Trong phiên sáng, bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước quyết định nới room tín dụng cho các ngân hàng, thị trường chứng khoán vẫn chìm trong sắc đỏ. Dòng tiền vốn được kỳ vọng sẽ chảy mạnh khi room tín dụng được nới đã không diễn ra trong phiên sáng. Nhóm ngân hàng chỉ có vài sắc xanh nhạt, trong đó 2 ngân hàng được nới room mạnh nhất là Vietcombank (VCB) và MB (MBB) thậm chí còn giảm và đứng giá.
Bước sang phiên chiều, ngay khi thị trường giao dịch trở lại sau giờ nghỉ trưa, lực bán đã ồ ạt được tung vào, kéo thêm hàng chục mã nữa giảm, sắc đỏ sau đó càng nhiều thêm với hơn 400 mã chỉ riêng trên sàn HOSE. Trong khi các mã giảm phiên sáng thì nới rộng thêm trong phiên chiều trước áp lực bán gia tăng mạnh mẽ. Các mã có tính dẫn dắt như ngân hàng, chứng khoán, thép mỗi nhóm chỉ còn 1 mã giữ được sắc xanh nhạt, trong khi nhóm phân bón, dầu khí thì nhuộm đỏ.
Trong phiên giao dịch chiều, sức bán tiếp tục diễn ra mạnh hơn nữa trong đợt ATC, kéo thêm hàng chục mã giảm sàn và VN-Index mất hơn 34 điểm, đóng cửa ở mức thấp nhất ngày.
Mặc dù số liệu nới room cho các ngân hàng không được công bố, nhưng một số thông tin lan truyền trên thị trường cho thấy mức nới room không lớn như kỳ vọng trước đó, đa số mức tăng thêm trong khoảng 0,7-4%, điều này có nghĩa khả năng mở rộng cho vay thêm của nhiều ngân hàng, đồng nghĩa với lợi nhuận những tháng cuối năm không còn lớn.
Ngân hàng Nhà nước chính thức nới room tín dụng cho các ngân hàng
Đây là phiên giảm mạnh nhất hơn 2 tháng của thị trường, đẩy VN-Index xuống dưới mốc 1.245 điểm và ra ngoài dải dưới bollinger trên đồ thị kỹ thuật. Thanh khoản hôm nay cũng cải thiện đáng kể so với 4 phiên liền trước.
Chốt phiên, VN-Index giảm 34,23 điểm (-2,68%), xuống 1.243,17 điểm với 71 mã tăng, trong khi có tới 423 mã giảm (nhiều hơn phiên sáng 90 mã), trong đó có tới 30 mã giảm kịch sàn, trong khi phiên sáng chỉ có duy nhất KPF. Tổng khối lượng giao dịch đạt 845,9 triệu đơn vị, giá trị 20.187 tỷ đồng, tăng 46% về khối lượng và 39% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 55,7 triệu đơn vị, giá trị 1.505 tỷ đồng.
Trong nhóm ngân hàng, có 2 mã giảm trên 5% là BID giảm 5,6% xuống 37.800 đồng và SHB giảm 5,5% xuống 14.650 đồng. Có 3 mã giảm trên 3% và đều là các mã lớn như CTG giảm 3,2% xuống 27.350 đồng, VCB giảm 3,3% xuống 80.000 đồng và VPB giảm 3,5% xuống 30.300 đồng. Phiên hôm nay đúng với câu nói cửa miệng “tin ra là bán”, bởi trước đó với thông tin rỉ tai nới room, VCB đã bật tăng trong tuần cuối tháng 8, từ mức 80 lên 86.5, sau đó đã bị chốt lời trong phiên trước kỳ nghỉ lễ, sau khi hồi nhẹ hôm qua, thì hôm nay sau khi tin nới room chính thức được công bố, VCB đã bị bán mạnh và về lại điểm xuất phát.
Ngoài ra, nhóm ngân hàng hôm nay còn có 7 mã giảm hơn 2%, 3 mã giảm khiêm tốn nhất là VIB giảm 0,4% xuống 24.500 đồng, STB giảm 1,4% xuống 24.350 đồng và ACB giảm 1,4% xuống 24.300 đồng. Tích cực hơn có SSB đứng tham chiếu 32.000 đồng và EIB là mã duy nhất tăng trong nhóm với mức tăng khiêm tốn 0,2% lên 30.350 đồng.
Trong khi đó, nhóm chứng khoán có 5 mã giảm hơn 6%, trong đó có VND giảm 6,5% xuống 20.000 đồng, HCM giảm 6,5% xuống 24.600 đồng, một mã lớn khác là SSI giảm 5,1% xuống 22.550 đồng, chỉ có duy nhất VCI có sắc xanh nhạt tăng 0,4% lên 37.800 đồng.
Nhóm thép không còn sắc xanh, HPG đảo chiều giảm 2,3% xuống 23.000 đồng, HSG giảm 2,7% xuống 21.500 đồng…
Trong khi đó, nhóm dầu khí tất cả đều nhuộm trong sắc đỏ, trong đó GAS giảm 3,9% xuống 112.000 đồng, PVD, PET giảm kịch sàn, PLX giảm 3,6% xuống 40.000 đồng.
Trong các nhóm thị trường, ITA sau khi có lực cầu bắt đáy thoát sàn phiên sáng, đã bị đẩy lại trở lại mức sàn chiều nay trước lực cung quá lớn, đóng cửa ITA ở mức 6.070 đồng, khớp cao nhất sàn hơn 30 triệu đơn vị, nhưng không còn dư bán sàn.
“Người anh em” KBC cũng bị đẩy xuống mức kịch sàn 31.550 đồng, khớp hơn 15,5 triệu đơn vị và còn dư bán sàn.
Nhóm xây dựng, bất động sản còn có thêm DXG, CII, VGC, LDG, HDC, HTN, LGL cũng bị đẩy xuống mức kịch sàn khi đóng cửa.
Nhóm FLC chỉ còn HAI tiếp tục giảm sàn, còn lại đều thoát sắc xanh mắt mèo.
Ở chiều ngược lại, chỉ còn PDN và VIP giữ được sắc tím, trong đó PDN chủ yếu là do không có cung và tăng trần cũng với kịch bản quen thuộc là khớp 1 lệnh tối thiểu duy nhất.
Sàn HNX cũng có diễn biến tương tự khi bị đẩy mạnh ngay trong đầu phiên chiều và cũng đóng cửa ở mức thấp nhất ngày với sắc đỏ gấp hơn 4 lần sắc xanh.
Chốt phiên, HNX-Index giảm 9,22 điểm (-3,14%), xuống 284,05 điểm với 41 mã tăng, trong khi có tới 171 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 103 triệu đơn vị, giá trị 2.244,9 tỷ đồng, tăng 47% về khối lượng và 63% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 2,3 triệu đơn vị, giá trị 116,4 tỷ đồng.
Hai cổ phiếu họ FLC trên sàn này, KLF không giữ được mức tham chiếu như phiên sáng, đóng cửa giảm 4,5% xuống 2.100 đồng, khớp 7,4 triệu đơn vị, chỉ có ART duy trì đà tăng, nhưng cũng thu hẹp nhiều so với phiên sáng khi tăng 2,8% lên 3.700 đồng, khớp 2,4 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu đáng chú ý trên sàn này đều nới rộng đà giảm. Trong đó, PVS giảm 8,5% xuống 25.700 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 16,4 triệu đơn vị; SHS giảm 5,3% xuống 12.400 đồng, thấp nhất ngày, khớp hơn 9 triệu đơn vị; IDC giảm 6,4% xuống 57.100 đồng, khớp 8,4 triệu đơn vị; CEO giảm 6,3% xuống 30.000 đồng, cũng là mức thấp nhất ngày, khớp 4,2 triệu đơn vị. HUT cũng quay đầu giảm 4,5% xuống mức thấp nhất ngày khi đóng cửa 27.400 đồng, khớp 2,95 triệu đơn vị. Thậm chí, PVC bị đẩy xuống mức sàn 19.800 đồng, khớp 4,4 triệu đơn vị và còn dư bán sàn; IDJ cũng tương tự bị đẩy xuống mức sàn 15.500 đồng, khớp 4,1 triệu đơn vị.
Trong khi đó, dù cũng bị đẩy lao dốc trong phiên chiều, nhưng UPCoM lại thoát được mức thấp nhất ngày khi đóng cửa.
Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 1,26 điểm (-1,37%), xuống 90,38 điểm với 100 mã tăng và 199 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 70,8 triệu đơn vị, giá trị 1.445,6 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 16,8 triệu đơn vị, giá trị 402 tỷ đồng.
Các mã có giao dịch sôi động đều nhuộm sắc đỏ, trong đó BSR giảm 5,8% xuống 24.200 đồng, khớp 19,7 triệu đơn vị; OIL giảm 6,6% xuống 12.700 đồng, khớp gần 3 triệu đơn vị; C4G cũng quay đầu giảm nhẹ 0,7% xuống 13.800 đồng, khớp 3,54 triệu đơn vị...
Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai VN30 cũng đều giảm theo thị trường cơ sở, nhưng mức giảm nhẹ hơn. Trong đó, VN30F2209 đáo hạn tháng 9 giảm 25 điểm (-1,94%), xuống 1.265 điểm với 249.186 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 46.017 hợp đồng. VN30-Index giảm 30,11 điểm (-2,32%), xuống mức thấp nhất ngày 1.268,95 điểm.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, tuy nhiên thanh khoản hôm nay rất tốt với 13 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó CSTB2210 do HSC phát hành có thanh khoản tốt nhất là 3,2 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,8% xuống 550 đồng. Tiếp đến là CSTB2212 do VND phát hành với 2,42 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 12,3% xuống 1.000 đồng.