
Cũng như các mã khác trong nhóm dầu khí, BSR đã hồi phục sắc xanh và kết phiên tăng 2,1% lên 24.500 đồng/CP, đồng thời vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản khi khớp hơn 6,49 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, OIL cũng đảo chiều tăng 2,4% và đóng cửa tại mức giá cao nhất trong phiên 12.900 đồng/CP với khối lượng giao dịch đạt 1,34 triệu đơn vị.
Còn cổ phiếu chứng khoán DSC có chút hạ độ cao so với phiên sáng khi kết phiên tăng 4,4% lên mức 23.800 đồng/CP, thanh khoản không có nhiều biến động khi khớp gần 2,7 triệu đơn vị.
Một số mã đáng chú ý như C4G tăng 1,5% lên 13.800 đồng/CP và khớp 2,59 triệu đơn vị, PAS tăng 2,2% lên 9.300 đồng/CP, DDV tăng 2,1% lên 19.300 đồng/CP…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều kết thúc tăng, trong đó, VN30F2209 tăng 10,9 điểm, tương đương +0,9% lên 1.275 điểm, khớp lệnh gần 241.040 đơn vị, khối lượng mở hơn 43.650 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, giao dịch phân hóa, nhưng bộ đôi dẫn đầu thanh khoản lại đều mất điểm. Cụ thể, CSTB2210 khớp hơn 4,1 triệu đơn vị, kết phiên giảm 11,9% xuống 370 đồng/CQ và CSTB2211 khớp hơn 1,39 triệu đơn vị, kết phiên giảm 8% xuống 460 đồng/CQ.