Mặc dù sự hỗ trợ khá tích cực của bluechip đã giúp VN-Index lần lượt có những phiên hồi phục đầu tháng 7, tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư sau chuỗi giảm sâu cuối tháng 6 khiến thanh khoản thị trường sụt giảm. Dòng tiền tham gia tỏ ra dè dặt và thăm dò hơn khiến thị trường thiếu động lực để bật cao.
Trong phiên giao dịch hôm qua (7/7), lực cầu có dấu hiệu cải thiện giúp VN-Index thử thách vùng giá 870 điểm, nhưng “cú hạ mình” đột ngột vào cuối phiên khiến nhà đầu tư thót tim khi thị trường may mắn vẫn giữ được sắc xanh nhạt. Chính vì vậy, nhà đầu tư nhanh chóng quay trở lại trạng thái thăm dò khi bước vào phiên giao dịch 8/7.
Bên cạnh lực cầu thận trọng, áp lực bán gia tăng khiến thị trường rung lắc, chỉ số VN-Index biến động giằng co trong biên độ hẹp và đã có được đà tăng nhẹ khi chốt phiên sáng.
Bước vào phiên giao dịch chiều, thị trường không có thêm tín hiệu tích cực. Diễn biến phân hóa của thị trường nói chung và của nhóm bluechip nói riêng khiến VN-Index lình xình giằng co nhẹ. Tuy nhiên, chỉ số này đã bảo toàn được sắc xanh nhạt, ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp trong bối cảnh thanh khoản khá thấp.
Đóng cửa, với 156 mã tăng và 196 mã giảm, VN-Index tăng 1,08 điểm (+0,13%) lên 864,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 237,54 triệu đơn vị, giá trị 4.302,28 tỷ đồng, giảm 28,24% về khối lượng và 24,74% về giá trị so với phiên 7/7.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,53 triệu đơn vị, giá trị 1.262,83 tỷ đồng, trong đó đáng kể DHC thỏa thuận 11,25 triệu đơn vị, giá trị 371,94 tỷ đồng; TCB thỏa thuận gần 11,9 triệu đơn vị, giá trị 241,42 tỷ đồng.
Nhóm VN30 khá phân hóa với 12 mã tăng và 13 mã giảm. Trong khi hầu hết các mã tăng giảm trong biên độ khá hẹp trên dưới 0,5% thì SAB vẫn duy trì phiên tăng khá tốt thứ 6 liên tiếp sau thông tin nhà nước sẽ thoái toàn bộ 36% vốn tại Sabeco.
Kết phiên hôm nay, SAB +4,27% lên mức 193.000 đồng/CP với khối lượng khớp gần 357.500 đơn vị. Tính trong 6 phiên đầu tháng 7, cổ phiếu SAB đã tăng 22,93%.
Những điểm sáng như GTN, DHC, SJF, MHC, QCG… vẫn giữ nhiệt khi bảo toàn sắc tím với giao dịch khá tích cực như GTN khớp gần 5,4 triệu đơn vị, DHC khớp 2,39 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 0,66 triệu đơn vị, MHC khớp 1,32 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị, SJF khớp gần 1 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1,6 triệu đơn vị…
Trái lại, DAH vẫn bị xả bán mạnh và xác lập phiên giảm sàn thứ 5 liên tiếp, lùi về mức giá 12.650 đồng/CP với khối lượng khớp gần 0,7 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,38 triệu đơn vị.
Về thanh khoản, cặp đôi cổ phiếu ngành thép vẫn giữ được nhịp giao dịch sôi động với HSG dẫn đầu về khối lượng khớp lệnh, đạt 10,43 triệu đơn vị; còn HPG khớp 9,16 triệu đơn vị. Tuy nhiên, kết phiên HSG -1,69% xuống 11.600 đồng/CP, còn HPG -1,06% xuống 28.050 đồng/CP.
Trên sàn HNX, sau hơn nửa thời gian của phiên chiều giằng co, HNX-Index đã khởi sắc hơn về cuối phiên.
Đóng cửa, với 78 mã tăng và 54 mã giảm, HNX-Index tăng 0,64,15 điểm (+0,56%) lên 113,71 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,2 triệu đơn vị, giá trị 270,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,7 triệu đơn vị, giá trị 69,5 tỷ đồng.
Bên cạnh DGC, SHS, SHB, VCG dừng chân ở mốc tham chiếu, một số bluechip dù tăng nhẹ nhưng vẫn hỗ trợ tốt cho thị trường như ACB, NVB, VCG, VCS, PVB…
Trong đó, NVB vươn lên vị trí dẫn đầu thanh khoản với 2,68 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa +2,22% lên 9.200 đồng/CP, còn MBG lùi về mốc tham chiếu với khối lượng khớp 1,79 triệu đơn vị.
Các mã khác như ACB, PVS, HUT, SHB, KLF, SHS cũng có khối lượng khớp hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường giao dịch khởi sắc hơn trong phiên chiều sau diễn biến giằng co nhẹ ở phiên sáng.
Đóng cửa, với 98 mã tăng và 61 mã giảm, UPCoM-Index tăng 0,42 điểm (+0,75%) lên 56,78 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 10,96 triệu đơn vị, giá trị 168,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2,76 triệu đơn vị, giá trị 33,29 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như VGI +3,53% lên 29.300 đồng/CP, VEA +2,06% lên 44.500 đồng/CP, MSR +3,97% lên 15.700 đồng/CP, BCM +1,13% lên 26.800 đồng/CP, VIB +3,37% lên 18.400 đồng/CP…
Cổ phiếu VIB dẫn đầu thanh khoản với khối lượng giao dịch đạt 1,86 triệu đơn vị. Tiếp theo đó, LBP và BSR cùng đứng giá tham chiếu với khối lượng giao dịch lần lượt đạt 1,79 triệu đơn vị và 1,35 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng đều tăng. Trong đó, hợp đồng VN30F2007 đáo hạn ngày 16/7 tăng 1,02% lên 802,1 điểm với 182.464 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở 25.396 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 13 mã tăng và 13 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CMSN2004 với 43.441 đơn vị được giao dịch, đóng cửa đứng giá tham chiếu 30 đồng.