Giao dịch chứng khoán chiều 7/3: VN-Index mất mốc 1.500, tiền chảy mạnh vào cổ phiếu vừa và nhỏ

Giao dịch chứng khoán chiều 7/3: VN-Index mất mốc 1.500, tiền chảy mạnh vào cổ phiếu vừa và nhỏ

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Trong khi dòng bank và VHM tiếp tục cản trở thị trường thì dòng tiền sôi động với tâm điểm là các cổ phiếu vừa và nhỏ hướng đến các nhóm ngành như dầu khí, phân bón, than kéo các mã đua nhau tăng kịch trần.

Không nằm ngoài xu thế chung của thị trường quốc tế và châu Á, chứng khoán Việt đã mở cửa phiên giao dịch đầu tuần ngày 7/3 chìm trong sắc đỏ. Mặc dù nhóm cổ phiếu bluechip, đặc biệt là dòng bank đã cản trở thị trường nhưng thông tin ảnh hưởng từ việc giá dầu thô vượt 130 USD/thùng đã khiến nhóm cổ phiếu dầu khí, phân bón tiếp tục nóng lên, cùng sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu thép, đã tiếp sức giúp VN-Index lấy lại mốc 1.500 điểm khi tạm dừng phiên sáng.

Bước sang phiên giao dịch chiều, nhóm xăng dầu dù vẫn có điểm số tăng tốt nhưng độ nóng đã bớt hơn phiên sáng. Nhóm này thường đồng thuận với diễn biến giá dầu, nhưng "có giới hạn" bởi giá dầu tăng cao chưa hẳn đã đồng nghĩa với hiệu quả kinh doanh tăng lên bởi đa số trong nhóm này, xăng dầu cũng chính là nguồn đầu vào, giá tăng sẽ kéo chi phí tăng theo khi nguồn tồn kho nguyên liệu giá rẻ không còn nhiều.

Còn về tổng thể thị trường, áp lực bán tiếp tục gia tăng với tâm điểm là nhóm cổ phiếu VN30 khiến thị trường nới rộng biên độ giảm và dễ dàng thủng ngưỡng 1.500 điểm chỉ sau 30 phút mở cửa.

Chỉ số VN-Index tiếp tục trong trạng thái giằng co ở vùng giá này nhưng đã thất bại do sức ép lớn từ nhóm VN30. Tuy nhiên, điểm tích cực là dù nhóm VN30 tạo sức ép lớn khi để mất hơn 16 điểm, nhưng VN-Index chỉ giảm hơn 6 điểm với thanh khoản cải thiện, tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE đạt xấp xỉ 31.500 tỷ đồng.

Về mặt kỹ thuật, VN-Index vẫn tiếp tục chạy ngang theo biên độ hẹp, các tín hiệu tích cực cũng như tiêu cực đều xuất hiện trên đồ thị. Chỉ số không tăng nhưng đường MACD và RSI tiếp tục dốc xuống tạo phân kỳ cho thấy động lực thị trường đang yếu dần, cảnh báo khả năng thị trường có thể có đợt giảm ngắn hạn. Tuy nhiên, đường BB lại co rất hẹp phát đi tín hiệu thị trường nếu giảm cũng khó giảm sâu....

Chốt phiên, sàn HOSE có 207 mã tăng và 256 mã giảm, VN-Index giảm 6,28 điểm (-0,42%) xuống 1.499,05 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 982 triệu đơn vị, giá trị hơn 31.437 tỷ đồng, tăng 5,7% về lượng và 6,27% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 5/3. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,97 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.643 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30 có tới 22 mã giảm, gấp hơn 3 lần số mã tăng. Trong đó, các mã đều có mức giảm hơn 1%, đáng kể là TPB giảm 4,3%, VJC giảm 3,7%, SAB giảm 3,4%, ACB giảm 3,1%. Cổ phiếu tác động mạnh tới chỉ số chung là VHM giảm 2,2% xuống mức 76.200 đồng/CP.

Trái lại, các mã đi ngược xu hướng đáng kể là cặp đôi dầu khí gồm GAS tăng 5,6% lên 124,600 đồng/CP và PLX tăng 3,6% lên 63.300 đồng/CP.

Ngoài cặp đôi lớn GAS và PLX, các mã khác trong nhóm dầu khí cũng tăng mạnh, điển hình là PVD giữ vững giá trần 37.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 9,68 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 1 triệu đơn vị.

Điểm nóng vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu phân bón khi tiếp tục chứng kiến các mã đua nhau tăng kịch trần như BFC, DPM, DCM, VAF và đều trong trạng thái dư mua trần, trong đó DPM và DCM khớp lệnh hơn 6-7 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép dù hạ độ cao nhưng vẫn hỗ trợ tốt cho thị trường khi sắc xanh vẫn lan tỏa toàn ngành, trong đó HSG là mã tăng tốt nhất với biên độ tăng 4% và đóng cửa tại mức giá 42.450 đồng/CP, các mã NKG, TLH, SMC cùng tăng hơn 3%. Cổ phiếu HPG thu hẹp biên độ và kết phiên tăng 2,6% lên mức 51.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh lớn nhất thị trường, đạt 38,46 triệu đơn vị.

Trái lại, như đã nói ở trên, điểm trừ lớn thuộc về nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoại trừ EIB tiếp tục tăng mạnh 5,87% lên mức 33.350 đồng/CP, còn lại chìm trong sắc đỏ, với các mã giảm sâu như TPB giảm 4,3%, ACB giảm hơn 3%, BID, MBB, HDB giảm hơn 2%...

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, sắc đỏ cũng lấn át, từ VHM, VIC đến NVL, DIG, PDR, BCM, KDH, KBC, DXG, NLG… đồng loạt giảm.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC đồng loạt khởi sắc với giao dịch sôi động, cụ thể ROS tăng 4% lên 8.630 đồng/CP và khớp 24,91 triệu đơn vị, FLC tăng 1,5% lên 13.200 đồng/CP và khớp 29,8 triệu đơn vị, HAI tăng 5,8%, AMD tăng kịch trần…

Ngoài ra, các mã đáng chú ý khác như HAG tăng 5% lên 12.500 đồng/CP và khớp 21,1 triệu đơn vị, HNG tăng 4% lên 10.500 đồng/CP và khớp 19,66 triệu đơn vị, HQC tăng 4,6%, TSC tăng 1,5%...

Trên sàn HNX, nhóm cổ phiếu phân bón, dầu khí, than đồng loạt nổi sóng giúp thị trường giữ vững đà tăng điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 159 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index tăng 2,28 điểm (+0,51%), lên 452,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 136,64 triệu đơn vị, giá trị 3.656,91 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp thêm 4,6 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 119,34 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu HNX30 hỗ trợ tốt cho thị trường với những đại diện của các nhóm ngành trên như PVB, LAS, PVC, NBC đều kết phiên tăng kịch trần.

Bên cạnh đó, một số mã tăng tốt khác như HUT tăng 7,3%, PVS tăng 6,9%, SLS tăng 5,5%, TAR tăng 4,5%...

Trái lại, đại diện nhóm chứng khoán là BVS vẫn giảm sâu nhất trong rổ HNX30 khi để mất 4,5% xuống 40.000 đồng/CP, SHS giảm 1,3%, MBS giảm 1,6%...

Cùng các mã nhóm phân bón như PMB, PSW, PSE, các cổ phiếu ngành than còn có thêm HLC, MDC, TC6, TDN, THT, TVD đồng loạt kết phiên trong sắc tím.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, KLF cũng tăng mạnh khi có thời điểm chạm trần và kết phiên tăng 7,9% lên mức 6.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt 14,54 triệu đơn vị, vượt PVS khớp 13,98 triệu đơn vị. Ngoài ra, CVN, KSQ, PV2, SDA… đồng loạt tăng trần.

Trên UPCoM, thị trường diễn biến rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều. Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,07 điểm (-0,06%) xuống 113,22 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 112 triệu đơn vị, giá trị 2.546 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,69 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 55,55 tỷ đồng.

Cặp đôi cổ phiếu dầu khí là BSR và OIL duy trì đà tăng tốt cả về giá và thanh khoản. Kết phiên, BSR tăng 5,7% lên mức 29.500 đồng/CP và khớp lệnh vượt trội, đạt 23,42 triệu đơn vị; còn OIL tăng 8% lên mức 21.600 đồng/CP và khớp 8,32 triệu đơn vị.

Trong khi đó, đại diện nhóm cổ phiếu phân bón, DDV tiếp tục nới rộng đà tăng và kết phiên tăng 11,6% lên mức 32.800 đồng/CP , cùng thanh khoản tăng vọt so với những phiên trước đó với khối lượng khớp hơn 7,5 triệu đơn vị.

Cổ phiếu thép TVN cũng kết phiên tăng 3,5% lên 17.600 đồng/CP và khớp 1,93 triệu đơn vị, trong khi TIS tăng 3% lên 13.800 đồng/CP và khớp hơn 1 triệu đơn vị.

Trái lại, cổ phiếu ACV có phiên giảm khá mạnh khi để mất 4,3% xuống mức 89.300 đồng/CP.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều kết phiên trong sắc đỏ. Trong đó, VN30F2203 đáo hạn gần nhất giảm 8,8 điểm (-0,6%), xuống 1.504,2 điểm, khớp lệnh 114.555 đơn vị, khối lượng mở gần 31.430 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo nhưng CHPG2117 dẫn đầu thanh khoản lại tăng 1,6% lên 650 đồng/CQ và khớp 211.440 đơn vị.

Đứng ở vị trí thứ 2 là CVNM2115 khớp 169.050 đơn vị và kết phiên giảm 21,4% xuống 550 đồng/CQ.

Tin bài liên quan