Giao dịch chứng khoán chiều 9/7: Thêm phiên bán tháo, xóa trọn thành quả 4 tuần liên tiếp

Giao dịch chứng khoán chiều 9/7: Thêm phiên bán tháo, xóa trọn thành quả 4 tuần liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường giảm 27,54 điểm phiên cuối tuần khiến VN-Index mất đi 73,13 điểm (5,15%) cả tuần này, đã xóa đi nỗ lực tăng điểm của 4 tuần trước đó. Điều đáng nói là đợt giảm điểm này khá mạnh mẽ và chưa cho thấy dấu hiệu phục hồi.

Phiên giảm điểm ngày hôm qua (8/7) khiến VN-Index rơi xuống dưới đường MA20, đặc biệt thanh khoản giảm rất mạnh nếu trừ đi giao dịch thỏa thuận, tất cả đã ra một tín hiệu không tích cực cho chỉ số ngày hôm nay, phiên cuối tuần. Đó là chưa kể tới sự trùng hợp khi thị trường chứng khoán thế giới đêm hôm qua có phiên giảm khá mạnh vì quan ngại về đà phục hồi kinh tế không như mong muốn.

Trên một số room chứng khoán lớn, không ít các tư vấn thẳng thừng khuyến nghị nhà đầu tư đã bán thì tiếp tục đứng ngoài thị trường, nếu mua bán chỉ lướt các cổ phiếu có sẵn trong tài khoản để giảm rủi ro T+,... Trên kênh youtube của giám đốc đầu tư tại VPS Nguyễn Toại, thậm chí còn hướng dẫn đầu tư phái sinh trong thời điểm khó kiếm lời trên thị trường chứng khoán cơ sở (xem kênh tại ĐÂY)

Do đó, giao dịch phiên sáng nay diễn ra khá thận trong với lực cầu thấp chỉ có tính thăm dò. Khi các tín hiệu xác nhận rằng dòng tiền đã đứng ngoài cuộc chơi và chưa thể sớm quay lại thì lực bán ồ ạt tung ra ở giữa phiên chiều. VN-Index lao thẳng đứng và có thời điểm mất gần 40 điểm, rơi xuống mức thấp 1.335,9 điểm. Chỉ số chỉ bật lên khi chạm vào đường dưới của dải Bollinger Band.

Mặc dù trong gần 30 phút cuối phiên, lực cầu có dấu hiệu gia tăng nhưng chưa đủ mạnh để giúp thị trường thoát khỏi phiên lao dốc. Chỉ số VN-Index bốc hơi gần 30 điểm và rơi xuống dưới vùng giá 1.350 điểm.

Kết thúc tuần giao dịch này, chỉ số đã mất đi 73,13 điểm (5,15%) đã xóa đi nỗ lực tăng điểm của 4 tuần trước đó, xác nhận thị trường đi vào ngưỡng giảm điểm trung hạn.

Trong điều kiện thị trường như hiện, mối lo sẽ đến từ dòng margin giải chấp nếu thị trường tiếp tục giảm điểm trong tuần tới.

Tìm điểm mua phù hợp với các nhà đầu tư thời điểm này là rất khó.

Đóng cửa, sàn HOSE có tới 306 mã giảm (trong đó có 42 mã giảm sàn) và chỉ 77 mã tăng, VN-Index giảm 27,54 điểm (-2,00%), xuống 1.347,14 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 760 triệu đơn vị, giá trị 25.710 tỷ đồng, tăng 37,67% về khối lượng và 27,29% về giá trị so với phiên hôm qua.

Trong nhóm VN30 chỉ duy nhất MWG giữ được sắc xanh và bảo toàn mức giá khi chốt phiên sáng tại 176.500 đồng/CP, tăng 2,3%, và TCB giữ mốc tham chiếu 56.600 đồng/CP, còn lại đều giảm khá mạnh.

Cổ phiếu NVL vẫn giữ đà giảm sâu nhất trong nhóm khi kết phiên giảm 6,6% xuống sát mức giá sàn 103.500 đồng/CP. Như vậy, chỉ tính trong 7 phiên đầu tiên của tháng 7, cổ phiếu NVL đã giảm gần 15%, trong đó 2 phiên gần đây giảm 12,3%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục đóng vai trò lực hãm chính của thị trường khi đồng loạt đều giảm mạnh như BID, CTG, HDB, TPB, MSN, ACB đều giảm hơn 2%, STB giảm 3,6% xuống 29.100 đồng/CP, VCB giảm 1,1% xuống 109.800 đồng/CP, LPB giảm 3,3% xuống 28.900 đồng/CP… Ngoại trừ duy nhất VIB vẫn giữ mức tăng khá tốt 1,9% và kết phiên tại 52.400 đồng/CP.

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng giảm sâu như HPG giảm 3,5% xuống mức 47.300 đồng/CP, MSN giảm 2,4% xuống 116.900 đồng/CP, BVH giảm 3,3% xuống 53.100 đồng/CP, PLX giảm 2,9% xuống 50.800 đồng/CP, VIC và VHM cùng giảm 2,2%, VRE giảm 6,4% về sát mức giá sàn 28.000 đồng/CP…

Không chỉ nhóm cổ phiếu lớn giảm sâu, ở nhóm vừa và nhỏ, hàng loạt mã cũng giảm sàn hoặc sát sàn. Điển hình như ROS, SCR, HNG, AGR, TLH, AMD… nằm sàn, các mã khác như HAI, HQC, ITA, KBC… giảm hơn 6%.

Trên sàn HNX, áp lực bán tháo cũng diễn ra ngay khi mở cửa phiên chiều khiến HNX-Index lao thẳng đứng về dưới mốc 310 điểm.

Kết phiên, sàn HNX có 64 mã tăng và 150 mã giảm, HNX-Index giảm 9,25 điểm (-2,93%), xuống 306,73 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 119,8 triệu đơn vị, giá trị 2.711,69 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,25 triệu đơn vị, giá trị 107,45 tỷ đồng.

Các cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán đua nhau giảm mạnh, đáng kể có SHB giảm 7,5% xuống mức 26.000 đồng/CP, BAB giảm 3,1% xuống 24.700 đồng/CP…; các mã chứng khoán như SHS, VND, MBS giảm trên 4-5%, BVS giảm 9,5% xuống sát mức giá sàn…

Ngoài ra, nhiều mã lớn khác cũng giảm khá sâu như PVS giảm 5,6% xuống 23.400 đồng/CP, IDC giảm 2,9% xuống 34.000 đồng/CP, DTK giảm 4,3% xuống 11.000 đồng/CP…

Trong đó, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản sàn HNX với 21,87 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đứng ở vị trí tiếp theo là PVS khớp 14,3 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 5,6% xuống 23.400 đồng/CP.

Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh được phiên giảm sâu trước áp lực bán mạnh.

Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 1,4 điểm (-1,58%), xuống 87,08 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114 triệu đơn vị, giá trị 1.454,64 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,1 triệu đơn vị, giá trị 38 tỷ đồng.

Cặp đôi lớn giao dịch sôi động nhất UPCoM là BSR và VGT tiếp tục lùi sâu. Trong đó, BSR giảm 6% xuống mức 17.300 đồng/CP và khớp hơn 18 triệu đơn vị, còn VGT giảm 9,9% xuống 16.400 đồng/CP và khớp 9,17 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, hàng loạt mã ngân hàng, chứng khoán cũng giảm mạnh như BVB giảm 8,4% xuống 20.700 đồng/CP, PGB và NAB cùng giảm hơn 3%, SGB giảm 7,5% xuống 18.400 đồng/CP; hay AAS giảm 11,8% xuống 12.700 đồng/CP, SBS giảm 9,7% xuống 13.000 đồng/CP, ORS giảm 7,3% xuống 22.900 đồng/CP…

Trên thị trường phái sinh, cả bốn hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2107 mất 16 điểm (-1,1%), xuống 1.497 điểm, khối lượng khớp lệnh đạt hơn 303.740 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.600 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng áp đảo, tuy nhiên hai mã giao dịch sôi động nhất đều tăng là CTCB2103 tăng 0,8% lên 10.760 đồng/cq, khớp 97.840 đơn vị và CNVL2102 tăng 0,6% lên 3.250 đồng/cq, khớp 46.580 đơn vị.

Tin bài liên quan