Trong phiên sáng, sau thời gian đầu gặp khó khi tiếp cận ngưỡng cản tâm lý mạnh 1.300 điểm, VN-Index sau đó đã trở lại mạnh mẽ, bứt lên và vượt qua ngưỡng cản này một cách chắc chắn, thậm chí còn vượt qua ngưỡng 1.310 điểm với sắc xanh chiếm thế áp đảo. Trên bảng điện tử, nhiều cổ phiếu bất động sản công nghiệp, một số bất động sản dân dụng, hay 2 mã ngân hàng là STB và SHB… khoe sắc tím. Tuy nhiên, việc thiếu đi sự hỗ trợ của dòng tiền lớn khiến VN-Index hạ nhiệt trong những phút cuối phiên, không giữ được mức điểm cao nhất.
Bước vào phiên chiều, sự hưng phấn tiếp diễn giúp VN-Index lấy lại đà tăng, vượt qua đỉnh phiên sáng, lên trên mốc 1.315 điểm, thiết lập đỉnh mới của ngày. Giao dịch của thị trường sôi động hơn khi có sự tham gia của nhóm FLC (không được giao dịch trong phiên sáng). Sự nhập cuộc của nhóm cổ phiếu này giúp lan tỏa dòng tiền sang nhiều mã có tính đầu cơ khác, giúp sắc tím lan rộng, nhiều gấp đôi so với phiên sáng.
Tuy nhiên, việc dòng tiền vẫn tỏ ra thận trọng, trong khi nhiều nhà đầu tư tranh thủ thị trường lên để chốt lời sớm ở một số mã bluechip, khiến VN-Index quay đầu hạ nhiệt, dù có nhích trở lại trong đợt ATC, nhưng vẫn đóng cửa thấp hơn phiên sáng, dưới mốc 1.310 điểm.
Dường như thông tin về việc sàn HOSE sẽ được nới room từ 3 triệu lệnh hiện nay lên 5 triệu lệnh mà Bộ trưởng Bộ Tài chính trả lời chất vấn trước Quốc hội không tạo tác động tâm lý tích cực nào cho thị trường. Nếu thông tin này được đưa ra cách đây hơn 6 tháng, chắc đã tạo nên con sóng lớn và lúc đó đỉnh lịch sử của VN-Index có thể không chỉ dừng lại ở mức quanh vùng 1.530 điểm và con số kỷ lục về thanh khoản cũng sẽ cao hơn nhiều. Tuy nhiên, hiện nay khi dòng tiền không còn dồi dào như năm ngoái, room hiện tại còn dư thừa nhiều, thì thông tin trên không ảnh hưởng nhiều tới thị trường.
Chốt phiên, VN-Index tăng 16,56 điểm (+1,28%), lên 1.307,91 điểm với 389 mã tăng, trong đó sắc tím lên 46 mã, trong khi số mã giảm chỉ 80 mã, chỉ 2 mã sàn. Tổng khối lượng giao dịch đạt 584 triệu đơn vị, giá trị 16.746,5 tỷ đồng, giảm 13% về khối lượng và 6% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,3 triệu đơn vị, giá trị 1.079 tỷ đồng.
Đúng như dự đoán trong phiên sáng, việc KLF và ART trên sàn HNX khoe sắc tím có thể báo hiệu phiên khởi sắc của các mã họ FLC trên HOSE khi nhóm này được giao dịch trong phiên chiều.
Dù mở cửa trong sắc đỏ, thậm chí có lúc bị đẩy xuống mức sàn, nhưng ngay sau đó dòng tiền đầu cơ nhập cuộc đã kéo cả nhóm leo thẳng lên mức trần, trong đó FLC lên 5.180 đồng, ROS 3.310 đồng, HAI 2.580 đồng, AMD 3.430 đồng và đều còn dư mua giá trần khi đóng cửa phiên, trong đó thanh khoản tốt nhất là ROS với hơn 6,45 triệu đơn vị.
Sự trỗi dậy của nhóm FLC đã kích hoạt dòng tiền bắt đáy vào các mã có tính đầu cơ khác, kéo hàng loạt mã tăng trần theo như NVT, HQC, LDG, FCN, JVC, QCG..., cùng với các mã bất động sản công nghiệp và một số mã bất động sản khác từ phiên sáng.
Nhóm ngân hàng ngoài STB và SHB cũng có thêm LPB tăng trần trong phiên chiều. Trong 7 mã đóng góp nhiều điểm số nhất cho VN-Index hôm nay có tới 6 mã ngân hàng, cùng GVR. Tuy nhiên, anh cả của ngành là VCB lại nới đà tăng thành giảm 2,2% xuống 79.200 đồng, lấy đi của VN-Index hơn 2 điểm, là nguyên nhân chính khiến VN-Index yếu đà chiều nay. Bên cạnh đó còn phải kể tới sắc đỏ tại HPG hay việc GAS bị chốt lời đảo chiều giảm nhẹ.
Nhóm chứng khoán cũng có 3 sắc tím là FTS, VDS và VCI, trong khi chỉ có duy nhất TVS giảm 2,7%.
Diễn biến trên sàn HNX cũng tương tự khi HNX-Index tạo đỉnh của ngày ngay đầu phiên chiều, sau đó hạ nhiệt dần khi một số bluechip bị chốt lời.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,78 điểm (+2,23%), lên 310,93 điểm với 163 mã tăng và 61 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 82 triệu đơn vị, giá trị 2.027,6 tỷ đồng, giảm 37,4% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên trước đó. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 5,6 triệu đơn vị, giá trị 120 tỷ đồng.
Trong các mã gây sức ép khiến HNX-Index hạ nhiệt, đáng chú ý là PVS khi đảo chiều giảm 3% xuống 32.000 đồng sau 3 phiên tăng liên tiếp. Khối lượng giao dịch đạt 13,7 triệu đơn vị, vẫn dẫn đầu sàn HNX.
Một mã dầu khí khác cũng bị chốt lời và quay đầu giảm là PVC giảm 2,7% xuống 25.300 đồng, khớp 2,72 triệu đơn vị.
Trong khi đó, SHS vẫn tăng 4% lên 18.300 đồng, khớp 8,16 triệu đơn vị. HUT tăng 2,3% lên 30.700 đồng, khớp 4,9 triệu đơn vị. CEO tăng 4,9% lên 41.000 đồng, khớp 4,18 triệu đơn vị. IDC tăng 4,1% lên 53.100 đồng, khớp 2,24 triệu đơn vị.
Hai mã họ FLC là KLF và ART vẫn duy trì sắc tím và đều còn dư mua giá trần khá lớn. Trong đó, KLF khớp hơn 2,9 triệu đơn vị và ART khớp gần 1,23 triệu đơn vị.
UPCoM dù có lúc cũng yếu đà giữa phiên chiều, nhưng lấy lại được đà tăng và đóng cửa cao hơn phiên sáng, khác với 2 sàn niêm yết.
Đóng cửa, UPCoM-Index tăng 1,31 điểm (+1,4%), lên 95 điểm với 234 mã tăng, trong khi chỉ có 75 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 57,5 triệu đơn vị, giá trị 1.326 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 191,6 tỷ đồng.
Trong khi nhiều mã dầu khí trên HOSE và HNX bị chốt lời quay đầu giảm, thì 2 mã đáng chú ý trên UPCoM là BSR và OIL vẫn duy trì đà tăng. Trong đó, BSR tăng 2% lên 31.200 đồng, khớp 13,75 triệu đơn vị, đứng đầu UPCoM. OIL tăng 4% lên 15.600 đồng, khớp 3,3 triệu đơn vị, đứng thứ 3 sau SBS. SBS không còn giữ được đà tăng như phiên sáng, mà quay về tham chiếu 11.500 đồng, khớp 5,24 triệu đơn vị.
Các mã đáng chú ý khác có VGT tăng 6,1% lên 20.900 đồng, khớp 2,89 triệu đơn vị, C4G tăng 2,2% lên 13.900 đồng, khớp 2,7 triệu đơn vị.
Chứng khoán phái sinh cũng đều tăng khá mạnh theo cơ sở. Trong đó, hợp đồng đáo hạn tháng 6 VN30F2206 tăng 18 điểm (+1,4%), lên 1.330 điểm, thanh khoản đạt 267.430 hợp đồng, giảm nhẹ so với hôm qua. Khối lượng mở đạt 34.646 hợp đồng, nhiều hơn 803 hợp đồng so với hôm qua.
Trên thị trường chứng quyền, số mã tăng chiếm thế áp đảo so với số mã giảm, trong đó mã tăng mạnh nhất là CSTB2210 do HSC phát hành, tăng 56,5% lên 720 đồng, thanh khoản 760.500 đơn vị. Trong khi CVNM2202 do MBS phát hành lại giảm mạnh nhất với mức giảm 40% xuống 90 đồng, thanh khoản 113.200 hợp đồng. Hôm nay có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CTCB2112 do SSI phát hành, CVPB2202 do VNDirect phát hành và CHPG2211 do MBS phát hành và đều đóng cửa tăng giá.