Nếu như kết thúc phiên sáng, thị trường chỉ đơn giản ra chỉ báo về một phiên điều chỉnh tiếp theo, cơ hội đảo chiều trở lại xu hướng tăng điểm vẹn nguyên thì bước sang phiên chiều, như cơn mưa bất chợt ở Hà Nội, lệnh bán ồ ạt đã dập tan hy vọng phục hồi.
Thị trường rớt mạnh và dứt khoát, nhiều mã có dấu hiệu bị xả margin khối lượng lớn về nằm giá sàn, đặc biệt là bộ đôi dầu khí PVD và PVT, vốn vẫn được khuyên mua vào cuối tuần trước hoặc thậm chí ở một số room VIP tối qua còn khuyến nghị giá mục tiêu 30x trong tháng 6.
Các mã ngân hàng, chứng khoán, thép không ngoại lệ, cơ bản đã phá vỡ ngưỡng hỗ trợ ngắn hạn, và từ đó kích hoạt lệnh bán chốt lời hoặc xả margin. Hàng loạt mã tăng nóng trước đó đã về giá sàn không thương tiếc như STB, LPB, HSG, AGR... Riêng STB, LPB dư bán giá sàn tới hơn 4 triệu cổ phiếu.
Trong VN30 chỉ còn 4 mã giữ được màu xanh khiến VN30-Index mất tới hơn 45 điểm, còn tổng thể chung thị trường, số mã giảm điểm áp đảo với 261 mã, VN-Index có phiên giảm điểm rất sâu 38,9 điểm.
Mức giảm của VN-Index đã phá vỡ liên tiếp 2 ngưỡng hỗ trợ gần trong khoảng 1.350 - 1.355 điểm, và vùng 1.340 - 1.345 điểm, rơi về sát ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.300 điểm. Tất cả cho thấy, xu hướng tăng của thị trường 2 tháng qua đã bị bẻ gẫy.
Nhìn lại 2 phiên giảm điểm liên tiếp có thể thấy, đà giảm của thị trường ngoài quy luật chứng khoán không thể tăng mãi, thì còn được "hỗ trợ" bởi chính các vấn đề nội tại của hệ thống giao dịch. Tình trạng nghẽn lệnh, treo bảng và không cho hủy lệnh kích hoạt một kiểu giao dịch "bán mọi giá bằng lệnh MP" thay thế cho cái được gọi là thị trường với nguyên tắc "thuận mua, vừa bán, xác định giá trên cơ sở cung cầu".
Có nghĩa là các quyết định điều hành thị trường gần đây và sự yếu kém cố hữu của hệ thống đã bóp méo "thị trường" chứng khoán.
Điều an ủi với nhà đầu tư hiện tại đó là thị trường tăng nhanh thì sẽ giảm nhanh, và giảm nhanh thì sẽ tăng nhanh trở lại khi lượng cổ phiếu được bán ra ồ ạt với giá sau mỗi phiên lại rẻ đi đáng kể. Lượng tiền còn ở lại, và nếu có thêm tiền mới thì thị trường còn cơ hội phục hồi, thậm chí là phục hồi mạnh.
Đóng cửa, với 94 mã tăng và 321 mã giảm, VN-Index giảm 38,9 điểm (-2,86%) xuống 1.319,88 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 924,51 triệu đơn vị, giá trị 30.296,56 tỷ đồng, tăng gần 6% về khối lượng và 5% về giá trị so với phiên 7/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 49,93 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.619 tỷ đồng.
Trong rổ VN30, chỉ còn VNM, SBT, VJC và REE là tăng điểm, trong đó VJC bật mạnh với mức tăng 4,8% lên 117.200 đồng, còn lại đều giảm điểm. Các mã giảm mạnh nhất đều là các cổ phiếu ngân hàng, thép, chứng khoán, dầu khí với mức giảm từ 5-6% như HPG -5,1% về 50.000 đồng, SSI -6,7% về 44.000 đồng, POW -6,2% về 12.100 đồng, HDB -6,8% về 32.300 đồng, MBB -6,2% xuống 37.300 đồng…
Thậm chí, các mã STB, LPB, MSB, HCM, AGR, CTS, PVD, PVT, HSG, NKG… còn giảm sàn và trắng bên mua. Trong đó, STB về mức 28.600 đồng, LPB về 29.250 đồng, PVD về 23.650 đồng, HSG về 42.250 đồng, HCM về 37.150 đồng.
Trong đó, thanh khoản DXG tăng vọt với 24 triệu đơn vị khớp lệnh. FLC khớp lệnh 30,42 triệu đơn vị, ROS là hơn 16 triệu đơn vị.
SCR đã mất sắc tím khi còn tăng 6,2% lên 11.100 đồng, khớp lệnh 22,3 triệu đơn vị. HQC +3,2% lên 3.820 đồng, khớp lẹnh 29,9 triệu đơn vị. ITA +0,5 lên 7.750 đồng, khớp lệnh 27,89 triệu đơn vị…
Trên sàn HNX, áp lực bán còn mạnh hơn khiến chỉ số này giảm tới gần 4% - là một trong những phiên giảm mạnh nhất kể từ đầu năm.
Đóng cửa, với 70 mã tăng và 154 mã giảm, HNX-Index giảm 12,25 điểm (-3,84%) xuống 306,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 238 triệu đơn vị, giá trị 5.689,09 tỷ đồng, tăng 6% về khối lượng và 4% về giá trị so với phiên 7/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 15,78 triệu đơn vị, giá trị 432,47 tỷ đồng.
Rổ HNX cũng chỉ còn 3 mã tăng là VMC, DTD, SLS, còn lại là giảm điểm. Trong đó, SHB -3,3% về 29.000 đồng, NVB -4,5% về 19.300 đồng, MBS -9,6% về 25.500 đồng, TNG và TVC cùng giảm hơn 7,1%... Các mã PVS, PVB, PVC, CEO còn giảm sàn.
Về thanh khoản, SHB dẫn đầu sàn với 53,63 triệu đơn vị. PVS khớp 31,25 triệu đơn vị (27.000 đồng). SHS và NVB khớp từ 11-16 triệu đơn vị.
NBC giữ vững mức tăng trần +9,3% lên 9.400 đồng, khớp lệnh 1,39 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, chỉ số UPCoM-Index cũng chìm trong sắc đỏ dưới áp lực bán mạnh, thanh khoản cải thiện.
Đóng cửa, với 136 mã tăng và 176 mã giảm, UpCoM-Index giảm 2,67 điểm (-2,99%) xuống 86,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 113,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.030 tỷ đồng, tăng 4% về khối lượng và 3% về giá trị so với phiên 7/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9,2 triệu đơn vị, giá trị 192,7 tỷ đồng.
Trong số các mã có thanh khoản từ 1 triệu đơn vị trở lên, tăng điểm chỉ có DVN +3,5% lên 23.900 đồng, MSR +2,4% lên 21.500 đồng, DDV +2,1% lên 14.600 đồng, LTG +0,3% lên 37.200 đồng…
Còn lại đều giảm điểm mạnh như BSR -10,2% xuống 18.400 đồng, OIL -11,2% xuống 14.200 đồng, VGT -4,7% xuống 18.400 đồng…
Về thanh khoản, BSR dẫn đầu với 35,66 triệu đơn vị, vượt trội so với các mã đứng sau như ABB với 6,27 triệu đơn vị, AAS và SBS với cùng khoảng 4,7 triệu đơn vị…
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm điểm, trong đó mã VN30F2106 giảm 55,1 điểm (-3,71%) xuống 1.429,9 điểm với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 265.915 đơn vị, khối lượng mở gần 32.890 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm thị trường, song 2 mã thanh khoản tốt nhất là CVNM2011 và CVJC2006 đều không giảm điểm. Cụ thể, CVNM2011 đứng giá 40 đồng/CQ, khớp lệnh 1.243.800 đơn vị, còn CVJC2006 tăng 11,11% lên 190 đồng/CQ, khớp lệnh 1.078.200 đơn vị.