Trong phiên sáng, mặc dù có chút thăm dò đầu phiên nhưng gác lại những lo ngại về áp lực chốt lời tăng bởi đây là phiên “hàng về” của gần 1,5 tỷ cổ phiếu mua vào ngày 3/11, phiên giao dịch sáng đầu tuần đã diễn ra khá thuận lợi. Dòng tiền nhanh chóng nhập cuộc sôi động và lan tỏa thị trường, cùng nhóm cổ phiếu chứng khoán đua nhau tăng mạnh, đã dẫn dắt VN-Index lên vùng đỉnh mới.
Bước vào phiên giao dịch chiều, nhóm ngân hàng bất chợt quay đầu tăng điểm kéo thị trường tiếp tục vượt ngưỡng 1.470 điểm chỉ sau chưa đầy 20 phút mở cửa. Tuy nhiên, ngay khi chạm vùng giá này, áp lực bán đã gia tăng mạnh khiến thị trường thoái lui.
Cú rơi mạnh của thị trường sau đó với việc VN-Index trong nửa giờ đồng hồ khiến nhiều nhà đầu tư buộc phải lo lắng, đặc biệt với việc nhà đầu tư nắm giữ nhóm cổ phiếu nhỏ và vừa. Kịch bản kéo cổ phiếu trụ, xả nhóm cổ phiếu bất động sản mới vừa diễn ra cách đây có 3 phiên mà thôi!
Nhưng cũng có lẽ kinh nghiệm phiên hôm 3/10 còn quá mới nên khi lượng hàng bán ra tăng mạnh đưa chỉ số lao dốc thì cũng là lúc lực mua giá thấp tăng mạnh, đưa VN-Index vượt cả ngưỡng điểm lịch sử vừa thiết lập khi kết thúc phiên sáng.
Cú rung lắc mạnh ngay trong phiên đã giúp thanh khoản đạt mức rất tốt, vượt ngưỡng 30.000 tỷ đồng trên HOSE, đồng thời giúp trấn an nhà đầu tư rằng dòng tiền còn rất mạnh, việc sụt nhanh và ngay trong một phiên là khó có thể diễn ra.
Thực ra khi thị trường vượt đỉnh cũ với đa số nhà đầu tư có lãi thì những phiên rung lắc điều chỉnh là tất yếu do có một bộ phận nhà đầu tư đảo danh mục, hoặc chốt lời vì đã đạt mức lãi mục tiêu. Dù những phiên rung lắc như ngày 3/11 hoặc như chiều nay thì khá... đau tim!
Dòng tiền quá mạnh thì nhịp phân phối nếu có cần có sự xác nhận về khối lượng tăng đột biến kèm giá giảm sâu, hoặc như đợt cuối tháng 6/2011, nhịp phân phối diễn ra trong khoảng hơn một tuần khi khối lượng cao nhưng điểm số không tăng đáng kể. Với từng cổ phiếu cụ thể thì mẫu hình phân phối khá đa dạng, những nhà tạo lập sẽ không dễ để các nhà đầu tư nhỏ lẻ "bắt bài", nên việc quản trị rủi ro trong sóng tăng luôn là kỷ luật cần tuân thủ.
Về mặt kỹ thuật, thị trường vẫn chưa phát đi các dấu hiệu cảnh báo rủi ro dù đã có 3 phiên tăng điểm liên tiếp. Trong quá khứ, khi thị trường vượt đỉnh giá cũ thì thị trường thường có nhịp tăng tốt 1-2 tháng trước khi bước vào đợt điều chỉnh ngắn hạn, có lẽ trong 1-2 tuần tới thì nhà đầu tư chưa phải quá lo lắng cho danh mục đầu tư của mình.
Chốt phiên, sàn HOSE có 288 mã tăng (35 mã tăng trần) và 148 mã giảm (1 mã giảm sàn), VN-Index tăng 11,06 điểm (+0,76%), lên 1.467,57 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1.075 triệu đơn vị, giá trị 31.439 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và 20,27% so với phiên trước đó. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 69 triệu đơn vị, giá trị 2.641,54 tỷ đồng.
Nhóm VN30 cũng diễn biến tích cực hơn về cuối phiên khi ghi nhận 17 mã tăng và 12 mã giảm. Trong đó, đại diện nhóm chứng khoán – cổ phiếu SSI vẫn dẫn đầu mức tăng khi kết phiên đứng tại mức giá 44.500 đồng/CP, tăng 3,7%.
Bên cạnh đó, nhiều mã lớn cũng nới rộng biên độ tăng hơn như MSN tăng 2,8%, VNM tăng 1,8%, GVR, PLX và VJC cùng tăng 1,5%.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm sâu nhất cũng để mất chưa tới 2%, với đà giảm sâu nhất là PDR giảm 1,9%, VPB và VRE cùng giảm 1,1%.
Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ vẫn là tâm điểm của thị trường với hàng loạt mã đua nhau tăng trần. Đáng chú ý, bên cạnh cặp đôi nhà bầu Đức là HAG – HNG vẫn duy trì sức nóng, trong phiên chiều còn có thêm sự góp mặt của họ FLC với bộ 3 gồm ROS, AMD, HAI cũng khoe sắc tím, FLC tăng mạnh lên sát trần cùng thanh khoản vươn lên vị trí dẫn đầu thị trường với 44,35 triệu đơn vị khớp lệnh.
Xét về nhóm ngành, sóng cổ phiếu chứng khoán tiếp tục dâng cao khi chỉ còn 2 mã giao dịch trên UPCoM là MBS và DSC đứng tại mức giá đỏ, còn lại đều khởi sắc.
Cụ thể, các mã CTS, VIX, PSI và IVS cùng đóng cửa tăng kịch trần và đều trong trạng thái dư mua trần; các mã lớn đầu ngành vẫn tăng tốt như HCM tăng 4,5%, VCI và SHS cùng tăng trên dưới 1,5%, VND tăng 5,1%, SSI tăng 3,1% lên mức 44.500 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vẫn vượt trội, đứng thứ 3 trong top cổ phiếu thanh khoản tốt nhất thị trường, đạt hơn 31,64 triệu đơn vị.
Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đang có những tín hiệu tích cực hơn. Bên cạnh dòng tiền tham gia sôi động giúp thanh khoản cải thiện, nhiều mã bank cũng hồi phục sắc xanh. Trong nhóm bank, đáng kể có MSB tăng 2,24%, LPB và HDB tăng hơn 1%, các mã VCB, BID, CTG, STB, TPB hầu hết tăng hơn 0,5%.
Về thanh khoản, cặp đôi STB và MSB dẫn đầu trong nhóm bank với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 22,64 triệu đơn vị và gần 21,4 triệu đơn vị, cùng thuộc top 10 mã thanh khoản tốt nhất thị trường. Ngoài ra, TCB, SHB, LPB, MBB, CTG cũng khớp trên 10 triệu đơn vị.
Trong khi đó, một trong bộ 3 trụ cột còn lại là cổ phiếu thép vẫn chưa thấy tín hiệu hồi phục trở lại khi sắc đỏ vẫn chiếm chủ đạo. Ngoại trừ HPG nhích nhẹ khi tăng chưa tới 0,5%, các mã còn lại là HSG, TLH, NKG, POM, SMC vẫn điều chỉnh nhẹ.
Ở các nhóm cổ phiếu khác như chăn nuôi với DBC, VLC…, hay phân bón có DPM, DCM, VAF, PCE, PMB, PSW, hay nhóm mía đường có SBT và LSS vẫn giữ biên độ tăng khá rộng.
Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu HNX30 vẫn là điểm tựa chính dẫn dắt đà tăng của thị trường.
Đóng cửa, sàn HNX có 139 mã tăng và 79 mã giảm, HNX-Index tăng 4,46 điểm (+1,04%), lên 432,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 159,43 triệu đơn vị, giá trị 3.914,5 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 10,16 triệu đơn vị, giá trị 335,97 tỷ đồng.
Nhóm HNX30 phần lớn đều kết phiên tăng mạnh khi có tới 23 mã tăng và chỉ còn 4 mã giao dịch dưới mốc tham chiếu. Chỉ số HNX30-Index tăng tới hơn 15,5 điểm, tương ứng tăng 2,24% lên gần 710 điểm.
Trong đó, cổ phiếu CEO vẫn giữ vững đà tăng trần và kết phiên đứng tại mức giá 13.700 đồng/CP với thanh khoản đạt 13,38 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu IDC tiếp tục tỏa sáng khi tăng tới 9% và kết phiên đứng tại mức giá 94.500 đồng/CP. Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng qua, giá cổ phiếu IDC đã tăng tới gần 82%, từ mức giá 52.000 đồng/CP (giá đóng cửa phiên 30/9).
Các mã tăng mạnh khác như TAR tăng 5,6%, SLS tăng 4,7%, DXP tăng 3,2%... hay các cổ phiếu chứng khoán như SHS,MBS, BVS đều tăng hơn 1%...
Trái lại, NRC vẫn giảm sâu nhất trong nhóm HNX30 khi để mất 6,1%, tiếp theo là NVB giảm 1,7%, còn VCS và LAS giảm trên dưới 0,5%.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, thành viên FLC là KLF cũng tăng vọt trong phiên chiều và kết phiên đứng sát mức giá trần 5.800 đồng/CP, cùng thanh khoản dẫn đầu sàn HNX với 13,77 triệu đơn vị khớp lệnh.
Trên UPCoM, sắc xanh lan rộng cũng giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm.
Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,82 điểm (+0,76%), lên 109,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 123,55 triệu đơn vị, giá trị 2.683,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 36,69 triệu đơn vị, giá trị 855,27 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán SBS vẫn là tâm điểm của thị trường khi kết phiên vẫn tăng khá tốt với biên độ 3,8% lên mức giá 16.400 đồng/CP cùng thanh khoản vượt trội, đạt xấp xỉ 18 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, với kết quả kinh doanh quý III/2021 khả quan khi ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 83 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, cổ phiếu HHV đã có phiên giao dịch khởi sắc khi kết phiên tăng 3,9% lên mức 21.400 đồng/CP và thanh khoản đạt 8,75 triệu đơn vị, chỉ thua SBS.
Ngoài ra, các mã lớn khác như ACV, VEA, MSR, MCH… cũng kết phiên trong sắc xanh, hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2111 tăng nhẹ 3 điểm (+0,2%), lên 1.537,7 điểm, khớp lệnh hơn 106.260 đơn vị, khối lượng mở gần 32.650 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm chủ đạo hơn, trong đó CVRE2109 dẫn đầu thanh khoản với 184.140 đơn vị được khớp lệnh và đóng cửa giảm 3,8% xuống 1.260 đồng/CQ.